Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      PHÍ THẨM ĐỊNH NỘI DUNG QUẢNG CÁO MỸ PHẨM  LÀ 1,8 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 14/11/2016, Thông tư số 277/2016/TT-BTC đã được Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, cụ thể như sau:

Phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin quảng cáo thuốc, mỹ phẩm là 1,8 triệu đồng/hồ sơ; phí thẩm định cấp phép lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc đối với đăng ký lần đầu, đăng ký lại là 5,5 triệu đồng/hồ sơ; 3 triệu đồng/hồ sơ với đăng ký gia hạn. Bên cạnh đó, phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền được quy định là 200.000 đồng/mặt hàng và thẩm định công bố sản phẩm mỹ phẩm, công bố tiêu chuẩn dược liệu là 500.000 đồng/mặt hàng.

Cũng theo Thông tư này, phí thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất mỹ phẩm cấp Giấy chứng nhận mỹ phẩm tuân thủ CGMP-ASEAN là 20 triệu đồng/cơ sở. Mức phí 20 triệu đồng/cơ sở này cũng được áp dụng đối với trường hợp thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất thuốc, dược liệu; sản xuất bao bì dược phẩm. Ngoài ra, phí thẩm định điều kiện kinh doanh thuốc với cơ sở bán buôn được quy định là 4 triệu đồng/cơ sở; thẩm định hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược là 500.000 đồng/hồ sơ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

  1. 2.      PHÍ THẨM ĐỊNH CẤP MỚI GCN ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ KẾ TOÁN LÀ 1,2 TRIỆU ĐỒNG

Từ ngày 01/01/2017, mức thu, chế độ thu, nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán sẽ được áp dụng theo quy định của Thông tư số 271/2016/TT-BTC.

Cụ thể, mức phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán là 4 triệu đồng/lần thẩm định với trường hợp cấp lần đầu và 2 triệu đồng/lần thẩm định với trường hợp cấp điều chỉnh, cấp lại.

Phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, kiểm toán là 1,2 triệu đồng/lần thẩm định đối với cấp lần đầu và 800.000 đồng/lần thẩm định đối với cấp điều chỉnh, cấp lại. 

Đặc biệt, không thu phí đối với trường hợp cấp lại giấy chứng nhận do bị rách, hỏng, mất.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017; thay thế Thông tư số 78/2013/TT-BTC ngày 07/06/2013.

  1. 3.      PHÍ CUNG CẤP THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP 200.000 ĐỒNG/LẦN

Ngày 11/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 244/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

Theo đó, công dân Việt Nam, người nước ngoài khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp phải nộp phí 200.000 đồng/lần/người; phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với Cách mạng, thân nhân liệt sĩ gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ là 100.000 đồng/lần/người.

Trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 phiếu trong 01 lần yêu cầu thì kể từ phiếu thứ 3 trở đi, tổ chức thu phí thu thêm 5.000 đồng/phiếu để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu phiếu lý lịch tư pháp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

  1. 4.      TỪ 2017, TĂNG LỆ PHÍ CẤP LẠI GCN ĐĂNG KÝ DN LÊN 200.000 ĐỒNG/LẦN

Đây là nội dung tại Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp (DN), lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2017, lệ phí cấp lại Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký doanh nghiệp sẽ chính thức tăng từ 100.000 đồng/lần lên 200.000 đồng/lần. Lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 200.000 đồng/lần; trường hợp cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, mức lệ phí là 100.000 đồng/hồ sơ.

Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung phí cung cấp thông tin doanh nghiệp. Theo đó, phí cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cung cấp báo cáo tài chính của doanh nghiệp; phí cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên lần lượt là 40.000 đồng/bản; 150.000 đồng/báo cáo và 5 triệu đồng/tháng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 5.      TĂNG TIỀN ĐẶT CỌC ĐẤU GIÁ LÊN TỐI ĐA 20%

Ngày 17/11/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/07/2017.

Luật quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước; khoản tiền này do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá; trong khi trước đây, khoản tiền đặt trước này được quy định chỉ từ 1% - 15% giá khởi điểm.

Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 05 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản; người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước trong 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá và không được sử dụng tiền đặt trước vào bất kỳ mục đích nào khác. Khoản tiền đặt trước này và tiền lãi (nếu có) sẽ được hoàn trả cho người tham gia đấu giá không trúng đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá hoặc thời hạn khác do các bên thỏa thuận.

Ngoài ra, Luật còn rút ngắn thời gian niêm yết thông báo việc đấu giá bất động sản. Cụ thể, tổ chức đấu giá phải niêm yết việc đấu giá tài sản là bất động sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá; thay vì 30 ngày như quy định trước đây. Thời gian niêm yết thông báo việc đấu giá động sản vẫn được giữ nguyên như quy định trước đây, là 07 ngày trước khi tiến hành đấu giá.

Thương mại

  1. 6.      ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC MUA BÁN HÀNG HÓA CỦA DN NƯỚC NGOÀI

Đây là một trong những nội dung của phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017 được phê duyệt tại Quyết định số 4846/QĐ-BCT ngày 09/12/2016.

Cụ thể, từ năm 2017, sẽ đơn giản hóa các trường hợp phải xin cấp Giấy phép trong hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như: Doanh nghiệp không phải làm thủ tục xin quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu; Mở rộng quyền bán buôn các mặt hàng là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Bỏ tài liệu hồ sơ thẩm tra điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư...

Bên cạnh đó, Quyết định cũng đưa ra một số phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất, điện lực, kinh doanh khí... Cụ thể như: Đơn giản hóa điều kiện cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá (bãi bỏ điều kiện về diện tích điểm kinh doanh); Đơn giản hóa hồ sơ cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá (bãi bỏ điều kiện về phương tiện vận tải); Bỏ yêu cầu thực hiện Xác nhận phù hợp quy hoạch đối với các công trình lưới điện trung áp có công suất dưới 2000 KVA; Đơn giản hóa hồ sơ thỏa thuận đấu nối vào lưới điện trung áp; Tăng thời hạn giấy chứng nhận huấn luyện an toàn hóa chất từ 02 năm lên 03 năm; Giảm thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG từ 30 ngày xuống 15 ngày làm việc...

Thông tin-Truyền thông:

  1. 7.      THÍ ĐIỂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN BÁO ĐIỆN TỬ KHU VỰC TRỌNG ĐIỂM Ở NƯỚC NGOÀI

Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2434/QĐ-TTg ngày 13/12/2016.

Theo đó, trên quan điểm báo chí đối ngoại là một trong những lực lượng quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, là một bộ phận trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng…, Thủ tướng khẳng định, đến năm 2020 sẽ thí điểm hỗ trợ phát triển 01 tờ báo (tạp chí) in, 01 báo điện tử của người Việt Nam khu vực trọng điểm ở nước ngoài; xây dựng các ấn phẩm, chuyên mục, chuyên đề, bài viết, phóng sự… đối ngoại bằng tiếng nước ngoài.

Đồng thời nhấn mạnh, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân có chuyên mục, có bài viết hay phục vụ công tác thông tin đối ngoại; khuyến khích đầu tư cho các sáng kiến, dự án nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại; tăng cường đầu tư ngân sách cho nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng báo chí đối ngoại, tăng cường đầu tư, đổi mới và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ quan báo chí đối ngoại, đặc biệt là các cơ quan báo chí đối ngoại riêng biệt và từng bước chuyển đổi cơ chế cấp phát kinh phí sang hình thức đặt hàng trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình báo chí…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chính sách:

  1. 8.      HỆ THỐNG ATM PHẢI HOẠT ĐỘNG THÔNG SUỐT DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới và Tết Nguyên đán vui tươi, yên bình, an toàn, tiết kiệm, ngày 17/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 33/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tốt công tác điều hành và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là chi lương, thưởng trong dịp Tết; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) hoạt động an toàn, thông suốt; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi, kinh doanh tiền mặt mệnh giá nhỏ lẻ trái phép.

Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính; quản lý chặt chẽ và bảo đảm chất lượng giá thuốc, giá các dịch vụ y tế; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân đặc biệt trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông; không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe…

  1. 9.      HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG PHẢI ĐƯỢC ĐĂNG KÝ TRƯỚC 30 NGÀY

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 nêu rõ, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo; đồng thời, sẽ đảm bảo để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về đăng ký hoạt động tín ngưỡng. Theo đó, hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải gửi văn bản đăng ký đến UBND cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày bắt đầu hoạt động tín ngưỡng. Trường hợp hoạt động tín ngưỡng không có trong văn bản đã được đăng ký thì người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng thực hiện đăng ký bổ sung chậm nhất 20 ngày trước ngày diễn ra hoạt động tín ngưỡng.

Cũng theo Luật này, từ ngày 01/01/2018, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo chỉ được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đã hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; có hiến chương theo quy định; có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình…

Đặc biệt, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày 01/01/2018, tổ chức tôn giáo đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động trước ngày 01/01/2018 phải thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hàng năm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tư pháp-Hộ tịch:

10. TIÊU CHUẨN GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP LĨNH VỰC CÔNG THƯƠNG

Ngày 13/12/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2016/TT-BCT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương; trong đó đáng chú ý là quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực công thương.

Cụ thể, giám định viên tư pháp trong lĩnh vực công thương phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên; trực tiếp làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức; có nguyện vọng được bổ nhiệm làm giám định viên.

Người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực công thương cũng phải đáp ứng các yêu cầu tương tự như trên; trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Cũng theo Thông tư này, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực công thương phải có tư cách pháp nhân; có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định; có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo cho việc thực hiện giám định tư pháp.

11. TỪ 2/2017, THÍ ĐIỂM CẤP THỊ THỰC ĐIỆN TỬ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Nghị quyết số 30/2016/QH14 về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2016.

Cụ thể, từ ngày 01/02/2017, sẽ thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 02 năm. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh 01 lần với thời hạn không quá 30 ngày; người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng; trường hợp không được cấp, phí cấp thị thực không được hoàn trả lại.

Để được thí điểm cấp thị thực điện tử, người nước ngoài phải là công dân của nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Đồng thời, người nước ngoài được cấp thị thực điện tử còn phải có hộ chiếu và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.


 

Đang truy cập: 50
Trong ngày: 211
Trong tuần: 793
Lượt truy cập: 1591932
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com