Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật Dân sự về giao dịch bảo đảm.  

 

Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017 có nhiều nội dung đổi mới, trong đó có phần nội dung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể: Bộ luật dân sự đã bổ sung 2 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mới là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản; phân biệt rạch ròi giữa biện pháp bảo đảm mang tính chất đối nhân (bao gồm bảo lãnh và tín chấp) và biện pháp bảo đảm mang tính chất đối vật (mà điển hình là biện pháp thế chấp tài sản và cầm cố tài sản); hoàn thiện cơ chế làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm… Do đó, để thực thi có hiệu quả Bộ luật dân sự, cần thiết phải có sự rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm để đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với quy định mới của Bộ luật dân sự năm 2015 khi Bộ luật này có hiệu lực thi hành.  

Dự thảo này quy định chi tiết một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 nhằm đảm bảo sự thực thi có hiệu quả các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, về tài sản bảo đảm, để tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, dự thảo quy định chi tiết về các quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trên cơ sở kế thừa quy định về quyền tài sản của Bộ luật dân sự năm 2015 và các quy định của pháp luật có liên quan (như Thông tư số 08/2014/TT-BTP) đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Dự thảo quy định chi tiết về tài sản hình thành trong tương lai theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Bộ luật dân sự bao gồm: a- Tài sản được hình thành từ vốn vay; b- Tài sản chưa hình thành, đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm; c- Tài sản đã hình thành và pháp luật có quy định về đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký lưu hành phương tiện nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất.

Bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm mới được bổ sung trong Bộ luật dân sự năm 2015. Để tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, dự thảo Nghị định làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của bên mua trong quan hệ bảo lưu quyền sở hữu. Cụ thể, dự thảo đã bổ sung quy định về quyền của bên mua trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, theo đó “bên mua được quyền sử dụng, khai thác tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung, trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, “Bên mua tài sản không được bán tài sản, cho thuê tài sản hoặc dùng tài sản đã mua để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu”.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý tài sản bảo đảm nhằm hoàn thiện cơ chế xử lý tài sản bảo đảm theo hướng tăng cường tính chủ động của bên nhận bảo đảm trong việc xử lý, qua đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho bên nhận bảo đảm, thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu cho nền kinh tế.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.


 

Đang truy cập: 30
Trong ngày: 78
Trong tuần: 1200
Lượt truy cập: 1597991
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com