Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      GIẢM MỨC PHẠT CHẬM NỘP THUẾ CÒN 0,03%/NGÀY

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.

Cụ thể, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế hoặc thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế sẽ phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp thay cho mức 0,05%/ngày theo quy định trước đó. Đối với các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước ngày 01/07/2016 mà người nộp thuế chưa nộp vào ngân sách Nhà nước, kể cả khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thì được chuyển sang áp dụng mức tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày từ ngày 01/07/2016.

Trong thời gian nộp dần tiền thuế nợ, người nộp thuế vẫn phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp; đồng thời, phải có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp đã cam kết.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khẳng định sẽ miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ không có khả năng nộp thuế theo quy định của pháp luật; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, lệ phí trước bạ cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật; miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

 Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 2.      XẾP LƯƠNG GIẢNG VIÊN CAO CẤP ĐƯỢC BỔ NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ

Ngày 21/07/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Trong đó, đáng chú ý là quy định bổ sung về xếp lương đối với giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư. Cụ thể, nếu chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì giảng viên đó được xếp lên 01 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ. Trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 03 năm để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Cũng theo Nghị định này, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan công an nhân dân đã giữ cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ hiện đảm nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe thì được xét nâng lương. Thời hạn xét nâng lương của cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm đối với cấp tướng, cấp tá và đại úy là 04 năm; đối với thượng úy là 03 năm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2016.

 Bảo hiểm:

  1. 3.      GIÁM ĐỊNH THƯƠNG TẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG 30 NGÀY

Ngày 21/07/2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3757/QĐ-BYT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành được quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 15/05/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tế.

Theo đó, có 11 thủ tục hành chính mới được công bố, trong đó đáng chú ý là các thủ tục hành chính như: Giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Giám định lần đầu do bệnh nghề nghiệp đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Giám định để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi quy định đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc…

Đáng chú ý, thủ tục giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định như sau: Người lao động động hoặc tổ chức sử dụng lao động gửi hồ sơ xin giám định cho cơ quan thường trực của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Trung ương; sau khi nhận được hồ sơ đề nghị, Cơ quan thường trực của Hội đồng giám định y khoa gửi cho cá nhân, tổ chức đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ, trong 30 ngày, Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương có trách nhiệm tiến hành khám giám định cho người lao động; nếu hồ sơ giám định không hợp lệ, trong 10 ngày làm việc, Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định biết.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

 Kế toán-Kiểm toán:

  1. 4.      THỜI HIỆU KHIẾU NẠI KIỂM TOÁN LÀ 30 NGÀY

Theo Quyết định số 03/2016/QĐ-KTNN của Kiểm toán Nhà nước ngày 28/07/2016 ban hành Quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán, thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán; trường hợp đơn vị được kiểm toán không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì lý do khách quan thì thời gian có lý do khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 65 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai thực hiện như thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu.

Quyết định cũng chỉ rõ, các trường hợp không thụ lý giải quyết khiếu nại của đơn vị kiểm toán bao gồm: Không chứng minh rõ nội dung đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán có căn cứ trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán; Thời hiệu khiếu nại kiểm toán đã hết mà không có lý do chính đáng…

Cũng theo Quyết định, đơn vị được kiểm toán có quyền rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng hình thức đơn có chữ ký của người đại diện hợp pháp của đơn vị được kiểm toán khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải được gửi đến Kiểm toán Nhà nước…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/09/2016.

Thương mại:

  1. 5.      ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT MỸ PHẨM

Ngày 01/07/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm; trong đó yêu cầu cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải được thành lập hợp pháp và có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, cơ sở phải đáp ứng các điều kiện như: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành như: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc; Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất; Kho bảo quản phải tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; Có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ; Có độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý chất lượng của cơ sở phải đáp ứng các yêu cầu: Nguyên liệu, phụ liệu dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống; Các loại bán thành phẩm đưa vào sản xuất phải có tiêu chuẩn chất lượng và đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm; Có bộ phận kiểm tra chất lượng; Có hệ thống lưu giữ hồ sơ tài liệu…

Đáng chú ý, Nghị định cũng quy định cơ sở sản xuất mỹ phẩm sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm nếu thực hiện việc sản xuất mỹ phẩm không đúng địa chỉ ghi trên Giấy chứng nhận.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

Giao thông:

  1. 6.      KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG PHẢI CÓ VỐN TỪ 300 TỶ ĐỒNG

Nội dung này được nêu tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.

Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác đến 10 máy bay phải có vốn tối thiểu 700 tỷ đồng nếu khai thác tuyến hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng nếu chỉ khai thác tuyến nội địa; khai thác từ 11 đến 30 máy bay phải có vốn 1.000 tỷ đồng nếu khai thác tuyến quốc tế; 600 tỷ đồng nếu chỉ khai thác tuyến nội địa; khai thác trên 30 tàu bay, phải có vốn 1.300 tỷ đồng nếu khai thác tuyến quốc tế và 700 tỷ đồng nếu chỉ khai thác tuyến nội địa… Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung được quy định là 100 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: Bên nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ; Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất; Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

Việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không không có vốn đầu tư nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện sau 02 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hàng không.

Thông tin-Truyền thông:

  1. 7.      THU HỒI SIM ĐIỆN THOẠI ĐÃ ĐĂNG KÝ SẴN TRƯỚC 31/12

Ngày 25/07/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Công văn số 2509/BTTTT-CVT về quản lý thuê bao di động trả trước.

Tại Công văn, Bộ thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký chính xác thông tin thuê bao mạng 4G và rà soát, xác minh, cập nhật nâng cao tính chính xác thông tin thuê bao di động trả trước đang hoạt động của mình qua tin nhắn và các hình thức phù hợp khác. Dự kiến, sau một thời gian sẽ ngừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao có thông tin thuê bao không chính xác hoặc không đầy đủ.

Đồng thời nhấn mạnh, trước ngày 31/12/2016, các doanh nghiệp phải rà soát, thu hồi toàn bộ số SIM thuê bao đã đăng ký sẵn thông tin thuê bao trên các kênh phân phối. Việc mua bán SIM thuê bao, đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ  viễn thông có nhân viên giao dịch của doanh nghiệp viễn thông di động được tập huấn, đào tạo về quy trình, thủ tục đăng ký thông tin thuê bao.

 Chính sách:

  1. 8.      HỖ TRỢ NẠN NHÂN BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI

Nhằm mục tiêu đến năm 2020, 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời; 50% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp…, ngày 22/07/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1464/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Thủ tướng yêu cầu tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện hoạt động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các cơ quan, đơn vị và địa phương; nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương trình, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới; triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ năng tự kiểm soát bản thân với nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực.

Đồng thời, triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể như: Hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới bảo đảm an toàn, tạm lánh khẩn cấp, dịch vụ hỗ trợ ban đầu tại địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng cho nạn nhân; Cung cấp dịch vụ chăm sóc tối thiểu cho nạn nhân và tư vấn cho người gây bạo lực tại cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Hỗ trợ chăm sóc, tư vấn cho nạn nhân tại cơ sở y tế; Sử dụng đường dây nóng và cơ chế phối hợp liên ngành trong giải quyết bạo lực trên cơ sở giới để kết nối dịch vụ, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân và can thiệp, xử lý phù hợp với người gây bạo lực…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hành chính:

  1. 9.      QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CON DẤU

Nghị định số 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu đã được Chính phủ ban hành ngày 01/07/2016; áp dụng đối với con dấu của cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan thuộc hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức tôn giáo, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; không áp dụng đối với con dấu của doanh nghiệp; dấu tiêu đề; dấu ngày, tháng, năm; dấu tiếp nhận công văn; dấu chữ ký.

Theo quy định của Nghị định này, cơ quan, tổ chức, chức danh Nhà nước chỉ được sử dụng con dấu khi đã có quy định về việc được phép sử dụng con dấu trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền; phải đăng ký mẫu con dấu trước khi sử dụng. Việc sử dụng con dấu có hình Quốc huy phải được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; cơ quan, tổ chức, chức danh Nhà nước có chức năng cấp văn bằng, chứng chỉ và giấy tờ có dán ảnh hoặc niêm phong tài liệu theo quy định của pháp luật thì được phép sử dụng dấu nổi, dấu thu nhỏ hoặc dấu xi.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức, chức danh Nhà nước chỉ được sử dụng một con dấu theo mẫu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp cần thiết phải sử dụng thêm con dấu như con dấu đã cấp, trong đó: Cơ quan, tổ chức, chức danh Nhà nước sử dụng thêm dấu ướt phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền nhưng được tự quyết định việc sử dụng thêm dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi; tổ chức kinh tế được tự quyết định việc sử dụng thêm con dấu.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.

 Tư pháp-Hộ tịch:

10. TRẺ TỪ 9 ĐẾN DƯỚI 14 TUỔI KHÔNG ĐƯỢC CẤP CHUNG HỘ CHIẾU VỚI CHA, MẸ

Theo Thông tư số 29/2016/TT-BCA ngày 06/07/2016 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông ở trong nước cho công dân Việt Nam, hộ chiếu cấp cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm; với trẻ dưới 14 tuổi và trẻ dưới 09 tuổi cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ thì hộ chiếu có thời hạn 05 năm.

Trường hợp công dân Việt Nam đề nghị bổ sung con dưới 09 tuổi vào hộ chiếu của mình thì thời hạn hộ chiếu được giữ nguyên nếu còn thời hạn không quá 05 năm hoặc được điều chỉnh xuống còn 05 năm nếu còn thời hạn trên 05 năm. Riêng đối với trẻ em từ 09 tuổi đến dưới 14 tuổi, không cấp chung vào hộ chiếu của cha hoặc mẹ; hộ chiếu được cấp riêng và có thời hạn 05 năm.

Cũng theo Thông tư này, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện mất hộ chiếu, người bị mất cần phải trình báo với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi gần nhất để hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu đã mất. Trường hợp không kịp thời trình báo sẽ bị xem xét xử lý hành chính theo quy định. Khi đến trình báo, cần xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng để kiểm tra, đối chiếu; nếu gửi đơn trình báo qua bưu điện thì phải có xác nhận của Trưởng Công an phường, xã, thị trấn nơi người đó thường trú hoặc tạm trú.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/08/2016.


 

Đang truy cập: 16
Trong ngày: 160
Trong tuần: 745
Lượt truy cập: 1591871
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com