Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      ÁP THUẾ XUẤT KHẨU 0% VỚI TRANG SỨC CÓ HÀM LƯỢNG VÀNG DƯỚI 95%

Ngày 01/09/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo quy định tại Nghị định này, mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% sẽ được áp dụng với mặt hàng đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng, đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng và các sản phẩm khác bằng vàng. Để được áp mức thuế suất thuế xuất khẩu 0%, các mặt hàng nêu trên phải có Phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng dưới 95% do tổ chức thử nghiệm được cấp phép xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ cấp. Trường hợp các mặt hàng là đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng, đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng và các sản phẩm khác bằng vàng xuất khẩu theo hình thức gia công hoặc có đủ điều kiện xác định là được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, xuất khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu thì khi làm thủ tục hải quan không phải xuất trình Phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng.

Về nhập khẩu, Nghị định quy định, các mặt hàng máy gia công cơ khí thuộc các nhóm hàng từ 84.54 đến 84.63, trong nước chưa sản xuất được, được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi bằng 0%. Ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh dưới 1.000cc và ô tô chở người từ 10 - 15 chỗ ngồi, có dung tích xi lanh từ 2.000cc trở xuống, đã qua sử dụng, mức thuế tuyệt đối được áp dụng lần lượt là 5.000 USD và 9.500 USD. Với xe ô tô chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên và xe vận tải hàng hóa có tổng trọng lượng có tải không quá 05 tấn (trừ xe đông lạnh, xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, xe xi téc, xe bọc thép để chở hàng hóa có giá trị; xe chở xi măng kiểu bồn và xe chở bùn có thùng rời nâng hạ được), đã qua sử dụng, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi được áp dụng là 150%.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2016.

  1. 2.      NHIỀU MẶT HÀNG NHẬP KHẨU ĐƯỢC ÁP THUẾ SUẤT THÔNG THƯỜNG

Có hiệu lực từ ngày 01/09/2016, Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg ngày 01/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu tại điểm c khoản 3 Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu 5% sẽ được áp dụng với nhiều mặt hàng như: Thẻ thông minh; Máy trả lời điện thoại; Điện thoại cho mạng di động tế bào hoặc mạng không dây khác; Máy hút bụi; Bộ nguồn cấp điện liên tục (UPS); Máy thanh toán tiền tự động; Máy tính điện tử có thể hoạt động không cần nguồn điện ngoài và máy ghi, tái tạo và hiển thị dữ liệu, loại bỏ túi có chức năng tính toán; Máy giặt khô; Máy là và là hơi ép; Máy in offset, in cuộn; Máy in - copy, in bằng công nghệ in phun, laser…

Đối với hàng nhập khẩu không có tên trong Danh mục Biểu thuế suất nhập khẩu thông thường nêu trên và không thuộc trường hợp hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt theo điểm a, b Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu thì áp dụng mức thuế suất thông thường bằng 150% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng tại Phụ lục II Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016.

  1. 3.      ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TẠM THỜI VỚI THÉP MẠ

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định số 3584/QĐ-BCT ngày 01/09/2016 của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời.

Cụ thể, từ ngày 16/09/2016, sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời với sản phẩm thép mạ (tôn mạ) nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Hoa (gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc với mức thuế chống bán phá giá tạm thời dao động từ 4.02% - 38,34%. Trong đó, mức thấp nhất 4,02% được áp dụng với sản phẩm thép mạ do công ty Yieh Phui (China) Technomaterial Co., Ltd. sản xuất; mức thuế cao nhất 38,34% áp dụng cho sản phẩm có xuất xứ từ công ty Bazhou Sanquiang Metal Products Co., Ltd.; sản phẩm thép do POSCO, Hàn Quốc sản xuất được áp mức thuế suất 12,4%...

Biện pháp chống bán phá giá tạm thời nêu trên sẽ được áp dụng trong 120 ngày, đến hết ngày 13/01/2017. Trường hợp Quyết định cuối cùng của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho thấy việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá là không cần thiết hoặc mức thuế chống bán phá giá cuối cùng thấp hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời đã áp dụng thì khoản chênh lệch về thuế sẽ được hoàn trả cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật; nếu mức thuế chống bán phá giá cuối cùng cao hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời đã áp dụng thì người nộp thuế không phải nộp thêm khoản chênh lệch về thuế.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/09/2016.

Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 4.      TĂNG MỨC BỒI DƯỠNG VỚI NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG CẠNH TRANH

Đây là nội dung tại Quyết định số 35/2016/QĐ-TTg ngày 23/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng Cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh.

Theo đó, từ ngày 10/10/2016, mức bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tham gia tố tụng cạnh tranh tại phiên điều trần tăng đáng kể, từ 100.000 đồng/ngày lên 150.000 đồng/ngày với chủ tọa phiên điều trần; từ 50.000 đồng/ngày lên 100.000 đồng/ngày với thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, điều tra viên tham gia phiên điều trần và người giám định được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mời; mức bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày cũng được áp dụng với người làm chứng được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh triệu tập đến phiên điều trần.

Cũng từ ngày 10/10/2016, thành viên Hội đồng Cạnh tranh làm việc kiêm nhiệm được bồi dưỡng 1,3 triệu đồng/người/tháng. Đối với người tham gia tọa đàm, họp xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại, mức bồi dưỡng được áp dụng lần lượt là 150.000 đồng/ngày với chủ tọa và 100.000 đồng/ngày với thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và khách mời là chuyên gia hoặc đại diện các cơ quan chuyên môn được Hội đồng Cạnh tranh mời đến để tham vấn ý kiến liên quan đến vụ việc hạn chế cạnh tranh.

Quyết định này thay thế Quyết định số 82/2010/QĐ-TTg ngày 15/12/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2016.

Giao thông:

  1. 5.      ÁP DỤNG HỆ THỐNG THU PHÍ KHÔNG DỪNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người lái xe và người dân; giảm thiểu tai nạn giao thông, sự cố giao thông và các rủi ro gây tai nạn, ùn tắc giao thông trên đường bộ cao tốc, ngày 26/08/2016, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký Quyết định số 2682/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Xây dựng các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ cao tốc”.

Tại Đề án, Bộ trưởng yêu cầu các ban, ngành và đơn vị liên quan áp dụng chức năng xử lý, cảnh báo từ xa sự cố trên toàn bộ các tuyến đường cao tốc, việc đóng làn đường, cảnh báo, hướng dẫn chuyển làn, giảm tốc độ trong hệ thống giao thông thông minh; bắt đầu vào đường cao tốc phải có một số biển điện tử đặt trên giá long môn cảnh báo những nguy hiểm dẫn đến tai nạn giao thông; rà soát lại việc cắm biển báo giới hạn tốc độ tại trạm thu phí trên các tuyến đường bộ cao tốc, các biển giới hạn tốc độ tại khu vực vào trạm thu phí phải được đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn và đảm bảo cự ly chuyển tốc theo các giá trị giảm dần tốc độ từng cấp 20 km/h; áp dụng hệ thống thu phí không dừng trên toàn bộ các tuyến đường bộ cao tốc; ứng dụng hệ thống giao thông thông minh cho công tác xử phạt vi phạm bằng hình ảnh; xóa bỏ các điểm đón, trả khách trên đường bộ cao tốc đang khai thác; thực hiện nghiêm quy định xử phạt người đi bộ, xe chở khách đón, trả khách trên đường bộ cao tốc…

Dự kiến đến năm 2020, trên 80% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tuyến đường bộ cao tốc đi qua có quy hoạch hệ thống giao thông vận tải kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc đi qua; 80% lái xe trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được tập huấn nâng cao kỹ năng lái xe an toàn trên đường bộ cao tốc và đạo đức của người lái xe.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. 6.      QUY ĐỊNH VỀ THI TUYỂN CÔNG CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Quy chế tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành ngày 25/08/2016 kèm theo Quyết định số 494/QĐ-VKSTC.

Theo Quy chế, việc tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân được thực hiện không quá 02 kỳ trong 01 năm, qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển; đối tượng tuyển dụng phải từ đủ 18 tuổi đến 35 tuổi đối với nam hoặc từ đủ 18 tuổi đến 30 tuổi với nữ; nếu cán bộ, công chức từ ngành khác chuyển sang hoặc với người được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, độ tuổi yêu cầu phải không quá 50 tuổi với nam và 45 tuổi với nữ.

Đối với thi tuyển, các môn thi bao gồm: Môn kiến thức chung; Môn nghiệp vụ chuyên ngành; Môn ngoại ngữ và Môn tin học văn phòng; thời gian thi dao động từ 15 - 180 phút, tùy từng môn và loại công chức. Đặc biệt, người tốt nghiệp thủ khoa hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài và người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ 05 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển sẽ được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, xét tuyển.

Cũng theo Quyết định này, người được tuyển dụng công chức loại C, loại D phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Thời gian tập sự là 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại C và 06 tháng đối với công chức loại D. Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng; trường hợp người tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 2 của ngạch tuyển dụng; trường hợp người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2016

Thông tin-Truyền thông:

  1. 7.      QUY ĐỊNH VỀ CÁC DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

Thông tư số 20/2016/TT-BTTTT hướng dẫn chi tiết thi hành Quyết định số 45/2015/QĐ-TT ngày 24/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 31/08/2016.

Theo hướng dẫn của Thông tư này, dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, bao gồm: Dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ thư cơ bản, có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg (Dịch vụ thư cơ bản trong  nước; Dịch vụ thư cơ bản từ Việt Nam đi các nước và Dịch vụ thư cơ bản từ các nước đến Việt Nam); Dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ đặc thù khác trong lĩnh vực bưu chính, cung ứng qua mạng bưu chính công cộng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí được quy định là dịch vụ phát hành các loại báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, báo của Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua mạng bưu chính công cộng.

Dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí được cung ứng theo chất lượng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí; giá cước dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2016 và áp dụng cho việc quản lý cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí từ năm 2017.

 Chính sách:

  1. 8.      MỤC TIÊU ĐẾN 2020, GIẢM TỶ LỆ HỘ NGHÈO TỪ 1 - 1,5%/NĂM

Ngày 02/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản…

Chương trình đề ra các mục tiêu: Giai đoạn 2016 - 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân…

Các tiểu dự án thuộc Chương trình bao gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 48.397 tỷ đồng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 9.      ĐẾN 2020, GIẢM 5 - 10% SỐ NGƯỜI CHẾT DO TAI NẠN GIAO THÔNG

Ngày 26/08/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

Trong số 21 Chương trình được phê duyệt, đáng chú ý là Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm và ma túy. Theo đó, nhằm mục tiêu đến năm 2020, giảm từ 5% - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm trước; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô; cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án đạt trên 75%; các vụ trọng án đạt trên 90%..., Chính phủ đã quyết định đầu tư 9.227 tỷ đồng, yêu cầu Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành khác thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm, an toàn lao động, công nghệ thông tin…, dự kiến đến năm 2020, 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung; trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng; 100% dịch vụ công cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung; hỗ trợ thí điểm cho 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động; giảm trung bình hàng năm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động; hỗ trợ đào tạo trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 8.800 lao động, khoảng 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hình sự:

10. ĐẨY NHANH GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, KÊU OAN

Chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/08/2016 kèm theo Quyết định số 1681/QĐ-TTg, nhằm giảm tối đa các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại Chương trình, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các đơn kêu oan, đơn khiếu nại bức xúc kéo dài, đơn tố cáo vi phạm trong hoạt động điều tra và các vụ án mà Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã hủy án để điều tra lại; giải quyết kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra; rà soát các trường hợp bị oan đã có đơn yêu cầu bồi thường để kịp thời giải quyết; có biện pháp giải quyết dứt điểm đối với các trường hợp có đơn yêu cầu bồi thường từ những năm trước còn tồn đọng; chủ động và có giải pháp tích cực trong việc thương lượng đối với người có đơn yêu cầu bồi thường; hạn chế tối đa các trường hợp giải quyết bồi thường thiệt hại chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người bị thiệt hại khởi kiện đòi bồi thường ra Tòa án.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra nhất là việc chấp hành các quy trình làm việc, quy chế công tác trong hoạt động điều tra; phát hiện sớm sai phạm, tập trung xác minh dấu hiệu oan, sai để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, không để kéo dài, gây hậu quả xấu; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, người bào chữa sớm tham gia các hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật để phòng, chống oan, sai, bức cung, nhục hình…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Công nghiệp:

11. GIA HẠN THỜI HẠN XỬ LÝ CỤM CÔNG NGHIỆP HÌNH THÀNH TRƯỚC 5/10/2009

Ngày 30/08/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Điều 10 Thông tư số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT ngày 10/10/2012 hướng dẫn xử lý cụm công nghiệp hình thành trước khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

Theo đó, thời hạn hoàn thành xử lý các cụm công nghiệp hình thành trước khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp có hiệu lực (ngày 05/10/2009) được gia hạn chậm nhất đến ngày 31/12/2017; trong khi thời hạn trước đó là ngày 31/12/2015. Các phương án xử lý cụm công nghiệp hình thành trước khi Quy chế có hiệu lực đã được quy định chi tiết tại Thông tư số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT, gồm chuyển đổi thành khu công nghiệp hoặc điều chỉnh quy mô diện tích cho phù hợp hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau ngày 31/12/2017, việc xử lý các cụm công nghiệp hình thành trước khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp có hiệu lực sẽ được áp dụng như đối với cụm công nghiệp hình thành sau khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp có hiệu lực.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Xuất nhập cảnh:

12. CẤP PHÉP ĐIỆN TỬ CHO TÀU THUYỀN NHẬP CẢNH CẢNG BIỂN TRONG 30 PHÚT

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23/08/2016 quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Theo Quyết định này, chậm nhất 02 giờ trước giờ dự kiến đến cửa khẩu, phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia nhập cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa Việt Nam phải nộp chứng từ điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Chậm nhất 30 phút từ khi hoàn thành các thủ tục khai báo điện tử và xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định, cảng vụ sẽ cấp Giấy phép điện tử cho phương tiện vào cảng thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Tương tự đối với trường hợp xuất cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia phải nộp chứng từ điện tử chậm nhất 02 giờ trước khi rời cảng. Giấy phép điện tử sẽ được cấp cho phương tiện chậm nhất 30 phút kể từ khi hoàn thành các thủ tục khai báo điện tử và xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Trường hợp phương tiện đã được cấp phép rời cảng mà vẫn lưu lại tại cảng quá 24 giờ, phải làm lại thủ tục rời cảng theo quy định.

Đối với tàu biển nước ngoài quá cảnh, Thủ tướng quy định, phải cung cấp thông tin về bản khai an ninh chậm nhất 24 giờ trước khi tàu dự kiến đến cảng biển; thông báo tàu quá cảnh chậm nhất 12 giờ từ thời điểm tàu dự kiến đến khu neo đậu chờ quá cảnh; chậm nhất 02 giờ trước khi tàu dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu, phải xác báo tàu quá cảnh. Các chuyến tàu có hành trình dưới 05 ngày, phải cung cấp thông tin về bản khai hàng hóa, vận đơn thứ cấp chậm nhất trước 12 giờ trước khi tàu dự kiến đến khu neo đậu chờ quá cảnh; với tàu có hành trình khác, thời hạn cung cấp thông tin về bản khai hàng hóa, vận đơn thứ cấp chậm nhất trước 24 giờ... Giấy phép quá cảnh điện tử sẽ được cấp chậm nhất 01 giờ kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo và gửi hồ sơ điện tử theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016.


 

Đang truy cập: 7
Trong ngày: 151
Trong tuần: 737
Lượt truy cập: 1591862
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com