Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. CHẾ ĐỘ LƯƠNG VỚI NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC CƠ YẾU

Ngày 10/10/2017, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước.

Thông tư chỉ rõ, bảng lương cấp hàm cơ yếu được quy định thành 10 bậc, từ bậc 1 đến bậc 10 tương ứng với hệ số lương từ 4,2 đến 9,2 (cấp bậc quân hàm từ Thiếu úy đến Trung tướng).

Đối với các chức danh thuộc diện xếp lương cấp hàm cơ yếu, bậc lương cấp hàm cơ yếu cao nhất được quy định như sau: Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, bậc lương cao nhất là 10, hệ số lương 9,20; Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục trưởng Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã có bậc lương cao nhất là 9, hệ số lương là 8,60; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cơ yếu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương có bậc lương cao nhất là 6, hệ số lương 6,60…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐƯỢC TỰ CHỦ TÀI CHÍNH

Quyết định số 44/2017/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/10/2017.

Tại Quyết định này, Thủ tướng cho phép Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động của Cục, trong đó có: Chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị; Chi bổ sung thu nhập cho người lao động để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017, áp dụng từ năm ngân sách 2017.

  1. BỘ TÀI CHÍNH TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH XỬ LÝ NỢ XẤU

Kế hoạch hành động triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” đã được Bộ Tài chính ban hành tại Quyết định số 2071/QĐ-BTC, ngày 16/10/2017.

Mục tiêu của Kế hoạch: Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành và chính quyền các cấp phấn đấu hoàn thành các mục tiêu được nêu tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/07/2017; Tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; Hoàn thiện thị trường chứng khoán, xây dựng khuôn khổ pháp lý về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ hỗ trợ cho việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; Tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu…

Để hoàn thành mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ cụ thể sau: Nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ; Xây dựng lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu; Xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước; Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán các khoản nợ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời thời điểm thích hợp…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Xuất nhập khẩu:

  1. THÍ ĐIỂM GIÁM SÁT HẢI QUAN TỰ ĐỘNG VỚI HÀNG XNK TẠI SÂN BAY NỘI BÀI

Ngày 13/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2061/QĐ-BTC về việc áp dụng thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Phạm vi áp dụng thí điểm là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh có cửa khẩu xuất (địa điểm xếp hàng khai trên tờ khai xuất khẩu) hoặc cửa khẩu nhập (địa điểm dỡ hàng khai trên tờ khai nhập khẩu) là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan Thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện thí điểm từ 16/10/2017 đến thời điểm Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành.

Theo Quyết định này, hàng hóa được phép đưa vào kho hàng không bao gồm: Hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan và được Hệ thống hải quan gửi thông tin hàng hóa đủ điều kiện đưa vào khu vực giám sát hải quan; Hàng hóa nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan, được dỡ xuống từ phương tiện vận tải nhập cảnh đưa vào kho hàng không để chờ làm tục hải quan.

Hàng hóa được phép đưa ra kho hàng không gồm: Hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ trong kho hàng không; Hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ trong kho hàng không được cơ quan hải quan gửi thông tin xác nhận đủ điều kiện cho phép đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tới doanh nghiệp kinh doanh kho hàng không.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/10/2017.

Thương mại:

  1. TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO

Tính đến nay, nước ta đã ký kết và đang thực thi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA); việc thực thi các FTA này góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. Do đó, ngày 19/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 38/CT-TTg về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo cơ chế một cửa nhằm cải cách công tác cấp các loại giấy phép liên quan cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm chi phí xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa; Tăng cường sự tham gia của người dân và đặc biệt là doanh nghiệp vào quá trình làm luật để phù hợp với cam kết quốc tế và bảo vệ lợi ích trong nước…

Riêng Bộ Công Thương được giao trách nhiệm chủ trì xây dựng một trang thông tin điện tử nhằm giới thiệu tới doanh nghiệp cam kết trong các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm nghiên cứu các giải pháp cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn để hỗ trợ ngành nông nghiệp đối phó với cạnh tranh khi thuế nhập khẩu đang và sẽ được xóa bỏ.

  1. TỪ 2018, NHẬP KHẨU Ô TÔ PHẢI CÓ GIẤY PHÉP KINH DOANH NHẬP KHẨU

Ngày 17/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Theo đó, từ ngày 01/01/2018, doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Để được cấp Giấy phép, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp; Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Doanh nghiệp không cung cấp sổ bảo hành hoặc cung cấp điều kiện bảo hành thấp hơn so với điều kiện bảo hành theo quy định sẽ bị tạm dừng hiệu lực, thu hồi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Nghị định này cũng yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải bảo hành ô tô con mới tối thiểu là 03 năm hoặc 100.000km; bảo hành 02 năm hoặc 50.000km đối với ô tô con đã qua sử dụng.

Ngoài ra, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô khi đáp ứng 10 điều kiện về: Nhà xưởng; nhân lực; có khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho linh kiện, khu vực rửa xe; có trang thiết bị đo lường, thiết bị chẩn đoán động cơ…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. HƯỚNG DẪN QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH ĐẶT CƯỢC

Thông tư số 101/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế đã được Bộ Tài chính ban hành ngày 04/10/2017.

Theo hướng dẫn của Thông tư này, chi phí trả thưởng là số tiền thực tế doanh nghiệp kinh doanh đặt cược trả cho người chơi trúng thưởng khi tham gia đặt cược theo quy định tại Thể lệ đặt cược và quy định của pháp luật về thuế; Mức chi hoa hồng đại lý bán vé do doanh nghiệp kinh doanh đặt cược quyết định và phải được quy định cụ thể tại Hợp đồng đại lý bán vé đặt cược ký kết giữa doanh nghiệp kinh doanh đặt cược và đại lý bán vé đặt cược. Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp của các cá nhân làm đại lý bán vé đặt cược trước khi thanh toán tiền cho đại lý bán vé đặt cược theo quy định của pháp luật thuế.

Về chi phí ủy quyền trả thưởng: Mức phí ủy quyền trả thưởng cho đại lý bán vé do doanh nghiệp kinh doanh đặt cược quyết định nhưng tối đa không quá 0,2% tổng giá trị giải thưởng mà đại lý bán vé đặt cược đã thanh toán theo ủy quyền.

Thông tư cũng quy định, hoạt động tổ chức cuộc đua ngựa, đua chó của doanh nghiệp có thể bị tạm dừng và xử lý theo pháp luật trong các trường hợp như: Các thiết bị xuất phát và camera xác định ngựa đua, chó đua về đích chưa đầy đủ; Gian lận trong việc tổ chức cuộc đua…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Giao thông:

  1. CHỈ TƯỚC GIẤY PHÉP LÁI XE ĐỐI VỚI LOẠI XE ĐÃ ĐIỀU KHIỂN KHI VI PHẠM

Đây là thông tin được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra tại Thông tư số 37/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 quy định về mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Thông tư quy định rõ, trường hợp người vi phạm hành chính có Giấy phép lái xe (GPLX) tích hợp của GPLX có thời hạn và GPLX không thời hạn, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX, người có thẩm quyền quyết định xử phạt phải ghi rõ trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính các hạng xe được phép điều khiển theo GPLX và áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn hoặc GPLX không thời hạn đối với loại xe đã sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm (xe ô tô hoặc máy kéo hoặc xe mô tô). Người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong GPLX.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kèm theo Thông tư này 20 mẫu quyết định và 10 mẫu biên bản mới được sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; trong đó có: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo thủ tục xử phạt không lập biên bản; Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Thông tin-Truyền thông:

  1. CẢNH BÁO NGUY CƠ MẤT AN TOÀN THÔNG TIN KHI SỬ DỤNG WI-FI

Ngày 16/10/2017, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 541/CATTT-TĐQLGS về việc cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin trên các thiết bị sử dụng mạng Wi-Fi.

Theo Công văn này, hiện đang có một nhóm lỗ hổng tồn tại trong chính nội tại của giao thức mạng không dây Wi-Fi. Lỗ hổng này có thể bị lợi dụng để đánh cắp các thông tin cá nhân, thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tài khoản mạng xã hội, tài khoản trực tuyến, thông tin riêng, nội dung chat, thư điện tử, hình ảnh, video… được truyền qua Wi-Fi. Các thiết bị Android, Linux, Apple, Windows… đều có thể bị tấn công.

Do đó, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dùng luôn cẩn trọng khi sử dụng các mạng không dây, đặc biệt là các mạng không dây công cộng, chỉ truy cập các trang web sử dụng giao thức bảo mật HTTPS và thận trọng khi nhập thông tin các tài khoản cá nhân hay các thông tin nhạy cảm khác trên các trang web.

Lỗ hổng trên các thiết bị phát sóng không dây khó có thể có bản vá ngay lập tức, vì vậy cần thường xuyên theo dõi các bản cập nhật trên các thiết bị cầm tay, các thiết bị di dộng, trình điều khiển card mạng không dây của máy tính và các thiết bị phát sóng Wi-Fi để cập nhật ngay khi có các bản vá mới. Ngoài ra, tiếp tục duy trì giao thức mã hóa WPA/WPA2 cho các thiết bị phát Wi-Fi sử dụng tại gia đình kết hợp với mật mã ở mức độ khó cao.

Trong trường hợp cần thiết, người dùng có thể liên hệ với Cục An toàn thông tin, số điện thoại: 04.3943.6684, thư điện tử ais@mic.gov.vn để được phối hợp, hỗ trợ.

  1. CHỨC NĂNG, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM INTERNET VIỆT NAM

Ngày 13/10/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1756/QĐ-BTTTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Internet Việt Nam.

Theo đó, Trung tâm Internet Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý và thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên Internet ở Việt Nam; Thiết lập, quản lý và khai thác Hệ thống DNS quốc gia, Trạm trung chuyển Internet quốc gia. Trung tâm Internet Việt Nam có tên quốc tế là Vietnam Internet Network Information Center (viết tắt là VNNIC), và có trụ sở chính đặt tại Thành phố Hà Nội.

Lãnh đạo Trung tâm Internet Việt Nam có Giám đốc và các Phó Giám đốc. Về tổ chức bộ máy, Trung tâm có tổng cộng 07 đơn vị chức năng, gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Tài chính - Kế toán; Phòng Hợp tác - Quản lý tài nguyên; Phòng Kế hoạch - Đầu tư; Phòng Phát triển tên miền; Phòng Kỹ thuật; Đài DNS và VNIX. Các đơn vị trực thuộc khác của Trung tâm gồm: Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh; Chi nhánh tại Thành phố Đà Nẵng. Số lượng người làm việc, lao động của Trung tâm do Giám đốc Trung tâm xây dựng, trình Bộ trưởng quyết định.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký, bãi bỏ Quyết định số 1198/QĐ-BTTTT ngày 20/07/2015

Hành chính:

  1. ĐỀ ÁN ĐO LƯỜNG SỰ HÀI LÒNG ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH

Nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính Nhà nước, tại Quyết định số 2640/QĐ-BNV ngày 10/10/2017, Bộ Nội vụ đã phê duyệt Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020.

Đề án xây dựng khung đo lường sự hài lòng để áp dụng thống nhất trong cả nước cho giai đoạn 2017 - 2020; Hàng năm, tiến hành đo lường và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính quy mô quốc gia vào quý IV hàng năm. Có 05 yếu tố đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính Nhà nước; Thủ tục hành chính; Công chức giải quyết công việc; Kết quả cung ứng dịch vụ hànhchính công và Tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị.

Đề án cũng nêu rõ, tùy theo điều kiện cụ thể, áp dụng một cách phù hợp một hoặc nhiều phương thức điều tra xã hội học để đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức như: Phát phiếu điều tra xã hội học trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người dân, tổ chức để trả lời; Phỏng vấn trực tiếp dựa theo bộ câu hỏi có sẵn; Khảo sát trực tuyến trên mạng Internet; Khảo sát qua gọi điện thoại; nhắn tin SMS; Khảo sát thông qua màn hình điện tử…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1383/QĐ-BNV ngày 28/12/2012.

Tư pháp-Hộ tịch:

  1. MỨC TIỀN PHÁP NHÂN PHẢI NỘP ĐỂ BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 115/2017/NĐ-CP ngày 16/10/2017 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã nộp.

Theo Nghị định này, mức tiền mà pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trong từng trường hợp cụ thể, nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức phạt tiền cao nhất quy định tại điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.

Về mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, Nghị định quy định, trong trường hợp điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì mức tiền nộp không dưới 50% và không cao hơn mức thiệt hại cao nhất về tài sản quy định tại điều khoản đó. Trong trường hợp điều khoản được áp dụng không có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì tùy từng trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp để xác định mức thiệt hại làm cơ sở cho việc quyết định mức tiền cụ thể; mức tiền này không cao hơn mức thiệt hại thực tế đã được xác định.

Nghị định cũng chỉ rõ, tiền được nộp để bảo đảm thi hành án là Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ thuộc sở hữu hợp pháp của pháp nhân. Pháp nhân thực hiện nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.


 

Đang truy cập: 26
Trong ngày: 116
Trong tuần: 711
Lượt truy cập: 1591822
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com