Vai trò của luật sư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

1. Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp hiện nay
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ Quý II/2013, lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh. Cụ thể, trong 8 tháng cả nước có hơn 52.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, riêng Quý II/2013 có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 23.201. Đây là con số cao nhất trong 2 năm qua, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 41.8% so với Quý III/2012[1].

Số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng nhanh đồng nghĩa với việc nhu cầu tư vấn về pháp luật của các doanh nghiệp cũng tăng theo. Đây là một xu thế tất yếu, bởi ngay từ khi mới thành lập hầu hết các doanh nghiệp đã cần được tư vấn pháp luật về lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, hiệu quả, tư vấn về thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh…Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về doanh nghiệp, cạnh tranh, hải quan, thuế, phí, lệ phí; pháp luật về môi trường, đất đai, kinh doanh bất động sản; pháp luật về bảo hiểm, lao động;…Tuy nhiên không phải chủ doanh nghiệp nào cũng ý thức được điều đó. Thực tiễn cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp thờ ơ trước pháp luật, không nắm được các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời không thấy được tầm quan trọng của pháp luật.

Thời gian gần đây, báo chí đã đề cập rất nhiều đến các vụ tranh chấp kinh doanh có tính chất phức tạp trong phạm vi quốc tế mà phần thua thiệt đa số thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp không am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế, thậm chí không nắm rõ pháp luật Việt Nam, trong đó quan trọng là nhiều doanh nghiệp không thấy được vai trò của công tác pháp chế trong đời sống doanh nghiệp. Vì vậy, hàng năm khi dự toán chi phí, nhiều doanh nghiệp không dự trù kinh phí cho việc tư vấn pháp luật, ngại tốn tiền nên không thuê luật sư, đến khi hậu quả xảy ra, thiệt hại lớn thì tư vấn cũng đã muộn [2].

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng trên địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, thì nhu cầu hỗ trợ pháp lý lại càng cần thiết, bởi đối với các doanh nghiệp này thì kiến thức của chủ doanh nghiệp về quản lý doanh nghiệp nói chung và về pháp luật nói riêng còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, các điều kiện để chủ doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý, cũng như việc cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới là rất khó khăn vì hạ tầng công nghệ ở những vùng này còn nhiều thiếu thốn. Thời gian qua, việc triển khai tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức về pháp luật cho các doanh nghiệp đóng trên các địa bàn nói trên rất ít và không đạt hiệu quả do gặp trở ngại về cơ sở vật chất và vị trí địa lý.

Bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ phía các doanh nghiệp thì còn có nguyên nhân từ sự biến động, thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cũng khiến cho nhu cầu cần được hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp ngày càng trở nên bức thiết hơn. Cụ thể do các quy định pháp luật rất đa dạng và luôn có sự biến động nên mỗi doanh nghiệp không thể tự mình “thâu tóm” được toàn bộ mà vẫn cần đến sự hỗ trợ, quan tâm từ phía Nhà nước thông qua hoạt động hỗ trợ pháp lý[3].

2. Vai trò của luật sư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

            Xuất phát từ nhu cầu cần được hỗ trợ pháp lý từ phía doanh nghiệp, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, đạo luật quan trọng liên quan đến hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp như: Luật Luật sư số 65/2006/QH11 của Quốc hội ngày 29/6/2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012); Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Quyết định số 585/2010/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014; Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo đó, tất cả các văn bản pháp luật kể trên đều khuyến khích các tổ chức, đơn vị, cá nhân, luật sư, luật gia am hiểu về pháp luật tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của luật sư.

            So với các chủ thể tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì đội ngũ luật sư tham gia hoạt động này có nhiều thuận lợi, cụ thể: Luật sư là đội ngũ được trang bị đầy đủ các kiến thức về pháp luật nói chung và pháp luật về doanh nghiệp nói riêng, ngoài ra đa số luật sư đều đã qua đào tạo nghề nên có nhiều kỹ năng trong việc tư vấn pháp luật. Luật sư cũng là đội ngũ tiên phong, thường xuyên theo kịp với các văn bản pháp luật mới ban hành. Vì vậy, nếu luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả cao, đáp ứng được phần lớn nhu cầu tư vấn của các doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, cũng có không ít những khó khăn mà luật sư gặp phải khi thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý, cụ thể: (1) Số lượng luật sư chuyên tư vấn cho doanh nghiệp có kiến thức chuyên môn về pháp luật doanh nghiệp, thực sự giỏi và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này không phải nhiều, đặc biệt là ở những vùng địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, trong khi nhu cầu cần hỗ trợ của các doanh nghiệp lại là rất lớn; (2) Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không phải là yêu cầu bắt buộc đối với các luật sư, cho nên nhiều luật sư không muốn tham gia vì số tiền hỗ trợ không đáng kể. Chỉ có những luật sư có điều kiện về tài chính và thật sự có tâm với các hoạt động xã hội hóa mới đủ nhiệt huyết để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

            So với hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có nhiều đặc điểm khác biệt. Sự khác biệt này biểu hiện ở những khía cạnh sau:

Một là, về đối tượng thụ hưởng, đối với trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 10 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý bao gồm[4]:

“1. Người nghèo.

2. Người có công với cách mạng.

3. Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa.

4. Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”[5].

Trong khi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì đối tượng chính là “mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động”[6].

Hai là, về thù lao khi tham gia, đối với hoạt động hỗ trợ pháp lý theo quy định tại khoản 2.3 Điều 3 của Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thì trong trường hợp luật sư tham gia tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp sẽ được hưởng từ 20.000 đồng – 30.000 đồng/một giờ tư vấn. Đối với trợ giúp pháp lý thì đây là nghĩa vụ, đồng thời là lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư nên khi tham gia luật sư không được hưởng thù lao.

Ba là, về khía cạnh ràng buộc pháp lý, đối với trợ giúp pháp lý, luật sư phải tham gia như một nghĩa vụ bắt buộc theo quy định tại Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 21 điểm d, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012. Bên cạnh đó, Quy tắc 4 của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam năm 2011 cũng quy định: “Luật sư có nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như các vụ việc có nhận thù lao”. Còn đối với hỗ trợ pháp lý, luật sư được Nhà nước khuyến khích tham gia.

3. Các phương thức, hình thức và nội dung luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

3.1. Phương thức, hình thức hỗ trợ

Luật sư có thể tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp dưới rất nhiều phương thức khác nhau như: Tự mình tham gia; thông qua tổ chức xã hội nghề nghiệp (Văn phòng luật sư, Công ty luật); tham gia với tư cách thành viên của Đoàn luật sư; hoặc có thể tham gia với tư cách chuyên gia do Hiệp hội doanh nghiệp hoặc Sở Tư pháp mời tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các buổi hội thảo, tọa đàm.

Các hình thức chính mà luật sư tham gia vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đó là:

Một là, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp, hình thức hỗ trợ pháp lý này thường được các luật sư thực hiện thông qua việc phối hợp cùng với các tổ chức, như: Hiệp hội doanh nghiệp tại các tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; các hiệp hội có tính chất chuyên ngành, theo lĩnh vực hoạt động (Hiệp hội da giầy, Hiệp hội cao su, Hiệp hội dệt may,…); hoặc Sở Tư pháp tại các địa phương. Rất khó để các luật sư có thể tự mình thực hiện một buổi phổ biến pháp luật cho nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Hai là, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, đây là hình thức tư vấn pháp luật tại chỗ hoặc bằng văn bản, qua điện thoại, qua mạng internet. Hình thức hỗ trợ pháp lý này có thể kết hợp với các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp. Bên cạnh việc phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp, nếu chủ doanh nghiệp có bất kì câu hỏi pháp lý nào, luật sư sẽ trả lời/tư vấn trực tiếp cho họ giúp doanh nghiệp tìm ra phương án giải quyết vấn đề. Chất lượng của việc giải đáp pháp luật này phụ thuộc vào kiến thức pháp luật và kinh nghiệm của từng luật sư. Chất lượng của buổi giải đáp pháp luật cũng phụ thuộc nhiều vào phương pháp giải đáp. Việc giải đáp/tư vấn không chỉ là việc cung cấp những thông tin pháp lý, nó còn là việc xâu chuỗi những sự việc của vụ việc, phân tích vấn đề của người được hỗ trợ trên quan điểm pháp lý, để cho doanh nghiệp được hỗ trợ có thể bày tỏ quan điểm, yêu cầu và giúp đỡ họ tìm ra cách giải quyết.

Ba làhướng dẫn, đưa ra ý kiến tư vấn, giúp doanh nghiệp soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Đây là một trong những hình thức được nhiều doanh nghiệp quan tâm, bởi thông thường chỉ khi có vấn đề phát sinh liên quan đến pháp lý thì doanh nghiệp mới cần ý kiến tư vấn của luật sư. Tuy nhiên để soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, luật sư phải mất nhiều thời gian để theo dõi toàn bộ sự việc cũng như các hồ sơ tài liệu có liên quan.

Bốn là, tư vấn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng đúng pháp luật. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã ý thức được việc phải áp dụng đúng pháp luật trong quá trình tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, hình thức này được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. Bằng nhiều phương thức khác nhau, luật sư có thể tiến hành tư vấn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng đúng pháp luật như: Tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn bằng văn bản, tư vấn trực tuyến qua mạng internet,…

Năm là, cung cấp thông tin pháp lý liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hình thức này, thường được luật sư thực hiện thông qua các tổ chức hành nghề luật sư của mình (Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật) bằng việc đăng tải các văn bản pháp lý trên trang web của tổ chức hành nghề luật sư.

3.2. Nội dung hỗ trợ

Các doanh nghiệp khác nhau có nhu cầu hỗ trợ pháp lý với những nội dung khác nhau, cụ thể:

 Thứ nhất, đối với doanh nghiệp khi mới thành lập, các chủ doanh nghiệp cần được hỗ trợ để lựa chọn được loại hình kinh doanh phù hợp với khả năng, năng lực tài chính và nhu cầu của thị trường, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tư vấn hỗ trợ về thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đăng ký kinh doanh,…

Thứ hai, đối với doanh nghiệp đang hoạt động, các chủ doanh nghiệp cần được hỗ trợ để tư vấn về quản trị, điều hành doanh nghiệp, tư vấn giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, tư vấn về chia tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp. Nội dung cần hỗ trợ cụ thể liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Đàm phán, soạn thảo, giao kết và thực hiện hợp đồng; pháp luật về cạnh tranh; pháp luật về hải quan, phí, lệ phí; pháp luật về môi trường; pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản; pháp luật về thương mại quốc tế; pháp luật về đầu tư; pháp luật về đấu thầu, xây dựng; pháp luật về lao động; pháp luật về tài chính doanh nghiệp; pháp luật về tín dụng;…

Thứ ba, đối với doanh nghiệp đang trong quá trình giải thể, phá sản. Các doanh nghiệp này rất cần được hỗ trợ pháp lý về: Quy trình, thủ tục giải thể, phá sản; các nghĩa vụ pháp lý mà doanh nghiệp phải thực hiện khi giải thể, phá sản; các chủ doanh nghiệp cũng cần biết rõ về quyền đòi nợ của chủ nợ khi doanh nghiệp phá sản; các khoản thuế phải nộp trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, phá sản;…

Tóm lại, luật sư với năng lực và trình độ, hiểu biết của mình về pháp luật sẽ là một trong những cộng tác viên tích cực cho mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thấu hiểu được tầm quan trọng của luật pháp, cũng như vai trò của việc tư vấn pháp luật trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc nắm được pháp luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào một sân chơi bình đẳng với tính cạnh tranh khốc liệt của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nơi mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước được thỏa sức thể hiện năng lực, chứng tỏ vị thế của từng doanh nghiệp trên thương trường.

SGC Navilaw


 

Đang truy cập: 7
Trong ngày: 116
Trong tuần: 394
Lượt truy cập: 1556356
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com