Sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài

Thông tư 19/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Về cách thức xác định số lượng nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu, Thông tư nêu rõ, đối với một tòa nhà chung cư (kể cả nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp) thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của tòa nhà đó. Trường hợp tòa nhà chung cư có nhiều đơn nguyên hoặc nhiều khối nhà cùng chung khối đế thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi đơn nguyên, mỗi khối nhà.

Việc xác định số lượng nhà ở riêng lẻ (bao gồm nhà ở liền kề, nhà ở độc lập, nhà biệt thự) mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu được quy định như sau: Trường hợp trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ có 01 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu số lượng nhà ở không quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của dự án và tối đa không vượt quá hai trăm năm mươi căn nhà; trường hợp có từ 02 dự án trở lên thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ tại mỗi dự án và tổng sổ nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại tất cả các dự án không vượt quá hai trăm năm mươi căn nhà.

Trường hợp trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu đủ số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định này thì tổ chức, cá nhân nước ngoài không được mua và sở hữu thêm nhà ở riêng lẻ tại các dự án khác của khu vực này.

Số dân trong một dự án đầu tư xây dựng nhà ở được xác định theo đồ án quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường được xác định theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.

Thông tư nêu rõ Sở Xây dựng có trách nhiệm báo cáo Bộ Xây dựng định kỳ 6 tháng, 01 năm hoặc theo yêu cầu đột xuất về tình hình sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có trách nhiệm gửi báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cấp Giấy chứng nhận kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đã cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo mẫu hướng dẫn để theo dõi, quản lý.

Quản lý việc cá nhân nước ngoài cho thuê nhà ở

Thông tư cũng nêu rõ, trước khi ký hợp đồng cho thuê nhà ở thuộc sở hữu của mình, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản thông báo về việc cho thuê nhà ở đến Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở cho thuê. Nội dung thông báo bao gồm: tên chủ sở hữu, địa chỉ nhà ở cho thuê, thời gian cho thuê, bản sao Giấy chứng nhận của nhà ở cho thuê, mục đích sử dụng nhà ở cho thuê.

Trường hợp pháp luật Việt Nam quy định phải có đăng ký kinh doanh đối với hoạt động cho thuê nhà ở thì cá nhân nước ngoài cho thuê nhà ở phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; khi chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà ở thì phải có văn bản thông báo cho Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở cho thuê biết để theo dõi, quản lý.

Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế để thu thuế theo quy định của pháp luật về thuế; báo cáo Sở Xây dựng theo định kỳ 6 tháng, 01 năm hoặc theo yêu cầu đột xuất về tình hình cho thuê nhà ở của cá nhân nước ngoài trên địa bàn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Xây dựng.

Thông tư này có hiệu lực từ 15/8/2016.


 

Đang truy cập: 17
Trong ngày: 46
Trong tuần: 1141
Lượt truy cập: 1597061
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com