Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      ÁP THUẾ NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT VỚI HÀNG HÓA TỪ NHẬT BẢN

Nghị định số 133/2016/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2019 đã được Chính phủ ban hành ngày 01/09/2016.

Cụ thể, từ năm 2016 - 2019, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% sẽ được áp dụng với nhiều mặt hàng được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản, Bru-nây, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Mi-an-ma, Phi-líp-pin, Singapore, Thái Lan và hàng từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước, bao gồm: Phân bón gốc thực vật hoặc động vật, đã hoặc chưa pha trộn với nhau hoặc qua xử lý hóa học; Phân bón sản xuất bằng cách pha trộn hoặc xử lý hóa học các sản phẩm động vật hoặc thực vật; Thuốc trừ côn trùng; Thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng; Máy in offset, in cuộn; Máy in - copy, in bằng công nghệ in phun, laser; Máy fax; Máy rót, đóng kín, đóng nắp, làm kín hoặc dán nhãn vào các chai, lon, hộp, túi hoặc đồ chứa khác; Máy bọc chai, lọ, ống và các đồ chứa tương tự; Máy nạp ga cho đồ uống…

Riêng với mặt hàng ô tô chở 10 người trở lên, dùng động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén, bao gồm cả xe limousine kéo dài nhưng không bao gồm ô tô khách, mức thuế suất thuế nhập khẩu là 70%; ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ), mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 78%...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2016.

  1. 2.      ÁP THUẾ SUẤT 0% VỚI NHIỀU MẶT HÀNG NHẬP KHẨU TỪ CHI LÊ

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 132/2016/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/09/2016 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi Lê giai đoạn 2016 - 2018.

Theo đó, từ năm 2016 - 2018, nhiều mặt hàng được nhập khẩu trực tiếp vào Việt Nam từ Chi Lê sẽ được áp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Cụ thể như: Động vật sống, loại thuần chủng để nhân giống; Thạch cao, thạch cao khan; Quặng sắt và tinh quặng sắt, kể cả pirit sắt đã nung; Quặng kim loại quý và tinh quặng kim loại quý; Đồ thủy tinh dùng cho phòng thí nghiệm, cho vệ sinh hoặc dược phẩm, đã hoặc chưa được chia độ hoặc định cỡ; Kim cương công nghiệp; Ra đa, các thiết bị dẫn đường bằng sóng vô tuyến và các thiết bị điều khiển từ xa bằng vô tuyến.

Riêng với các mặt hàng rượu, cồn, mức thuế suất thuế nhập khẩu dao động từ 40% - 59%; trong đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với rượu vang làm từ nho tươi, kể cả rượu vang cao độ; rượu Vermouth và rượu vang khác làm từ nho tươi đã pha thêm hương vị từ thảo mộc hoặc chất thơm, trong đồ đựng không quá 02 lít là 59%; với rượu brandy, whisky được cất từ rượu vang nho hoặc bã nho, rượu rum và rượu mạnh khác được cất từ các sản phẩm mía đường lên men, rượu vodka là 55%...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2016.

  1. ĐỒNG HỒ, MÁY ẢNH NHẬP KHẨU TỪ HÀN QUỐC ĐƯỢC ÁP THUẾ SUẤT 0%

Đây là nội dung được thể hiện tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2016 - 2018 ban hành tại Nghị định số 131/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/09/2016.

Cụ thể, đồng hồ đeo tay, đồng hồ bỏ túi và các loại đồng hồ cá nhân khác, kể cả đồng hồ bấm giờ, trừ các loại thuộc nhóm 91.01; đồng hồ thời gian khác… nhập khẩu và vận chuyển trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% trong cả 3 năm, 2016, 2017 và 2018.

Đồng thời, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% trong khoảng thời gian này cũng được áp dụng đối với mặt hàng: Kính đeo, kính bảo hộ và các loại tương tự, kính thuốc, kính bảo vệ mắt hoặc loại khác; Máy ảnh; Thiết bị đèn chớp và đèn flash máy ảnh trừ đèn phóng điện thuộc nhóm 85.39; Máy quay phim và máy chiếu phim, có hoặc không kèm thiết bị ghi hoặc tái tạo âm thanh; Máy chiếu hình ảnh; Máy phóng và máy thu nhỏ ảnh; Tàu thủy chở khách, du thuyền, phà, tàu thủy chở hàng, xà lan và các tàu thuyền tương tự để vận chuyển người hoặc hàng hóa… 

Riêng đối với các loại xe mô tô và xe đạp có gắn động cơ phụ trợ, có hoặc không có thùng xe bên cạnh; mô tô thùng được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 75%; xe đạp được thiết kế dành cho trẻ em được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 45%; thuế suất thuế nhập khẩu năm 2016 và 2017 đối với hàng may mặc và đồ phụ trợ quần áo là 10%; năm 2018 là 0%...

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2016

Xuất nhập khẩu:

  1. 4.      QUY TẮC XUẤT XỨ HÀNG HÓA TRONG HIỆP ĐỊNH VN - EAEU FTA

Ngày 20/09/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BCT quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Hiệp định VN - EAEU FTA), áp dụng cho mục đích hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định.

Theo Thông tư này, hàng hóa có được ưu đãi thuế quan nếu được vận chuyển trực tiếp từ lãnh thổ của Bên xuất khẩu đến lãnh thổ của Bên nhập khẩu; hoặc có thể được vận chuyển qua lãnh thổ của một hay nhiều nước thứ 3 nhưng phải đáp ứng điều kiện: Việc quá cảnh qua lãnh thổ của nước thứ 3 là cần thiết vì lý do địa lý hoặc các yêu cầu về vận tải có liên quan; Hàng hóa không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại lãnh thổ nước thứ 3; Hàng hóa không trải qua các công đoạn nào khác ngoài việc dỡ hàng, bốc lại hàng, lưu kho hoặc các công đoạn cần thiết khác để bảo quản điều kiện của hàng hóa.

Người khai hải quan phải nộp các chứng từ phù hợp cho cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu; trong đó có: Chứng từ vận tải thể hiện các quãng đường từ lãnh thổ của một Bên đến lãnh thổ của một Bên khác; Hóa đơn thương mại của hàng hóa… Hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan nếu người khai báo không cung cấp đầy đủ cho cơ quan hải quan Bên nhập khẩu các chứng từ nêu trên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2016.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 5.      NGUYÊN TẮC SÀNG LỌC, CHẨN ĐOÁN TRƯỚC SINH

Có hiệu lực từ ngày 10/11/2016, Thông tư số 34/2016/TT-BYT ngày 21/09/2016 do Bộ Y tế ban hành quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị, xử trí các bất thường, dị tật của bào thai.

Cụ thể, việc sàng lọc, chẩn đoán và xử trí trước sinh đối với phụ nữ mang thai chỉ được thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh có Giấy phép hoạt động, có phạm vi chuyên môn kỹ thuật phù hợp và phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, trừ trường hợp người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Về xử trí trước sinh, Thông tư quy định việc chấm dứt thai kỳ chỉ được xem xét khi có bất thường nghiêm trọng về hình thái, cấu trúc của bào thai, nguy cơ tàn phế cao; có bất thường nhiễm sắc thể; bào thai có bệnh di truyền phân tử do đột biến gen mà không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Việc chấm dứt thai kỳ vì lý do dị tật bào thai sẽ được xem xét khi có sự đồng ý bằng văn bản của người phụ nữ mang thai sau khi đã được cán bộ y tế tư vấn đầy đủ.

Trước khi thực hiện chấm dứt thai kỳ, cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức hội chẩn các chuyên khoa liên quan; các bác sĩ chuyên khoa tham gia hội chẩn phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành sản khoa, nhi khoa, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và giải phẫu bệnh lý; có thể thuộc các khoa, phòng của cơ sở khám, chữa bệnh hoặc được mời từ các cơ sở khám, chữa bệnh khác.

  1. 6.      KHÔNG KHUYẾN CÁO ĐIỀU TRỊ NGƯỜI NHIỄM VIÊM GAN VI RÚT C CẤP

Bệnh viêm gan vi rút C là bệnh truyền nhiễm do vi rút viêm gan C gây ra; bệnh có thể gây viêm gan cấp, viêm gan mạn, tiến triển thành xơ gan, ung thư tế bào gan; bệnh lây nhiễm qua đường máu, tình dục, mẹ truyền sang con; hiện nay, tỷ lệ nhiễm bệnh trên thế giới khoảng 1% - 3% dân số. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi rút C được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 5012/QĐ-BYT ngày 20/09/2016.

Bệnh phần lớn không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện xơ gan, đôi khi có mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ; có thể gặp vàng da nhẹ, kín đáo hoặc có các biểu hiện ngoài gan như: Đau khớp; Viêm khớp; Tóc dễ gãy rụng; Đau cơ; Bệnh cơ tim; Viêm cầu thận tăng sinh màng…

Về điều trị bệnh viêm gan vi rút C, Bộ Y tế không khuyến cáo điều trị người bệnh nhiễm viêm gan vi rút C cấp; chỉ xem xét điều trị khi người bệnh có những biểu hiện nặng hơn, đe dọa đến tính mạng. Với người bị bệnh mạn tính, cần được khám lâm sàng toàn diện và làm các xét nghiệm theo quy định; trường hợp phụ nữ trong tuổi sinh sản hoặc nghi ngờ có thai cần xét nghiệm thử thai định tính. Sau 12 tuần kết thúc điều trị, người bệnh đạt đáp ứng vi rút bền vững được coi là điều trị khỏi bệnh; sau khi ngưng điều trị 24 tuần bằng xét nghiệm định lượng viêm gan vi rút C RNA cần theo dõi để bảo đảm người bệnh không bị tái phát.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

  1. 7.      QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG XÉT NGHIỆM VI SINH TRONG BỆNH VIỆN

Ngày 19/09/2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 33/2016/TT-BYT quy định tổ chức và hoạt động xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện, áp dụng đối với các bệnh viện của Nhà nước và tư nhân có khoa Vi sinh hoặc bộ phận xét nghiệm Vi sinh.

Theo Thông tư này, khoa Vi sinh là khoa có chức năng thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm xác định nhiễm vi sinh sinh vật gây bệnh, gồm: Vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng theo phân tuyến chuyên môn kĩ thuật và tham mưu cho Giám đốc bệnh viện về toàn bộ công tác xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh và theo dõi kết quả điều trị.

Khoa Vi sinh được bố trí riêng biệt hoặc nằm trong khu xét nghiệm, thuận tiện cho hoạt động chuyên môn, bảo đảm các yêu cầu: Sắp xếp các phòng của khoa liên hoàn, một chiều, hợp lý để bảo đảm công tác chuyên môn và an toàn sinh học, tránh lây nhiễm; Có nơi nhận bệnh phẩm, nơi khử khuẩn; Buồng vệ sinh, buồng tắm có đủ nước sạch, nước nóng cho người làm việc thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trước khi ra về; Có nơi thường trực để nhận và thực hiện các xét nghiệm cấp cứu.

Riêng phòng xét nghiệm của khoa phải đảm bảo an toàn sinh học, an ninh sinh học; Trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân cho người làm việc; Tập huấn cho nhân viên cách sử dụng, vận hành các máy móc, trang thiết bị bảo đảm an toàn; Khi tiếp xúc với các sinh phẩm có khả năng lây bệnh phải thận trọng, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn sinh học và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên trong khoa; Nhân viên được tập huấn về xử lý sự cố phòng xét nghiệm…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 03/11/2016.

  1. 8.      CHI PHÍ CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA NGƯỜI MANG THAI HỘ

Ngày 15/09/2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 32/2016/TT-BYT quy định về việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Theo đó, người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thẻ bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định; các chi phí còn lại sau khi trừ đi phần chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ do bên nhờ mang thai hộ chi trả.

Trường hợp người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không có thẻ bảo hiểm y tế, các chi phí này sẽ do bên nhờ mang thai hộ chi trả, bao gồm: Chi phí đi lại tới cơ sở khám, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế; Chi phí thực hiện các dịch vụ tư vấn, khám, chữa bệnh, kỹ thuật y tế trong việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản; Chi phí các loại thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh; Chi phí dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho người mang thai hộ…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2016

Chính sách:

  1. 9.      MỞ RỘNG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU LÀO CAI

Ngày 22/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2016/QĐ-TTg về việc mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sau khi điều chỉnh có tổng diện tích là 15.929,8ha, bao gồm Thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, huyện Bát Xát, huyện Mường Khương và huyện Si Ma Cai.

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được tổ chức thành các khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan; Khu cửa khẩu; Khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, dân cư và các khu chức năng khác phù hợp với quy mô và đặc điểm của địa phương. Việc bảo đảm đầu tư kinh doanh đối với các nhà đầu tư do thay đổi ranh giới địa lý Khu kinh tế được thực hiện theo Điều 13 Luật Đầu tư năm 2014 và Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015.

Quyết định này thay thế Quyết định số 44/2008/QĐ-TTg ngày 26/03/2008 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016.

Công nghiệp:

10. ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP THÉP

Ngày 20/09/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 20/2016/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp thép.

Theo quy định tại Thông tư này, đến hết năm 2020, định mức tiêu hao năng lượng đối với ngành công nghiệp thép là 14.000 MJ/tấn với sản xuất gang bằng lò cao; 2.350 MJ/tấn với thiêu kết quặng sắt; 150 MJ/tấn với sản xuất phôi thép bằng lò chuyển (lò thổi); 1.650 MJ/tấn và 1.600 MJ/tấn đối với cán nóng thép dài và cán nguội thép tấm lá. Từ năm 2021 đến hết năm 2025, định mức tiêu hao năng lượng đối với sản xuất gang bằng lò cao là 12.400 MJ/tấn; với cán nóng thép dài, cán nguội thép tấm lá và sản xuất phôi thép bằng lò chuyển (lò thổi) lần lượt là 1.600 MJ/tấn, 1.500 MJ/tấn và 100 MJ/tấn…

Từ nay đến hết năm 2025, suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp thép không được vượt quá định mức nêu trên; trường hợp vượt quá, cơ sở sản xuất phải lập và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/11/2016.


 

Đang truy cập: 14
Trong ngày: 158
Trong tuần: 744
Lượt truy cập: 1591869
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com