Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      TĂNG PHÍ THĂM QUAN BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

Từ năm 2017, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thăm quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ áp dụng theo quy định của Thông tư số 181/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 07/11/2016; thay thế Thông tư số 174/2013/TT-BTC ngày 27/11/2013.

Theo đó, mức thu phí thăm quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đối với người lớn là 40.000 đồng/người/lượt thay vì 30.000 đồng/người/lượt như trước đây; mức thu phí đối với sinh viên, học sinh trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề là 20.000 đồng/người/lượt thay cho mức 15.000 đồng/người/lượt như trước. Mức thu phí đối trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông vẫn được giữ nguyên là 10.000 đồng/người/lượt.
Thông tư này cũng bổ sung quy định về các đối tượng được miễn phí thăm quan; trong đó có: Trẻ em dưới 6 tuổi; Người khuyết tật đặc biệt nặng. Bên cạnh đó, các đối tượng được giảm 50% mức phí thăm quan bao gồm: Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa; Người cao tuổi; Người khuyết tật nặng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 2.      TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG TỪ 1/1/2017

Ngày 14/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I được quy định là 3,75 triệu đồng/tháng; với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II, mức lương tối thiểu của người lao động là 3,32 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III là 2,9 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV là 2,58 triệu đồng/tháng. Trong khi trước đây, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV tương ứng với 3,5 triệu đồng/tháng; 3,1 triệu đồng/tháng; 2,7 triệu đồng/tháng và 2,4 triệu đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải đảm bảo không thấp mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Nghị định này thay thế Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015.

  1. CHÍNH THỨC CÓ LỊCH NGHỈ TẾT ÂM LỊCH 2017

Ngày 14/11/2016, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9794/VPCP-KGVX gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Âm lịch năm 2017 đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, Chính phủ nhất trí với phương án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Âm lịch năm 2017. Như vậy, Tết Âm lịch năm 2017, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ Tết từ ngày 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày 05 tháng Giêng năm Đinh Dậu. Tổng số ngày nghỉ là 07 ngày.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ này lưu ý bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, nhân dân. Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bẩy và Chủ nhật hàng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. GIA HẠN THỰC HIỆN QUY ĐỊNH CHO VAY NGẮN HẠN BẰNG NGOẠI TỆ

Nội dung này được thể hiện tại Thông tư số 31/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 15/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 08/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Cụ thể, Thông tư này quy định rõ, cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giớiViệt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.

Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017, thay vì đến hết ngày 31/12/2016 như trước đây.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017; thay thế Thông tư số 07/2016/TT-NHNN ngày 27/05/2016.

  1. ĐẨY MẠNH THAM GIA CÁC THỂ CHẾ TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ - NGÂN HÀNG

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh việc tham gia vào các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng khu vực và quốc tế”, như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nhóm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á…

Theo Đề án này, tham gia vào các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng quốc tế sẽ góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của các quan hệ kinh tế tài chính quốc tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, thông tin, lao động… tạo cơ hội cho Việt Nam tận dụng được thị trường thế giới, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội…

Việc tham gia các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng quốc tế hướng tới mục tiêu tìm kiếm và đa dạng hóa các nguồn lực phát triển phù hợp với vị thế là nước có thu nhập trung bình, tăng cường vai trò chủ động và vị thế tham gia của Việt Nam trong quá trình xây dựng hình thành các thể chế tài chính ngân hàng quốc tế mới, hướng đến trở thành nhà tài trợ; tiến tới giữ các vị trí cao trong cơ cấu tổ chức và Văn phòng nhóm ở các tổ chức này…

Theo đó, Việt Nam cần phải tham gia tích cực vào các hoạt động, xây dựng chính sách, sáng kiến chương trình tăng vốn, cơ cấu lại và cải cách của các tổ chức này, tiến tới có được các vị trí chủ chốt như Giám đốc điều hành hoặc Giám đốc điều hành phụ khuyết; Có kế hoạch tiếp cận các nguồn vốn kém ưu đãi, thương mại và khai thác các sản phẩm khác phù hợp với vị thế của Việt Nam là nước có thu nhập trung bình; tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Thương mại:

  1. 6.      TỪ NĂM 2017, BỘ CÔNG THƯƠNG SẼ QUẢN LÝ GIÁ SỮA

Theo Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2016, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, từ năm 2017, Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm định giá cụ thể, giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, thay vì Bộ Tài chính như trước đây.

Nghị định này cũng quy định 16 đối tượng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá (trước đây là 13 đối tượng). Bên cạnh các hàng hóa, dịch vụ đã được quy định trước đây như: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người tại cơ sở khám, chữa bệnh; Dịch vụ chuyên ngành hàng không và vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; Cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; Cước vận tải hành khách bằng taxi…, Nghị định này bổ sung thêm 3 đối tượng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, gồm: Dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt; Etanol nhiên liệu không biến tính, khí tự nhiên hóa lỏng, khí thiên nhiên nén; Cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi mềm.

Nghị định chỉ rõ, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá thực hiện kê khai giá bằng việc gửi thông báo mức giá đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh giá. Trường hợp kê khai giảm giá, tổ chức, cá nhân phải thực hiện giảm giá ngay, đồng thời gửi văn bản kê khai giá để thông báo mức giảm giá đến cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. 7.      THÀNH LẬP VIỆN TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THUỘC ĐH QUỐC GIA HN

Ngày 17/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2218/QĐ-TTg về việc thành lập Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, Viện Tài nguyên và Môi trường có chức năng, nhiệm vụ chính: Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; Tư vấn và hoạt động dịch vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; Thực hiện hoạt động đào tạo các chuyên ngành liên quan theo quy định của pháp luật.

Viện là tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; biên chế của Viện được cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trụ sở chính đặt tại Thành phố Hà Nội.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

  1. 8.      PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI

Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã được Chính phủ ban hành ngày 16/11/2016.

Theo đó, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng, mức phí được xác định theo từng người sử dụng nước căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn.

Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là tổng của mức phí cố định và phí biến đổi. Trong đó, mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm; phí biến đổi là tổng lượng nước thải ra và hàm lượng chất ô nhiễm như nhu cầu oxy hóa học là 2000 đồng/kg; chất rắn lơ lửng là 2.400 đồng/kg; thủy ngân là 20 triệu đồng/kg; chì là 1 triệu đồng/kg; Arsenic là 2 triệu đồng/kg; Cadmium là 2 triệu đồng/kg. Riêng cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm không áp dụng phí biến đổi.

Cũng theo Nghị định này, các trường hợp được miễn phí bảo vệ môi trường bao gồm: Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào; Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội; Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch; Nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng; Nước mưa tự nhiên chảy tràn; Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân; Nước thải sinh hoạt tập trung do đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước tiếp nhận và đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định xả thải ra môi trường.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Chính sách:

  1. 9.      TRIỆT ĐỂ TIẾT KIỆM KHOẢN CHI CHO HỘI HỌP, XE CÔNG

Đây là một trong những nội dung nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18/11/2016.

Theo đó, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ quyết tâm thực hiện hiệu quả kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước trung hạn; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhất là hội họp, sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài. Bên cạnh đó, bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển, tương đương với các nguồn bội chi ngân sách Nhà nước, thu sử dụng đất và một phần thu từ tài nguyên khoáng sản; tăng cường hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển…

Đồng thời, thực hiện nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá các dịch vụ công quan trọng như: Y tế, giáo dục... theo lộ trình phù hợp, tránh tác động mạnh đến mặt bằng giá cả và lạm phát. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và các địa phương trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo bán hàng đa cấp, tín dụng đen.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ quyết liệt tái cơ cấu tổng thể kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng tăng cường đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh, xây dựng nền kinh tế năng động, hiệu quả, hội nhập. Triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 với 3 trọng tâm: Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng

Hành chính:

10. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA

Ngày 14/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2185/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Kế hoạch, đến năm 2018, hoàn thành triển khai Cơ chế một cửa mở rộng ra phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua cơ chế một cửa quốc gia; Triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải.

Đến năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh thong qua Cơ chế một cửa quốc gia; đảm bảo 100% các thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

Về việc thực Cơ chế một cửa ASEAN và trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối - cộng đồng kinh tế, đến năm 2017, chính thức kết nối, trao đổi thông tin về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D với các nước thành viên đã sẵn sàng. Đến năm 2018, thực hiện cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Giấy chứng nhận kiểm định động vật, thực vật, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy phép rời cảng đường biển bằng phương thức điện tử đáp ứng mục tiêu tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký


 

Đang truy cập: 49
Trong ngày: 246
Trong tuần: 828
Lượt truy cập: 1591976
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com