Doanh nghiệp:

  1. 1.      NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ TẠI 11 NGÀNH, LĨNH VỰC

Ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, từ ngày 15/02/2017, Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp hoạt động trong 11 ngành, lĩnh vực thay vì 16 ngành, lĩnh vực như trước đây. Trong đó, có 01 lĩnh vực được bổ sung (dịch vụ lưu không, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn) và 06 ngành, lĩnh vực bị loại bỏ khỏi Danh mục, bao gồm: Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ; Sản xuất, cung ứng hóa chất độc; Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay có vai trò, vị trí quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè đá lấn biển; Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Những doanh nghiệp thành viên có vai trò chủ yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, nắm giữ các bí quyết kinh doanh, công nghệ mà tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần thiết phải nắm giữ 100% vốn để thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính được giao.

Cũng từ ngày 15/02/2017, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên ở các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa hoạt động trong 05 ngành, lĩnh vực như: Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay, dịch vụ khai thác khu bay; Dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không; Khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; Tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí; Tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính); nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ với doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa hoạt động trong 08 lĩnh vực, trong đó có: Sản xuất hóa chất cơ bản; Vận chuyển hàng không; Kinh doanh bán lẻ điện; Cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017.

Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 2.      BỎ QUY ĐỊNH CHỦ TÀU KHAI THÁC HẢI SẢN ĐƯỢC HOÀN THUẾ GTGT

Nghị định số 172/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã được Chính phủ ban hành ngày 27/12/2016 và có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.

Tại Nghị định này, Chính phủ đã bỏ quy định chủ tàu được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với tàu dùng để khai thác hải sản được đóng mới, nâng cấp có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Đối với những hợp đồng đóng mới, nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được ký và hoàn thành, bàn giao thực tế trước ngày 01/01/2015, chủ tàu được hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT tại thời điểm ký hợp đồng.

Trường hợp chủ tàu tự đóng mới, nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên phát sinh trước ngày 01/01/2015 (không ký hợp đồng) được hoàn thuế GTGT đối với những hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các hoạt động đóng tàu kể từ ngày 15/08/2014 đến trước ngày 01/01/2015.

  1. 3.      PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VỚI KHAI THÁC DẦU THÔ 100.000 ĐỒNG/TẤN

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản chỉ rõ, mức thu phí bảo vệ môi trường với khai thác dầu thô là 100.000 đồng/tấn; với khí thiên nhiên, khí than là 50 đồng/m3; riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) là 35 đồng/m3.

Đối với khai thác quặng khoáng sản kim loại, mức phí bảo vệ môi trường dao động từ 10.000 đồng/tấn - 270.000 đồng/tấn; trong đó, mức phí tối đa 270.000 đồng/tấn áp dụng với quặng vàng, quặng bạch kim, quặng bạc, quặng thiếc, quặng chì, quặng kẽm, quặng cô-ban, quặng thủy ngân, quặng ma-nhê; mức phí tối thiểu 10.000 đồng/tấn áp dụng với khai thác quặng nhôm, quặng bô-xít… Riêng với khai thác khoáng sản tận thu, mức phí bảo vệ môi trường bằng 60% mức phí của các loại khoáng sản nêu trên.

Về việc kê khai, nộp phí, Nghị định quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên; thời hạn kê khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo.

  1. 4.      DN PHẢI ĐÓNG PHÍ MÔN BÀI TỐI ĐA 3 TRIỆU ĐỒNG/NĂM

Ngày 15/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài; trong đó quy định mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ từ 1 - 3 triệu đồng/năm.

Trong đó, mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng là 3 triệu đồng/năm; với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống là 2 triệu đồng/năm và 1 triệu đồng/năm với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác.

Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm, mức thu lệ phí môn bài là 1 triệu đồng/năm; 500.000 đồng/năm nếu có doanh thu trên 300 triệu đồng - 500 triệu đồng/năm; trường hợp có doanh thu trên 100 triệu đồng - 300 triệu đồng/năm, mức thu lệ phí môn bài là 300.000 đồng/năm.

Đặc biệt, sẽ miễn lệ phí môn bài với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm kinh doanh cố định và cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống; trong đó, mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình được miễn lệ phí môn bài là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

  1. 5.      GIÁ TÍNH LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ VỚI XE MÁY LẮP RÁP TRONG NƯỚC TỐI ĐA 131 TRIỆU

Giá tính lệ phí trước bạ với xe gắn máy lắp ráp trong nước dao động từ 5 triệu đồng - 131 triệu đồng là nội dung đáng chú ý tại Bảng giá tính lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy được Bộ Tài chính ban hành ngày 15/11/2016 tại Thông tư số 304/2016/TT-BTC.

Trong đó, giá tính lệ phí trước bạ thấp nhất 5 triệu đồng được áp dụng với nhóm xe hai bánh, loại xe số có thể tích làm việc từ 50 cm3 trở xuống; mức giá cao nhất 131 triệu đồng áp dụng với xe hai bánh Kymco People GTi300-BF60 với thể tích làm việc 299 cm3; giá tính lệ phí trước bạ với xe máy SH150 có thể tích làm việc 153 cm3 và xe máy Air Blade FI, thể tích làm việc 108 cm3 lần lượt là 122 triệu đồng và 32 triệu đồng…

Với ô tô nhập khẩu, giá tính lệ phí trước bạ dao động từ 100 triệu đồng - 50,011 tỷ đồng, tùy từng dòng xe. Cụ thể, giá tính lệ phí trước bạ 50,011 tỷ đồng áp dụng với xe Rolls-Royce Phantom Drophead; 43 tỷ đồng với xe Rolls-Royce Phantom, thể tích làm việc 6.7 lít; 800 triệu đồng với xe Audi A3, thể tích làm việc 1.6 lít và 100 triệu đồng với xe Chery SQR 7111S11, thể tích làm việc 1.1 lít…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017; áp dụng với hồ sơ khai lệ phí trước bạ được nộp cho cơ quan thuế từ ngày 01/01/2017.

Bảo hiểm:

  1. 6.      MỤC TIÊU ĐẾN 2020, 50% NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA BHXH

Trước tình trạng nhận thức của một số người sử dụng lao động, người lao động về bảo hiểm xã hội còn hạn chế; số người lao động ngừng tham gia và yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần còn phổ biến; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương…, ngày 26/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác khai trình lao động của các doanh nghiệp; các doanh nghiệp phải khai trình việc sử dụng lao động, thông báo tình hình biến động theo đúng quy định. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng phần mềm quản lý lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc khai trình, cập nhật tình hình biến động lao động trong doanh nghiệp và kết nối với cơ sở dữ liệu của cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt, sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần; tạo điều kiện cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp…

  1. 7.      ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ LĨNH VỰC BHXH

Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2017, Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Nghị định này, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội phải có chứng thư số còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp, trường hợp chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cấp; có khả năng truy cập, sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định và đăng ký với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Về điều kiện lựa chọn tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (dịch vụ I-VAN), Nghị định quy định, tổ chức phải có hệ thống thiết bị, kỹ thuật bảo đảm cung cấp dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch và bảo đảm kết nối an toàn với Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần, trừ thời gian bảo trì (thời gian bảo trì tối đa bằng 2% tổng số giờ cung cấp dịch vụ trong một năm); có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin, có kinh nghiệm thực tiễn về quản trị mạng, quản trị cơ sở dữ liệu... Bên cạnh đó, tổ chức phải lưu trữ nhật ký giao dịch điện tử trong thời gian tối thiểu 10 năm, kể từ thời điểm thực hiện giao dịch thành công.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 8.      SAU 3/2018, ĐÓNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN CỦA HỘ GĐ CHƯA CHUYỂN ĐỔI

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 32/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Thông tư này quy định, chậm nhất ngày 01/03/2018, khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, có tài khoản thanh toán mở trước ngày 01/03/2017 phải hoàn thành ký lại hợp đồng, sử dụng tài khoản thanh toán để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản (nếu khách hàng có yêu cầu). Sau 01/03/2018, sẽ thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành chuyển đổi.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định sửa đổi về chủ tài khoản thanh toán của tổ chức. Theo đó, từ ngày 01/03/2017, chủ tài khoản thanh toán của tổ chức chính là tổ chức mở tài khoản, thay vì là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản như quy định hiện hành. Người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản thanh toán chỉ có quyền thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện.

Cũng theo Thông tư này, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại trong sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của khách; đồng thời, phải bồi hoàn tổn thất cho khách hàng theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật trong thời hạn 05 ngày làm việc từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại. Trường hợp hết hạn xử lý tra soát, khiếu nại mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong 15 ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý, tra soát khiếu nại.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2017.

Giao thông:

  1. 9.      NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT SỰ CỐ GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Ngày 02/12/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BGTVT quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt; trong đó nhấn mạnh tới các nguyên tắc giải quyết sự cố giao thông đường sắt.

Cụ thể, các sự cố giao thông đường sắt phải được lập biên bản; sự cố phải được thông tin, báo cáo kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; khi sự cố giao thông đường sắt xảy ra ở khu gian, việc lập biên bản do trưởng tàu hoặc lái tàu thực hiện; trường hợp sự cố xảy ra trong phạm vi ga, việc lập biên bản do trực ban chạy tàu hoặc trưởng ga thực hiện.

Khi có người chết, trưởng tàu hoặc lái tàu phải cử người trông coi, bảo vệ nạn nhân cho đến khi bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết; trường hợp tàu có thể chạy tiếp tục được mà vị trí người chết trở ngại đến tàu thì đánh dấu vị trí người chết (phải ghi rõ trong biên bản tai nạn) rồi đưa ra khỏi phạm vi trở ngại để cho tàu chạy tiếp; nếu chưa báo được tin vụ tai nạn thì tới ga đầu tiên đỗ lại để báo theo quy định.

Cũng theo Thông tư này, mọi tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đều phải bồi thường thiệt hại (kể cả thiệt hại do chậm tàu), thanh toán các chi phí giải quyết sự cố, tai nạn do hành vi vi phạm của mình gây ra. Trường hợp các bên liên quan tự thỏa thuận khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thì phải có bản cam kết thống nhất thỏa thuận về mức và hình thức bồi thường thiệt hại giữa các bên; ký và ghi rõ họ, tên những người liên quan.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017.

Chính sách:

10. THU HÚT DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO ĐỊA BÀN NÔNG THÔN

Trước một số khó khăn, bất cập trong việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới như việc tổ chức sản xuất 
trong nông nghiệp còn thiếu tính liên kết bền vững; một số địa phương mới chỉ tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng; đời sống và mức thụ hưởng thành quả nông thôn mới ở nhiều nơi còn thấp…, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng quốc gia xây dựng nông thôn mới 2016 - 2020
.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả; có cơ chế thích hợp và đủ mạnh để thực sự khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, nhất là việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm; giải pháp hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và cấp quốc gia; tạo môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, thúc đẩy các mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết có hiệu quả…

11. ƯU TIÊN GIAO QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN CHO DN

Ngày 27/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát  đánh giá việc thực hiện giao công trình nước sạch nông thôn tập trung; trong đó: Các công trình đã giao đang hoạt động có hiệu quả thì tiếp tục giao cho đối tượng quản lý, sử dụng khai thác; Các công trình chưa được giao cho đối tượng quản lý hoặc giao quản lý, vận hành chưa hiệu quả, tổ chức thực hiện đánh giá, xác định giá trị còn lại thực tế của từng công trình gắn với thời gian sử dụng thực tế; thời hạn đánh giá giá trị còn lại thực tế của từng công trình và giao cho đơn vị quản lý, vận hành chậm nhất đến 30/06/2017.

Các công trình sau khi rà soát, đánh giá được giao cho đơn vị có đủ năng lực quản lý, vận hành công trình theo quy định; thực hiện giao theo nhóm công trình trong một vùng, khu vực theo quy hoạch, không giao riêng lẻ công trình có ưu thế khai thác. Việc quản lý, vận hành công trình được ưu tiên giao cho doanh nghiệp; sau đó giao cho đơn vị sự nghiệp công lập và cuối cùng là giao cho UBND cấp xã.

Việc giao công trình cho doanh nghiệp thực hiện theo phương thức đấu thầu; giao cho đơn vị sự nghiệp công lập và cho UBND cấp xã thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc đặt hàng.


 

Đang truy cập: 39
Trong ngày: 200
Trong tuần: 784
Lượt truy cập: 1591916
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com