Doanh nghiệp:
- 1. LỆ PHÍ CẤP PHÉP THÀNH LẬP VPĐD CỦA DN QUẢNG CÁO NƯỚC NGOÀI 3 TRIỆU/GIẤY
Đây là nội dung tại Thông tư số 165/2016/TT-BTC ngày 25/10/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài khi đề nghị cấp mới, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam phải nộp lệ phí theo quy định; trong đó, lệ phí cấp mới là 03 triệu đồng/giấy phép và 1,5 triệu đồng/giấy phép với cấp lại, sửa đổi, bổ sung.
Tổ chức thu lệ phí phải nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước theo chương, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách Nhà nước; các khoản chi phí liên quan đến công tác cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam được ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm.
Thông tư này thay thế Thông tư số 66/2014/TT-BTC ngày 20/05/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
- 2. HẠN CHẾ TRANG BỊ TÀI SẢN CÔNG BẰNG HIỆN VẬT
Trước tình trạng quản lý tài sản công còn bất cập, phân tán và sử dụng chưa thực sự hiệu quả so với tiềm năng; việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm; trong nhiều trường hợp vẫn còn thất thoát, lãng phí…, ngày 02/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng với tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hướng hạn chế việc trang bị bằng hiện vật, chuyển dần sang cơ chế khoán có tính chất bắt buộc, thực hiện phương thức thuê dịch vụ và Nhà nước đặt hàng; sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho phù hợp từng nhóm chức danh; phấn đấu đến năm 2020, giảm từ 30 - 50% số lượng ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương trừ các đơn vị thuộc miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện cơ chế sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, cơ chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở tập trung đông người...
Về giao đất, cho thuê đất và quản lý khai thác tài nguyên, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc việc đấu giá công khai, minh bạch khi giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên; rà soát, nghiên cứu chính sách thu tiền thuê đất theo hướng khuyến khích thuê trả tiền thuê đất hàng năm, đơn giản hóa việc xác định mức thu và tổ chức thu nộp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; mở rộng phạm vi áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất theo hướng áp dụng với tất cả các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm…
Xây dựng:
- 3. LỆ PHÍ CẤP CHỨNG CHỈ NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Ngày 27/10/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 172/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp Giấy phép hoạt động xây dựng, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Thông tư quy định, mức thu lệ phí cấp Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức là 01 triệu đồng/chứng chỉ với lần cấp đầu và 500.000 đồng/chứng chỉ với cấp lại, cấp bổ sung, điều chỉnh, chuyển đổi. Mức thu lệ phí cấp Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho cá nhân là 300.000 đồng/chứng chỉ với lần cấp đầu và 150.000 đồng/chứng chỉ với trường hợp cấp lại, cấp bổ sung, điều chỉnh, chuyển đổi.
Vẫn như trước đây, Thông tư này ấn định mức lệ phí cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là 02 triệu đồng/giấy phép.
Lệ phí cấp chứng chỉ, giấy phép nêu trên được thu bằng Đồng Việt Nam.
Thông tư này thay thế Thông tư số 167/2009/TT-BTC ngày 19/08/2009.
- 4. LỆ PHÍ CẤP GIẤY PHÉP QUY HOẠCH 2 TRIỆU ĐỒNG/GIẤY PHÉP
Thông tư số 171/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp Giấy phép quy hoạch đã được Bộ Tài chính ban hành ngày 27/10/2016, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017; thay thế Thông tư số 23/2012/TT-BTC ngày 02/04/2012.
Theo Thông tư này, tổ chức, cá nhân khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép quy hoạch phải nộp lệ phí với mức 2 triệu đồng/giấy phép; lệ phí cấp Giấy phép quy hoạch thu bằng Đồng Việt Nam. Mức lệ phí này không thay đổi so với quy định trước đây của Bộ Tài chính.
Tổ chức thu lệ phí phải nộp toàn bộ số tiền lệ phí thu được vào ngân sách Nhà nước; nguồn chi phí trang trải cho việc cấp Giấy phép quy hoạch và thu lệ phí do ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán hàng năm của tổ chức thu.
Tài nguyên-Môi trường:
- 5. TĂNG MỨC CHI TRẢ TIỀN DV MÔI TRƯỜNG RỪNG VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT THỦY ĐIỆN
Ngày 02/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trong đó, đáng chú ý là quy định tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện lên 36 đồng/kWh điện thương phẩm thay vì mức 20 đồng/kWh điện thương phẩm như trước. Như vậy, số tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong kỳ hạn thanh toán cũng được tăng lên theo mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, bằng sản lượng điện trong kỳ hạn thanh toán (kWh) nhân với mức chi trả tính trên 01 kWh (36 đồng/kWh).
Tương tự, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch cũng tăng từ 40 đồng/m3 nước thương phẩm lên 52 đồng/m3 nước thương phẩm từ ngày 01/01/2017. Theo đó, số tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong kỳ hạn thanh toán sẽ được xác định bằng sản lượng nước thương phẩm trong kỳ hạn thanh toán (m3) nhân với mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tính trên 01 m3 nước thương phẩm (52 đồng/m3).
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Chứng khoán:
- CHÀO BÁN CỔ PHIẾU RIÊNG LẺ KHÔNG ĐÚNG THỜI ĐIỂM, PHẠT ĐẾN 100 TRIỆU
Nội dung này được nêu tại Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/09/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, từ ngày 15/12/2016, tổ chức thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ không đúng thời gian quy định hoặc không thực hiện mở tài khoản phong tỏa tại ngân hàng thương mại; không chuyển số tiền thu được từ đợt chào bán vào tài khoản phong tỏa; giải tỏa hoặc sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán sẽ bị phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng. Mức phạt từ 70 - 100 triệu đồng này cũng được áp dụng với hành vi không nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 36 tháng; hành vi đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn từ trên 03 tháng đến 06 tháng.
Với hành vi không công bố báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận tại Đại hội đồng cổ đông hoặc không thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận, trừ trường hợp chào bán cổ phiếu để hoán đổi các khoản nợ hoặc hoán đổi cổ phần, phần vốn góp, mức phạt dao động từ 50 - 70 triệu đồng.
Cũng từ ngày 15/12/2016, tổ chức có hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 400 - 700 triệu đồng. Với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền từ 1% - 5% tổng số tiền đã huy động trái pháp luật. Đặc biệt, tổ chức có hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật trong trường hợp không có khoản thu trái pháp luật sẽ bị phạt từ 1 - 1,2 tỷ đồng, trong khi mức phạt cũ dao động từ 1,8 - 2 tỷ đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016.
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:
- 7. PHÍ XÁC MINH VĂN BẰNG NƯỚC NGOÀI TỪ 250.000 ĐỒNG/VĂN BẰNG
Theo Thông tư số 164/2016/TT-BTC ngày 25/10/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xác minh giấy tờ, tài liệu để công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam, tổ chức, cá nhân làm thủ tục xác minh Bằng tốt nghiệp hoặc Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học phổ thông, Bằng tốt nghiệp trung cấp, Bằng tốt nghiệp cao đẳng, Bằng tốt nghiệp đại học, Bằng thạc sỹ, Bằng tiến sỹ phải nộp phí theo quy định.
Trong đó mức thu phí xác minh để công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp (bao gồm cả chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng) là 250.000 đồng/văn bằng; với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài hợp pháp cấp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài, mức thu phí là 500.000 đồng/văn bằng.
Thông tư này thay thế Thông tư số 95/2013/TT-BTC ngày 17/07/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Chính sách:
- TỔNG RÀ SOÁT ĐIỀU KIỆN PHÒNG, CHỮA CHÁY TẠI QUÁN KARAOKE, VŨ TRƯỜNG
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 97/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 04/11/2016 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2016.
Cụ thể, trước hàng loạt vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra gần đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an phải tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm phòng chống cháy nổ; tiến hành tổng rà soát điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, trước mắt ở các thành phố lớn. Đồng thời, tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát; tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại dịp cuối năm. Đặc biệt, không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế trong hai tháng còn lại của năm 2016.
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng cơ chế tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở mỗi cấp học; công bố số lượng sinh viên ra trường có việc làm ở từng trường đại học, từng ngành học; nghiên cứu cơ chế gia đình đánh giá nhà trường, lớp học… Tăng cường công tác tuyên truyền, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức và hướng dẫn cụ thể phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2017.
- TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH THÔN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 03/11/2016 về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Quyết định này, thôn đặc biệt khó khăn là thôn có 1 trong 2 tiêu chí: Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) và có 2 trong 3 yếu tố: Trục chính đường giao thông thôn hoặc liên thôn chưa được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; Từ 60% trở lên số phòng học cho lớp mẫu giáo chưa được kiên cố; Chưa có Nhà văn hóa - Khu thể thao theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Với các thôn có số hộ dân tộc thiểu số từ 80% trở lên, chỉ cần có 1 trong 3 yếu tố này).
Về tiêu chí xác định xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Quyết định chỉ rõ: Xã khu vực III là xã có các tiêu chí: Số thôn đặc biệt khó khăn từ 35% trở lên; Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên hoặc tổng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo từ 55% trở lên và có 3 trong số các tiêu chí như: Trục chính đường giao thông đến UBND xã hoặc đường liên xã chưa được nhựa hóa, bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới; Trường mầm non, trường tiểu học hoặc trường trung học cơ sở chưa đạt chuẩn quốc gia; Chưa có Trung tâm văn hóa, thể thao xã; Còn từ 40% số hộ trở lên chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh…
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2016.
10. HỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO ĐƯỢC HỖ TRỢ ĐẾN 15 TRIỆU TẠO QUỸ ĐẤT SẢN XUẤT
Nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 3% - 4%/năm; giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn…, ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2085/QĐ-TTg phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.
Tại Quyết định, Thủ tướng khẳng định sẽ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp thiếu đất ở, đất sản xuất theo mức bình quân của địa phương, thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán. Cụ thể, hộ chưa có đất sản xuất nếu có nhu cầu sẽ được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền tối đa 15 triệu đồng/hộ để tạo quỹ đất sản xuất; trường hợp không bố trí được đất sản xuất thì hộ chưa có đất được hỗ trợ chuyển đổi nghề từ ngân sách Nhà nước bằng tiền tối đa 05 triệu đồng/hộ và vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để làm dịch vụ hoặc làm nghề khác tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, hộ thiếu đất sản xuất nêu trên và hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để tạo quỹ đất sản xuất, làm dịch vụ hoặc làm nghề khác để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững với mức vay không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng với hộ nghèo trong từng thời kỳ; lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ; thời hạn vay tối đa là 10 năm. Đến hạn trả nợ, nếu hộ được vay vốn chưa thoát nghèo và đang gặp khó khăn thì được xem xét kéo dài thời gian trả nợ nhưng không quá 05 năm; trường hợp đã thoát nghèo mà không trả nợ thì chuyển sang nợ quá hạn với lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
11. THÍ ĐIỂM HỖ TRỢ MỘT LẦN SAU ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THỦY SẢN
Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản.
Trong đó, mức hỗ trợ đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, máy móc, trang thiết bị bảo quản hàng hóa, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa là 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới, tối đa 8 tỷ đồng/tàu với tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV và 9,8 tỷ đồng/tàu với tàu có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên.
Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu sẽ được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ không quá 8 tỷ đồng/tàu…
Để được hưởng mức hỗ trợ một lần như trên, chủ tàu phải là thành viên của tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp khai thác hải sản; tàu phải lắp đặt thiết bị thông tin có khả năng định vị kết nối với trạm bờ để quản lý quan sát hành trình và phải có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016.
Hàng hải:
12. DN PHẢI KÊ KHAI, NIÊM YẾT GIÁ DỊCH VỤ TẠI CẢNG BIỂN
Ngày 02/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2016/NĐ-CP quy định về việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa công-te-nơ bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển, , yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hoặc đại lý, doanh nghiệp được ủy quyền và doanh nghiệp cảng biển phải niêm yết giá vận chuyển hàng hóa công-te-nơ bằng đường biển và giá dịch vụ tại cảng biển
Trong đó, nội dung niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu bao gồm: Điểm đi và điểm đến của tuyến vận tải; Danh mục và mức giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, phụ thu tương ứng với tuyến đường vận chuyển và loại hàng hóa được vận chuyển, mức giá niêm yết đã bao gồm giá dịch vụ liên quan phát sinh và các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có); Tên doanh nghiệp, địa chỉ giao dịch, số điện thoại, số fax, địa chỉ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Nội dung niêm yết giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm: Tên, địa chỉ giao dịch, số điện thoại, số fax, địa chỉ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp cảng biển; Biểu giá dịch vụ tại cảng của doanh nghiệp đã thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền (giá niêm yết đã bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí).
Cũng theo Nghị định này, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển và doanh nghiệp được ủy quyền chỉ được thu các khoản giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu đã niêm yết, không được thu thêm các khoản khác; tương tự, chỉ được thu trong khoảng thời gian và điều kiện đã niêm yết, không được cao hơn mức đã niêm yết.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |