Thuế-Phí-Lệ phí:
- 1. LỆ PHÍ THÔI QUỐC TỊCH 200 USD/NGƯỜI
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 264/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Theo đó, lệ phí nhập quốc tịch là 250 USD/người; trở lại quốc tịch, thôi quốc tịch là 200 USD/người; lệ phí cấp mới Giấy thông hành là 20 USD/quyển, cấp lại Giấy thông hành do hỏng hoặc mất là 40 USD/quyển. Lệ phí cấp mới hộ chiếu; gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; bổ sung, sửa đổi hộ chiếu, dán ảnh trẻ em và lệ phí cấp lại hộ chiếu do hỏng hoặc mất lần lượt là 70 USD/quyển; 30 USD/quyển; 15 USD/quyển và 150 USD/quyển.
Phí thị thực dao động từ 5 USD/chiếc - 155 USD/chiếc; trong đó, chuyển thị thực còn giá trị từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu mới là 5 USD/chiếc; thị thực có giá trị nhập xuất cảnh 01 lần là 25 USD/chiếc; loại có giá trị nhập xuất cảnh nhiều lần, có giá trị đến 03 tháng là 50 USD/chiếc; giá trị trên 02 năm đến 05 năm là 155 USD/chiếc…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
- 2. LỆ PHÍ CẤP VĂN BẰNG BẢO HỘ ĐẾN 120.000 ĐỒNG
Ngày 14/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
Theo Thông tư này, lệ phí cấp văn bằng bảo hộ là 120.000 đồng, mức lệ phí này cũng được áp dụng với cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp; đối với đơn sáng chế có trên 01 điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ, đơn kiểu dáng công nghiệp có trên 01 phương án của từng sản phẩm, đơn nhãn hiệu có trên 01 nhóm sản phẩm/dịch vụ, từ điểm độc lập/phương án/nhóm thứ hai trở đi phải nộp thêm cho mỗi điểm độc lập/phương án/nhóm 100.000 đồng.
Lệ phí cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là 200.000 đồng; lệ phí công bố quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, Quyết định xóa tên người đại diện sở hữu công nghiệp, Quyết định ghi nhận/xóa tên Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là 150.000 đồng. Đây cũng là mức lệ phí đăng bạ Quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; Quyết định xóa tên người đại diện sở hữu công nghiệp, Quyết định ghi nhận/xóa tên Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
- 3. LỆ PHÍ CẤP PHÉP ĐƯA NLĐ ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI 5 TRIỆU ĐỒNG/LẦN
Đây là nội dung của Thông tư số 259/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xác minh giấy tờ tài liệu, lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cụ thể, mức lệ phí cấp mới Giấy phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 05 triệu đồng/lần; trường hợp cấp đổi, cấp lại, mức lệ phí là 2,5 triệu đồng/lần.
Cũng theo Thông tư này, phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam tại Đài Loan là 1.000 Đài tệ/hồ sơ và 100 Ringgit/hồ sơ nếu tại Malaysia; phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cá nhân trong nước đi làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản là 100.000 đồng/hồ sơ.
Riêng với người dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn phí xác minh giấy tờ, tài liệu khi đi làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
- 4. TỪ 2017, LỆ PHÍ CẤP MỚI THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN 30.000 ĐỒNG/THẺ
Nội dung này được nêu tại Thông tư số 256/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.
Theo đó, từ ngày 01/01/2017, công dân từ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ Căn cước công dân; đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ Chứng minh nhân dân 09 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân sẽ phải nộp lệ phí 30.000 đồng/thẻ thay vì không phải nộp như quy định trước đây.
Các trường hợp còn lại, vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Cụ thể, mức lệ phí khi đổi thẻ Căn cước công dân bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu là 50.000 đồng/thẻ; mức thu lệ phí cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ hoặc khi được trở lại quốc tịch Việt Nam là 70.000 đồng/thẻ. Đối với công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân bằng 50% mức nêu trên.
Đặc biệt, sẽ miễn lệ phí cho công dân dưới 16 tuổi đề nghị cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân hoặc cá nhân đổi thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh...; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
- 5. LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ, CẤP BIỂN Ô TÔ CON TỐI ĐA 20 TRIỆU ĐỒNG
Ngày 11/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 229/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Thông tư nêu rõ, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số đối với ô tô con không hoạt động vận tải hành khách dao động từ 2 - 20 triệu đồng/lần/xe tại TP. Hà Nội và TP.HCM; 1 triệu đồng/lần/xe tại các thành phố trực thuộc trung ương khác, các thành phố trực thuộc tỉnh và 200.000 đồng/lần/xe tại các địa phương còn lại. Với các loại ô tô khác, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số là 150.000 đồng/lần/xe, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mức lệ phí tối đa là 500.000 đồng/lần/xe.
Với xe máy, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số được quy định như sau: Tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, với xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống, lệ phí là 500.000 đồng - 1 triệu đồng/lần/xe; trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng là 1 - 2 triệu đồng/lần/xe và trên 40 triệu đồng là 2 - 4 triệu đồng/lần/xe.
Tại các thành phố trực thuộc trung ương khác, các thành phố trực thuộc tỉnh và các thị xã, mức lệ phí tương ứng là 200.000 đồng/lần/xe; 400.000 đồng/lần/xe và 800.000 đồng/lần/xe. Tại các địa phương còn lại, mức lệ phí thống nhất là 50.000 đồng/lần/xe.
Về việc cấp đổi giấy đăng ký kèm theo biển số, Thông tư quy định mức lệ phí là 150.000 đồng/lần/xe đối với ô tô (trừ ô tô con không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách chuyển từ khu vực có mức thu thấp về khu vực có mức thu cao); 50.000 đồng/lần/xe đối với xe máy. Trường hợp cấp đổi giấy đăng ký không kèm theo biển số ô tô, xe máy, lệ phí là 30.000 đồng/lần/xe; trường hợp cấp lại biển số, lệ phí là 100.000 đồng/lần/xe; lệ phí 50.000 đồng/lần/xe áp dụng với trường hợp cấp giấy đăng ký và biển số tạm thời.
- 6. TĂNG PHÍ CHỨNG THỰC HỢP ĐỒNG LÊN 50.000 ĐỒNG/HỢP ĐỒNG
Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Thông tư số 226/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2017, phí chứng thực hợp đồng, giao dịch là 50.000 đồng/hợp đồng, giao dịch, tăng 20.000 đồng/hợp đồng, giao dịch so với quy định hiện hành; tương tự, phí chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch cũng được tăng từ 20.000 đồng/hợp đồng, giao dịch lên 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch; phí sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực là 25.000 đồng/hợp đồng, giao dịch thay cho mức phí cũ là 10.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.
Riêng phí chứng thực bản sao từ bản chính và phí chứng thực chữ ký vẫn được giữ nguyên theo quy định hiện hành, ở mức 2.000 đồng/trang với chứng thực bản sao từ bản chính, từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, mức thu tối đa là 200.000 đồng/bản và 10.000 đồng/trường hợp đối với chứng thực chữ ký.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
- 7. LỆ PHÍ GIA HẠN HỘ CHIẾU 100.000 ĐỒNG/LẦN
Thông tư số 219/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam đã được Bộ Tài chính ban hành ngày 10/11/2016 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Theo Thông tư này, lệ phí gia hạn hộ chiếu là 100.000 đồng/lần cấp, trong khi trước đây không quy định. Mức lệ phí cấp mới hộ chiếu, cấp lại hộ chiếu do bị hỏng hoặc bị mất vẫn giữ nguyên như trước đây lần lượt là 200.000 đồng/lần cấp và 400.000 đồng/lần cấp.
Lệ phí cấp Giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào hoặc Việt Nam - Campuchia; Giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan Nhà nước có trụ sở đóng tại huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Giấy thông hành nhập xuất cảnh cho công dân Việt Nam sang công tác, du lịch các tỉnh, thành phố biên giới Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam là 50.000 đồng/lần cấp.
Về Giấy phép xuất cảnh, lệ phí cấp Giấy phép xuất cảnh; cấp công hàm xin thị thực được Thông tư này quy định lần lượt là 200.000 đồng/lần cấp và 10.000 đồng/lần cấp.
- 8. TĂNG THÊM PHÒNG KARAOKE, PHẢI NỘP TỪ 1 - 2 TRIỆU ĐỒNG/PHÒNG
Nội dung này được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 212/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2017, các cơ sở đã được cấp phép kinh doanh karaoke đề nghị tăng thêm phòng sẽ phải nộp phí 2 triệu đồng/phòng đối với các cơ sở tại các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và 1 triệu đồng/phòng nếu ở các khu vực khác.
Mức thu phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh karaoke sẽ được xác định dựa theo số phòng và khu vực. Theo đó, các cơ sở tại các thành phố trực thuộc Trung ương và tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh phải nộp 6 triệu đồng/giấy nếu có từ 01 - 05 phòng và 12 triệu đồng/giấy nếu có từ 06 phòng trở lên.
Tại các khu vực khác, mức thu phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh karaoke là 3 triệu đồng/giấy nếu có từ 01 - 05 phòng và 6 triệu đồng/giấy nếu có từ 06 phòng trở lên.
Với kinh doanh vũ trường, mức thu phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh là 15 triệu đồng/giấy tại các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và 10 triệu đồng/giấy với các khu vực khác.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:
- 9. TĂNG 0,8 LẦN LƯƠNG VỚI CÁN BỘ CỤC HÀNG KHÔNG VN
Ngày 29/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2016/QĐ-TTg về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Cục Hàng không Việt Nam.
Theo đó, cán bộ, công chức trong chỉ tiêu biên chế và người làm việc theo hợp đồng lao động tại Cục Hàng không Việt Nam sẽ được áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm 0,8 lần so với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định; mức lương tăng thêm không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.
Việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở nêu trên không áp dụng trong thời gian cán bộ, công chức đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương; thời gian đi học tập trung trong nước từ 03 tháng liên tục trở lên; nghỉ việc riêng không hưởng lương; nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định; bị đình chỉ công tác, bị tạm giam.
Về chế độ thưởng an toàn, Thủ tướng quy định, cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn hàng không được áp dụng chế độ thưởng an toàn mức 15% của mức lương hiện hưởng theo ngạch, bậc cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Quyết định này thay thế Quyết định số 12/2012/QĐ-TTg ngày 15/02/2012; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2017.
Tài nguyên-Môi trường:
10. ĐIỀU KIỆN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Có hiệu lực từ ngày 15/01/2017, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; trong đó đáng chú ý là quy định về điều kiện hộ kinh doanh được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản.
Cụ thể, hộ kinh doanh phải có báo cáo kinh tế kỹ thuật khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò và phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố nơi có khoáng sản; có kế hoạch bảo vệ môi trường kèm theo văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền theo quy định; quy mô công suất khai thác không quá 3.000 m3 sản phẩm là khoáng sản nguyên khai/năm.
Ngoài ra, để được thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, hộ kinh doanh phải đáp ứng một số điều kiện khác như: Được UBND cấp tỉnh lựa chọn theo quy định; Có hợp đồng với tổ chức có đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản; Có đề án thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định và phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khoáng sản; Diện tích khu vực đề nghị thăm dò không quá 01 ha.
Cũng theo Nghị định này, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với vật liệu xây dựng (cát, sỏi, sạn) là 5%; 3% với than bùn, cát trắng, sét chịu lửa, đá vôi nguyên liệu xi măng…
Hành chính:
11. PHÂN CÔNG THỦ TƯỚNG ĐẢM NHIỆM MỘT SỐ VIỆC VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Ngày 29/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP về việc phân công cho Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc về điều ước quốc tế.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ được thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc trong quy trình điều ước quốc tế như: Trình Chủ tịch nước quyết định việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; Trình Chủ tịch nước quyết định phê chuẩn, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc chấm dứt đối với các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải phê chuẩn; Tổ chức việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; Quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ trong trường hợp cần quyết định gấp nhằm bảo đảm yêu cầu đối ngoại, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi với các nhà tài trợ nước ngoài; Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.
Chính phủ phải chịu trách nhiệm về những công việc đã phân công cho Thủ tướng Chính phủ nêu trên; Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký các văn bản giải quyết các công việc được phân công và có trách nhiệm báo cáo ra phiên họp Chính phủ gần nhất về việc thực hiện các công việc đó.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chính sách:
12. QUY ĐỊNH THÀNH LẬP HỘI CỰU CHIẾN BINH TRONG DOANH NGHIỆP
Tại Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh, Chính phủ cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập Hội Cựu chiến binh.
Đối với doanh nghiệp có tổ chức Đảng thì Hội Cựu chiến binh cấp trên cơ sở cùng với tổ chức Đảng tại doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện cụ thể phối hợp với doanh nghiệp thành lập Hội Cựu chiến binh tại doanh nghiệp đó. Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, nếu người lao động là cựu chiến binh có nhu cầu thành lập hội thì tổ chức Đảng cấp trên cơ sở phối hợp với doanh nghiệp và Hội Cựu chiến binh cấp trên cơ sở xem xét, quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh.
Về chế độ, chính sách đối với cựu chiến binh đang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Nghị định quy định như sau: Với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã, cứ mỗi năm tham gia công tác hội sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa tháng lương hiện hưởng; với Phó Chủ tịch, cứ mỗi năm công tác được hưởng trợ cấp nửa tháng phụ cấp hiện hưởng.
Với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh từ cấp huyện trở lên, cứ mỗi năm công tác hội được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa tháng lương hiện hưởng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2017.
Cơ cấu tổ chức:
13. TIÊU CHUẨN THÀNH VIÊN BAN THANH TRA NHÂN DÂN
Có hiệu lực từ ngày 01/02/2017, Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.
Theo đó, Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thành viên Ban thanh tra nhân dân phải là người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban thanh tra nhân dân; thành viên Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước phải là người đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước và không phải là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này; với thành viên Ban thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn, phải là người thường trú tại xã, phường, thị trấn và không phải là người đương nhiệm trong UBND xã, phường, thị trấn.
Về số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân, Nghị định quy định, Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 05 - 11 thành viên; trong đó, những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có dưới 5.000 dân được bầu 05 hoặc 07 thành viên, từ 5.000 người đến dưới 9.000 người được bầu 07 hoặc 09 thành viên, từ 9.000 người trở lên được bầu 09 hoặc 11 thành viên; với những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu 01 thành viên. Đối với các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, Ban thanh tra nhân dân có thể có 03, 05, 07, 09 thành viên.
Hàng hải:
14. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BIỂN
Nghị định số 160/2016/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 29/11/2016 quy định về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển.
Theo Nghị định này, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế ngoài việc đáp ứng điều kiện về tổ chức bộ máy như: Có bộ phận quản lý an toàn; bộ phận quản lý an ninh hàng hải; bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển; bộ phận thực hiện công tác pháp chế…; còn phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên, mức bảo lãnh tối thiểu là 5 tỷ đồng; Có tối thiểu 01 tàu biển. Bên cạnh đó, người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế; người phụ trách bộ phận pháp chế phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành luật…
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải tàu biển nội địa phải đáp ứng các điều kiện: Có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển, người phụ trách bộ phận này phải tốt nghiệp cao đẳng trở lênchuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế; Được tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh với mức tối thiểu 500 triệu đồng; Có tối thiểu 01 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam…
Về điều kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển, Nghị định quy định, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển tại Việt Nam phải được thành lập theo quy định của pháp luật; trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển, tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp; nhân viên đại lý tàu biển phải là công dân Việt Nam và được cấp chứng chỉ chuyên môn về đại lý tàu biển.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017; bãi bỏ Nghị định số 30/2014/NĐ-CP ngày 14/04/2014.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |