Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
- BÃI BỎ MỘT LOẠT VĂN BẢN TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ra Quyết định số 04/2017/TT-NHNN ngày 28/06/2017 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, liên tịch ban hành.
Cụ thể, có 20 văn bản quy phạm pháp luật được bãi bỏ tại Quyết định này. Đáng chú ý có: Quyết định số 134/2000/QĐ-NHNN2 về quy trình kỹ thuật nghiệp vụ chuyển tiền điện tử trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước; Quyết định số 1234/2001/QĐ-NHNN ban hành Quy chế cho vay đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Quyết định số 47/2007/QĐ-NHNN về mức thu dịch vụ thông tin tín dụng; Quyết định số 17/2008/QĐ-NHNN cung cấp thông tin về lãi suất phục vụ cho việc xác định lãi suất cơ bản; Thông tư số 18/2009/TT-NHNN quy định chi tiết việc cho vay của các ngân hàng thương mại đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/08/2017.
- THÍ ĐIỂM XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Ngày 21/06/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, áp dụng với các khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/08/2017; khoản nợ được hình thành trước ngày 15/08/2017 và được xác định là nợ xấu trong suốt thời gian Nghị quyết này có hiệu lực.
Theo Nghị quyết, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm tổ chức bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.
Trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, bên mua khoản nợ được quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm cho khoản nợ đã mua; kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp.
Trong trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chuyển nhượng dự án bất động sản khi có các điều kiện: Dự án đã được phê duyệt; Có quyết định giao đất, cho thuê đất; Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/08/2017 và được thực hiện trong thời hạn 05 năm
Thương mại:
- GIÁ BÁN LẺ SỮA CHO TRẺ DƯỚI 6 TUỔI PHẢI ĐƯỢC NIÊM YẾT CÔNG KHAI
Từ ngày 10/08/2017, việc đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi sẽ được áp dụng theo quy định của Thông tư số 08/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 26/06/2016.
Thông tư này yêu cầu thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa, thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 06 tuổi phải kê khai giá bán lẻ khuyến nghị đối với hệ thống các thương nhân phân phối sản phẩm của mình. Đặc biệt, mức giá bán lẻ phải được niêm yết công khai; trường hợp giá bán lẻ của các thương nhân phân phối vượt quá mức giá bán lẻ khuyến nghị đã kê khai của thương nhân sản xuất, nhập khẩu, các thương nhận này phải kê khai giá bán lẻ của mình cho cơ quan có thẩm quyền.
Mức giá bán lẻ khuyến nghị là cơ sở để cơ quan tiếp nhận kê khai giá và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện quản lý Nhà nước về giá, công bố công khai cho người tiêu dùng. Thương nhân sản xuất, nhập khẩu có thể thực hiện kê khai các mức giá bán lẻ khuyến nghị phù hợp với từng khu vực địa lý nhất định.
Cũng theo Thông tư này, thương nhân sản xuất, nhập khẩu có quyền tự xác định giá bán lẻ khuyến nghị đến người tiêu dùng cuối cùng. Trong trường hợp điều chỉnh giá trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai hoặc thông báo liền kề trước đó, thương nhân phải thông báo điều chỉnh giá; trường hợp lũy kế các lần thông báo điều chỉnh vượt mức 5%, thương nhân phải kê khai giá.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/08/2017
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:
- NĂM HỌC 2017 - 2018, HỌC PHÍ ĐH SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP.HCM 17 TRIỆU ĐỒNG/SINH VIÊN
Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Trường) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 30/06/2017 với mục tiêu phát triển Trường thành trường đại học ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực theo chuẩn mực khu vực và quốc tế.
Đáng chú ý, Đề án quy định mức học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy tại Trường là 17 triệu đồng/sinh viên trong năm học 2017 - 2018; 18 triệu đồng/sinh viên trong năm học 2018 - 2019 và 19 triệu đồng/sinh viên trong năm học 2019 - 2020.
Mức học phí cụ thể của từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo do Trường tính toán và công khai trước khi tuyển sinh, đảm bảo mức thu học phí bình quân không vượt quá mức thu học phí tối đa nêu trên.
Đồng thời, Trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí chương trình đại trà cùng nhóm ngành đào tạo; Học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.
Đối với các đối tượng đã nhập học trước ngày 30/06/2017, Trường thu học phí không vượt quá 20% mức trần học phí quy định đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư; Mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ ngày 30/06/2017.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Văn hóa-Thể thao-Du lịch:
- CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020
Ngày 30/06/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 936/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020, hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chương trình này đề ra mục tiêu đến năm 2020, hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể 20 di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; Hỗ trợ đầu tư khu lưu niệm, nhà lưu niệm 05 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của dân tộc; Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 15 trung tâm văn hóa cấp tỉnh, 30 trung tâm văn hóa cấp huyện; Hỗ trợ trang thiết bị 20 điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; Hỗ trợ trang thiết bị, nâng cấp 20 rạp truyền thống tại địa phương, 60 lượt trang thiết bị hoạt động cho các đoàn nghệ thuật truyền thống…
Với tổng kinh phí 10.620 tỷ đồng, Chương trình này tập trung thực hiện 03 dự án thành phần, gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; Phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Chương trình đề ra một số giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, như: Khuyến khích các nguồn vốn hợp pháp tham gia đầu tư các rạp biểu diễn nghệ thuật và các dịch vụ khác liên quan đến việc phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống; Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt ưu tiên đào tạo nghệ nhân, cán bộ văn hóa xã, cán bộ làm công tác thư viện, quản lý di tích; Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội với sự nghiệp phát triển văn hóa.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Chính sách:
- XÂY DỰNG NHÀ TẠM LÁNH CHO NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Ngày 30/06/2017, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 938/QĐ-TTg.
Đề án này nhấn mạnh, sẽ xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến chính mình, trong đó có mô hình Nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo lực gia đình và mua bán người; thí điểm kết nối trong toàn quốc đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới, bạo lực gia đình. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; xây dựng Chương trình quốc gia giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ…
Giai đoạn 2017 - 2022, Đề án phấn đấu đạt được mục tiêu có 20 triệu phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về khả năng, vai trò của phụ nữ trong phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; 05 triệu phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực; Hàng năm không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ, trẻ em mà Hội Liên hiệp phụ nữ không lên tiếng kịp thời. Đồng thời, mỗi xã, phường, thị trấn sẽ xây dựng ít nhất 01 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Hành chính:
- ĐẨY MẠNH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA
Nhận thấy tình trạng triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN của một số Bộ, ngành còn chậm, thiếu quyết liệt; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn phức tạp, chồng chéo…, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 29/06/2017 về việc đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia theo hướng tập trung trên nền tảng Cổng thông tin một cửa quốc gia, đẩy mạnh thuê dịch vụ trong việc cung cấp các tiện ích cho doanh nghiệp và người dân trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo cung cấp các dịch vụ công quốc gia.
Trong tháng 10/2017, các Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông phải hoàn thành việc rà soát, ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan thuộc lĩnh vực mình phụ trách, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo, kiểm tra ít nhất.
Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo trong tháng 12/2017, phải hoàn thiện khung pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hướng tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục, cho phép kết nối và trao đổi chứng từ điện tử với các đối tác thương mại quốc tế để thúc đẩy hoạt động thương mại và logistics.
- SẼ CẤP SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN TRONG NĂM 2017
Đây là một trong những nội dung của Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư năm 2017, ban hành tại Quyết định số 435/QĐ-BCĐ896 ngày 24/06/2017 của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Ban chỉ đạo 896).
Cụ thể, để thực hiện nội dung này, cơ quan công an thực hiện nhập thông tin công dân để xác lập số định danh cá nhân thông qua việc cấp Thẻ Căn cước công dân, trong đó ưu tiên cấp số định danh cá nhân ở trong nước. Cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp với cơ quan công an thực hiện nhập thông tin khi công dân đăng ký khai sinh cho trẻ em và cấp số định danh cá nhân từ khi đăng ký khai sinh.
Cũng theo Đề án này, trong quý III năm 2017, sẽ thành lập Ban Chỉ đạo 896 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp với công an cấp tỉnh triển khai công tác thu thập, nhập dữ liệu về dân cư, cấp số định danh cá nhân cho công dân ở địa phương.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Công nghiệp:
- EVN ĐƯỢC TỰ TĂNG GIÁ ĐIỆN TỪ 3% - DƯỚI 5%
Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/06/2017.
Điểm mới nổi bật của Quyết định này là cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tự tăng giá bán điện bình quân trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% - dưới 5% so với giá bình quân hiện hành. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% - dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được phép tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận (trước đây là từ 7% - dưới 10%).
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN trình Bộ Công Thương hồ sơ phương án giá điện. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Ngoài ra, trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/08/2017; thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013.
Nông nghiệp-Lâm nghiệp:
- ĐẦU TƯ HƠN 300.000 TỶ ĐỒNG TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
306.660 tỷ đồng là tổng số vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 28/06/2017.
Chương trình này hướng tới mục tiêu hỗ trợ ngành trồng trọt, chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, góp phần đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ngành trồng trọt từ 2,5 - 3%, chăn nuôi từ 4 - 5%, chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ổn định đời sống dân cư nông thôn. Bên cạnh đó, hỗ trợ 2000 hợp tác xã thành lập mới và tổ chức lại 90% hợp tác xã nông nghiệp hiện có…
Với mục tiêu nêu trên, Chương trình tập trung vào các nội dung cụ thể như: Hỗ trợ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, củng cố, tu bổ hệ thống đê sông, đê biển và công trình phòng chống úng ngập, triều cường; Hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án nâng cấp, xây dựng 06 hồ chứa nước ngọt trên các đảo đông dân cư…
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Tư pháp-Hộ tịch:
- THẨM PHÁM XỬ OAN BỊ CHUYỂN CÔNG VIỆC KHÁC
Ngày 19/06/2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ký Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân, có hiệu lực từ ngày 01/07/2017.
Quy định này chỉ rõ, thẩm phán ra bản án tuyên bị cáo có tội, nhưng sau đó có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền tuyên bị cáo đó không có tội hoặc hủy bản án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm thì thẩm phán đó bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức bố trí làm công việc khác và không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại khi kết thúc nhiệm kỳ.
Hình thức xử lý trách nhiệm nêu trên còn được áp dụng đối với trường hợp thẩm phán ra bản án, quyết định không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn đến việc Tòa án phải bồi thường; Trong một năm công tác, thẩm phán áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ không đúng quy định đối với 01 bị cáo phạm tội tham nhũng hoặc phạm tội khác nhưng gây dư luận xấu…
Cũng theo Quy định, thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị khi có một trong những hành vi: Xử lý đơn khởi kiện để quá thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; Xử lý đơn yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự để quá thời hạn 07 ngày làm việc, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; Ra bản án, quyết định sau khi được công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án có nhiều sai sót bị phát hiện, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Tòa án nhân dân…
- TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO CÓ 2 THẨM PHÁN MỚI
Ngày 19/06/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2017/QH14 phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Theo Nghị quyết này, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông: Lê Hồng Quang (sinh năm 1968), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang và ông Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1966), Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Ông Lê Hồng Quang và ông Nguyễn Văn Tiến sẽ đảm nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao kể từ ngày 01/07/2017
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |