Đầu tư:

  1. CHỨC NĂNG, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Ngày 25/07/2017, Chính phủ đã ra Nghị định số 86/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thay thế Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được quy định là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: Tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; đầu tư Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển, vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đấu thầu; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 33 đơn vị trực thuộc thay vì 31 đơn vị như quy định trước đây; 02 đơn vị mới được bổ sung là: Trung tâm bồi dưỡng cán bộ kinh tế - kế hoạch và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh; đồng thời, Vụ Hợp tác xã được đổi thành Cục Phát triển Hợp tác xã. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ, Văn phòng Bộ có 10 phòng; Thanh tra Bộ, Vụ Kinh tế đối ngoại, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Cục Phát triển doanh nghiệp đều có 07 phòng; Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Cục Quản lý đấu thầu có 05 phòng…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Nghị định số 87/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính đã được Chính phủ ban hành ngày 26/07/2017.

Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Tài chính - ngân sách; hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ: Thống nhất quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách Nhà nước theo đúng quy định; Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, chính sách phát triển hoạt động kế toán, kiểm toán, các quy định về kế toán, kiểm toán, chế độ báo cáo, công khai tài chính - ngân sách; Ban hành chính sách phát triển thị trường chứng khoán, chính sách và mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino, trò chơi điện tử có thưởng; Ban hành các quy định cụ thể về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tài chính có 29 đơn vị trực thuộc, trong đó có 25 đơn vị là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; 04 đơn vị còn lại là các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý Nhà nước thuộc Bộ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký; thay thế Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013.

Y tế-Sức khỏe:

  1. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG THÔNG TIN TIÊM CHỦNG QUỐC GIA

Bộ Y tế vừa ký Quyết định số 3421/QĐ-BYT ngày 28/07/2017 về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Hệ thống này được truy cập tại địa chỉ:http://tiemchung.gov.vn.

Theo Quy chế này, đối tượng tiêm chủng phải được thu thập đầy đủ thông tin cá nhân và lịch sử tiêm chủng; các thông tin này sẽ được cập nhật đầy đủ, chính xác trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Khi thực hiện các bước tiêm chủng, đơn vị thực hiện tiêm chủng phải nhập thông tin mới của đối tượng tiêm chủng ngay trong buổi tiêm. Đối với các thông tin về phản ứng sau tiêm chủng, phải được cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác sau khi phát hiện.

Cơ sở tiêm chủng phải thực hiện rà soát hàng tuần để đảm bảo không trùng lặp đối tượng. Khi có sự trùng lặp, trạm y tế xã trực tiếp quản lý thực hiện xóa trên hệ thống. Ngoài trường hợp này, không được xóa bất cứ đối tượng nào đã có lịch sử tiêm chủng. Việc xóa đối tượng sẽ được hệ thống tự động sao lưu dữ liệu và gửi thông tin đối tượng đã xóa tới đơn vị đang đồng thời quản lý trên hệ thống.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. ĐÁNH GIÁ CÔNG CHỨC TRƯỚC KHI BÌNH XÉT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Đây là nội dung của Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/07/2017 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, Nghị định quy định thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm, thời điểm đánh giá, phân loại công chức, viên chức do người đứng đầu quyết định.

Về việc đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu, cấp phó tại cơ quan, đơn vị, Nghị định yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp tham khảo các ý kiến có liên quan, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu. 

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tham khảo các ý kiến và quyết định đánh giá phân loại đối với cấp phó do mình bổ nhiệm. Trường hợp cấp phó không do mình bổ nhiệm thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị tham khảo các ý kiến liên quan, có trách nhiệm nhận xét bằng văn bản và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của mình.

Nghị định này có hiệu lực ngày 15/09/2017.

Chính sách:

  1. THÀNH LẬP KHU KINH TẾ THÁI BÌNH

Từ ngày 01/10/2017, Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình sẽ được thành lập theo Quyết số 36/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29/07/2017.

Theo Quyết định này, Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình là Khu kinh tế ven biển bao gồm 30 xã, 01 thị trấn thuộc huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Khu có diện tích tự nhiên 30.583 ha; phía Bắc giáp với Thành phố Hải Phòng qua sông Hóa; phía Nam và Tây Nam giáp với tỉnh Nam Định qua sông Hồng; phía Đông giáp với biển Đông; phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Khu Kinh tế Thái Bình bao gồm các khu chức năng như khu trung tâm điện lực Thái Bình; khu, cụm công nghiệp; khu cảng và dịch vụ cảng; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; khu dân cư, đô thị, dịch vụ; khu hành chính…

Theo lộ trình và kế hoạch phát triển, từ nay đến năm 2020, tập trung kiện toàn toàn bộ bộ máy quản lý; xây dựng giải pháp, chính sách, kế hoạch, xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng và sản xuất kinh doanh trong khu kinh tế. Từ năm 2021 - 2025, tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên; xây dựng hạ tầng các khu chức năng; đào tạo thu hút nguồn nhân lực. Từ năm 2025 - 2030, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ tiên tiến; phát triển các đô thị biển hiện đại, văn minh…

  1. HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HƠN 313.000 HỘ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Ngày 25/07/2017, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 63/NQ-CP về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với Cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với Cách mạng giai đoạn 2; số lượng hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở trong giai đoạn này là 313.707 hộ; kinh phí cần bổ sung thêm từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 840 tỷ đồng. 

Đối với hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được cấp kinh phí mà đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở thì sẽ được hoàn trả ngay sau khi có kinh phí phân bổ từ ngân sách Trung ương trong năm 2017.

Trường hợp thuộc diện được hỗ trợ nhưng đã chết mà vợ (hoặc chồng) còn sống, có hộ khẩu thường trú và đang ở tại nhà ở đó thì vẫn được hỗ trợ. Trường hợp cả người có công và vợ (hoặc chồng) của họ đều đã chết, hiện nay con của họ đang sinh sống tại nhà ở đó thì cũng vẫn được UBND tỉnh xem xét hỗ trợ, nếu thật sự có khó khăn về nhà ở.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

Hành chính:

  1. THỜI HẠN TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg về Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến quy định rõ, kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến phải được các bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình giải quyết.

Đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của các bộ, cơ quan ở trung ương, trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, các bộ, cơ quan phải có trách nhiệm giải quyết, trả lời. Kết quả giải quyết được thông báo bằng văn bản đến cử tri và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng và của chính quyền địa phương, trong thời gian 50 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, các cơ quan được giao chủ trì giải quyết phải có văn bản thông báo kết quả giải quyết đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. 

Đối với kiến nghị có nội dung phức tạp có liên quan đến nhiều vấn đề cần có thêm thời gian để nghiên cứu, xác minh thì các bộ, cơ quan, địa phương phải có văn bản đề nghị gia hạn thời gian giải quyết và trả lời; thời gian đề nghị gia hạn không quá 30 ngày.

Cũng theo Quyết định này, việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác của các bộ, cơ quan, địa phương; là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Quyết định này được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 25/07/2017, có hiệu lực ngày 15/09/2017.

  1. CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NĂM 2018

Ngày 24/07/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 412/2017/UBTVQH14 về chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018.

Theo Nghị quyết, trong năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; Xem xét báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các cá nhân liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội; Tổ chức hoạt động chất vấn tại 02 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 03 và tháng 08 năm 2018…

Cũng trong năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Giám sát việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân; Giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thực hiện các hoạt động giám sát khác theo nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định…

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

Cơ cấu tổ chức:

  1. THÀNH LẬP TỔ TƯ VẤN KINH TẾ CỦA THỦ TƯỚNG

Từ ngày 28/07/2017, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ được thành lập theo Quyết định số 1120/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Theo đó, Tổ Tư vấn kinh tế có nhiệm vụ: Tư vấn cho Thủ tướng về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; Phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra; Tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động bất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế…

Tổ Tư vấn kinh tế có Tổ trưởng chuyên trách do Thủ tướng quyết định. Bộ phận thường trực của Tổ Tư vấn kinh tế gồm Tổ trưởng và tối đa 02 thành viên chuyên trách hoặc không chuyên trách. Các thành viên khác của Tổ Tư vấn hoạt động không chuyên trách gồm các nhà khoa học, nhà kinh tế, các chuyên gia… Ngoài các thành viên chính thức của Tổ Tư vấn, Tổ trưởng có thể đề xuất danh sách cộng tác viên trong trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Quyết định này được ban hành và có hiệu lực cùng ngày 28/07/2017.

Tư pháp-Hộ tịch:

  1. QUY CHẾ TỔ CHỨC PHIÊN TÒA

Ngày 28/07/2017, Tòa án nhân dân Tối cao đã ra Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC về việc ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa, áp dụng đối với các phiên tòa, phiên họp trong quá trình Tòa án xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử và giải quyết vụ việc dân sự, phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Thông tư nêu rõ, việc tổ chức phiên tòa phải đảm bảo nguyên tắc: Tiến hành đúng thời gian, địa điểm và thành phần người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quyết định đưa vụ án ra xét xử; Được tổ chức công khai, trừ trường hợp giữ bí mật Nhà nước, bảo vệ người dưới 18 tuổi; Đảm bảo yêu cầu về an ninh, trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án…

Nội quy phòng xử án bao gồm nội quy phiên tòa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và các quy định: Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa phải ngồi đúng vị trí trong phòng xử án; Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký phiên tòa phải mặc trang phục xét xử theo đúng quy định; Việc ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên toà phải được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.

Người vi phạm nội quy phòng xử án có thể bị Chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án, khu vực xét xử hoặc bị xử phạt hành chính, tạm giữ hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm. 
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018

  1. LUẬT SƯ ĐƯỢC NGỒI NGANG BẰNG VỚI ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT

Tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/07/2017 quy định về phòng xử án, Tòa án nhân dân Tối cao đã có một số điều chỉnh về cách bố trí phòng xử án so với trước đây.

Trước tiên, trong phòng xử án hình sự cấp sơ thẩm, phúc thẩm, Hội đồng xét xử được bố trí ngồi ở vị trí cao nhất, tiếp đó là vị trí của Thư ký phiên tòa; đại diện Viện Kiểm sát và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí ngồi ngang bằng nhau. Cách bố trí này thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử, bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và quyền bào chữa của bị cáo…

Bên cạnh đó, Thông tư này quy định áp dụng Bục khai báo dành cho bị cáo trong vụ án hình sự, thay cho vành móng ngựa hiện nay. Bục này nằm ở phía dưới vị trí của đại diện Viện Kiểm sát và người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp của bị hại, đương sự. 

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018

  1. SẮP BAN HÀNH, SỬA ĐỔI LOẠT VĂN BẢN VỀ ĐẤT ĐAI, ĐẦU TƯ

Tại Quyết định số 1078/QĐ-TTg ngày 25/07/2017, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Danh mục văn bản để ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Trong Danh mục này, có 28 Nghị định của Chính phủ; 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 22 Thông tư của Bộ trưởng liên quan tới các lĩnh vực: đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh sẽ được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Cụ thể, trong quý III/2017, sẽ trình Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghị định sửa đổi Nghị định 87/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; Nghị định bãi bỏ Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014/TT-BTNMT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Trong quý IV/2017, sẽ trình Nghị định về quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản; Thông tư hướng dẫn một số nội dung về thuế đối với dịch vụ viễn thông; Thông tư quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng và danh mục sản phẩm an toàn thông tin nhập khẩu theo giấy phép…

Trong quý I/2018, trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 102/2014/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 17
Trong ngày: 161
Trong tuần: 746
Lượt truy cập: 1591872
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com