Doanh nghiệp:

  1. HẦU HẾT DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SẼ TRỞ THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN

Đây là một trong những nội dung nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/06/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước được ban hành kèm theo Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017.

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp vào năm 2018… Phấn đấu đến năm 2030, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần…

Với mục tiêu nêu trên, Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và gắn việc cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải niêm yết trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu. Doanh nghiệp cố tình không niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngoài ra, tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước sẽ được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho mục đích chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; đảm bảo đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là 250.000 tỷ đồng, riêng năm 2017 là 60.000 tỷ đồng.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. TẾT ÂM LỊCH 2018: ĐỀ XUẤT NGHỈ 7 NGÀY

Ngày 27/09/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra Công văn số 4092/LĐTBXH-ATLĐ về ngày nghỉ lễ, tết năm 2018.

Tại Công văn này, Bộ nhận định các ngày nghỉ lễ, tết năm 2018 đều liền với các ngày nghỉ hàng tuần, không có tình huống ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ. Do vậy, Bộ chỉ đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch 2018.

Cụ thể, dịp Tết Âm lịch, công chức, viên chức nghỉ liền 07 ngày, từ ngày 14/02/2018 đến hết ngày 20/02/2018 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến hết mùng 05 tháng Giêng năm Mậu Tuất); trong đó, các ngày từ 14/02/2018 đến 18/02/2018 là các ngày nghỉ tết; các ngày còn lại là ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ bù của ngày nghỉ hằng tuần.

  1. ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM

Nghị quyết số 93/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã được Chính phủ ban hành ngày 26/09/2017.

Theo Nghị quyết này, tại thủ tục Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; Tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp; Chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp; Giải quyết hỗ trợ học nghề…, sẽ bãi bỏ thông tin ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân (CMND), ngày cấp, nơi cấp, nơi thường trú trong các mẫu đơn liên quan; bổ sung số định danh cá nhân và nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).

Đối với thủ tục Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người lao động, Cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trên Giấy đề nghị vay vốn, bỏ các thông tin về ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, giới tính, số CMND, hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp. Riêng với thủ tục cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người lao động, không yêu cầu phải nộp bản sao CMND hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước trong hồ sơ vay vốn.

Tương tự, với thủ tục Hỗ trợ cho người lao động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề; Hỗ trợ cho người lao động thuộc đối tượng là người bị thu hồi đất nông nghiệp đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Giấy đề nghị hỗ trợ cũng được điều chỉnh theo hướng bỏ thông tin về ngày, tháng, năm sinh, giới tính, số CMND, ngày cấp, cơ quan cấp, nơi đăng ký thường trú; bổ sung số định danh cá nhân.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày ký

Bảo hiểm:

  1. NĂM 2020, TRÊN 90% DÂN SỐ THAM GIA BHYT

Đây là một trong những mục tiêu được Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu tại Quyết định số 1541/QĐ-BHXH ngày 22/09/2017 về Chương trình hành động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/06/2017 của Chính phủ.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020, nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT); Có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN và trên 90% dân số tham gia BHYT…

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cần tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống trục lợi, lạm dụng Quỹ BHXH, BHTN, BHYT; Tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, BHYT; Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; Quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH, BHTN.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. BỎ HƯỚNG DẪN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG ĐẠI LÝ BẢO HIỂM

Ngày 20/09/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1871/QĐ-BTC về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh hết hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần được đề cập đến trong Quyết định này là Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02/07/2014 về việc hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. 

Cụ thể, từ ngày 01/07/2016, không áp dụng quy định về điều kiện để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; quy định về đào tạo nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Những nội dung liên quan sẽ được thực hiện theo Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký

Thương mại:

  1. TỪ NĂM 2018, CHỈ BÁN XĂNG E5 RON 92, XĂNG KHOÁNG RON 95

Tại Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22/09/2017 về việc tăng cường triển khai thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Bộ Công Thương một lần nữa nhấn mạnh, từ năm 2018, chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật về bồn bể, kho chứa, các cơ sở phối trộn và phân phối xăng sinh học E5 RON 92, đảm bảo nguồn cung xăng sinh học E5 RON 92 đáp ứng nhu cầu thị trường; Đăng ký kế hoạch kinh doanh xăng E5 RON 92 với UBND cấp tỉnh. Đồng thời, triển khai tái khởi động Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu E100 Bình Phước và Nhà máy sản xuất ethanol sinh học Dung Quất, đảm bảo hoạt động trở lại kể

từ ngày 01/01/2018.

Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương chủ động xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu gắn liền với 04 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu; Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng xăng dầu, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu, tiêu chuẩn khí thải; Xây dựng cơ chế về giá, thuế đối với nguồn etanol nhiên liệu, đảm bảo chênh lệch giá của E100 nhập khẩu chỉ cao hơn 5 - 7% so với E100 sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo sẽ triển khai Chương trình truyền thông quốc gia nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học và tăng cường tổ chức kiểm tra các trạm phối trộn xăng sinh học E5 RON 92 tại một số địa bàn trọng điểm…

Giao thông:

  1. TỪ 1/12, ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN MỚI VỚI SỸ QUAN KIỂM TRA TÀU BIỂN

Ngày 28/09/2017, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2013/TT-BGTVT ngày 16/12/2013 quy định về sỹ quan kiểm tra tàu biển; trong đó có một số quy định mới về tiêu chuẩn đối với sỹ quan kiểm tra tàu biển.

Cụ thể, sỹ quan kiểm tra tàu biển Việt Nam phải là thuyền trưởng hoặc máy trưởng tàu biển có tổng dung tích từ 3000GT hoặc tổng công suất máy chính từ 3000KW trở lên, có thời gian đảm nhận chức danh tối thiểu 06 tháng; hoặc là công chức, viên chức của Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải làm công tác an toàn hàng hải, thanh tra hàng hải có thời gian công tác tối thiểu 05 năm.

Về ngoại ngữ, sỹ quan kiểm tra tàu biển Việt Nam phải có trình độ tiếng Anh cấp độ B1 theo Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ hoặc chứng chỉ quốc tế TOEIC từ 450 điểm hoặc IELTS từ 4.5 điểm hoặc TOEFL CBT từ 133 điểm… hoặc có bằng cử nhân Anh văn. Bên cạnh đó, sỹ quan kiểm tra tàu biển phải có tối thiểu 30 lượt thực tập kiểm tra tàu biển Việt Nam được Giám đốc Cảng vụ hàng hải nơi thực tập xác nhận.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. CÓ THỂ THI THPT QUỐC GIA TRÊN MÁY TÍNH TỪ 2021

Đây là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 4462/BGDĐT-QLCL ngày 25/09/2017 về việc tổ chức kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy từ năm 2018.

Cụ thể, trong các năm 2018, 2019 và 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định vẫn sẽ tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

Bên cạnh đó, sẽ tiến hành rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh để phù hợp với thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

Với các trường sư phạm, Bộ yêu cầu đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường, nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp, bậc học.

  1. ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP NGHỀ

Quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 21/09/2017.

Theo đó, các trường tổ chức đào tạo liên thông phải đáp ứng các yêu cầu sau: Đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đối với những ngành, nghề trường dự kiến đào tạo liên thông ở trình độ tương ứng; Đã ban hành chương trình đào tạo liên thông cho những ngành, nghề trường dự kiến đào tạo liên thông; Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, trường phải đáp ứng thêm điều kiện có ít nhất 01 khóa học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng theo hình thức đào tạo chính quy đã tốt nghiệp.

Thời gian tuyển sinh đào tạo liên thông được thực hiện một hoặc nhiều lần trong năm và thông qua 03 hình thức, gồm: Xét tuyển; Thi tuyển; Kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển.

Cũng theo Thông tư này, sau khóa học, người học sẽ được cấp Bằng tốt nghiệp. Đối với người học liên thông theo hình thức đào tạo chính quy được cấp bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo là chính quy; Người học liên thông theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được cấp bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo là vừa làm vừa học. Bảng điểm của người học phải ghi đầy đủ, rõ ràng kết quả học tập cùng số tín chỉ của các môn học, mô-đun trong thời gian đào tạo liên thông và của các môn học, mô-đun khác đã được công nhận.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/11/2017.

Xuất nhập cảnh:

  1. LÀM THỦ TỤC TÀU BAY XUẤT, NHẬP CẢNH QUA CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA

Ngày 26/09/2017, Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định về trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Quyết định chỉ rõ, sẽ thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia (https://www.vnsw.gov.vn). Người làm thủ tục là cơ trưởng hoặc là người đại diện hợp pháp của hãng hàng không hoặc là các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc khai báo và làm thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Người làm thủ tục phải tự khai và nộp các thông tin, chứng từ theo quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm về sự chính xác và trung thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; sự thống nhất về nội dung thông tin giữa chứng từ giấy và chứng từ điện tử. Đồng thời, phải lưu giữ hồ sơ và chứng từ liên quan đến làm thủ tục với các cơ quan quản lý Nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Trường hợp do sự cố kỹ thuật hoặc trường hợp bất khả kháng, người làm thủ tục không thể khai báo làm thủ tục điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thì làm thủ tục bằng hồ sơ giấy theo quy định,  hoặc khai báo làm thủ tục qua hệ thống thông tin nghiệp vụ theo hướng dẫn của cơ quan quản lý tại cảng hàng không.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2017.


 

Đang truy cập: 26
Trong ngày: 104
Trong tuần: 699
Lượt truy cập: 1591808
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com