Thuế-Phí-Lệ phí:
- 1. PHÍ THẨM ĐỊNH CẤP GCN ĐĂNG KÝ BÁN HÀNG ĐA CẤP 5 TRIỆU/LẦN
Theo Thông tư số 156/2016/TT-BTC ngày 21/10/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Trong đó, mức thu phí đối với trường hợp cấp mới, gia hạn Giấy chứng nhận đăng đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 05 triệu đồng/lần thẩm định và 03 triệu đồng/lần thẩm định với trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận. Doanh nghiệp có thể nộp phí bằng tiền mặt trực tiếp cho cơ quan thu phí hoặc chuyển khoản vào tài khoản của cơ quan thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
- 2. LỆ PHÍ CẤP PHÉP THÀNH LẬP NGÂN HÀNG 140 TRIỆU ĐỒNG/GIẤY
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 150/2016/TT-BTC ngày 14/10/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tín dụng nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng.
Cụ thể, mức thu lệ phí cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng là 140 triệu đồng/giấy phép với cấp lần đầu và 70 triệu đồng/giấy phép với cấp đổi, bổ sung, gia hạn; lệ phí cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân lần lượt là 70 triệu đồng/giấy phép đối với cấp lần đầu (35 triệu đồng/giấy phép với cấp đổi, bổ sung, gia hạn) và 200.000 đồng/giấy với cấp lần đầu (100.000 đồng/giấy với cấp đổi, bổ sung, gia hạn). Mức thu lệ phí cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng là 01 triệu đồng/giấy phép.
Đối với tổ chức không phải là ngân hàng, lệ phí cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức này là 10 triệu đồng/giấy phép với cấp lần đầu và 05 triệu đồng/giấy phép với cấp lại. Các khoản lệ phí nêu trên phải được thu bằng đồng Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:
- 3. NGUYÊN TẮC PHÂN CHIA TIỀN CÔNG CỨU HỘ CỦA THUYỀN BỘ TÀU BIỂN
Theo Thông tư số 29/2016/TT-BGTVT ngày 20/10/2016 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về cách thức phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ tàu biển Việt Nam, phần tiền được dành để phân chia cho thuyền bộ sẽ được chia cho tất cả các thành viên có mặt trên tàu khi thực hiện hoạt động cứu hộ theo nguyên tắc tỷ lệ thuận với tiền lương chính của mỗi thuyền viên được hưởng tại thời điểm thực hiện hoạt động cứu hộ.
Trường hợp thuyền viên có sự dũng cảm và nỗ lực đặc biệt trong hoạt động cứu hộ được hưởng hệ số thưởng theo quyết định của thuyền trưởng dựa trên đề xuất của thuyền bộ. Đặc biệt, thuyền viên từ chối không thực hiện nhiệm vụ do thuyền trưởng giao hoặc lợi dụng tình huống cứu hộ để vụ lợi hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cứu hộ đều bị tước bỏ quyền được hưởng phần tiền công cứu hộ của mình; khi đó, phần tiền này sẽ được gộp chung vào tổng số tiền công cứu hộ dành cho thuyền bộ để chia cho số thuyền viên còn lại.
Cũng theo Thông tư này, tiền công cứu hộ được thanh toán bằng loại tiền nào thì cũng được chia bằng loại tiền đó và việc phân chia tiền công cứu hộ trong nội bộ tàu phải được tiến hành công khai dưới sự giám sát của tổ chức công đoàn cơ sở hoặc một hội đồng do toàn thể thuyền viên của tàu bầu ra.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017.
Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
- 4. ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2017
Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016.
Theo đó, sẽ áp dụng định mức phân bổ chung đối với khối các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan thi hành án dân sự, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ với mức 55 triệu đồng/biên chế. Đối với Bộ Tư pháp (không bao gồm cơ quan thi hành án dân sự), các Bộ, cơ quan Trung ương khác, áp dụng định mức phân bổ theo phương pháp lũy thoái. Cụ thể, từ 100 biên chế trở xuống tính 54 triệu đồng/biên chế; từ biên chế thứ 101 đến 500, tính 50 triệu đồng/biên chế; từ biên chế thứ 501 đến 1.000, tính 48 triệu đồng/biên chế; và từ biên chế thứ 1.001 trở lên, tính 45 triệu đồng/biên chế.
Định mức phân bổ nêu trên chỉ để xác định tổng chi thường xuyên, trong đó chi tiết lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ để Quốc hội quyết định. Trong quá trình phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương và các địa phương phải quán triệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính; thực hiện công khai, minh bạch ngân sách theo quy định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
- 5. THỜI HẠN KHIẾU NẠI GIAO DỊCH THẺ NGÂN HÀNG ÍT NHẤT 60 NGÀY
Theo Thông tư số 30/2016/TT-NHNN ngày 14/10/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán, khi phát hiện có sai sót hoặc nghi ngờ có sai sót về giao dịch thẻ, chủ thẻ có quyền yêu cầu tổ chức phát hành thẻ tra soát. Trong đó, thời hạn được quyền đề nghị tra soát, khiếu nại do tổ chức phát hành thẻ quy định cụ thể nhưng không ít hơn 60 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch đề nghị tra soát, khiếu nại.
Về thời hạn giải quyết đề nghị tra soát, khiếu nại cho chủ thẻ, phải được thỏa thuận tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ, tối đa là 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị lần đầu của chủ thẻ (đối với thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp); đối với thẻ có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp, thời hạn xử lý được thỏa thuận cụ thể tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.
Cũng theo Thông tư này, tổ chức phát hành thẻ phải áp dụng tối thiểu 02 hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại của chủ thẻ bao gồm qua tổng đài điện thoại (có ghi âm, hoạt động 24/7) và qua các điểm giao dịch của tổ chức phát hành thẻ; đảm bảo xác thực những thông tin cơ bản mà chủ thẻ đã cung cấp. Đồng thời, tổ chức phát hành thẻ phải thực hiện ngay các biện pháp để khóa thẻ khi chủ thẻ đề nghị do nghi ngờ có gian lận hoặc tổn thất và chịu trách nhiệm với toàn bộ tổn thất tài chính phát sinh đối với chủ thẻ do việc sử dụng thẻ sau thời điểm khóa thẻ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/11/2016.
Thương mại:
- TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP
Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, nhằm bảo đảm an ninh trật tự và quyền lợi của nhân dân, nâng cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Chỉ thị này, Bộ Công Thương được giao trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương…
Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các cấp tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc lợi dụng kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, huy động tài chính trái phép, kinh doanh trái phép… trên phạm vi cả nước.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp và những thủ đoạn lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để người dân, người tham gia bán hàng đa cấp chủ động phòng ngừa, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, bán hàng đa cấp khi chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Y tế-Sức khỏe:
- 7. 10 ĐIỀU KIỆN NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ TẠI CƠ SỞ Y TẾ
Đây là một trong những quy định được nêu tại Thông tư số 38/2016/TT-BYT ngày 31/10/2016 của Bộ Y tế quy định một số biện pháp thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, “10 điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ” tại các cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm: Có bản quy định về việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ; Tổ chức đào tạo cho cán bộ y tế những kỹ năng cần thiết để thực hiện quy định nuôi con bằng sữa mẹ; Thông tin cho phụ nữ có thai về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ; Giúp các bà mẹ cho trẻ bú sớm trong vòng 01 giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu, cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; Hướng dẫn cho các bà mẹ cách cho trẻ bú và duy trì nguồn sữa mẹ; Không nuôi dưỡng trẻ dưới 06 tháng tuổi bằng thức ăn, nước uống ngoài sữa mẹ, trừ khi có chỉ định của y tế; Thực hiện mẹ và con ở cùng nhau để con gần mẹ suốt 24 giờ trong thời gian sau sinh; Khuyến khích cho trẻ được bú theo nhu cầu; Không cho trẻ nhỏ đang bú mẹ sử dụng bình vú hoặc vú ngậm nhân tạo; Khuyến khích thành lập nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và giới thiệu bà mẹ tham gia nhóm sau khi họ ra viện.
Việc tổ chức thực hiện “10 điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ” tại các cơ sở khám, chữa bệnh được quy định như sau: Ban hành quy định về việc thực hiện “10 điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ” tại cơ sở khám, chữa bệnh bằng ngôn ngữ thông dụng và được phổ biến thường xuyên cho thầy thuốc, nhân viên y tế; Niêm yết công khai bản quy định tại phòng khám thai, phòng chờ sinh, phòng sau sinh, phòng tư vấn dinh dưỡng…; Khoa sản, khoa nhi phải tổ chức hướng dẫn cho phụ nữ mang thai, các bà mẹ sau sinh, các bà mẹ có con dưới 24 tháng tuổi cách cho trẻ bú đúng, vắt sữa, bảo quản sữa mẹ và duy trì nguồn sữa mẹ…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:
- 8. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Có hiệu lực từ ngày ký, Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, để được thành lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về quy mô đào tạo, vốn đầu tư, địa điểm… Cụ thể, quy mô đào tạo tối thiểu 150 học sinh/năm với trình độ sơ cấp, 250 học sinh/năm với trung cấp, 500 học sinh, sinh viên với trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp; có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu 1.000m2 với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 20.000m2 với trường trung cấp và 50.000m2 với trường cao đẳng… Về vốn đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phải là nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai, tối thiểu là 05 tỷ đồng với trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 50 tỷ đồng với trường trung cấp và 100 tỷ đồng đối với trường cao đẳng.
Cũng theo Nghị định này, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng, cơ sở phải có phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thực tập…, trong đó, diện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 5,5 - 7,5 m2/chỗ học; tỷ lệ học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên tối đa là 25 học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực nhân văn, kinh tế và dịch vụ; 20 học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và sức khỏe; 15 học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên với các ngành, nghề có yêu cầu về năng khiếu…
Vi phạm hành chính:
- CHẬM NỘP PHẠT VPHC LĨNH VỰC HẢI QUAN PHẢI NỘP THÊM 0,05%/NGÀY
Ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155/2016/TT-BTC quy định chi tiết thi hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP.
Thông tư này quy định về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, bao gồm: Hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng và có thông báo với Chi cục Hải quan hoặc Đội Kiểm soát hoặc Hải đội kiểm soát trên biển hoặc Cục Hải quan tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương nơi gần nhất chậm nhất không quá 03 ngày từ ngày đưa hàng hóa, phương tiện vận tải vào lãnh thổ Việt Nam; Nhập khẩu hàng hóa, vật phẩm vi phạm quy định về khai hải quan nhưng do doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan và không có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhận hàng, người làm thủ tục hải quan nhằm mục đích gian lận…
Đáng chú ý, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan mà chậm nộp tiền phạt so với thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ngoài việc phải nộp đủ số tiền nộp phạt thì cứ mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05%/ngày tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần không tính là thời gian chậm nộp tiền phạt.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2016.
Thông tin-Truyền thông:
10. HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI CỦA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT ngày 19/10/2016 hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm hoạt động cung cấp thông tin quảng bá hình ảnh của tỉnh, thành phố; cung cấp thông tin giải thích, làm rõ.
Trong đó, thông tin quảng bá hình ảnh của tỉnh, thành phố được cung cấp qua các phương thức: Hoạt động đối ngoại của UBND cấp tỉnh; Cổng/Trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; Hệ thống dữ liệu quảng bá hình ảnh của tỉnh, thành phố; Xuất bản phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; Hệ thống thông tin đối ngoại tại các cửa khẩu quốc tế; Sản phẩm báo chí của các phương tiện thông tin đại chúng trong nước; Sản phẩm của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông nước ngoài; Sản phẩm truyền thông phổ biến qua mạng Internet; Các hoạt động tiếp xúc, hợp tác với cơ quan báo chí nước ngoài…
Hoạt động cung cấp thông tin giải thích, làm rõ được quy định là những tư liệu, tài liệu, hồ sơ, lập luận nhằm giải thích, làm rõ, đấu tranh với các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của thành phố. Theo đó, UBND cấp tỉnh tổ chức theo dõi và tổng hợp dư luận báo chí trong và ngoài nước về tình hình tỉnh, thành phố. Khi phát hiện hoặc nhận được những thông tin, tài liệu, báo cáo sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của tỉnh, thành phố, có trách nhiệm thông báo tới Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác quản lý. Đồng thời, UBND cấp tỉnh phải chủ động triển khai các biện pháp thông tin, tuyên truyền để bảo vệ và nâng cao uy tín, hình ảnh của tỉnh, thành phố.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/12/2016.
Cơ cấu tổ chức:
11. CHỨC NĂNG, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM Y TẾ CẤP HUYỆN
Ngày 25/10/2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37/2016/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, tài khoản riêng được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật. Trung tâm y tế huyện có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế theo quy định của pháp luật.
Với chức năng nêu trên, trung tâm y tế huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân; Tiêm chủng phòng bệnh; Y tế trường học; Phòng, chống các yếu tố nguy cơ tác động lên sức khỏe, phát sinh, lây lan dịch, bệnh; Quản lý và nâng cao sức khỏe cho người dân; Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế; Phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích; Thực hiện các hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; Thực hiện sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng; Thực hiện ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Trung tâm y tế huyện được lãnh đạo bởi Giám đốc và các Phó Giám đốc. Các phòng chức năng thuộc Trung tâm y tế huyện gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ; Phòng Tài chính - Kế toán; Phòng Điều dưỡng. Ngoài ra, trung tâm y tế huyện còn có 12 khoa chuyên môn, trong đó có: Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS; Khoa Y tế công cộng và Dinh dưỡng; Khoa An toàn thực phẩm; Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Khoa Khám bệnh/Phòng khám đa khoa; Khoa Hồi sức cấp cứu; Khoa Nội tổng hợp…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2016; thay thế Quyết định số 26/2005/QĐ-BYT ngày 09/09/2005.
Công nghiệp:
12. 6 NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI
Ngày 24/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2012/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Danh mục bao gồm 06 nhà máy thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cụ thể như: Thủy điện Sơn La; Thủy điện Hòa Bình; Thủy điện Lai Châu; Thủy điện Ialy; Thủy điện Trị An; Thủy điện Tuyên Quang.
Chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành các nhà máy điện nêu trên có trách nhiệm tổ chức xây dựng các phương án bảo vệ an toàn công trình trong quá trình vận hành theo quy định hiện hành để đảm bảo an ninh, an toàn nhà máy điện, phòng tránh và ứng phó kịp thời đối với các sự cố có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |