Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
- 1. NGUYÊN TẮC LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 5 NĂM ĐỊA PHƯƠNG
Ngày 23/03/2017, Chính phủ đã ra Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm.
Theo Quy chế này, việc lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm phải đảm bảo thống nhất, phù hợp. Kế hoạch tài chính ngân sách, dự toán ngân sách địa phương đảm bảo cân đối ngân sách vững chắc, tiến tới cân bằng thu chi ngân sách; phân bổ ngân sách địa phương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội; quyết toán ngân sách địa phương phải chính xác, đầy đủ, hiệu quả; ngân sách cấp huyện, xã không được quyết toán chi ngân sách lớn hơn thu ngân sách.
Cũng theo Quy chế, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách địa phương, UBND có trách nhiệm lập kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương; hằng năm, UBND lập kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm địa phương trình Hội đồng nhân dân tham khảo khi xem xét, quyết định dự toán, phân bổ ngân sách địa phương.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/05/2017.
Thương mại:
- 2. TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HÓA CHẤT TRONG CHẾ BIẾN THỰC PHẨM
Nhằm chủ động ngăn chặn các sự cố an toàn thực phẩm, giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây ra và đảm bảo an toàn tính mạng người tiêu dùng, ngày 28/03/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BCT về việc tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm.
Tại Chỉ thị, Bộ trưởng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hóa chất, đặc biệt là methanol, cồn công nghiệp, hương liệu và phụ gia thực phẩm; chú trọng kiểm tra, phát hiện các hành vi sử dụng cồn công nghiệp, hóa chất, hương liệu, phụ gia không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, pha chế rượu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tiến hành đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở nhập khẩu, sản xuất cồn công nghiệp; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục Hóa chất có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu và tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu cồn công nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về nhập khẩu, quản lý, sử dụng cồn công nghiệp trước ngày 30/06/2017…
- 3. PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
Ngày 24/03/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1022/QĐ-BCT phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển thương mại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Nhằm mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ đóng góp của ngành thương mại vào GDP chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng bình quân 14%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân khoảng 14%/năm, kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 13%/năm… Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu giảm dần nhập khẩu các mặt hàng có thể sản xuất được ở trong nước, kiểm soát chặt chẽ, tiến tới hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu; hỗ trợ các hộ dân vùng biên giới, hải đảo và khu vực còn khó khăn tự mở cửa hàng kinh doanh theo phương thức thanh toán trả sau.
Đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại được tiếp cận các nguồn tài chính một cách bình đẳng, nhanh chóng; nới lỏng thời hạn cho vay với các dự án kết cấu hạ tầng thương mại có tổng vốn đầu tư lớn hoặc các dự án không có điều kiện thu hồi vốn nhanh; xem xét, giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh đầu tư xây dựng các công trình thương mại tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt đối với chợ. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tiếp tục lấy doanh nghiệp có vốn Nhà nước làm nòng cốt trong việc phát triển sản xuất và kinh doanh các nhóm cơ khí, luyện kim, hóa chất, dệt may, bia - rượu - nước giải khát…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Y tế-Sức khỏe:
- 4. 100% BỆNH NHÂN BỎ CHẤT THẢI Y TẾ ĐÚNG NƠI QUY ĐỊNH
Kế hoạch Truyền thông về quản lý chất thải y tế giai đoạn 2017 - 2021 đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 1119/QĐ-BYT ngày 28/03/2017, với mục tiêu nâng cao nhận thức và tăng cường thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế, thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất thải y tế và xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp.
Kế hoạch này đề ra chỉ tiêu, 100% bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các đối tượng đến sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh được cung cấp thông tin và thực hiện thải bỏ chất thải y tế đúng nơi quy định, thực hiện nội quy và giữ gìn vệ sinh môi trường tại cơ sở y tế; 100% cộng đồng sống xung quanh cơ sở y tế được cung cấp thông tin và phối hợp tham gia bảo vệ môi trường cơ sở y tế… Bên cạnh đó, 100% nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh môi trường, nhân viên vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế của các cơ sở y tế thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải y tế đúng quy định…
Để hoàn thành chỉ tiêu trên, Kế hoạch chỉ rõ, cần tập trung nâng cao nhận thức và tăng cường thực hành giữ vệ sinh môi trường của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các đối tượng đến sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế và cộng đồng sống xung quanh cơ sở y tế bằng hình thức hướng dẫn và khuyến khích thực hiện; Chia sẻ thông tin minh bạch và huy động sự tham gia của cộng đồng và các cơ quan truyền thông trong giám sát thực hiện quản lý chất thải y tế…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chứng khoán:
- 5. QUY ĐỊNH MỚI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH
Ngày 16/03/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/05/2015 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
Thông tư này đã bổ sung các trường hợp được mở tài khoản giao dịch tổng. Cụ thể, công ty quản lý quỹ được mở một tài khoản giao dịch tổng cho nhà đầu tư ủy thác trong nước và 01 tài khoản giao dịch tổng cho nhà đầu tư ủy thác nước ngoài; Công ty chứng khoán thành lập ở nước ngoài được mở 01 tài khoản giao dịch tổng để thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh cho các nhà đầu tư nước ngoài; Các trường hợp khác theo hướng dẫn của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Về trách nhiệm của nhà đầu tư trong trường hợp vượt giới hạn vị thế, Thông tư quy định nhà đầu tư phải thực hiện các giao dịch đối ứng để giảm vị thế, bổ sung ký quỹ trong thời hạn theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Sau thời hạn này, nhà đầu tư không hoàn tất việc giảm vị thế thì thành viên bù trừ được thực hiện lệnh giao dịch đối ứng để đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế của nhà đầu tư. Trường hợp thành viên bù trừ không thực hiện giao dịch đối ứng để đóng vị thế của nhà đầu tư, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam được thực hiện lệnh giao dịch đối ứng để đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế của nhà đầu tư đứng tên thành viên bù trừ.
Ngoài ra, Thông tư bổ sung quy định mới về việc xử lý trường hợp mất khả năng thanh toán. Cụ thể, trường hợp thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán và đã được Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh toán, thành viên bù trừ có trách nhiệm hoàn trả Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam toàn bộ phần tài sản đã sử dụng từ Quỹ bù trừ, Quỹ dự phòng rủi ro và các nguồn khác để đảm bảo thanh toán và chịu mọi chi phí phát sinh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2017.
Giao thông:
- 6. QUY ĐỊNH THU GIÁ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ ĐIỆN TỬ TỰ ĐỘNG KHÔNG DỪNG
Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/03/2017; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2017.
Quyết định này chỉ rõ, phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối. Việc gắn thẻ đầu cuối phải được thực hiện tại các đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền; Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên; khi thẻ bị mất, hỏng, chủ phương tiện được gắn thẻ đầu cuối mới và phải trả chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ.
Nhà cung cấp dịch vụ thu giá mở tài khoản trả trước cho chủ phương tiện trên hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối; Mỗi tài khoản trả trước có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện, nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản trả trước để chi trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ bằng hình thức chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng; sử dụng thẻ cào để nộp tiền qua tin nhắn điện thoại hoặc Trang thông tin điện tử của nhà cung cấp dịch vụ thu giá; Nộp trực tiếp bằng tiền mặt tại các đại lý; Thông qua đơn vị trung gian thanh toán…
Trường hợp phương tiện được gắn thẻ đầu cuối đi qua trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng mà tài khoản trả trước không đủ để chi trả, nhà cung cấp dịch vụ thu giá ghi nợ trên tài khoản và thông báo cho chủ tài khoản biết. Chủ phương tiện phải nộp tiền vào tài khoản để thanh toán trong 10 ngày, kể từ ngày được thông báo. Hết thời hạn mà không nộp tiền, nhà cung cấp dịch vụ thu giá từ chối cung cấp dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện, khởi kiện đối với chủ phương tiện…
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:
- 7. TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐH VIỆT NHẬT
Tại Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 31/03/2017 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt Nhật, Thủ tướng Chính phủ quy định Trường Đại học Việt Nhật là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; trụ sở chính đặt tại TP. Hà Nội.
Trường có nhiệm vụ tổ chức đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và khoa học liên ngành; đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản; quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Nhật Bản cũng như trong khu vực Châu Á và trên toàn thế giới…
Ngôn ngữ được sử dụng giảng dạy tại trường là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật. Trường được tự chủ trong mở ngành, chuyên ngành; được quyết định ban hành chương trình đào tạo và chịu trách nhiệm về điều kiện bảo đảm chất lượng trước Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Người đại diện cao nhất của trường là Hiệu trưởng. Hiệu trưởng do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng thuê quản lý; có nhiệm kỳ 05 năm và không giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp. Phó Hiệu trưởng do Hiệu trưởng đề xuất, giúp Hiệu trưởng quản lý, điều hành các hoạt động của trường. Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng có thể là người không mang quốc tịch Việt Nam.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
- 8. BUỘC THÔI HỌC VỚI SINH VIÊN CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP TỔ CHỨC THI HỘ
Ngày 13/03/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.
Theo đó, sinh viên học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nhờ thi hộ và người học thi hộ sẽ bị đình chỉ học tập 01 năm với lần vi phạm thứ nhất và buộc thôi học với lần vi phạm thứ hai; trường hợp tổ chức thi, kiểm tra hộ sẽ bị buộc thôi học ngay từ lần vi phạm thứ nhất.
Về đăng ký khối lượng học tập đối với hình thức đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ, Thông tư quy định, sinh viên trung cấp, cao đẳng phải đăng ký tối thiểu 14 tín chỉ cho mỗi học kỳ (trừ học kỳ cuối khóa) nếu được xếp loại kết quả học tập từ trung bình trở lên; 10 tín chỉ/học kỳ (trừ học kỳ cuối khóa) nếu bị xếp loại kết quả học tập loại yếu.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng cho phép người học được đăng ký học cùng lúc 02 chương trình. Để được học 02 chương trình cùng lúc, ngành, nghề đào tạo ở 02 chương trình phải khác nhau; người học đã học xong kỳ thứ nhất với chương trình có thời gian thực hiện từ 01 - 02 năm học, đã học xong kỳ thứ hai với chương trình có thời gian thực hiện từ trên 02 năm học và xếp loại kết quả học tập của từng học kỳ đã hoàn thành ở chương trình thứ nhất phải đạt loại khá trở lên…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/04/2017.
Hôn nhân-Gia đình:
- 9. NĂM 2017, SẼ CÓ BỘ TIÊU CHÍ ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH
Trước tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, tình trạng mua bán người... có chiều hướng gia tăng, tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình, đặc biệt gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/03/2017 về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc thù của các bộ, ngành, địa phương. Trong năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải xây dựng, triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhấn mạnh nội dung về giáo dục, đạo đức, lối sống; đẩy mạnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030…
Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường thực hiện nội dung giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới gia đình, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em.
Hành chính:
10. QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Ngày 29/03/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra Quyết định số 486/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành Quy chế làm việc của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Theo quy định tại Quyết định này, chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày Văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình hồ sơ, đề án, công việc của các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng, các Thứ trưởng phải xem xét, xử lý và có ý kiến chính thức vào phiếu trình giải quyết công việc. Với một số trường hợp đặc biệt, những vấn đề quan trọng, cần thiết phải họp, làm việc với lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, chuyên gia liên quan để tham khảo ý kiến trước khi xử lý, giải quyết hoặc những nội dung công việc mà tập thể lãnh đạo Bộ cần thảo luận trước khi Bộ trưởng quyết định thì thời hạn giải quyết công việc có thể dài hơn, tối đa là 07 ngày làm việc.
Cũng theo Quyết định này, các thư, đơn đề nghị giải đáp, đề xuất, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân gửi Bộ (có tên và địa chỉ rõ ràng) đều phải được Thanh tra Bộ trả lời và giải đáp kịp thời; đồng thời, định kỳ hàng quý, Thanh tra Bộ có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng về tình hình giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Bộ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
11. THỂ THỨC TRÌNH BÀY VĂN BẢN QPPL CỦA QUỐC HỘI, CHỦ TỊCH NƯỚC
Theo Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 14/03/2017, quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, thời gian có hiệu lực thi hành của văn bản phải quy định cụ thể ngày, tháng, năm.
Về ngôn ngữ trong văn bản, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt; cách diễn đạt phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu; từ ngữ nước ngoài chỉ được sử dụng khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế và phải được phiên âm sang tiếng Việt hoặc có thể sử dụng trực tiếp nếu là từ ngữ thong dụng, phổ biến; trong văn bản có từ ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì từ ngữ đó phải được giải thích.
Ngoài ra, từ ngữ viết tắt chỉ được sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần sử dụng đầu tiên trong văn bản; với văn bản sử dụng nhiều từ viết tắt, có thể quy định riêng một điều giải thích toàn bộ các từ viết tắt trong văn bản; trường hợp từ ngữ được sử dụng có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích rõ nghĩa được sử dụng trong văn bản…
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2017.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |