Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. ÁP THUẾ TỰ VỆ TẠM THỜI VỚI PHÂN BÓN DAP, MAP

Ngày 04/08/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, có hiệu lực từ ngày 19/08/2017.

Quyết định này chỉ rõ, áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP có  mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.0

0 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước và vùng lãnh thổ như: Maylaysia; Thái Lan; Brazil; Cuba; Ấn Độ; Afghanistan; Pakistan…

Các sản phẩm phân bón nêu trên sẽ được áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung. Mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 VND/tấn.

Biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực từ ngày 19/08/2017 đến hết ngày 06/03/2018. Biện pháp này sẽ chấm dứt hiệu lực sau ngày 06/03/2018 hoặc khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

  1. ĐIỀU CHỈNH HỒ SƠ XÓA NỢ THUẾ VỚI DOANH NGHIỆP PHÁ SẢN

Tại Thông tư số 79/2017/TT-BTC ngày 01/08/2017, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung tiết b1 điểm b khoản 4 Điều 48 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.

Cụ thể, đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, hồ sơ xóa nợ tiền thuế bao gồm: Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án; Tài liệu phân chia tài sản của chấp hành viên thể hiện số nợ thuế thu hồi được và không thu hồi được; Quyết định về việc đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan thi hành án dân sự. Các tài liệu này phải là bản chính hoặc sao y bản chính.

Trước đây, hồ sơ xóa nợ tiền thuế của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản chỉ bao gồm: Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản kèm theo phương án phân chia tài sản và Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án. Đồng thời, các tài liệu chỉ cần là bản sao có công chứng hoặc chứng thực.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/09/2017.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. QUY ĐỊNH MỚI VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN VỐN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Ngày 07/08/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2017/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định về việc bảo đảm an toàn vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan. Trường hợp không đạt hoặc không có khả năng đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong tối đa 01 tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam có các giải pháp khắc phục, gồm: Chuyển nhượng vốn đầu tư ra bên ngoài; Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp và các giải pháp khác.

Đồng thời, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải mua bảo hiểm tài sản đối với các tài sản pháp luật quy định phải mua bảo hiểm; Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi và công khai việc tham gia đó tại trụ sở, chi nhánh; Xử lý giá trị tài sản tổn thất theo đúng quy định; Hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh khoản dự phòng rủi ro theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/09/2017; thay thế Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012.

Thương mại:

  1. NHÀ NƯỚC ĐỘC QUYỀN KINH DOANH XỔ SỐ KIẾN THIẾT, VÀNG MIẾNG

Nghị định số 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại đã được Chính phủ ban hành ngày 10/08/2017.

Nghị định này quy định cụ thể về 20 hàng hóa, dịch vụ Nhà nước thực hiện độc quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó có: Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; Vật liệu nổ công nghiệp; Vàng miếng; Vàng nguyên liệu; Xổ số kiến thiết; Thuốc lá điếu, xì gà; Hoạt động dự trữ quốc gia; Tiền; Tem bưu chính Việt Nam; Pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa; Hệ thống điện quốc gia; Bảo đảm hoạt động bay; Xuất bản phẩm; Mạng bưu chính công cộng…

Cơ quan Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ nêu trên thông qua hình thức trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định cho tổ chức, cá nhân thực hiện. Việc chỉ định phải do thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định bằng văn bản.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.

Giao thông:

  1. CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG Ô TÔ QUA DV BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

Danh mục thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông Vận tải đã được Bộ này ban hành ngày 31/07/2017 tại Quyết định số 2244/QĐ-BGTVT.

Danh mục bao gồm 52 TTHC trong lĩnh vực đường bộ; 10 TTHC trong lĩnh vực đường sắt và 43 TTHC trong lĩnh vực đường thủy nội địa. Trong đó, đáng chú ý là các thủ tục: Cấp/cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Cấp/cấp lại biển hiệu xe ô tô vận tải khách du lịch; Cấp/cấp lại Giấy phép đào tạo lái xe ô tô; Cấp/cấp lại Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe; Sát hạch cấp mới, cấp lại Giấy phép lái tàu; Chấp thuận vận tải hành khách ngang sông; Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện…

Riêng các thủ tục cấp, đổi Giấy phép lái xe được thực hiện theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/04/2017.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. TRIỂN KHAI BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA PHỔ THÔNG THEO CHƯƠNG TRÌNH MỚI

Ngày 08/08/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 của ngành Giáo dục.

Tại Chỉ thị này, Bộ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ ban hành các chương trình môn học giáo dục phổ thông; triển khai biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chương trình mới; tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong năm học tới đây, hoàn thiện các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến; từng bước hoàn thiện phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ quốc gia; ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam.

Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống thông tin kết nối liên thông giữa Bộ với các sở, phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục; Xây dựng và đưa vào sử dụng thống nhất toàn ngành các cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông, đại học và hệ thống phần mềm quản lý trường học dùng chung; Triển khai hệ thống hội nghị truyền hình, tập huấn qua mạng.

Chính sách:

  1. TRƯỚC NĂM 2019, HOÀN THÀNH LỘ TRÌNH SẮP XẾP CÁC BÁO ĐIỆN TỬ

Tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ban hành ngày 09/08/2017 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 07/2017, Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Riêng lộ trình thực hiện sắp xếp các báo điện tử phải hoàn thành trước năm 2019.

Đồng thời, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh tới các biện pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: Loại bỏ ngay các thủ tục, quy định làm phát sinh chi phí không chính thức; xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp; Bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, gây cạnh tranh không bình đẳng; Đơn giản hóa và cải tiến quy trình, thủ tục kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát, kiểm nghiệm, thẩm định và các hoạt động có liên quan đến cấp giấy phép và các giấy tờ khác…

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất cho phép tiếp tục thực hiện các thủ tục điện tử dành cho  tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời, cho phép khởi công mới 02 dự án đầu tư xây dựng năm 2017, gồm: Dự án đầu tư xây dựng trạm kiểm ngư Phú Quốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dự án đầu tư tu bổ quy tập nghĩa trang liệt sỹ huyện Vị Xuyên giai đoạn 1 của tỉnh Hà Giang

Hành chính:

  1. KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NGAY KHI ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG VĂN BẢN

Đây là một trong những nội dung mới được Chính phủ quy định tại Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/08/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), có hiệu lực từ ngày 25/09/2017.

Cụ thể, Nghị định này quy định việc kiểm soát TTHC phải được thực hiện ngay từ khi đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC; trong khi trước đây, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP quy định việc kiểm soát TTHC được thực hiện từ khi dự thảo quy định về TTHC.

Cũng theo Nghị định, việc quy định một TTHC chỉ hoàn thành khi đáp ứng đầy đủ các bộ phận tạo thành cơ bản: Tên TTHC; Trình tự thực hiện; Cách thức thực hiện; Thành phần, số lượng hồ sơ; Thời hạn giải quyết; Đối tượng thực hiện; Cơ quan giải quyết; không còn bao gồm Kết quả thực hiện TTHC như quy định cũ.

Về các hình thức công khai TTHC, Nghị định này quy định TTHC phải được công khai bắt buộc theo các hình thức: Công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; Công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC; Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trên cơ sở kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Công nghiệp:

  1. KHUYẾN KHÍCH DÙNG ĐIỀU HÒA NHIỆT ĐỘ TỪ 25OC TRỞ LÊN

Đây là một trong những nội dung nằm trong Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 07/08/2017; thay thế Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011.

Cụ thể, các hộ dùng điện sinh hoạt và cơ sở kinh doanh dịch vụ được khuyến khích sử dụng các loại thiết bị điện có hiệu suất cao và được dán nhãn năng lượng; khuyến khích thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện như: Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết, cài đặt chế độ làm mát từ 25oC trở lên hoặc đặt chế độ chênh lệch nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ bên ngoài chỉ từ 3 - 5oC; Dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng; Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; Hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn (điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng, bàn là điện…) trong thời gian cao điểm tối.

Với các doanh nghiệp sản xuất, cần xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí… vào giờ cao điểm; Tăng cường sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao; khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, mặt trời, biomass…

Các cơ quan, công sở cần phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, nhân viên thực hiện tiết kiệm điện, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

  1. HẠN CHẾ XUẤT KHẨU GỖ NGUYÊN LIỆU TỪ RỪNG TRỒNG

Chương trình hành động, thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 08/08/2017.

Tại Nghị quyết này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao trách nhiệm tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế quản lý đối với gỗ và sản phẩm gỗ xuất, nhập khẩu, tránh tình trạng lợi dụng để khai thác gỗ bất hợp pháp từ rừng tự nhiên và hạn chế tình trạng xuất khẩu gỗ nguyên liệu từ rừng trồng; Nâng cấp khả năng cảnh báo, thông báo nguy cơ cháy rừng với độ chính xác cao; Đầu tư ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác quản lý lửa rừng…

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần duy trì thường xuyên việc kiểm tra các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, khai thác lâm sản trái pháp luật; điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước (trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội). Đặc biệt, thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn…

Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 21
Trong ngày: 95
Trong tuần: 690
Lượt truy cập: 1591799
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com