Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI QUA MẠNG

Từ ngày 02/10/2017, việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử sẽ được áp dụng theo hướng dẫn của Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 15/08/2017.

Theo đó, việc cấp, cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài sẽ được thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ: http//dvc.vieclamvietnam.gov.vn. Người sử dụng lao động phải đăng ký tài khoản để đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử.

Trước ít nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động qua Cổng thông tin điện tử. Hồ sơ bao gồm: Tờ khai và giấy tờ kèm theo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; nếu các giấy tờ kèm theo ở dạng chứng từ giấy thì người sử dụng lao động phải chuyển đổi sang chứng từ điện tử dạng pdf, doc, docx hoặc jpg. 

Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép phải nêu rõ lý do.

Khi nhận được kết quả thông báo hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan cấp giấy phép lao động để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định. Trong tối đa 08 giờ làm việc, kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép sẽ trả kết quả cho người sử dụng lao động.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02/10/2017.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH VỀ MUA, BÁN VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA VAMC

Ngày 14/08/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/09/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Một trong những điểm mới của Thông tư này là sửa đổi điều kiện miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Cụ thể, VAMC sẽ xem xét, giảm một phần hoặc miễn toàn bộ tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ xấu khi khách hàng vay đã hoàn trả toàn bộ nợ gốc của tất cả các khoản nợ xấu.

Đồng thời, khách hàng cũng có thể được miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm nếu đáp ứng các điều kiện: Khách hàng vay hợp tác với VAMC được ủy quyền; Việc miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của khoản nợ xấu góp phần giúp khách hàng vay giảm bớt khó khăn tài chính hoặc phục hồi sản xuất kinh doanh; Khách hàng vay có phương án trả nợ khả thi hoặc phương án cơ cấu lại tài chính khả thi để trả nợ. Trước đây, trong trường hợp này, khách hàng còn phải đáp ứng thêm điều kiện: Trả nợ ngay hoặc cam kết trả nợ trong vòng 60 ngày tối thiểu 5% số dư nợ gốc vay chưa trả.

Thông tư này còn bổ sung quy định về việc bán nợ xấu được mua theo giá trị thị trường. Trong đó, cho phép VAMC được lựa chọn, quyết định và chịu trách nhiệm bán các khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ; phương thức đấu giá hoặc phương thức cạnh tranh.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/08/2017

Xuất nhập khẩu:

  1. PHẢI BỐ TRÍ NƠI LÀM VIỆC CHO HẢI QUAN TẠI KHO BÃI TẬP KẾT HÀNG HÓA

Theo Thông tư số 84/2017/TT-BTC hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ, đơn vị kinh doanh kho bãi, địa điểm tập kết, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung phải xây dựng nơi làm việc cho cơ quan hải quan. 

Nơi làm việc của cơ quan hải quan nằm trong diện tích khu vực kho bãi hoặc trong cùng một khu đất thuộc quyền sử dụng của đơn vị; Có diện tích tối thiểu 20m2, được ngăn cách với khu vực xung quanh. Đối với địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa tập trung tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, nơi làm việc của cơ quan hải quan có diện tích tối thiểu 50m2.

Đồng thời, nơi làm việc phải có các trang thiết bị như: Máy tính cài đặt phần mềm quản lý, kết nối hệ thống quản lý của đơn vị kinh doanh kho bãi với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan; Thiết bị kết nối với hệ thống camera giám sát của đơn vị kinh doanh kho bãi để theo dõi hình ảnh tại tất cả các khu vực chứa hàng xuất khẩu, nhập khẩu, cổng ra, vào kho bãi; Các trang thiết bị văn phòng khác; Hạ tầng kỹ thuật (nguồn điện, điện chiếu sáng…) đảm bảo điều kiện hoạt động.

Ngoài ra, đơn vị còn phải bố trí khu vực có mái che nằm trong kho bãi để cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa, niêm phong hải quan. Riêng kho bãi có tổng diện tích từ 03ha trở lên phải bố trí khu vực hoạt động của máy soi công-te-nơ có diện tích tối thiểu 2000m2.

Thông tư này được Bộ Tài chính ban hành ngày 15/08/2017 và có hiệu lực từ ngày 30/09/2017

Thương mại:

  1. QUY ĐỊNH MỚI VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Tại Nghị định số 98/2017/NĐ-CP, Chính phủ đã có những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; trong đó, đáng chú ý là những điều chỉnh về cơ cấu tổ chức của cơ quan này so với quy định trước đây.

Cụ thể, Nghị định quy định Bộ Công Thương có 30 đơn vị trực thuộc, thay vì 35 đơn vị như quy định cũ. Trong đó, bãi bỏ một số đơn vị như: Vụ Thi đua - Khen thưởng; Tổng cục Năng lượng; Viện Nghiên cứu thương mại; Văn phòng Bộ; sáp nhập Vụ Thị trường châu Âu và Vụ Thị trường châu Mỹ thành Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ; Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thành Vụ Thị trường châu Á - châu Phi. Đồng thời, một loạt đơn vị khác được đổi tên mới; điển hình như: Cục Quản lý cạnh tranh thành Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; Cục Công nghiệp địa phương thành Cục Công Thương địa phương; Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thành Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số…

Cũng theo Nghị định này, Bộ Công Thương là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: Điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Nghị định này được ban hành và hiệu lực cùng ngày 18/08/2017.

  1. BÃI BỎ DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA PHẢI KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG

Ngày 17/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/03/2006 về việc ban hành Danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng.

Trước đây, Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng được quy định gồm các sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thủy sản; Bộ Giao thông Vận tải…; trong đó có: Trang thiết bị và công trình y tế; Vắc xin phòng bệnh; Thuốc bảo vệ thực vật; Phân bón; Thức ăn chăn nuôi; Mũ bảo vệ cho người đi xe máy; Đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi…

Từ thời điểm ngày 05/10/2017 - ngày Quyết định này có hiệu lực - Danh mục nêu trên sẽ không còn được áp dụng.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. KIỆN TOÀN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 10/08/2017.

Theo mục tiêu của Đề án này, sẽ hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của các cơ quan về bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương theo hướng quản lý tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp hợp lý, cụ thể và rõ ràng; Đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước về bảo vệ môi trường có cơ cấu quản lý; sắp xếp, bố trí lại số biên chế hiện có và bổ sung kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, đặc thù của các cơ quan bảo vệ môi trường; Đồng thời, đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ môi trường, ngoại ngữ, tin học và các yêu cầu khác đáp ứng yêu cầu của công tác…

Một trong những giải pháp nổi bật được đề ra tại Đề án này là sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương. Trong đó, ở trung ương, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Tổng cục Môi trường đảm bảo khoa học, tránh chồng chéo; Ở cấp tỉnh, thành lập Phòng quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường đối với các tỉnh có khu bảo tồn, vườn quốc gia và rừng đặc dụng; Ở cấp huyện và cấp xã, bố trí cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Y tế-Sức khỏe:

  1. TRIỂN KHAI HỆ THỐNG THÔNG TIN QUẢN LÝ XÉT NGHIỆM

Ngày 16/08/2017, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn triển khai hệ thống thông tin quản lý xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh kèm theo Quyết định số 3725/QĐ-BYT.

Theo đó, hệ thống thông tin quản lý xét nghiệm sẽ được triển khai, vận hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước. Hệ thống này tiếp nhận các thông tin về người bệnh; thông tin bệnh phẩm; thông tin chỉ định xét nghiệm.

Từ đó, Hệ thống cho phép tra cứu thông tin người bệnh, bệnh phẩm theo nhiều tiêu chí như mã bệnh phẩm, tên bệnh phẩm, trạng thái, thời gian, lịch sử thực hiện xét nghiệm và cho phép hiển thị, in kết quả tìm kiếm. Đồng thời, cho phép quản lý được trạng thái của quá trình xét nghiệm.

Về quản lý kết quả xét nghiệm, Hệ thống cho phép cập nhật, lưu trữ, hiển thị các kết quả xét nghiệm của người bệnh đã được thực hiện tại khoa cận lâm sàng kèm theo thông tin người bệnh; Có cảnh báo kết quả bất thường nếu nằm ngoài giá trị bình thường; Có ghi chú kết quả (nếu cần); Cho phép khóa kết quả xét nghiệm khi đã hoàn thành; In phiếu kết quả theo mẫu và cho phép kết xuất ra các file định dạng thông thường.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. THỰC HIỆN THỦ TỤC THÀNH LẬP TRƯỜNG MẦM NON QUA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

Ngày 16/08/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2752/QĐ-BGDĐT về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính có thể thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, 60 thủ tục hành chính (TTHC) có thể được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc các lĩnh vực: Giáo dục Đại học (11 TTHC); Pháp chế (04 TTHC); Hợp tác Quốc tế (19 TTHC); Tổ chức Cán bộ (11 TTHC); Thi đua Khen thưởng (07 TTHC); Giáo dục Mầm non (04 TTHC); Công tác chính trị, Học sinh - Sinh viên (02 TTHC); Giáo dục Dân tộc (01 TTHC); Giáo dục Quốc phòng - An ninh (01 TTHC). 

Một số TTHC đáng chú ý có thể kể đến như: Thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục; Đăng ký thực hiện liên kết đào tạo; Cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc; Tuyển sinh đi học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước; Cử lưu học sinh đi học diện lấy bằng; Đề nghị xét khen thưởng Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú...

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Khoa học-Công nghệ:

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM CÓ TỐI ĐA 4 PHÓ CHỦ TỊCH

Đây là nội dung mới được nêu tại Nghị định số 99/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/08/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (sau đây gọi là Viện).

Cụ thể, Viện được lãnh đạo bởi Chủ tịch và không quá 04 Phó Chủ tịch (trong khi trước đây quy định, Viện chỉ có không quá 03 Phó Chủ tịch). Chủ tịch Viện do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Viện; Các Phó Chủ tịch cũng do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch, có trách nhiệm giúp Chủ tịch Viện chỉ đạo, giải quyết một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Viện, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. 

Viện là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; Cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; Đào tạo nhân lực trình độ cao về khoa học xã hội.

Viện có 42 đơn vị trực thuộc; trong đó có 05 đơn vị chuyên môn; 33 đơn vị là các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; 04 đơn vị còn lại là các đơn vị sự nghiệp công lập khác. Nổi bật là các đơn vị như: Viện Triết học; Viện Tâm lý học; Viện Sử học; Viện Văn học; Viện Ngôn ngữ học; Viện Dân tộc học; Viện Khảo cổ học; Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Viện nghiên cứu Gia đình và Giới…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26/12/2012.

  1. ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Nghị định số 95/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được Chính phủ ban hành ngày 16/08/2017.

Nghị định này cho thấy, cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ đã có sự điều chỉnh so với trước đây. Cụ thể, Bộ sẽ chỉ còn 25 đơn vị trực thuộc thay vì 28 đơn vị như quy định cũ. Trong đó, bãi bỏ 03 đơn vị: Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ; Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và Trường Quản lý khoa học và công nghệ. Đồng thời, sáp nhập Vụ Kế hoạch - Tổng hợp và Vụ Tài chính trước đây thành Vụ Kế hoạch - Tài chính; Học viện Khoa học, Công nghệ và Đối mới sáng tạo là đơn vị được bổ sung mới vào cơ cấu tổ chức của Bộ.

Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ, bao gồm: Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký; thay thế Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26/02/2013

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

  1. KÉO DÀI THỜI GIAN LƯU HÀNH SẢN PHẨM THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN

Ngày 18/08/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/04/2017 về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Nghị định đã bổ sung quy định: Đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản hết hiệu lực lưu hành trong khoảng thời gian từ ngày 20/11/2016 đến hết ngày 20/11/2017 thì vẫn được tiếp tục lưu hành không quá 18 tháng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

Tư pháp-Hộ tịch:

  1. CHỨC NĂNG, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ TƯ PHÁP

Thay thế cho Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/03/2013, Nghị định số 96/2017/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Nghị định này chỉ rõ, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bồi thường Nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý Nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ.

Với chức năng nêu trên, Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: Hướng dẫn, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật; Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp điển của các cơ quan thực hiện pháp điển; Theo dõi chung và báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự; quyết định thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án dân sự; Hướng dẫn nghiệp vụ về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp và đăng ký nuôi con nuôi…

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tư pháp có 27 đơn vị trực thuộc, trong đó: Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Con nuôi; Cục Bồi thường Nhà nước; Cục Trợ giúp pháp lý; Cục Công nghệ thông tin; Cục Công tác phía Nam có 03 phòng; Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Vụ Pháp luật quốc tế; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có 04 phòng…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. TRÌNH CHÍNH PHỦ 4 DỰ ÁN LUẬT TRONG THÁNG 8/2017

Ngày 11/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1183/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được điều chỉnh, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Theo Quyết định này, trong tháng 08/2017, trình Chính phủ 04 dự án luật, bao gồm: Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trong tháng 12/2017, trình Chính phủ duy nhất dự án Luật Cảnh sát biển.

Trong tháng 01/2018, sẽ trình Chính phủ 02 dự án luật sửa đổi, bổ sung, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong tháng 02/2018, trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự. 

Dự án Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt và Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ là 03 dự án được trình Chính phủ vào tháng 03/2018…

Quyết địn này có hiệu lực từ ngày ký


 

Đang truy cập: 26
Trong ngày: 103
Trong tuần: 698
Lượt truy cập: 1591807
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com