Tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô
Đến năm 2020, duy trì ổn định lạm phát và neo kỳ vọng lạm phát ở mức 5%/năm; giảm thâm hụt NSNN xuống 3,5-4% GDP; giảm nợ công xuống mức dưới 62% GDP; và củng cố dự trữ ngoại hối lên khoảng 5 tháng nhập khẩu.

 

Đây là mục tiêu đến năm 2020 được đưa ra tại dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng.

 

Một trong những nội dung của dự thảo Đề án là ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.

 

Mục tiêu chung đến năm 2020 là củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ổn định ở mức hợp lý, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, chi phí thấp, rào cản thấp cho doanh nghiệp.

 

Cụ thể đến năm 2020 sẽ duy trì ổn định lạm phát và neo kỳ vọng lạm phát ở mức 5%/năm; giảm thâm hụt NSNN xuống 3,5-4% GDP; giảm nợ công xuống mức dưới 62% GDP; và củng cố dự trữ ngoại hối lên khoảng 5 tháng nhập khẩu; chất lượng môi trường kinh doanh đạt mức trung bình ASEAN 3 (Singapore, Malaysia, Thái Lan); giảm chi phí vận tải hàng hóa của doanh nghiệp.

 

Định hướng chính sách đến năm 2020

 

Theo dự thảo, đến năm 2020, sẽ tập trung thực hiện đồng bộ và nhất quán các giải pháp nêu trong Nghị quyết 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

 

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và kế hoạch hóa phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ chế cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Rà soát quy hoạch và đầu tư để chuyển từ giao thông đường bộ (là phương thức vận tải hàng hóa tốn kém nhất) sang phát triển vận tải đa phương thức, tận dụng các phương thức vận tải rẻ hơn như đường thủy và đường sắt.

 

Phát triển Ngân hàng nhà nước trở thành Ngân hàng trung ương hiện đại, có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, thực hiện tốt chức năng ổn định giá, ổn định tài chính và các chức năng khác.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước trong từng thời kỳ.

 

Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thu, chi ngân sách theo hướng tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; bảo đảm cân đối ngân sách theo kế hoạch ngân sách trung hạn phù hợp; giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, duy trì tỷ lệ nợ công ở mức hợp lý, bảo đảm lành mạnh hoá tài chính quốc gia.

 

Bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền và ổn định tài chính, từng bước thức hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt, vận hành ổn định, thông suốt và hiệu quả các thị trường tiền tệ và tín dụng.

 

Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường. Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

 


 

Đang truy cập: 25
Trong ngày: 59
Trong tuần: 1216
Lượt truy cập: 1596566
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com