Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. ÁP DỤNG CƠ CHẾ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH VỚI CỤC VIỄN THÔNG, CỤC TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Ngày 15/09/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 40/2017/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Viễn thông và Cục Tần số vô tuyến điện.

Tại các Quyết định này, Thủ tướng chính thức cho phép Cục Viễn thông và Cục Tần số vô tuyến điện được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP.

Cục Viễn thông và Cục Tần số vô tuyến điện sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động của Cục, trong đó có: Chi đầu tư; chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị; chi bổ sung thu nhập cho người lao động; chi các nhiệm vụ đặc thù theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục.

Các Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2017

Thương mại:

  1. CẤM BÁN RƯỢU CHO NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI

Tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu, việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi được quy định là một hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, một loạt hành vi vi phạm khác về kinh doanh rượu cũng được đề cập đến, như: Bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; Trưng bày, mua, bán lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem nhãn đúng quy định, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Ngoài ra, Nghị định quy định rõ về các điều kiện bán lẻ rượu, cụ thể: Phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, iên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định; Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng; Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu; Rượu phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm; Tuân thủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy…

Trường hợp sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Nghị định yêu cầu đối tượng phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc là hộ kinh doanh được thành lập theo quy định; Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu.

Nghị định này được ban hành ngày 14/09/2017, có hiệu lực từ ngày 01/11/2017; thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012

  1. XÂY DỰNG TRUNG TÂM MUA BÁN THÓC, GẠO TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 05/09/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3434/QĐ-BCT về Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, giai đoạn 2017 - 2018 xây dựng kế hoạch và giai đoạn 2018 - 2030 triển khai thực hiện kế hoạch và giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu gạo, tập trung vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng như châu Âu và châu Mỹ. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lúa, gạo; tổ chức cập nhật thông tin về thị trường lúa, gạo phục vụ công tác phát triển thị trường xuất khẩu. Đến hết năm 2020, sẽ xây dựng Trung tâm giao dịch, đầu mối mua bán, giới thiệu sản phẩm thóc, gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo rà soát, xác định các vùng trồng lúa để điều chỉnh quy hoạch sản xuất, chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang mục đích khác; Tổ chức sản xuất theo vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh lúa phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cụ thể theo đặt hàng của doanh nghiệp; Ban hành Quy trình, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản lúa gạo; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các thương nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lúa gạo sử dụng công nghệ cao, sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng, gạo đặc sản và chế biến phụ phẩm từ lúa gạo sẽ được hưởng chính sách ưu đãi.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. KHÔNG CỨU NGƯỜI BỊ NẠN TRÊN SÔNG, BIỂN BỊ PHẠT ĐẾN 10 TRIỆU ĐỒNG

Quy định mới về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017.

Nghị định này chỉ rõ, hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng; trong khi trước đây, mức phạt đối với hành vi này chỉ từ 03 - 05 triệu đồng.

Nghị định cũng tăng mức phạt đối với hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ lên mức từ 20 - 40 triệu đồng, thay vì từ 10 - 20 triệu đồng như trước.

Bên cạnh đó, hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng hoặc thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp. Hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.

Với hành vi đóng thiếu vào Quỹ phòng, chống thiên tai, Nghị định quy định phạt tiền bằng số tiền phải đóng góp còn thiếu theo từng đợt; Với hành vi đóng chậm, mức phạt tiền gấp 1,5 lần mức phải đóng góp theo từng đợt; Với hành vi không đóng, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phải đóng góp theo từng đợt. Trong cả 03 trường hợp này, mức phạt tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 50 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2017; thay thế Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013.

Y tế-Sức khỏe:

  1. BÃI BỎ QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM SỮA DẠNG LỎNG

Ngày 11/09/2017, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 36/2017/TT-BYT bãi bỏ Thông tư 03/2017/TT-BYT ngày 22/03/2017 về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.

Cụ thể, Bộ Y tế đã chính thức bãi bỏ toàn bộ nội dung của Thông tư 03/2017/TT-BYT; như vậy, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng được ban hành kèm theo Thông tư này cũng sẽ không còn được áp dụng từ ngày 01/11/2017.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. THÍ SINH THI THPT QUỐC GIA CHỈ CẦN NỘP 1 PHIẾU DỰ THI

Nghị quyết số 89/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Chính phủ ban hành ngày 13/09/2017.

Theo Nghị quyết này, trong thủ tục đăng ký dự thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, sẽ bỏ Bản sao Giấy khai sinh (đối với thí sinh tự do) và bản sao Sổ hộ khẩu (đối với thí sinh ưu tiên theo hộ khẩu) trong thành phần hồ sơ. Đồng thời, lược bỏ các yêu cầu thông tin về Giới tính, nơi sinh, hộ khẩu thường trú, ảnh, mã tỉnh, mã huyện, mã trường tại Phiếu đăng ký dự thi; thay các thông tin này bằng số định danh cá nhân và chỉ yêu cầu nộp 01 Phiếu.

Đối với thủ tục chuyển trường cho học sinh tiểu học; Chuyển trường cho học sinh trung học cơ sở; Xét cấp học bổng chính sách, bỏ thành phần hồ sơ là Bản sao Giấy khai sinh đã quy định trước đây.Tương tự, với thủ tục xét tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú; Đề nghị miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, bỏ thành phần hồ sơ là Bản sao Giấy khai và Bản sao sổ hộ khẩu.

Đối với thủ tục cấp giấy phép, gia hạn giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đối với cấp trung học phổ thông và cấp trung học cơ sở, Chính phủ yêu cầu bỏ các thông tin về Giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, địa chỉ liên hệ tại Danh sách trích ngang người đăng ký dạy thêm; Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm… thay bằng số định danh cá nhân.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký

Sở hữu trí tuệ:

  1. CHO PHÉP SỬ DỤNG TÊN QUỐC GIA ĐỂ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TẠI NƯỚC NGOÀI

Ngày 15/09/2017, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 91/NQ-CP về việc cấp phép sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý thuộc phạm vi quốc gia. 

Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép sử dụng chữ “Việt” hoặc “Việt Nam”, chữ tiếng Anh tương ứng “Viet” hoặc “Vietnam” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ quốc gia của Việt Nam tại nước ngoài. Trước mắt, sẽ cấp phép cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm gạo của Việt Nam tại nước ngoài.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về việc sử dụng tên quốc gia, bao gồm dạng đầy đủ, rút ngắn, các chữ tiếng Anh tương ứng và các dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý thuộc phạm vi quốc gia trong việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm dịch vụ tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký

Chính sách:

  1. ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI

Tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/09/2017, Chính phủ đã quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

Cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực. Trong đó, cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện, không khí trong lành; Diện tích đất bình quân 20m2/đối tượng ở khu vực nông thôn và 10m2/đối tượng ở khu vực thành thị; Diện tích phòng ở của đối tượng phải đạt tối thiểu 6m2/đối tượng; Cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước; Các công trình, trang thiết bị phải bảo đảm cho người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em sử dụng thuận tiện…

Nhân viên trợ giúp xã hội tại cơ sở phải có sức khỏe; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; Có kỹ năng để trợ giúp xã hội…

Một nội dung đáng chú ý khác của Nghị định này là quy định về các hành vi vi phạm của các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó có: Lợi dụng việc thành lập cơ sở để vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cộng đồng; Đánh đập, nhốt đối tượng, trói đối tượng; Không cho đối tượng ăn, uống hoặc ngủ; Buộc đối tượng mặc những loại quần áo dị thường hoặc không phù hợp; Dùng đối tượng này để kỷ luật đối tượng khác; Đe dọa hoặc mắng nhiếc, xúc phạm đối tượng bằng những từ ngữ thiếu lịch sự, thô tục; Buộc đối tượng làm những việc quá sức…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2017

Hình sự:

  1. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1359/QĐ-TTg ngày 13/09/2017.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đến hết quý IV/2017 phải hoàn thành việc thực hiện rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích cho người bị kết án; Tổ chức phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14; Biên soạn tài liệu tập huấn chuyên sâu chung về Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14.

Đồng thời, hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 2015, đặc biệt là các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính; Đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành hiệu quả Bộ luật Hình sự 2015 trước ngày 30/11/2017.

Cũng trong quý IV/2017, thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Bộ luật Hình sự 2015; rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo nghề tư pháp, đào tạo các chức danh tư pháp và chương trình, sách giáo khoa môn Giáo dục công dân cấp THPT có nội dung liên quan đến Bộ luật Hình sự 2015 để sửa đổi, bổ sung hoặc biên soạn lại cho phù hợp với quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký; thay thế Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 19/02/2016.

Công nghiệp:

  1. ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐIỆN MẶT TRỜI

Ngày 12/09/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời; trong đó nêu rõ về điều kiện đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời trên mái nhà.

Với dự án điện mặt trời nối lưới, chủ đầu tư chỉ được lập dự án có trong các Quy hoạch phát triển điện mặt trời hoặc Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh, cấp quốc gia được phê duyệt; Nội dung dự án phải đánh giá được ảnh hưởng của phương án đấu nối dự án điện mặt trời đối với hệ thống điện trong khu vực; Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của các dự án điện mặt trời nối lưới không được thấp hơn 20% tổng mức vốn đầu tư; Diện tích sử dụng đất lâu dài không quá 1,2 ha/01 MWp…

Với dự án điện mặt trời trên mái nhà có công suất nhỏ hơn 01 MW, chủ đầu tư đăng ký đấu nối với Công ty điện lực cấp tỉnh các thông tin về công suất dự kiến, thông số kỹ thuật của tấm pin quang điện, thông số của bộ biến đổi điện xoay chiều. Với dự án có công suất từ 01 MW trở lên, chủ đầu tư thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện mặt trời và quy hoạch phát triển điện lực theo quy định…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26/10/2017

Tư pháp-Hộ tịch:

  1. SẼ SỚM CÓ HƯỚNG DẪN 13 LUẬT, NGHỊ QUYẾT MỚI

Nhằm bảo đảm các văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, nghị quyết, ngày 13/09/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1357/QĐ-TTg công bố Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết do Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Tại Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất đến tháng 05/2018, các cơ quan liên quan phải trình hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết 13 Luật và Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong đó có: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Du lịch (sửa đổi)…

Trong quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, được phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với một số văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng; đối với các văn bản còn lại, căn cứ từng trường hợp cụ thể, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký


 

Đang truy cập: 7
Trong ngày: 81
Trong tuần: 676
Lượt truy cập: 1591783
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com