Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.
Theo dự thảo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm bảo vệ tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện gồm:
1. Kê biên tài sản.
2. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản.
3. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản.
4. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.
5. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước.
6. Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.
7. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
8. Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu.
9. Thu giữ, niêm phong, cấm di chuyển hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó.
10. Cấm hoặc buộc thực hiện một hành vi nhất định liên quan đến việc ngăn chặn chuyển giao hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thẩm quyền của Tòa án
Dự thảo đề xuất 2 phương án về thẩm quyền của Tòa án. Phương án 1: Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện được xác định như sau: a) Tòa án nơi có tài sản bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện khi xác định được nơi có tài sản; b) Tòa án nơi cư trú trong trường hợp người yêu cầu là cá nhân; Tòa án nơi có trụ sở trong trường hợp người yêu cầu là cơ quan, tổ chức khi không xác định được nơi có tài sản.
Phương án 2: Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.
Điều kiện áp dụng
Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện khi có đủ các điều kiện sau: Người yêu cầu có đơn yêu cầu và xuất trình tài liệu, chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của họ hoặc tài sản bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu.
Đồng thời, các điều kiện khác của biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu áp dụng. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cần thiết để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm bảo vệ tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ ngay chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có của tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính theo quy định.
Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |