Khi tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất: Đối với các cuộc thanh tra lao động, đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền vào cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bất kể ngày hay đêm mà không cần phải báo trước nếu có căn cứ cho rằng việc báo trước sẽ ảnh hưởng đến kết quả thanh tra hoặc phải can thiệp ngay để bảo vệ quyền của người lao động hoặc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Đây là một trong những điểm mới được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất tại dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cụ thể, quy định về tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành Lao động – Thương binh và Xã hội được dự thảo đề xuất như sau: Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra, xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, được thực hiện theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Trường hợp thực hiện các cuộc thanh tra có thời gian dưới một ngày, theo đợt thì kế hoạch thanh tra có thể được xây dựng gộp cho cả đợt thanh tra.
Thông báo việc công bố quyết định thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP. Đối với các cuộc thanh tra lao động, đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền vào cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bất kể ngày hay đêm mà không cần phải báo trước nếu có căn cứ cho rằng việc báo trước sẽ ảnh hưởng đến kết quả thanh tra hoặc phải can thiệp ngay để bảo vệ quyền của người lao động hoặc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Theo dự thảo, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra. Đối với các cuộc thanh tra tiến hành dưới 1 ngày, biên bản công bố quyết định thanh tra được lập chung với biên bản làm việc của đoàn thanh tra.
Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra, trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trường hợp tiến hành thanh tra tại nhiều đơn vị trong cùng thời gian thanh tra tại một địa phương, mỗi cuộc thanh tra có thời gian dưới một ngày thì có thể thực hiện báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra. Chậm nhất 10 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra cuối cùng của đợt thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra.
Theo dự thảo, căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, nội dung giải trình của đối tượng thanh tra (nếu có), chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ban hành kết luận thanh tra. Trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, người ra quyết định thanh tra quyết định kéo dài thời hạn ban hành kết luận thanh tra trên cơ sở nhất trí của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Dự thảo nêu rõ, nội dung kết luận thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có thể được rút gọn. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể nội dung kết luận thanh tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |