Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. QUY ĐỊNH MỚI VỀ VIỆC GIAO NHẬN, VẬN CHUYỂN TIỀN MẶT

Ngày 31/08/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra Thông tư số 12/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

Thông tư này đã bổ sung 02 trường hợp phải giao nhận tiền mặt theo bao, hộp, thùng nguyên niêm phong trong ngành ngân hàng, gồm: Giao nhận tiền mặt loại mệnh giá từ 50.000 đồng trở xuống theo lệnh điều chuyển giữa các kho tiền Trung ương với nhau; giữa kho tiền Trung ương với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định và ngược lại; Giao nhận tiền mặt trong nội bộ kho tiền Trung ương; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định.

Về trách nhiệm của cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng chìa khóa kho tiền, két sắt, Thông tư này yêu cầu không mang chìa khóa ra ngoài trụ sở cơ quan. Chìa khóa két sắt của máy ATM, chìa khóa két sắt của xe chuyên dùng chở tiền, tài sản quý, giấy tờ có giá khi sử dụng xong phải mang về bảo quản tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, Thông tư quy định Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Chi cục trưởng Chi cục Phát hành và Kho quỹ, Giám đốc Sở Giao dịch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm trực tiếp tham gia kiểm kê tài sản định kỳ hoặc đột xuất, ngoài các nhiệm vụ đã được quy định trước đây.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/10/2017.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. XÂY DỰNG HỆ THỐNG QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG BIỂN TẠI 4 TỈNH MIỀN TRUNG

Ngày 03/09/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1307/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 04 tỉnh miền Trung, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, nhằm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường biển miền Trung; cảnh báo kịp thời khi chất lượng môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm. 

Quy mô của dự án bao gồm: Đầu tư phương tiện chuyên dụng phục vụ quan trắc môi trường cho các Trung tâm quan trắc môi trường tại 04 tỉnh; Thiết kế và thực hiện Chương trình quan trắc, giám sát chất lượng môi trường biển tại 04 tỉnh trong vòng 02 năm; Xây dựng hệ thống các trạm quan trắc môi trường biển 04 tỉnh; Xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển 04 tỉnh thông qua hệ thống quan trắc bằng công nghệ viễn thám.

Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 320 tỷ đồng, Dự án được chia thành 05 hợp phần, trong đó có 04 hợp phần là Tăng cường năng lực hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển tại 04 tỉnh; hợp phần còn lại là Giám sát, cảnh báo môi trường tại ven biển 04 tỉnh thông qua hệ thống trạm quan trắc tự động, công nghệ viễn thám và kết hợp chương trình quan trắc định kỳ.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký

Y tế-Sức khỏe:

  1. MUA THUỐC KHÁNG SINH SẼ BẮT BUỘC PHẢI CÓ ĐƠN THUỐC

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, ngày 07/09/2017, Bộ Y tế đã ký Quyết định số 4041/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020.

Đề án này đề ra mục tiêu đến năm 2020, đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân; Việc bán thuốc kháng sinh có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc phải đạt 100%… Giai đoạn 2017 - 2018, Đề án sẽ triển khai tại 04 tỉnh, thành phố là Nam Định, Vĩnh Phúc, TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ; đến giai đoạn 2018 - 2020, triển khai mở rộng trên toàn quốc.

Theo Đề án, bên cạnh việc tập huấn về các quy định liên quan đến việc kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn cho người kê đơn và bán lẻ thuốc, còn phải tăng cường kiểm tra đánh giá hoạt động kê đơn và bán thuốc kê đơn tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các nhà thuốc, quầy thuốc. Trong đó, các trường hợp vi phạm sau khi có giải pháp can thiệp kiểm tra sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền ở mức cao nhất về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. ỨNG DỤNG CNTT TRONG TẬP HUẤN QUA MẠNG CHO GIÁO VIÊN

Thông tư số 21/2017/TT-BGDĐT quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn qua mạng Internet cho giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 06/09/2017.

Theo Thông tư này, để tổ chức tập huấn qua mạng, đơn vị chủ trì tập huấn phải đáp ứng 04 điều kiện: Có hệ thống quản lý học tập qua mạng; Có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo triển khai các hoạt động tập huấn qua mạng; Có đầy đủ học liệu; Có đội ngũ cán bộ tổ chức tập huấn qua mạng đáp ứng yêu cầu.

Trong đó, hệ thống quản lý học tập qua mạng phải có các chức năng: Quản lý các khóa học, cho phép tổ chức lưu trữ và phân phối các nội dung học tới người học; Cho phép người học truy cập vào các nội dung học tập qua mạng như đã đăng ký và có thể tự học tập, tự đánh giá và nắm bắt được tiến trình, kết quả học tập của bản thân; Cho phép đơn vị chủ trì tập huấn quản lý điểm, tiến trình học tập, kết quả học của người học; Cung cấp diễn đàn trao đổi và các công cụ hỗ trợ khác để người học có thể trao đổi với người dạy về các vấn đề liên quan…

Thông tư cũng chỉ rõ, sau khi kết thúc lớp tập huấn qua mạng, toàn bộ bài giảng và học liệu điện tử liên quan đến lớp tập huấn được mở trên trang quản lý học tập qua mạng để người học có thể truy cập và học tập tối thiểu 06 tháng. Bên cạnh đó, người học, người dạy được đánh giá mức độ hài hòng đối với công tác tổ chức tập huấn, nội dung tập huấn.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/10/2017.

  1. ĐIỀU KIỆN MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

Ngày 06/09/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.

Thông tư chỉ rõ, các trường được mở ngành đào tạo trình độ đại học phải đáp ứng các điều kiện: Ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và người học; Đội ngũ giảng viên cơ hữu bảo đảm số lượng, chất lượng, trình độ, trong đó có ít nhất 01 tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; Cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình phải đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập.

Trường hợp đăng ký ngành đào tạo mới (chưa có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định), các trường còn phải làm rõ: Luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới, trong đó có ít nhất 02 ý kiến về sự cần thiết đào tạo của 02 cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo; Thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo 02 chương trình đào tạo tham khảo của các trường nước ngoài đã được công nhận về chất lượng.

Với các ngành đào tạo mới này, sau 02 khóa tốt nghiệp, các trường phải tổ chức đánh giá chương trình đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo, việc làm của người học sau khi đào tạo, ý kiến của người sử dụng lao động về chương trình đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực để làm cơ sở đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tiếp tục đào tạo và bổ sung tên ngành mới vào Danh mục đào tạo.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/10/2017

  1. ĐƯA QUYỀN CON NGƯỜI VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC

Nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, người dạy về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo Đề án này, giai đoạn 2017 - 2020, sẽ tổ chức dạy thí điểm nội dung giáo dục quyền con người cho các cấp học, chương trình đào tạo. Trong đó, đối với bậc mầm non và phổ thông, tổ chức thí điểm ở 03 tỉnh, thành phố đại diện cho 03 miền (dự kiến 02 trường mỗi cấp học); đối với bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành đào tạo (dự kiến 03 trường mỗi khối trường). Đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.

Với mục tiêu nêu trên, Đề án tập trung vào các giải pháp như: Tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giảng dạy quyền con người trong chương trình giáo dục, đào tạo; Hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa có nội dung về quyền con người; Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên; Bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân…

Quyết định này được ký và có hiệu lực cùng ngày 05/09/2017

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. GIẢM TỪ 10 - 15% GIÁ THUỐC TRONG NĂM 2017

Ngày 06/09/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 08 năm 2017 với một số nội dung đáng chú ý.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường quản lý giá thuốc theo mục tiêu giảm từ 10 - 15% giá thuốc trong năm 2017, đặc biệt là thuốc biệt dược; khẩn trương phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai việc đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc bảo hiểm y tế từ ngày 01/01/2018. Đồng thời, tăng cường công tác cảnh báo dịch bệnh, thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết và dịch chân tay miệng; phối hợp với UBND TP. Hà Nội tập trung nguồn lực dập dịch sốt xuất huyết.

Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát giảm phí liên quan đến doanh nghiệp; phân tích, đánh giá tác động của đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng. Đặc biệt, trong năm 2017, chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ rà soát về mức phí và thời gian thu phí các dự án, công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc thực hiện các dự án BOT.

Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ thống nhất dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 khoảng 6,5%; trong đó trọng tâm là bảo đảm các cân đối kinh tế lớn, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hành chính:

  1. ĐẾN HẾT NĂM 2021, HOÀN THÀNH LƯU TRỮ TÀI LIỆU CÒN TỒN ĐỌNG

Ngày 07/09/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về việc tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý văn bản, giải quyết công việc và lập hồ sơ điện tử về văn thư, lưu trữ. Đến năm 2020, các bộ, ngành hoàn thành việc quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ. Chậm nhất đến hết năm 2021, các ngành, các cấp giải quyết dứt điểm tài liệu được hình thành từ năm 2015 trở về trước đang bó gói, tồn đọng tại các cơ quan, tổ chức

Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và công chức, viên chức đối với việc lập hồ sơ công việc; đưa việc chấp hành pháp luật về văn thư, lưu trữ thành một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm.

Riêng Bộ Nội vụ được giao trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ cho phù hợp với quy định hiện hành; hướng dẫn biện pháp xử lý kỹ thuật bảo quản tài liệu nhằm hạn chế sự hư hỏng, xuống cấp của tài liệu lưu trữ…

Công nghiệp:

  1. NĂM 2016, CẢ NƯỚC CÓ 2413 CƠ SỞ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TRỌNG ĐIỂM

Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 03/09/2017.

Theo đó, năm 2016, cả nước có 2413 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm ở các lĩnh vực: Công nghiệp; Công trình xây dựng; Giao thông vận tải. Riêng TP. Hà Nội có 303 cơ sở; TP. Hồ Chí Minh có 314 cơ sở; Quảng Ninh có 116 cơ sở; Bắc Ninh có 78 cơ sở; TP. Đà Nẵng có 47 cơ sở…

So với năm 2015, số lượng các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2016 đã tăng 440 cơ sở. (năm 2015, cả nước chỉ có 1973 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm).

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký

  1. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP ĐƯỢC LẬP THEO CHU KỲ 10 NĂM

Ngày 31/08/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Thông tư này chỉ rõ, Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp được lập trên địa bàn cấp tỉnh thuộc nhóm quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng sản xuất và được lập cho mỗi giai đoạn 10 năm, có xét triển vọng 10 năm tiếp theo; 05 năm 01 lần, Quy hoạch này sẽ được xem xét, điều chỉnh, trừ trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh trao đổi thống nhất với Bộ Công Thương.

Hồ sơ Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp gồm: Dự thảo Tờ trình của Sở Công Thương đề nghị phê duyệt Quy hoạch; Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch; Báo cáo Quy hoạch đã hoàn thiện sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan; Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các Sở, ngành, UBND cấp huyện, tổ chức, cá nhân liên quan; Văn bản góp ý của các Sở, ngành, UBND cấp huyện, tổ chức, cá nhân liên quan; Quyết định phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí; Các văn bản, tài liệu khác (nếu có). 

Sau khi hoàn thành hồ sơ Quy hoạch, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch, đồng thời có trách nhiệm gửi hồ sơ Quy hoạch tới các thành viên Hội đồng trước ngày họp thẩm định ít nhất 05 ngày làm việc.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/10/2017

  1. HỒ CHÍ MINH SẼ TRỞ THÀNH TRUNG TÂM LỚN VỀ SẢN XUẤT PHẦN MỀM

Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3318/QĐ-BCT, ngày 28/08/2017.

Theo định hướng đề ra tại Quy hoạch này, đến năm 2025, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (sau đây gọi là Vùng) sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như: Khai thác dầu khí, sản xuất thép, sản xuất điện, phân bón, hóa chất từ dầu khí… Đồng thời, tập trung phát triển nhanh hơn một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như: Phần mềm, điện tử công nghiệp và dân dụng, cơ khí, chế tạo khuôn mẫu, dụng cụ y tế. Đồng thời, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô - xe máy, điện tử tạo ra mạng lưới vệ tinh cung cấp linh, phụ kiện phục vụ các công ty lớn…

Trong đó, TP. Hồ Chí Minh được định hướng trở thành trung tâm lớn về sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin ở khu vực Đông Nam Á; cũng tại đây, sẽ xây dựng Trung tâm mốt thời trang lớn nhất cả nước.

Cũng theo Quy hoạch, sẽ hạn chế xây dựng thêm các cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở các đô thị lớn của Vùng. Điều chỉnh lại hướng phân bố công nghiệp trên địa bàn Vùng, trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên và dư địa của các tỉnh có mật độ sản xuất công nghiệp chưa tập trung cao, phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký


 

Đang truy cập: 13
Trong ngày: 87
Trong tuần: 682
Lượt truy cập: 1591791
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com