Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. BỎ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN TRONG HỒ SƠ VAY VỐN TẠO VIỆC LÀM

Ngày 21/08/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 24/2017/TT-BLĐTBXH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Nội dung đáng chú ý của Thông tư này là điều chỉnh hồ sơ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm đối với người lao động và người sử dụng lao động theo hướng bỏ quy định về thẻ căn cước công dân. 

Cụ thể, đối với người lao động là dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, hồ sơ vay vốn chỉ yêu cầu bản sao chứng minh nhân dân (CMND) hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số, hồ sơ vay vốn gồm: Danh sách lao động là người dân tộc thiểu số; Bản sao CMND hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú và bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của những người lao động trong danh sách.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số, hồ sơ vay vốn bao gồm: Danh sách lao động là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số; Bản sao giấy xác nhận khuyết tật của những người khuyết tật do UBND cấp xã cấp; Bản sao CMND hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của những người lao động là người dân tộc thiểu số và bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của những người lao động trong danh sách.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.

Đầu tư:

  1. BỘ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG BỐ 6 VĂN BẢN QUY PHẠM HẾT HIỆU LỰC

Danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực và hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến hết ngày 30/06/2017 đã được Bộ này công bố tại Quyết định số 1173/QĐ-BKHĐT, ngày 29/08/2017.

Theo đó, danh sách 06 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến hết 30/06/2017 gồm có: Nghị định 03/2010/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Nghị định 116/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ quan tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg về ban hành Tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước; Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg về việc ban hành Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 03/2009/TT-BKHĐT hướng dẫn chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; Thông tư số 05/2007/TT-BKH ban hành các Biểu mẫu báo cáo và hướng dẫn thực hiện Quyết định số 52/2007/QĐ-TTg.

Ngoài ra, danh sách 238 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực cũng được công bố tại Quyết định này, trong đó có 07 Luật; 44 Nghị đinh; 92 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 35 Thông tư liên tịch; 56 Thông tư và 04 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. ĐƯỢC MUA NGOẠI TỆ ĐỂ KINH DOANH TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ CÓ THƯỞNG

Ngày 30/08/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 11/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Thông tư này quy định, doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh theo phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác của doanh nghiệp trên cơ sở xuất trình chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.

Đồng thời, các doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thu, chi ngoại tệ tiền mặt đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài trước ngày 06/09/2014 vẫn được tiếp tục thực hiện theo văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp có nhu cầu, doanh nghiệp làm thủ tục để chuyển đổi văn bản chấp thuận trước đây sang Giấy phép.

Trong khi trước đây quy định, các doanh nghiệp phải làm thủ tục để chuyển đổi văn bản chấp thuận sang Giấy phép. Quá thời hạn này, doanh nghiệp không làm thủ tục chuyển đổi phải chấm dứt việc thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.

  1. NGƯỜI CHƠI CASINO ĐƯỢC THANH TOÁN BẰNG THẺ NGÂN HÀNG

Nội dung này được nêu tại Thông tư số 10/2017/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh casino do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/08/2017.

Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh casino chấp nhận thẻ ngân hàng của người chơi để đổi đồng tiền quy ước khi tham gia các trò chơi tại điểm kinh doanh casino; tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được nhận thanh toán bằng đồng Việt Nam từ ngân hàng thanh toán thẻ. Việc sử dụng thẻ ngân hàng do khách hàng và doanh nghiệp kinh doanh casino tự thỏa thuận.

Cũng theo Thông tư này, người chơi nước ngoài được nhận tiền trả thưởng bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam theo hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản. Người chơi nước ngoài có thể ủy quyền bằng văn bản cho doanh nghiệp kinh doanh casino liên hệ với ngân hàng để thực hiện các giao dịch nộp ngoại tệ, chuyển ngoại tệ, xin cấp Giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài. Người chơi Việt Nam chỉ được nhận tiền trả thưởng bằng đồng Việt Nam theo hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2017

  1. KHÔNG ĐẦU TƯ QUÁ 20% GIÁ TRỊ TÀI SẢN CỦA QUỸ HƯU TRÍ VÀO CHỨNG KHOÁN

Ngày 15/08/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 86/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, áp dụng đối với các doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; Ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký; Các tổ chức và cá nhân cung cấp các dịch vụ liên quan tới việc thiết lập, hoạt động, quản lý, giám sát quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Thông tư này quy định, quỹ hưu trí được đầu tư không vượt quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng chỉ của một quỹ đầu tư chứng khoán. Trường hợp đầu tư vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán của các quỹ do doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí quản lý thì các doanh nghiệp này chỉ được thu phí quản lý quỹ một lần.

Về chế độ báo cáo của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, Thông tư yêu cầu doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. Trong đó, báo cáo hoạt động quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, báo cáo quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ được thực hiện hàng năm, gửi báo cáo chậm nhất 03 tháng sau khi kết thúc năm; Báo cáo về tài sản của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và báo cáo về hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được thực hiện hàng quý, chậm nhất 20 ngày sau khi kết thúc quý gần nhất.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.

Y tế-Sức khỏe:

  1. TRIỂN KHAI HỆ THỐNG QUẢN LÝ SỨC KHỎE NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Ngày 21/08/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3815/QĐ-BYT về việc triển khai Hệ thống thông tin quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật (sau đây gọi là Hệ thống).

Hệ thống được truy cập tại địa chỉ: http://nkt.qlbv.vn/nkt2. Mỗi người khuyết tật chỉ có duy nhất một mã số trên hệ thống. Tài khoản được cung cấp cho tổ chức, cá nhân theo phân cấp về chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức, cá nhân được cấp tài khoản phải tự bảo vệ thông tin tài khoản…

Quyết định cũng nêu rõ, những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Truy cập trái phép hoặc cố ý nâng quyền truy cập vào Hệ thống; Sử dụng thông tin từ Hệ thống vào mục đích vụ lợi cá nhân, các mục đích xuyên tạc sự thật nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; Cung cấp hoặc cố ý để lộ tên đăng nhập tài khoản và mật khẩu đăng nhập vào Hệ thống cho cá nhân, tổ chức không được giao quyền và trách nhiệm quản lý, sử dụng.

Việc cập nhật, quản lý và khai thác sử dụng Hệ thống phải dựa trên nguyên tắc: Thông tin về người khuyết tật đã được cập nhật vào phần mềm phải thống nhất với hồ sơ giấy đang được lưu trữ tại cơ quan, đơn vị (nếu có); Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm cập nhật, bổ sung thường xuyên, kịp thời, đầy đủ, chính xác, quản lý, sử dụng và bảo quản hồ sơ thông tin người khuyết tật theo quy định của Nhà nước; Chỉ những người được cơ quan, đơn vị quản lý thông tin người khuyết tật có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản mới được nghiên cứu, khai thác hồ sơ thông tin.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. ĐIỀU KIỆN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC

Nội dung này được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, cán bộ, công chức được cử đi đào tạo sau đại học phải đáp ứng 04 điều kiện, gồm: Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Viên chức được cử đi đào tạo phải đáp ứng 03 điều kiện, gồm: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý sẽ phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp: Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 21/10/2017.

Hành chính:

  1. QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG TỔ CÔNG TÁC CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ngày 29/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1289/QĐ-TTg về việc kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng (sau đây gọi là Tổ công tác).

Theo Quy chế này, Tổ công tác có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng giao; Được Thủ tướng ủy quyền kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; Thực hiện nhiệm vụ điều phối trong việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng giao khi các Bộ, cơ quan, địa phương có ý kiến khác nhau.

Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm của Tổ trưởng. Mỗi tháng, Tổ công tác họp định kỳ 01 lần, họp đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng hoặc Tổ trưởng Tổ công tác. Bên cạnh hình thức họp trực tiếp để thảo luận, Tổ công tác có thể lấy ý kiến tham gia của các thành viên bằng văn bản.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Công nghiệp:

  1. ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THAN VIỆT NAM

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 tại Quyết định số 1265/QĐ-TTg ngày 24/08/2017.

Theo điều chỉnh, đến năm 2020, ngành than đầu tư xây dựng mới các nhà máy sàng tuyển than: Vàng Danh 2 công suất khoảng 2,0 triệu tấn/năm; Khe Thần công suất khoảng 2,5 triệu tấn/năm; Trung tâm chế biến và Kho than tập trung vùng Hòn Gai công suất khoảng 5,0 triệu tấn/năm; Khe Chàm công suất khoảng 7,0 triệu tấn/năm; Lép Mỹ công suất khoảng 4,0 triệu tấn/năm…

Ngoài ra, Thủ tướng cũng điều chỉnh tọa độ ranh giới khép góc một số đề án đầu tư thăm dò tài nguyên than, như: Đề án thăm dò mỏ Đông Triều - Phả Lại; Đề án thăm dò mỏ Núi Hồng. Đồng thời điều chỉnh danh mục một số dự án đầu tư mỏ than: Mỏ Vàng Danh; Mỏ Nam Mẫu; Mỏ Suối Lại; Mỏ Cọc Sáu; Mỏ Đèo Nai; Mỏ Lộ Trí; Mỏ Mông Dương.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Tư pháp-Hộ tịch

  1. 4 BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM BẮT BUỘC PHẢI ĐĂNG KÝ

Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm đã được Chính phủ ban hành ngày 01/09/2017, có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.

Nghị định chỉ rõ, 04 biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký bao gồm: Thế chấp quyền sử dụng đất; Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; Thế chấp tàu biển.

Bên cạnh đó, 03 biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu, bao gồm: Thế chấp tài sản là động sản khác; Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.

Cũng theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng một trong các hình thức: Qua hệ thống đăng ký trực tuyến; Nộp trực tiếp; Qua đường bưu điện; Qua thư điện tử trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm

  1. CHÍNH PHỦ THẢO LUẬN VỀ 4 DỰ ÁN LUẬT QUAN TRỌNG

Ngày 31/08/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP về phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2017. 

Tại Nghị quyết này, Chính phủ đề cập đến việc xây dựng 04 dự án luật, gồm: Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Chứng khoán (sửa đổi); 02 Nghị định, gồm: Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước; Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Trong đó, tại dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu không quy định về việc thành lập cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Chính phủ trong dự thảo Luật. Tại dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chính phủ chủ trương chỉnh lý dự án Luật này theo hướng có các thể chế, chính sách ưu đãi vượt trên các luật hiện hành, trong đó cần có một số chính sách ưu đãi cao hơn các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do trong khu vực nhằm thu hút đầu tư…

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh: Việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

  1. VIỆT NAM - CHI-LÊ MIỄN THỊ THỰC CHO NGƯỜI MANG HỘ CHIẾU PHỔ THÔNG

Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Chi-lê về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg, ngày 28/08/2017.

Theo đó, từ ngày 11/08/2017, người mang hộ chiếu phổ thông còn giá trị ít nhất 06 tháng của Việt Nam và Chi-lê sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh qua các cửa khẩu dành cho khách quốc tế và lưu trú trên lãnh thổ nước còn lại trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhập cảnh, với điều kiện việc nhập cảnh đó không nhằm mục đích hoạt động có thu nhập. Người mang hộ chiếu phổ thông có ý định lưu trú nhiều hơn 90 ngày phải xin phép cơ quan có thẩm quyền của nước nhận, phù hợp với luật và quy định nội luật của nước đó.

Hiệp định sẽ chấm dứt hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày một bên nhận được thông báo chính thức của bên kia qua đường ngoại giao về ý định chấm dứt hiệu lực.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký


 

Đang truy cập: 12
Trong ngày: 86
Trong tuần: 681
Lượt truy cập: 1591790
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com