Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      TỪ 2/6, CÔNG KHAI THỜI ĐIỂM CHI HOÀN THUẾ GTGT CHO NGƯỜI NỘP THUẾ

Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Thông tư số 31/2017/TT-BTC ngày 18/04/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29/06/2016 hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), có hiệu lực từ ngày 02/06/2017.

Cụ thể, ngoài một số thông tin theo quy định hiện hành về thời điểm tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế; thời điểm tiếp nhận văn bản giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu của người nộp thuế; thời điểm ban hành thông báo, quyết định giải quyết hoàn thuế GTGT, từ ngày 02/06/2017, cơ quan thuế sẽ phải công khai cả thời điểm Kho bạc Nhà nước chi hoàn thuế cho người nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định rút ngắn thời gian thực hiện hoàn thuế cho người nộp thuế. Theo đó, từ ngày 02/06/2017, thời gian thực hiện hoàn thuế cho người nộp thuế là 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách Nhà nước/lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách Nhà nước do cơ quan thuế chuyển đến; trong khi theo quy định trước đây, thời gian thực hiện chậm nhất là 03 ngày làm việc.

Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 2.      TIỀN CÔNG CỦA NGƯỜI LÀM VIỆC THEO HÌNH THỨC CỘNG ĐỒNG

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 11/2017/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 20/04/2017 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm về chính sách việc làm công.

Cụ thể, tiền công của người lao động được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa những người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc người lao động đã thực hiện.

Theo đó, đối với người lao động làm việc đủ 08 giờ/ngày và 26 ngày/tháng thì tiền công tính theo tháng và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại nơi thực hiện dự án, hoạt động. Đối với người lao động làm việc không đủ 08 giờ/ngày hoặc 26 ngày/tháng thì tiền công tính theo giờ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại nơi thực hiện các dự án, hoạt động chia 26 ngày và chia 08 giờ. Trường hợp người lao động làm thêm giờ thì được thanh toán tiền công theo giờ cho những giờ làm thêm.

Về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng, Thông tư cho phép những người lao động tự thỏa thuận về vấn đề này nhưng phải đảm bảo: Thời giờ làm việc không quá 08 giờ/ngày; Mỗi tuần được nghỉ ít nhất 01 ngày, nếu không thể nghỉ hàng tuần thì được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày; Trường hợp phải làm thêm giờ thì tổng số giờ làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/06/2017.

  1. CHỦ DN PHẢI ĐÓNG 0,5% QUỸ LƯƠNG VÀO QUỸ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG

Có hiệu lực từ ngày 01/06/2017, Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định tại Nghị định, mỗi tháng người sử dụng lao động phải đóng 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; cán bộ, công chức, viên chức; công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương… (trừ trường hợp người lao động là người giúp việc gia đình). Với người lao động là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, mức đóng hằng tháng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0,5% trên mức lương cơ sở.

Các mức đóng nêu trên được thực hiện từ ngày 01/06/2017 và được xem xét điều chỉnh từ ngày 01/01/2020; riêng với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, việc đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được áp dụng từ ngày 01/01/2018.

Đầu tư:

  1. 4.      NHÀ ĐẦU TƯ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ VÀ ĐĂNG KÝ DN THEO CƠ CHẾ LIÊN THÔNG

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BKHĐT ngày 18/04/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp (DN) đối với nhà đầu tư nước ngoài (sau đây gọi là cơ chế liên thông), nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn đăng ký đầu tư và đăng ký DN theo cơ chế liên thông hoặc thực hiện từng thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thực hiện đăng ký đầu tư và đăng ký DN theo cơ chế liên thông, nhà đầu tư sẽ chỉ phải nộp 01 bản giấy tờ gồm: Hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân có giá trị pháp lý tương đương với nhà đầu tư là cá nhân; Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương với nhà đầu tư là tổ chức; Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký DN nếu có sự trùng lặp các giấy tờ này trong hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký DN. 

Cũng theo Thông tư này, các trường hợp được thực hiện cơ chế liên thông bao gồm: Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký DN và nội dung đăng ký đầu tư (gồm: Thay đổi ngành, nghề kinh doanh đồng thời thay đổi mục tiêu dự án đầu tư; Thay đổi địa chỉ trụ sở chính của DN đồng thời thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư; Thay đổi vốn điều lệ của DN đồng thời thay đổi vốn đầu tư của dự án đầu tư; Thay đổi thành viên, thông tin cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong DN đồng thời thay đổi thông tin nhà đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/06/2017.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 5.      TẠM DỪNG CẤP MỚI BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ CHO CÁC KHOẢN VAY

Ngày 20/04/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn 2016 - 2018, trong đó nhấn mạnh về chủ trương cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ.

Cụ thể, tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước; rà soát danh mục các chương trình, dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ để xây dựng hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2016 - 2018, đảm bảo chi tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt. Đối với phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội, khống chế hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm để ổn định dư nợ; đối với các khoản vay nước ngoài đã được cấp bảo lãnh Chính phủ và đang giải ngân, thực hiện khống chế hạn mức rút vốn ròng hàng năm là 01 tỷ USD/năm.

Về vay nợ chính quyền địa phương, Thủ tướng yêu cầu khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định, trong đó bội chi ngân sách địa phương năm 2017 khoảng 6.000 tỷ đồng và năm 2018 là khoảng 11.100 tỷ đồng. Ngoài ra, hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả cũng được quy định ở mức tối đa khoảng 5,5 tỷ USD/năm; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mức dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia, tốc độ tăng hàng năm tối đa 8 - 10%...

Chương trình này đưa ra mục tiêu giai đoạn 2016 - 2018, nợ công chiếm không quá 65% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đồng thời, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ…

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 6.      CÔNG KHAI CÁC DOANH NGHIỆP NỢ THUẾ TRÊN TRUYỀN THÔNG

Nhằm chủ động trong điều hành thực hiện nhiệm vụ thu, chi năm 2017; đảm bảo nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép…, ngày 19/04/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2017.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, cơ quan, đơn vị tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo tiền đề phát triển nguồn thu ổn định, vững chắc cho ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, chủ động đề ra các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, liên tục, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017, tăng 14 - 16% so với số thực hiện thu năm 2016; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự toán và tăng 5 - 7% so với thực hiện năm 2016; định kỳ công khai trên truyền thông các doanh nghiệp nợ thuế; phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2017 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách Nhà nước năm 2017…

  1. 7.      PHÍ TẠM ỨNG NGÂN QUỸ NHÀ NƯỚC 0,21%/THÁNG

Ngày 18/04/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2017/TT-BTC quy định tạm ứng ngân quỹ Nhà nước cho ngân sách Nhà nước, nhằm xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách Trung ương, đáp ứng các nhu cầu chi đột xuất khi ngân sách Trung ương chưa tập trung kịp nguồn thu; hoặc thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công hằng năm và trung hạn của địa phương…

Theo Thông tư này, mức phí tạm ứng ngân quỹ Nhà nước cho ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh áp dụng thống nhất là 0,21%/tháng tính trên số dư nợ tạm ứng và số ngày tạm ứng thực tế; mức phí tạm ứng quá hạn được tính bằng 150% mức phí tạm ứng. Phí tạm ứng được thanh toán định kỳ hàng tháng cho Kho bạc Nhà nước chậm nhất vào ngày 10 của tháng liền kề sau tháng phải trả phí.

Về thời hạn tạm ứng ngân quỹ Nhà nước, Thông tư quy định thời hạn này tối đa là 12 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Quyết định phê duyệt tạm ứng ngân quỹ Nhà nước. Thời hạn rút vốn đối với các khoản tạm ứng được Bộ Tài chính phê duyệt trong năm ngân sách chậm nhất là đến hết ngày 31/12 của năm ngân sách; sau thời hạn này, khoản tạm ứng hết hạn rút vốn và bị hủy bỏ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành ngày kể từ ngày 05/06/2017.

Chứng khoán:

  1. 8.      ĐIỀU KIỆN NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN TRÊN SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TP.HCM

Ngày 12/04/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2015/TT-BTC ngày 18/12/2015 hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán.

Theo đó, để được niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, công ty đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM hợp nhất với công ty chưa niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM phải đáp ứng các điều kiện tại các điểm a, c, d, đ, e khoản 1 Điều 53 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP và có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 5%; trong khi theo quy định trước đây, chỉ cần đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, ngoại trừ các điều kiện như: Có ít nhất 02 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; Hoạt động kinh doanh của 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi.

Tương tự, để được niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, công ty đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hoặc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM hợp nhất với công ty chưa niêm yết phải đáp ứng các điều kiện tại các điểm a, c, d, đ, e khoản 1 Điều 54 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP và có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 5%.

Cũng theo Thông tư này, tổ chức niêm yết thực hiện chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM hoặc ngược lại phải được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua và phải đáp ứng điều kiện niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán dự kiến chuyển sang niêm yết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017.

Chính sách:

  1. GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, NÂNG MỨC TRỢ CẤP XÃ HỘI HÀNG THÁNG

Trên quan điểm bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển…, ngày 14/04/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 488/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Tại Đề án, Thủ tướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng tham gia trợ giúp khẩn cấp; lồng ghép trợ giúp khẩn cấp với các đề án, chương trình, chính sách liên quan ở các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lụt, tác động của biến đổi khí hậu có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, khẳng định sẽ hỗ trợ chi phí cho đối tượng sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở ngoài công lập cung cấp theo khung giá và danh mục dịch vụ sự nghiệp công được pháp luật quy định; xây dựng mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện hướng đến năm 2030, cứ 5.000 người dân có 01 nhân viên công tác xã hội, trợ giúp xã hội chuyên nghiệp.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; có chính sách trợ giúp với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số; tiếp mục mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp xã hội. Đến năm 2030, mức trợ cấp xã hội điều chỉnh phù hợp với khả năng ngân sách và xu hướng quốc tế; 90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 50% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

10. CÔNG KHAI ĐƠN VỊ BUÔN LẬU, SẢN XUẤT VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP GIẢ

Ngày 24/04/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.

Trên quan điểm nhận định vật tư nông nghiệp là yếu tố đầu vào, có vai trò quan trọng và không thể thiếu để đảm bảo phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững…, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp; xử lý dứt điểm các điểm nóng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng Salbutamol, Aurmine, Cysteamine và các hóa chất, kháng sinh khác trong Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản tại Việt Nam; công khai và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin vi phạm về sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư nông nghiệp.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn; ưu tiên phân bổ kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp lưu thông và sử dụng trên địa bàn… 

11. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

Ngày 17/04/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo quy định tại Thông tư này, việc đánh giá hợp tác xã nông nghiệp dựa trên 06 tiêu chí: Doanh thu và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm của hợp tác xã; Lợi ích của các thành viên hợp tác xã; Vốn hoạt động của hợp tác xã; Quy mô thành viên ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng; Hợp tác xã được khen thưởng trong năm; Mức độ hài lòng của thành viên đối với hợp tác xã. Trong đó, thang điểm tối đa với tiêu chí doanh thu và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm của hợp tác xã là 38; với tiêu chí lợi ích của các thành viên hợp tác xã là 16; thang điểm tối đa với tiêu chí vốn hoạt động của hợp tác xã và quy mô thành viên hợp tác xã ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng là 17 và 8 điểm…

Về xếp loại, hợp tác xã nông nghiệp được xếp loại theo 04 mức: Hợp tác xã hoạt động tốt có tổng số điểm đạt từ 80 điểm đến 100 điểm; Hợp tác xã hoạt động khá có tổng số điểm đạt từ 65 điểm đến dưới 80 điểm; Hợp tác xã hoạt động trung bình có tổng số điểm đạt từ 50 điểm đến dưới 65 điểm; Hợp tác xã hoạt động yếu có tổng số điểm đạt dưới 50 điểm hoặc trong năm bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động của hợp tác xã. Riêng với hợp tác xã mới thành lập và sản xuất kinh doanh chưa đủ 12 tháng trong năm thì không tự chấm điểm và xếp loại.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31/05/2017.

12. NGHIÊM CẤM GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT CHẾT, BỆNH LÀM THỰC PHẨM

Trước tình trạng nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn tồn tại ở nhiều địa phương như giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến sản phẩm động vật tại các cơ sở không có Giấy phép hoạt động, không đảm bảo vệ sinh thú y, không được kiểm soát thú y…, ngày 11/04/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị số 3005/CT-BNN-TY về việc tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm; vứt xác động vật ra ngoài môi trường; trường hợp phát hiện động vật chết, mắc bệnh phải khai báo với cơ quan thú y nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã để kiểm tra.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND cấp xã bố trí địa điểm xử lý, tiêu hủy động vật chết, mắc bệnh bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến, kho bảo quản sản phẩm động vật trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh vi phạm trên phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết và tránh mua phải thịt từ động vật chết, mắc bệnh, không được kiểm soát giết mổ bởi ngành thú y…


 

Đang truy cập: 6
Trong ngày: 375
Trong tuần: 1121
Lượt truy cập: 1598564
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com