Doanh nghiệp:

  1. 1.      ĐIỀU LỆ PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Ngày 11/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2177/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông qua ngày 28/03/2015.

Điều lệ nêu rõ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có tên tiếng Anh là Vietnam Chamber of Commerce and Industry và được viết tắt là VCCI. Đây là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam; là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính, có con dấu, tài khoản riêng. Trụ sở chính của VCCI đặt tại Hà Nội.

Với tư cách là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI có chức năng thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam trong các quan hệ trong và ngoài nước; thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học - công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác…

Hội viên của VCCI là những tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện, tán thành Điều lệ của VCCI, tự nguyện tham gia và được Ban Thường trực hoặc Ban Chấp hành của VCCI quyết định kết nạp hoặc mời. Hội viên VCCI có quyền yêu cầu VCCI hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi bị xâm phạm; được hưởng dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh, đào tạo… với điều kiện ưu tiên, ưu đãi hoặc miễn phí.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thương mại:

  1. 2.      BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ĐINH DẬU

Ngày 01/11/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, góp phần kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại Chỉ thị này, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá sát nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau Tết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết sẽ được hỗ trợ kết nối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Các Sở Công Thương cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Sở, Ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm đã được chứng nhận áp dụng thực hành sản xuất tốt, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch; tổ chức các hội chợ thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn dịp giáp Tết để cung cấp và giới thiệu đến người dân những nguồn thực phẩm sạch, an toàn.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi…

Tài nguyên-Môi trường:

  1. QUY HOẠCH CẤP NƯỚC VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 08/11/2016.

Theo mục tiêu đề ra tại Quy hoạch, đến năm 2020, tỷ lệ dân cư đô thị tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long được sử dụng nước sạch đạt từ 90 - 100%; tỷ lệ dân cư nông thôn tập trung được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh, cấp nước vùng đô thị đạt 25%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân 18%; đến năm 2030, tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư đô thị và nông thôn tăng lên 98 - 100% và 35%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân đạt dưới 12%...

Về việc phát triển nguồn nước, Quy hoạch nhấn mạnh tới việc ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu cấp cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và hệ thống cảnh báo sớm nhằm theo dõi, kiểm soát diễn biến chất lượng nước, kịp thời có giải pháp ứng phó khi nguồn nước bị ô nhiễm và xâm nhập mặn. Đồng thời, từng bước giảm khai thác nguồn nước ngầm quy mô vừa và lớn đối với khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi và có hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh. Đặc biệt, sẽ đầu tư xây dựng 5 nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh và kết nối với mạng lưới đường ống truyền tải liên tỉnh cấp nước cho các khu vực có nguồn nước bị xâm nhập mặn hoặc khó khăn về nguồn nước…

Dự kiến đến năm 2030, sẽ đầu tư khoảng 146.000 tỷ đồng đầu tư các hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh và phát triển mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 4.      ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHỈ CÒN 3 - 5 NĂM

Đây là nội dung nổi bật của Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016.

Theo đó, thời gian đào tạo trình độ đại học được rút ngắn còn tương đương 3 - 5 năm học tập trung đối với người tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và đã học, thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông; trong khi trước đây, thời gian đào tạo chương trình đại học được quy định từ 4 - 6 năm. Người tốt nghiệp trình độ đại học có kết quả học tập xuất sắc có thể được xét tuyển thẳng vào chương trình đào tạo tiến sĩ đúng hướng chuyên môn ở trình độ đại học.

Tương tự, thời gian đào tạo trình độ cao đẳng cũng được rút xuống còn 1 - 2 năm học tập trung đối với người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc đã học, thi đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định; đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông, thời gian đào tạo trình độ cao đẳng từ 2 - 3 năm học tập trung tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo .

Chương trình đào tạo trình độ trung cấp có thời gian tối thiểu tương đương 1 năm học tập trung đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 2 - 3 năm học tập trung đối với người đã tốt nghiệp trung học cơ sở.

Ngoài những điều chỉnh như trên, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân về cơ bản vẫn giữ nguyên thời gian học của cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông như hiện hành. Trong đó, giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm, từ lớp 1 đến hết lớp 5; giáo dục trung học cơ sở thực hiện trong 4 năm, từ lớp 6 đến hết lớp 9; giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm, từ lớp 10 đến hết lớp 12.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Cán bộ-Công chức-Viên chức

  1. 5.      4 NGẠCH CÔNG CHỨC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Nghị định số 148/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường đã được Chính phủ ban hành ngày 04/11/2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2016.

Theo Nghị định này, công chức Quản lý thị trường là người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào các ngạch công chức Quản lý thị trường. Các ngạch công chức Quản lý thị trường bao gồm: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; Kiểm soát viên chính thị trường; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm soát viên trung cấp thị trường. Công chức Quản lý thị trường phải đảm bảo tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể theo ngạch công chức Quản lý thị trường.

Phương tiện làm việc phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường gồm: Xe ô tô chở người, xe ô tô tải, xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng, xe mô tô, xuồng cao tốc, máy bộ đàm, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị đo, kiểm tra nhanh, thiết bị chuyên dùng, thiết bị công nghệ thông tin, điện tử, máy móc, thiết bị văn phòng, các phương tiện, thiết bị theo yêu cầu công tác. Phương tiện làm việc của lực lượng Quản lý thị trường được quản lý, sử dụng phù hợp với yêu cầu công tác, tiêu chuẩn, định mức và phân cấp theo quy định của pháp luật…

Thông tin-Truyền thông:

  1. 6.      NGĂN CHẶN XUNG ĐỘT THÔNG TIN TRÊN MẠNG

Ngày 14/10/2016, Nghị định số 142/2016/NĐ-CP về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia hoặc có liên quan đến xung đột thông tin trên mạng. Theo đó, ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng được hiểu là việc thực hiện các biện pháp công nghệ, kỹ thuật để giám sát, phát hiện, cảnh báo, xác định nguồn gốc, chặn lọc, khắc phục và loại trừ xung đột thông tin trên mạng.

Nghị định nêu rõ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải thực hiện chặn lọc thông tin khi có một trong các yếu tố: Xác định được nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; Khi xác định rõ tính hợp lý về yêu cầu của bên bị xung đột thông tin trên mạng; Khi có yêu cầu của các cơ quan nghiệp vụ.

Các cơ quan nghiệp vụ có trách nhiệm loại trừ xung đột thông tin trên mạng; đồng thời, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ. Loại trừ xung đột thông tin trên mạng được thực hiện khi: Xác định rõ nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng; Nhân lực, biện pháp công nghệ, kỹ thuật và đấu tranh ngoại giao có đủ khả năng để loại trừ xung đột thông tin trên mạng; Thông báo trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, email hoặc hệ thống thông tin đại chúng đến tổ chức, cá nhân có liên quan đối với nguồn thông tin gây xung đột thông tin trên mạng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2016.

Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

  1. 7.      TĂNG PHÍ THẨM ĐỊNH, CẤP GIẤY PHÉP KD LỮ HÀNH QUỐC TẾ

Đây là nội dung mới của Thông tư số 177/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 01/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên; lệ phí cấp phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, nếu như trước đây, mức lệ phí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế là 2 triệu đồng/giấy phép với trường hợp cấp mới và 1,5 triệu đồng/giấy phép với trường hợp cấp đổi, cấp lại, thì từ 01/01/2017, phí thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ quốc tế là 3 triệu đồng/giấy phép, bao gồm cả trường hợp cấp mới, cấp đổi và cấp lại.

Tương tự, Thông tư này cũng điều chỉnh phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm cấp mới, cấp đổi, cấp lại) và thống nhất ở mức 650.000 đồng/thẻ; trong khi trước đây, mức lệ phí này được quy định là 400.000 đồng/thẻ hướng dẫn nội địa và 650.000 đồng/thẻ hướng dẫn quốc tế.

Riêng lệ phí cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam vẫn được giữ nguyên ở mức 3 triệu đồng/giấy phép với trường hợp cấp mới và 1,5 triệu đồng/giấy phép với trường hợp cấp đổi, cấp lại, cấp gia hạn. Đồng thời, lệ phí cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên (bao gồm cấp mới, cấp đổi, cấp lại) cũng vẫn là 200.000 đồng/giấy như trước đây.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 và thay thế Thông tư số 48/2010/TT-BTC ngày 12/04/2010.

Chính sách:

  1. 8.      TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH HUYỆN NGHÈO GIAI ĐOẠN 2017 – 2020

Quyết định số 2115/QĐ-TTg về việc ban hành Tiêu chí huyện nghèo áp dụng cho giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 07/11/2016.

Theo đó, hệ thống tiêu chí xác định huyện nghèo áp dụng cho giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm: Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; Tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện; Tiêu chí về tỷ lệ số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn trong tổng số xã của huyện; Tiêu chí khu vực (huyện thuộc khu vực miền núi; vùng cao hay khu vực khác); Tiêu chí tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân cư của huyện.

Mỗi tiêu chí nêu trên được đánh giá theo thang điểm nhất định, cụ thể như: Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo dưới 50% được 10 điểm; từ 50% đến 55% được 20 điểm…; Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện trên 20 triệu đồng/người/năm được 5 điểm; từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/người/năm được 10 điểm; dưới 15 triệu đồng/người/năm được 15 điểm; Tỷ lệ số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn trong tổng số xã trên địa bàn huyện dưới 60% được 5 điểm; từ 60% đến 80% được 10 điểm và trên 80% được 15 điểm; Huyện thuộc khu vực miền núi được 6 điểm; vùng cao được 10 điểm và vùng khác được 2 điểm. Huyện đạt đủ tiêu chí xét vào danh sách huyện nghèo được hỗ trợ các cơ chế, chính sách là huyện có tổng số điểm lấy theo thứ tự ưu tiên từ 100 điểm trở xuống; huyện đạt đủ tiêu chí xét công nhận huyện thoát nghèo là huyện có tổng số điểm đạt dưới 40 điểm/100 điểm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 9.      MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020, NỢ CÔNG KHÔNG QUÁ 65% GDP

Đây là một trong những mục tiêu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu quy trì nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; hàng năm có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm cao hơn 5,5%. Cũng đến năm 2020, tỉ trọng lao động có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 25%; tỉ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống còn dưới 40%...

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, cần thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn, trong đó có: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước; Ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể… 

Đặc biệt, cần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước; trong đó, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương; đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức tổ chức tuyển dụng, sử dụng, trả lương, đánh giá, đề bạt cán bộ; thực hiện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chủ yếu dựa trên thành tích, kết quả công việc; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị.

10. MỘT SỐ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỚI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Ngày 01/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng, nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của Thành phố; tạo điều kiện để Đà Nẵng phát huy được những lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước…

Nghị định chỉ rõ, Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (dự án PPP) mang tính chất liên vùng trên địa bàn thành phố; Ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các dự án mang tính chất khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đồng thời, Chính phủ ưu tiên huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho Đà Nẵng để thực hiện những dự án đầu tư hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố; ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi theo phương thức cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án PPP trên địa bàn.

Đáng chú ý, Đà Nẵng được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân sách Thành phố; Được bán nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo hình thức thu tiền một lần để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khác trên địa bàn…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017; bãi bỏ Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg ngày 16/01/2006.

Cơ cấu tổ chức:

11. THAY ĐỔI CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

Nội dung này thể hiện tại Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ, thay thế Nghị định số 74/2012/NĐ-CP ngày 29/09/2012.

Cụ thể, Nghị định quy định cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ gồm 21 đơn vị, thay vì 19 đơn vị như trước đây. Một số đơn vị mới được bổ sung như: Vụ Công nghiệp; Vụ Nông nghiệp; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; trong khi đó, bỏ Vụ Kinh tế ngành. Riêng Vụ Theo dõi phối hợp công tác giữa Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Trung trương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương các đoàn thể nhân dân và Chính quyền địa phương được đổi tên thành Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn thể; Vụ Văn thư hành chính đổi tên thành Vụ Hành chính; Vụ Theo dõi khiếu nại, tố cáo và Phòng, chống tham nhũng đổi tên thành Vụ Theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các đơn vị khác của Văn phòng Chính phủ như: Vụ Nội chính; Vụ Tổng hợp; Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ; Vụ Pháp luật; Vụ Quan hệ quốc tế; Vụ Kinh tế tổng hợp; Vụ Khoa giáo - Văn xã; Vụ Đổi mới doanh nghiệp; Vụ Thư ký - Biên tập; Vụ Hành chính; Vụ Tổ chức cán bộ; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ… vẫn được giữ nguyên như trước đây.

Cũng tại Nghị định này, Văn phòng Chính phủ được quy định là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; có chức năng tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở, đảm bảo thống nhất, thông suốt, liên tục; kiểm soát thủ tục hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016.


 

Đang truy cập: 20
Trong ngày: 181
Trong tuần: 765
Lượt truy cập: 1591894
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com