Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      THU LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ VỚI NHÀ, ĐẤT TỐI ĐA 500 TRIỆU/LẦN

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ quy định căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ.

Trong đó, giá tính lệ phí trước bạ với đất là giá đất tại Bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành; với nhà là giá do UBND cấp tỉnh ban hành; với tài sản khác là giá chuyển nhượng tài sản thực tế trên thị trường. Riêng với tài sản đã qua sử dụng, giá tính lệ phí trước bạ được xác định căn cứ vào thời gian đã sử dụng và giá trị còn lại của tài sản.

Về mức thu lệ phí trước bạ, Nghị định quy định, mức thu lệ phí trước bạ tối đa là 500 triệu đồng/tài sản/lần trước bạ, trừ ô tô chở người từ 09 chỗ trở xuống và tàu bay, du thuyền. Cụ thể, mức thu với nhà, đất là 0,5%; với tàu thủy, sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, thuyền, du thuyền, tàu bay và xe máy, ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự, mức thu lần lượt là 1% và 2%. Riêng với xe máy của cá nhân, tổ chức ở các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức là 5%; từ lần thứ hai trở đi, được áp dụng mức thu là 1%; trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn nêu trên thì nộp lệ phí trước bạ theo mức là 5%.

Đối với ô tô chở người từ 09 chỗ chở xuống, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%; trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, tối đa không quá 50% mức quy định chung; từ lần đăng ký trước bạ lần thứ hai trở đi, mức thu là 2%, áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

  1. THÍ ĐIỂM KHAI THUẾ TNCN ĐIỆN TỬ VỚI HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ NHÀ

Ngày 04/10/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2128/QĐ-BTC về việc thí điểm khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân điện tử với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân.

Theo đó, từ tháng 11/2016 đến hết tháng 12/2017, sẽ thí điểm khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân điện tử với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân có nhà cho thuê tại địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thuộc quản lý của cơ quan thuế tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi kết thúc thực hiện thí điểm, Tổng cục Thuế có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính kết quả và đề xuất phương án triển khai diện rộng. Cá nhân thực hiện khai thuế điện tử đảm bảo các điều kiện thực hiện giao dịch thuế điện tử theo quy định tại Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/07/2015.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 3.      MỨC PHỤ CẤP ĐẶC THÙ CỦA MỘT SỐ CHỨC DANH TƯ PHÁP TRONG QUÂN ĐỘI

Ngày 10/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 42/2016/QĐ-TTg sửa đổi khoản 1 Điều 1 Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong quân đội.

Theo đó, mức phụ cấp 15% được áp dụng đối với Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán thuộc Tòa án quân sự các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát quân sự các cấp; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên thuộc Thanh tra quốc phòng; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên thuộc cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên thuộc cơ quan Điều tra hình sự, cơ quan an ninh điều tra các cấp; Chấp hành viên thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân và Bộ Tổng Tham mưu.

Mức phụ cấp 10% được áp dụng đối với Kiểm tra viên thuộc Viện Kiểm sát quân sự các cấp; Thẩm tra viên và Thư ký tòa án thuộc Tòa án quân sự các cấp; Thẩm tra viên thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân, Bộ Tổng tham mưu.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2016. Mức phụ cấp đặc thù nêu trên được tính hưởng kể từ ngày 01/01/2016.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. NGÂN HÀNG ĐƯỢC THẤU CHI BÙ ĐẮP THIẾU HỤT VỐN TRONG THANH TOÁN ĐIỆN TỬ

Có hiệu lực từ ngày 25/03/2017, Thông tư số 29/2016/TT-NHNN ngày 12/10/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc thấu chi và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, cho phép tổ chức tín dụng được chi vượt số dư có trên tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (thấu chi) để bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá trong khoảng thời gian tính từ cuối ngày làm việc hôm trước đến ngày làm việc liền kề tiếp theo (cho vay qua đêm) để tất toán khoản thấu chi tại thời điểm cuối ngày làm việc.

Trong đó, giấy tờ có giá được sử dụng trong giao dịch thấu chi và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng phải đủ điều kiện lưu ký theo quy định; có thể chuyển nhượng; được phát hành bằng đồng Việt Nam; có thời hạn còn lại tối thiểu là 30 ngày và thuộc Danh mục các loại giấy tờ có giá được sử dụng trong giao dịch thấu chi và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Về lãi suất cho vay qua đêm, sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ; lãi suất với dư nợ gốc vay qua đêm quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay qua đêm; lãi suất áp dụng với lãi vay qua đêm chậm trả là 10%/năm.

Cũng theo Thông tư này, tổ chức tín dụng có dư nợ vay qua đêm quá hạn 03 lần liên tiếp trong vòng 01 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện dừng việc thấu chi và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 10 ngày làm việc, trừ trường hợp bất khả kháng và tổ chức tín dụng có văn bản báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.

  1. 5.      ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2017

Ngày 04/10/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2017.

Theo đó, dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước được phân bổ cho các Bộ, cơ quan Trung ương dựa trên tiêu chí biên chế. Cụ thể, năm 2017, sẽ phân bổ 55 triệu đồng/biên chế cho khối cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan thi hành án dân sự, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ; với khối các Bộ, cơ quan Trung ương khác, định mức phân bổ tùy theo bậc biên chế, trong đó, định mức phân bổ 54 triệu đồng/biên chế/năm áp dụng với các Bộ, cơ quan có từ 100 biên chế trở xuống; từ biên chế thứ 101 - 500; 501 - 1.000 và từ biên chế thứ 1.001 trở lên, định mức phân bổ lần lượt là 50 triệu đồng/biên chế/năm; 48 triệu đồng/biên chế/năm và 45 triệu đồng/biên chế/năm.

Với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tùy từng vùng, định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề dao động từ 92.200 đồng/người dân/năm - 205.000 đồng/người dân/năm; định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế từ 182.700 - 469.100 đồng/người dân/năm; từ 15.800 đồng/người dân/năm - 34.200 đồng/người dân/năm đối với chi sự nghiệp phát thanh, truyền hình…

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 và thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

  1. 6.      4 DỊCH VỤ CÔNG ĐƯỢC NHÀ NƯỚC ĐẢM BẢO TOÀN BỘ CHI PHÍ

Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04/10/2016 kèm theo Quyết định số 1896/QĐ-TTg.

Trong đó, đáng chú ý là Danh mục 04 dịch vụ sự nghiệp công được Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí, bao gồm: Dịch vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng hải; Dịch vụ tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải; Dịch vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đường thủy nội địa và Dịch vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đường bộ. Đối với dịch vụ vận hành khai thác bến phà đường bộ, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí theo lộ trình tính giá dịch vụ công.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật; phối hợp ban hành khung giá và giá các loại hình dịch vụ để áp dụng cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ sử dụng ngân sách Nhà nước.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Xuất nhập khẩu:

  1. 7.      QUY TẮC XUẤT XỨ TRONG HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA ASEAN

Ngày 03/10/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BCT thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN.

Theo quy định tại Thông tư này, hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của một nước thành viên từ một nước thành viên khác được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan khi có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên xuất khẩu hoặc không có xuất xứ thuần túy hay không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên xuất khẩu, nhưng đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Cũng theo Thông tư này, những công đoạn gia công chế biến như: Bảo đảm việc bảo quản hàng hoá trong tình trạng tốt khi vận chuyển hoặc lưu kho; Hỗ trợ cho việc gửi hàng hoặc vận chuyển; Đóng gói hoặc trưng bày hàng hóa để bán, khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, sẽ được xem là giản đơn và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hoá tại một nước thành viên. Hàng hóa có xuất xứ của một nước thành viên vẫn giữ nguyên xuất xứ ban đầu cho dù nó được xuất khẩu từ một nước thành viên khác, nơi diễn ra các công đoạn gia công, chế biến đơn giản nêu trên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016.

Chính sách:

  1. 8.      SẼ MIỄN HỌC PHÍ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09/2016.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp xây dựng báo cáo về miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh trung học cơ sở theo lộ trình đến năm 2020. Đồng thời, thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đối với đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; thực hiện thí điểm mô hình cơ sở giáo dục đại học tự chủ được thu hút người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao về tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có trách nhiệm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nhất là cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước và không để thất thoát tài sản…

  1. 9.      LỘ TRÌNH TÍNH GIÁ DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG ĐẾN NĂM 2020

Theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, đến năm 2016, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý trong giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2020, sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Về số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công, Nghị định cho phép đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác nhau tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định số lượng người làm việc; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được đề xuất số lượng người làm việc của đơn vị và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Đối với đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, đề xuất số lượng người làm việc trên cơ sở định biên bình quân 05 năm trước và không cao hơn số định biên hiện có của đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Cũng theo Nghị định này, đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được tự vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Hoạt động dịch vụ sự nghiệp công có điều kiện xã hội hóa cao, Nhà nước không cần bao cấp; Giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí (bao gồm cả trích khấu hao tài sản cố định); Được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao vốn cho đơn vị quản lý theo quy định; Hạch toán kế toán theo quy định của các chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2016.

10. PHẢI CÔNG KHAI THÔNG TIN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/11/2016.

Dựa trên nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Quy chế yêu cầu chủ chương trình, cơ quan chủ trì dự án thành phần và các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có trách nhiệm công khai thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ bằng một hoặc một số hình thức: Phát hành văn bản đến cơ quan liên quan; Đăng trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan liên quan; Thông báo trên phương tiện đại chúng.

Nội dung công khai thông tin bao gồm: Quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn; Tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; Các chỉ tiêu kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 05 năm và hàng năm ở mỗi cấp; Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, các vụ tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức tham gia quản lý, điều hành và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; Các ý kiến phản hồi từ nhân dân và kết quả xử lý ý kiến phản hồi…

Cũng theo Quy chế, nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia được huy động từ: Nguồn ngân sách Trung ương; Nguồn ngân sách địa phương; Nguồn lực huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng; Nguồn vốn tín dụng; Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia chịu trách nhiệm huy động và đảm bảo nguồn lực để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình được Thủ tướng giao.


 

Đang truy cập: 56
Trong ngày: 232
Trong tuần: 814
Lượt truy cập: 1591958
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com