Doanh nghiệp:
- HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP ĐƯỢC MIỄN, GIẢM TIỀN THUÊ ĐẤT
Nội dung này được Chính phủ quy định tại Nghị định số 107/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.
Cụ thể, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp sẽ được hưởng các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP và Nghị định số 135/2016/NĐ-CP. Các thành viên, hợp tác xã thành viên được khuyến khích góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mặt nước để làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Đồng thời, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nêu trên còn được ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để thực hiện các dịch vụ công ích, hợp tác tiêu thụ sản phẩm và gắn với chuỗi giá trị.
Cũng theo Nghị định này, trong Hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ không còn Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân như quy định trước đây.
Nghị định được ban hành và có hiệu lực cùng ngày 15/09/2017.
Thuế-Phí-Lệ phí:
- BỎ QUY ĐỊNH VỀ NỘP MẪU 06/GTGT
Đây là điểm mới nổi bật tại Thông tư số 93/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 (đã sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014) và bãi bỏ khoản 7 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013.
Cụ thể, Thông tư đã bỏ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có doanh thu dưới 01 tỷ đồng nhưng vẫn thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định phải đăng ký tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Mẫu 06/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
Tương tự, Thông tư cũng bỏ quy định phải nộp Mẫu 06/GTGT khi chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT. Trước đây, người nộp thuế đang áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp chuyển sang phương pháp khấu trừ hoặc ngược lại phải gửi văn bản thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT theo Mẫu 06/GTGT.
Thông tư này cũng quy định, phương pháp tính thuế của cơ sở kinh doanh sẽ được xác định theo Hồ sơ khai thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Thông tư số 26/2015/TT-BTC).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/11/2017.
Đầu tư:
- BỘ CÔNG THƯƠNG CẮT GIẢM 675 ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ, KINH DOANH
Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018 đã được Bộ này ban hành tại Quyết định 3610a/QĐ-BCT ngày 20/09/2017.
Cụ thể, có 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ được cắt giảm, thuộc 16 lĩnh vực: An toàn thực phẩm; Điện; Giám định thương mại; Hoạt động Sở Giao dịch hàng hóa; Hoạt động thương mại điện tử; Kinh doanh dịch vụ; Kinh doanh hóa chất; Kinh doanh rượu; Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp; Kinh doanh thuốc lá; Kinh doanh tiền chất thuốc nổ; Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; Kinh doanh khí; Kinh doanh xăng dầu; Nhượng quyền thương mại; Kinh doanh tiền chất công nghiệp.
Trong số đó, đáng chú ý là các điều kiện đầu tư, kinh doanh như: Điều kiện để cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (bỏ quy định người tham gia trực tiếp sản xuất rượu phải đảm bảo sức khoẻ, không mắc bệnh truyền nhiễm…); Điều kiện bắt buộc thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh; Một số điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (về diện tích nhà xưởng sản xuất, ánh sáng, thông gió…).
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
- KHÔNG SỬ DỤNG VỐN VAY NƯỚC NGOÀI CHO CHI THƯỜNG XUYÊN
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 21/09/2017 về việc tăng cường quản lý, giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương.
Cụ thể, trong bối cảnh nợ công, nợ Chính phủ đang tăng cao, các địa phương khi đề xuất đầu tư cần ưu tiên sử dụng vốn vay ODA cho các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương; vốn vay nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
Khi thực hiện kế hoạch vay, trả nợ nước ngoài, các địa phương ưu tiên giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài vay về cho vay lại đã cam kết với nhà tài trợ. Trường hợp sử dụng khoản vay về cho vay lại làm cho dư nợ thực tế vượt mức dư nợ tối đa cho phép hoặc vượt quá dự toán vay trong năm đã được phê duyệt, các địa phương phải bố trí giảm kế hoạch vay các khoản khác hoặc thực hiện trả nợ để đảm bảo các giới hạn nợ theo quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, quản lý vay, trả nợ vay chính quyền địa phương chặt chẽ, đảm bảo không vượt quá mức dư nợ tối đa của từng tỉnh, thành phố theo quy định của Luật.
Xây dựng:
- PHÍ SÁT HẠCH CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ XÂY DỰNG TỐI ĐA 500.000 ĐỒNG/LƯỢT
Ngày 21/09/2017, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 970/QĐ-BXD ban hành Quy định về chi phí sát hạch phục vụ cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Cụ thể, mức thu chi phí sát hạch được tính theo lượt sát hạch của cá nhân và được xác định như sau: Chi phí sát hạch do Sở Xây dựng địa phương tổ chức là 450.000 đồng/lượt sát hạch; do Cục Quản lý hoạt động xây dựng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tổ chức là 500.000 đồng/lượt sát hạch.
Theo Quy định, không sử dụng ngân sách Nhà nước để tổ chức thi sát hạch phục vụ cấp Chứng chỉ hành nghề xây dựng. Do đó, chi phí sát hạch là khoản tiền mà cá nhân phải nộp khi tham gia sát hạch phục vụ cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, để bù đắp chi phí tổ chức sát hạch. Cá nhân tham dự sát hạch thực hiện nộp phí một lần trước khi tham gia sát hạch; chi phí này không được hoàn trả trong mọi trường hợp.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Thương mại:
- BÃI BỎ LOẠT QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THÉP
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 18/2017/TT-BCT ngày 21/09/2017, bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Thông tư này bãi bỏ loạt quy định liên quan đến việc quản lý chất lượng thép đã quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN. Cụ thể, bỏ quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và quản lý chất lượng thép nhập khẩu; Trình tự, thủ tục xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép; Trình tự, thủ tục xác nhận kê khai nhập khẩu thép; Trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra chất lượng thép sản xuất trong nước và chất lượng thép nhập khẩu; Xử lý đối với lô sản phẩm không phù hợp…
Thông tư cũng bãi bỏ Danh mục các sản phẩm thép phải kê khai nhập khẩu, xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép; Bãi bỏ mẫu Bản kê khai thép nhập khẩu; Mẫu đăng ký kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu; Mẫu phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu; Mẫu thông báo kết quả kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu; Mẫu Giấy xác nhận số lần kiểm tra liên tiếp…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 08/11/2017.
- KINH DOANH THUỐC LÁ LÀ NGÀNH, NGHỀ CÓ ĐIỀU KIỆN
Tại Nghị định số 106/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, Chính phủ quy định kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; trong khi trước đây, thuốc lá thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh.
Nghị định cũng cho phép thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá được mua sản phẩm từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán tại các địa điểm được cấp phép, thay vì chỉ được mua từ các thương nhân bán buôn như quy định cũ.
Các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá được mua sản phẩm từ các Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá khác để bán cho các thương nhân mua bán sản phẩm thuốc lá hoặc bán tại các điểm bán lẻ của thương nhân trên phạm vi địa bàn được cấp phép.
Ngoài ra, Nghị định còn bãi bỏ một số điều kiện cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá đã được quy định trước đây. Cụ thể, với Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá và Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu về phương tiện vận tải. Với Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải từ 03 m2 trở lên…
Nghị định này được ban hành ngày 14/09/2017; có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.
- ĐIỀU KIỆN BUÔN BÁN PHÂN BÓN
Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón đã được Chính phủ ban hành ngày 20/09/2017, trong đó quy định cụ thể về các điều kiện buôn bán phân bón.
Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng 04 điều kiện, gồm: Tổ chức, cá nhân được đăng ký hoặc thành lập theo quy định của pháp luật; Có cửa hàng buôn bán phân bón; cửa hàng phải có biển hiệu, sổ ghi chép, bảng giá bán công khai; Có khu vực chứa phân bón; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng; Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.
Trường hợp cơ sở buôn bán phân bón không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp; có sổ ghi chép việc mua, bán phân bón và người trực tiếp bán phân bón cũng phải đáp ứng yêu cầu nêu trên.
Tổ chức, cá nhân đang hoạt động buôn bán phân bón trước ngày 20/09/2017 phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong 36 tháng, kể từ ngày 20/09/2017.
Cũng theo Nghị định này, phân bón là sản phẩm, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, được Cục Bảo vệ thực vật công nhận lưu hành tại Việt Nam. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận 01 tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký
- THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH TẠI CHỢ BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG
Thông tư số 17/2017/TT-BCT hướng dẫn thực hiện quy định về khu (điểm) chợ biên giới tại Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã được Bộ Công Thương ban hành ngày 19/09/2017.
Thông tư này quy định, thương nhân và cư dân biên giới Việt Nam có nhu cầu kinh doanh tại khu chợ biên giới Việt Nam - Trung Hoa phải gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Công Thương hoặc cơ quan được Sở Công Thương ủy quyền để đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký kinh doanh theo mẫu; 01 bản sao có chứng thực của các loại giấy tờ: Hợp đồng hoặc thỏa thuận với đơn vị quản lý chợ về việc thuê quầy hàng hoặc sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng tại chợ; Giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh còn giá trị; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 02 ảnh cỡ 4x6.
Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Công Thương hoặc cơ quan được ủy quyền căn cứ vào nhu cầu của thị trường địa phương, khả năng bố trí địa điểm kinh doanh tại khu chợ biên giới để xem xét, xác nhận cho phép thương nhân, cư dân biên giới kinh doanh. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong 03 ngày làm việc, Sở Công Thương hoặc cơ quan được ủy quyền phải gửi văn bản đề nghị thương nhân, cư dân biên giới bổ sung.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017
Khoa học-Công nghệ:
- ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ngày 15/09/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo đó, sẽ thực hiện đơn giản hóa 07 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ tại các lĩnh vực: Sở hữu trí tuệ; Hoạt động khoa học và công nghệ.
Cụ thể như: Bỏ bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (nếu có) và thay bằng số định danh cá nhân trong các Tờ khai yêu cầu cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp, Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao…
Đồng thời, bỏ thành phần hồ sơ là Sơ yếu lý lịch, bỏ các thông tin về ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú và bổ sung số định danh cá nhân tại Đơn đề nghị được làm việc chính thức, Đơn đề nghị được làm việc kiêm nhiệm trong Thủ tục cấp, thay đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận hoạt động cho văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ…
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.
Văn hóa-Thể thao-Du lịch:
- QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI
Từ ngày 10/11/2017, việc bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam sẽ được thực hiện theo quy định của Nghị định số 109/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 21/09/2017.
Theo Nghị định này, khu vực di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Vùng đệm của khu vực di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Về quy hoạch tổng thể di sản thế giới, Nghị định quy định Thủ tướng sẽ quyết định đối với việc lập quy hoạch tổng thể di sản thế giới. Trường hợp di sản thế giới đồng thời có khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển thì chỉ lập 01 quy hoạch tổng thể di sản thế giới, trong đó lồng ghép nội dung giữa bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh với bảo vệ tài nguyên du lịch, tài nguyên rừng…
Ngoài ra, Nghị định quy định thời hạn của kế hoạch quản lý di sản thế giới là 05 năm, tầm nhìn 20 năm; Kế hoạch quản lý di sản thế giới phải phân thành định kỳ 05 năm để đánh giá lại, xem xét điều chỉnh bảo đảm phù hợp với thực tiễn bảo vệ và quản lý di sản thế giới của từng thời điểm.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/11/2017
Hình sự:
- BAN HÀNH 60 BIỂU MẪU MỚI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP về một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Tố tụng hình sự đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 19/09/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Nghị quyết này công bố 60 biểu mẫu mới sử dụng trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trong đó, đáng chú ý là các biểu mẫu như: Quyết định Phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký trước khi mở phiên tòa; Quyết định tạm giam; Thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng; Quyết định trưng cầu giám định; Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm/phúc thẩm; Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Thông báo yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ; Thông báo về việc kháng cáo (kháng nghị), rút kháng cáo (kháng nghị); Mẫu Biên bản phiên tòa hình sự…
Công nghiệp:
- BÀN GIAO CÔNG TRÌNH ĐIỆN VỐN NHÀ NƯỚC CHO EVN QUẢN LÝ
Được ban hành ngày 15/09/2017, Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn Nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý.
Theo đó, việc điều chuyển công trình điện được thực hiện theo phương thức ghi tăng vốn Nhà nước đầu tư tại EVN theo giá trị công trình điện giao, nhận và không hoàn trả vốn. Việc xác định giá trị công trình điện giao, nhận được xác định bằng giá trị còn lại của công trình điện đang được theo dõi trên sổ kế toán tại thời điểm kiểm kê, xác định giá trị.
Đối với các trường hợp công trình điện nằm trong khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, trong phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng mà không thể tách rời, Bên giao tiếp tục quản lý, sử dụng phần diện tích đất gắn liền với công trình điện được bàn giao; thực hiện ký thỏa thuận với EVN và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho EVN thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý vận hành công trình điện được bàn giao.
Trường hợp đất nằm ngoài khuôn viên hoặc có thể tách rời, EVN có trách nhiệm phối hợp với Bên giao làm thủ tục thuê đất đối với phần diện tích đất gắn liền với công trình điện nhận bàn giao.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2017
Nông nghiệp-Lâm nghiệp:
- MỤC TIÊU ĐẾN 2020, TỔNG SẢN LƯỢNG THỦY SẢN ĐẠT ĐẾN 7 TRIỆU TẤN
Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1434/QĐ-TTg ngày 22/09/2017.
Chương trình này đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt từ 6,5 - 07 triệu tấn; Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt từ 08 - 09 tỷ USD; Chủ động sản xuất trong nước 100% giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; 100% giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra là giống sạch bệnh; 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương…
Với tổng vốn đầu tư 49.248 tỷ đồng, Chương trình tập trung vào các giải pháp: Rà soát quy hoạch, các dự án đầu tư; Khoa học công nghệ; Mở rộng hợp tác quốc tế; Tổ chức sản xuất. Trong đó, tổ chức lại mô hình các hộ gia đình sản xuất nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ hợp tác, tổ chức cộng đồng hoặc hợp tác xã, tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm; Áp dụng kỹ thuật xây dựng tiên tiến để giảm chi phí, rút ngắn thời gian thi công các công trình đê chắn sóng, chắn cát, kè bảo vệ bờ, cầu cảng…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |