Quản lý chi phí cưỡng chế thi hành quyết định phạt vi phạm hành chính

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Dự thảo nêu rõ, đối tượng bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế. Đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp toàn bộ chi phí cưỡng chế cho cơ quan thi hành cưỡng chế theo thông báo của cơ quan này.

Đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện nộp hoặc nộp chưa đủ chi phí hoặc nộp chậm thời hạn theo thông báo của cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thì người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế có quyền ban hành tiếp quyết định cưỡng chế để thu hồi chi phí cưỡng chế bằng các biện pháp quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Việc xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, bao gồm các chi phí: Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế: chi phí bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế; chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản; chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản kê biên; chi phí thù lao cho các chuyên gia tham gia định giá để tổ chức đấu giá; chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản…

Về mức chi, dự thảo đề xuất chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế: Cán bộ, công chức của cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế được huy động thực hiện cưỡng chế, lực lượng công an, dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương trực tiếp tham gia cưỡng chế, trong đó, người chủ trì mức 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế, đối tượng khác 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

Đại diện tổ dân phố, trưởng thôn và các đối tượng khác được huy động tham gia cưỡng chế trong trường hợp cần thiết, mức chi 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.  

Đối với tạm ứng chi phí cưỡng chế, trước khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế phải trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt kế hoạch và dự toán chi phí cưỡng chế.

Hoàn trả tạm ứng chi phí cưỡng chế

Khi kết thúc việc thi hành quyết định cưỡng chế, cơ quan thi hành cưỡng chế trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt quyết toán chi phí cưỡng chế.

Căn cứ quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan thi hành cưỡng chế có thông báo bằng văn bản về quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt gửi cho đối tượng bị cưỡng chế để nộp chi phí cưỡng chế (văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số tiền phải thanh toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu thanh toán bằng chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác).

Chậm nhất 10 ngày từ khi nhận được thông báo quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp chi phí cưỡng chế cho cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế. Khi thu được tiền từ đối tượng bị cưỡng chế, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế phải làm thủ tục hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng chi cưỡng chế cho cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế...

Trường hợp không có khả năng thu hồi chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế bị chết, mất tích (đối với cá nhân) hoặc bị phá sản, giải thể (đối với tổ chức) mà không còn tiền, tài sản để nộp chi phí cưỡng chế và không có tổ chức nào tiếp nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế báo cáo cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế để đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp bổ sung kinh phí cho phần chi phí cưỡng chế không có khả năng thu hồi...

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 37
Trong ngày: 193
Trong tuần: 1264
Lượt truy cập: 1597723
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com