Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 1.      GIA HẠN GIẢI NGÂN GÓI 30.000 TỶ ĐẾN HẾT 31/12/2016

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/07/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/05/2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.

Cụ thể, thời gian giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 31/03/2016, được báo cáo Ngân hàng Nhà nước tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10/05/2016 với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình sẽ được gia hạn đến hết ngày 31/12/2016; trong khi thời hạn giải ngân theo quy định trước đó là ngày 01/06/2016.

Trường hợp ngân hàng đã thu nợ lãi với mức lãi suất lớn hơn mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, ngân hàng thực hiện hoàn trả phần chênh lệch nợ lãi giữa mức lãi suất thực tế đã thu và mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong thời hạn không quá 02 tháng kể từ ngày 01/08/2016, hoặc bù trừ cho khách hàng chậm nhất vào 02 kỳ thu lãi gần nhất sau khi được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 2.      ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG MÔ

Ngày 22/07/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 29/04/2008 quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, nhấn mạnh ngân hàng mô chỉ được hoạt động sau khi có Giấy phép hoạt động ngân hàng mô do Bộ Y tế cấp.

Để được cấp Giấy phép hoạt động, ngân hàng mô phải có buồng kỹ thuật có diện tích tối thiểu 12m2để tiếp nhận, xử lý, bảo quản và cung ứng mô; có phòng xét nghiệm với diện tích tối thiểu 12m2; khu vực hành chính tổng hợp, quản lý hồ sơ, tư vấn có diện tích tối thiểu là 12m2; riêng với ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế, việc xét nghiệm có thể sử dụng chung với bộ phận xét nghiệm của cơ sở y tế.

Về nhân lực, người quản lý chuyên môn ngân hàng mô phải đủ điều kiện theo khoản 4 Điều 35 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; đồng thời, phải có 01 bác sĩ hoặc cử nhân xét nghiệm có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; có 02 kỹ thuật viên y hoặc điều dưỡng tốt nghiệp trung cấp trở lên về chuyên ngành y, có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và 01 nhân viên hành chính… Các ngân hàng mô đã được cấp phép hoạt động theo Nghị định số 56/2008/NĐ-CP được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30/06/2017; từ ngày 01/07/2017, phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.

Bên cạnh đó, loại hình tổ chức của ngân hàng mô cũng được thu hẹp từ 05 xuống còn 02, gồm: Ngân hàng mô thuộc cơ cấu tổ chức của cơ sở y tế, trường Đại học Y, trường Đại học Y dược của Nhà nước hoặc của tư nhân; của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (hay còn gọi là ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế) và Ngân hàng mô có cơ cấu tổ chức độc lập của Nhà nước hoặc tư nhân (ngân hàng mô độc lập).

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2016.

Đấu thầu-Cạnh tranh:

  1. 3.      NGƯỜI GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU PHẢI CÓ TỪ 3 NĂM KINH NGHIỆM

Theo Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT ngày 22/07/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu, cá nhân thực hiện việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực đấu thầu thuộc các tổ chức như: Cơ quan quản lý về đấu thầu; Bên mời thầu; Tổ chuyên gia; Cơ quan, đơn vị thẩm định, thay vì chỉ cần có ít nhất 02 năm kinh nghiệm như trước.

Ngoài ra, cá nhân thực hiện việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu còn phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu và có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Tương tự đối với thành viên đoàn kiểm tra hoạt động đấu thầu; riêng trưởng đoàn phải có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực đấu thầu. Trường hợp đặc biệt cần có ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành thì trưởng đoàn kiểm tra báo cáo người đứng đầu cơ quan kiểm tra bổ sung các chuyên gia vào tham gia đoàn kiểm tra; các chuyên gia này không bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu.

Thông tư này thay thế Thông tư số 01/2011/TT-BKHĐT ngày 04/01/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2016.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 4.      THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH TỔ CÔNG TÁC XÃ HỘI BẢO VỆ, HỖ TRỢ HỌC SINH

Nhằm xây dựng hệ thống hỗ trợ và bảo vệ trẻ em trong trường học; giúp học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý trong nhà trường có khả năng nhận biết, thông báo và xử lý các hình thức xâm hại và bạo lực đối với trẻ em, ngày 01/08/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 2623/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 của ngành giáo dục.

Tại Kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ nghiên cứu tổ chức thí điểm thành lập tổ công tác xã hội trong trường học nhằm tăng cường nguồn lực và kỹ thuật đối với công tác bảo vệ trẻ em, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh khuyết tật; tạo sự kết nối, chia sẻ với mạng lưới hỗ trợ trong hệ thống giáo dục và ngoài cộng đồng góp phần tạo nên nên môi trường giáo dục thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; nghiên cứu, tổ chức thí điểm các mô hình câu lạc bộ phòng chống bạo lực học đường trong các trường phổ thông, giúp học sinh nâng cao năng lực tự bảo vệ mình và kỹ năng nhận diện, phòng tránh các tình huống nguy hiểm.

Đồng thời, xây dựng sổ tay hướng dẫn bảo vệ trẻ trong trường học với nội dung thực hiện kỷ luật trẻ em bằng các phương pháp tích cực để làm cơ sở xác định các hành vi có vấn đề và phát hiện các vấn đề bạo lực thể chất, tinh thần và tình cảm ở những trẻ em bị xâm hại; tăng cường các hoạt động tham vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống, quản lý trường hợp; đề xuất sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền các văn bản pháp lý tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trong trường học…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

 Thông tin-Truyền thông:

  1. 5.      BÁO CHÍ PHẢI PHẢN ÁNH ĐÚNG TÌNH HÌNH CỦA DOANH NGHIỆP

Ngày 03/08/2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định 1360/QĐ-BTTTT ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại Quyết định, Bộ yêu cầu rà soát, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông hoạt động đúng quy định, phản ánh đúng tình hình; phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tôn vinh doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, thống kê, tổng hợp các tin, bài báo chí phát hiện các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của doanh nghiệp gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Để bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

  1. 6.      QUẢNG BÁ TÁC PHẨM VỀ DÂN TỘC THIỂU SỐ DƯỚI DẠNG SÁCH ĐIỆN TỬ, 3D

Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05/08/2016 tại Quyết định số 1558/QĐ-TTg.

Theo đó, nhằm góp phần củng cố và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, gắn bó cùng phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bổ sung nguồn tài liệu, tư liệu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi, giao lưu và phát triển văn hóa giữa các tộc người…, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị trực thuộc khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, phát hành và quảng bá các công trình văn học nghệ thuật về các dân tộc thiểu số Việt Nam dưới dạng sách in, sách điện tử, sách 3D, các phim tài liệu, phim chuyên đề và hệ thống thư viện số.

Trong đó, biên tập, biên soạn và phát hành khoảng 1.500 công trình, tác phẩm dưới dạng sách in; xuất bản 1.500 sách điện tử; xây dựng bộ sách gồm 54 sách 3D của 54 dân tộc, giới thiệu về những đặc trưng của từng dân tộc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú, phân bố dân cư, hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa; xây dựng 54 phim tài liệu, phim chuyên đề giới thiệu về tộc người hoặc phim chuyên đề về văn hóa, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Chính sách:

  1. 7.      SẼ HỖ TRỢ BHYT CHO THÂN NHÂN CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG

Ngày 05/08/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 07 năm 2016.

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều chế độ chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng để trình Chính phủ; trong đó quy định nội dung về chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của công nhân và viên chức quốc phòng không có bảo hiểm y tế.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế xác định cụ thể mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với đối tượng trên, bảo đảm công bằng với các đối tượng trong lực lượng vũ trang và dân sự, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, Bộ Y tế được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Công an và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của công nhân công an, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước không có bảo hiểm y tế.

Về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng và trình Thủ tướng xem xét, ký ban hành trong tháng 09/2016. Tại Nghị định này phải thể hiện rõ sự phân cấp triệt để, hợp lý trong quản lý dự án đầu tư xây dựng giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương và địa phương; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, người quyết định đầu tư trong triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

  1. 8.      NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU

Ngày 02/08/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1533/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020.

Đề án được triển khai tại các địa phương trên cả nước, áp dụng với người cao tuổi và gia đình của họ, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng, đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn với một số giải pháp chính về truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng; huy động nguồn lực, vận động các tổ chức, xã hội, doanh nghiệp tham gia…

Cụ thể như: Tổ chức các hội thảo, tham quan mô hình, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để phổ biến, xây dựng Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và mô hình khác; Tuyên truyền về gương điển hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và tác động của mô hình trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hướng dẫn Câu lạc bộ kiến thức sản xuất và lồng ghép nguồn lực từ chương trình nông nghiệp, nông thôn mới…

Dự kiến đến giai đoạn 2018 - 2020, xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 2.000 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở ít nhất 45 tỉnh/thành phố (có ít nhất 100.000 thành viên, trong đó có 65.000 người cao tuổi tham gia); các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bảo đảm chất lượng, chỉ tiêu cụ thể: 70% là người cao tuổi từ 55 tuổi trở lên, 60 - 70% là phụ nữ, người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn; có ít nhất 50% thành viên được vay vốn bằng tiền hoặc hiện vật và cải thiện thu nhập; 80% Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được tập huấn và giám sát theo quy chế…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG DỊCH VỤ XÃ HỘI ĐÔ THỊ

Trước tình trạng phát triển hệ thống dịch vụ xã hội còn chưa đa dạng, toàn diện; chưa khuyến khích được các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia một cách hiệu quả; thiếu tính liên kết giữa các quy hoạch, chiến lược, chương trình phát triển từng lĩnh vực dịch vụ…, ngày 02/08/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị bảo đảm an sinh xã hội.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, bảo đảm sử dụng đúng và có hiệu quả nguồn lực cho phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị phục vụ an sinh xã hội trên địa bàn; bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng xã hội phù hợp mục tiêu phát triển của từng giai đoạn theo quy hoạch đô thị, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, giám sát trách nhiệm của các chủ đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị trong việc đầu tư xây dựng công trình cũng như cung cấp dịch vụ cho người dân.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát các địa phương cụ thể hóa các định hướng phát triển dịch vụ xã hội đô thị trong các chương trình, kế hoạch phát triển của từng đô thị; nghiên cứu và hướng dẫn áp dụng các mô hình tổ chức quản lý, vận hành các công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường đô thị và nhà ở xã hội hiệu quả; chủ trì hoặc tham gia xây dựng đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về phát triển đô thị, đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản… phù hợp với định hướng phát triển đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ xã hội đô thị…

Hành chính:

10. HÀ NỘI CƯỠNG CHẾ THÁO DỠ BẢNG QUẢNG CÁO VI PHẠM

Đây là nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 03/08/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Tại Chỉ thị, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao phân công trách nhiệm cho từng thành viên đoàn thanh tra liên ngành theo dõi, đôn đốc, phối hợp thực hiện xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo của các quận, huyện, thị xã; tổ chức làm việc với các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp có bảng quảng cáo vi phạm yêu cầu tổ chức tháo dỡ.

Chậm nhất ngày 03/09/2016, sẽ cưỡng chế tháo dỡ hoàn toàn các bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn Thành phố, trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu. Trong đó, tập trung xử lý 02 loại hình bảng quảng cáo, bao gồm: Bảng một cột trụ và Bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách.


 

Đang truy cập: 22
Trong ngày: 48
Trong tuần: 1207
Lượt truy cập: 1596555
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com