Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 1.      TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRẺ EM

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ vẫn sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật; một số nơi còn xảy ra tình trạng lao động cưỡng bức, tức là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái với ý muốn của họ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 2974/LĐTBXH-TTr ngày 10/08/2016 về việc tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức.

Tại Công văn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành tại địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất có nhiều nguy cơ sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, kể cả những nơi có liên quan đến sử dụng lao động là phạm nhân trên địa bàn, tập trung vào ngành may mặc, nhà hàng, chế biến gỗ, thủy hải sản, cao su, sản xuất gạch.

Đặc biệt, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, đơn vị vi phạm phát hiện trong quá trình giám sát, kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật lao động và các quy định có liên quan về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức để nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động.

Bảo hiểm:

  1. 2.      16 TỈNH, THÀNH PHỐ THỰC HIỆN GIÁ KCB BẢO HIỂM Y TẾ THEO MỨC MỚI

Ngày 12/08/2016, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 6188/BYT-KH-TC về việc thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm cả chi phí tiền lương của một số tỉnh, thành phố.

Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (cả trung ương và địa phương) trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 85% thực hiện mức giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm cả chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và chi phí tiền lương, từ ngày 12/08/2016. 16 tỉnh, thành phố này bao gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn.

Việc thực hiện mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm cả tiền lương về cơ bản không  làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 06 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn…; vì các đối tượng này đã được hỗ trợ phần lớn để mua bảo hiểm y tế, phần tăng thêm do Bảo hiểm xã hội thanh toán.

Thương mại:

  1. 3.      ĐẾN 2020, 30% DÂN SỐ MUA SẮM TRỰC TUYẾN

Đây là mục tiêu được nêu tại Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 08/08/2016.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử; 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng…

Với mục tiêu nêu trên, Kế hoạch nhấn mạnh tới các giải pháp phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, như: Khuyến khích phát triển các ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động và phát triển nội dung số cho thương mại điện tử; Phát triển các sản phẩm, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong từng công đoạn của chu trình kinh doanh; Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 4.      HÀ NỘI: TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP

Ngày 04/08/2016, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, giữ ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội.

Theo Kế hoạch, sẽ công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể phản ánh kịp thời các dấu hiệu vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp và các trường hợp kinh doanh đa cấp trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền đến người dân về các dấu hiệu vi phạm, lừa đảo của một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp để người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo, trục lợi.

Việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn cũng sẽ được quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa điều kiện để các doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp bất chính lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia… Đồng thời, đơn, thư, nội dung phản ánh của cá nhân, tổ chức được gửi đến Sở Công Thương về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn cũng sẽ được cơ quan này kịp thời xử lý.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. 5.      SẼ ÁP DỤNG PHÍ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG THEO NGUYÊN TẮC THỊ TRƯỜNG

Ngày 09/08/2016, Khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1570/QĐ-TTg với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy phát triển dịch vụ môi trường, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Theo đó, trong năm 2016, hoàn thành việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển dịch vụ môi trường. Đến năm 2020, áp dụng đầy đủ giá, phí dịch vụ về môi trường theo nguyên tắc thị trường - người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường; xóa bỏ bao cấp của Nhà nước qua giá, phí đối với các dịch vụ môi trường công ích; bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Đồng thời, sẽ có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư trong các dịch vụ môi trường như: Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn tập trung; Thu gom, xử lý nước thải tập trung; Quan trắc, phân tích môi trường; Đánh giá tác động môi trường; Cải tạo, phục hồi môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. QUY ĐỔI CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ, TIN HỌC CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Công văn số 3755/BGDĐT-GDTX hướng dẫn về việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định về tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp của cán bộ, công chức và viên chức đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 03/08/2016.

Theo đó, trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức và viên chức được quy định trong các Thông tư về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là căn cứ vào Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Có 10 đơn vị được tổ chức rà soát, thi, cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh tương đương với 6 bậc của Khung năng lực ngoại ngữ này. Đồng thời, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có thể xem xét các chứng chỉ khác như TOEFL, IELTS hoặc TOEIC… để đánh giá năng lực tiếng Anh của cán bộ, công chức và viên chức.

Trình độ tin học của giáo viên các cấp được quy định trong các Thông tư liên tịch về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên và quy định của Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT về việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin; theo đó, các chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C đã cấp cho giáo viên vẫn có giá trị sử dụng tương đương với chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Chính sách:

  1. 7.      ĐẾN 2020, 90 - 95% DÂN CƯ ĐƯỢC CUNG CẤP NƯỚC SẠCH

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/08/2016 phê duyệt Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.

Chương trình được thực hiện tại các đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên phạm vi cả nước với các nhiệm vụ chính như: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo đảm cấp nước an toàn; Quản lý khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước; Thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn và đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cấp nước… Trong đó, sẽ xây dựng và hướng dẫn sử dụng phần mềm trong quản lý cấp nước an toàn phù hợp cho các đối tượng sử dụng từ đơn vị cấp nước đến các cơ quan quản lý cấp nước địa phương và Trung ương; Ứng dụng công nghệ, thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; Xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép…

Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90 - 95%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 45%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 35%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 80 - 85%; 100% các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn cấp tỉnh.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. THANH TRA VIÊN QUỐC PHÒNG PHẢI CÓ TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

Ngày 05/08/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2016/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn các ngạch Thanh tra viên quốc phòng, áp dụng đối với Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được bổ nhiệm vào các ngạch Thanh tra viên quốc phòng.

Cụ thể, Thanh tra viên quốc phòng phải tốt nghiệp trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực đang công tác; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch thanh tra viên; Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 1; Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; Có ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra, trừ trường hợp đã qua cương vị chỉ huy cấp tiểu đoàn và cương vị công tác tương đương hoặc sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ có cấp hàm từ đại úy trở lên chuyển sang cơ quan thanh tra…

Thanh tra viên quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ như:  Tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác thanh tra; Tham gia xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các quyết định thanh tra về thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giúp Thủ trưởng đơn vị xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiếp công dân; Lập biên bản, viết báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng kết luận thanh tra, làm rõ từng nội dung đã thanh tra, xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2016.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

  1. 9.      TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN THÚ Y XÃ

Một loạt quy định về tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn đã được quy định tại Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT ngày 05/08/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, nhân viên thú y xã phải có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về: Thú y, chăn nuôi thú y, chăn nuôi, bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản; Có trình độ sơ cấp trở lên một trong các chuyên ngành nêu trên đối với địa bàn cấp xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong thời hạn 5 năm từ ngày 19/09/2016 - ngày Thông tư này có hiệu lực, nhân viên thú y xã đã được tuyển dụng phải đáp ứng trình độ đào tạo này.

Bên cạnh đó, nhân viên thú y xã phải hiểu biết và chấp hành quy định của pháp luật về thú y; Nắm bắt và đánh giá được tình hình phát triển chăn nuôi động vật, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý; Có kiến thức nhận biết dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý; Có năng lực tham mưu, tổ chức, thực hiện công tác thú y; Có kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện quy định pháp luật về thú y; Có ý thức trách nhiệm, tinh thần học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao; Hàng năm, được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ; Có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ theo quy định…

Tư pháp-Hộ tịch:

10. HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ LUẬT SƯ CHO VIÊN CHỨC TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đây là nội dung tại Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.

Theo đó, viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại địa phương ít nhất 02 năm kể từ khi đi đào tạo về sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề luật sư.

Ngoài ra, định mức tài chính đối với các hoạt động hỗ trợ khác được quy định như sau: Mức hỗ trợ tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý là 80 triệu đồng/lớp/trung tâm/năm; Hỗ trợ thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý là 20 triệu đồng/trung tâm; Chi phí tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở (chi cho báo cáo viên, chi công tác phí, chi hành chính và các chi phí khác theo quy định) là 02 triệu đồng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn/01 lần/năm…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/09/2016.


 

Đang truy cập: 24
Trong ngày: 39
Trong tuần: 1201
Lượt truy cập: 1596545
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com