Bảo hiểm:
- 1. KINH DOANH BẢO HIỂM PHẢI CÓ VỐN PHÁP ĐỊNH TỪ 300 TỶ ĐỒNG
Ngày 01/07/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm với những quy định cụ thể về mức vốn pháp định của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe phải có vốn pháp định 300 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh phải có vốn pháp định 350 tỷ đồng. Với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, mức vốn pháp định là 600 tỷ đồng; nếu kinh doanh thêm bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí, mức vốn pháp định là 800 tỷ đồng…
Đối với doanh nghiệp kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm, mức vốn pháp định được quy định là 04 tỷ đồng; mức vốn pháp định 08 tỷ đồng được áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh môi giới cả hai loại hình bảo hiểm này.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể về những hành vi bị cấm trong hoạt động môi giới bảo hiểm; trong đó có: Xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; Khuyến mãi khách hàng dưới hình thức hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm; Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới; Tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài với các điều kiện, điều khoản kém cạnh tranh hơn với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài khác nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.
Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
- 2. ĐẠI LÝ ĐỔI NGOẠI TỆ PHẢI ĐƯỢC ĐẶT TẠI KHÁCH SẠN TỪ 3 SAO
Nghị định số 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế đã được Chính phủ ban hành ngày 01/07/2016.
Theo đó, tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ sau khi đáp ứng được các điều kiện như: Được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; Có địa điểm đặt đại lý tại cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên, cửa khẩu quốc tế, văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch…; Có nơi giao dịch riêng biệt và trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc tối thiểu như điện thoại, máy fax, két sắt…; Nhân viên trực tiếp làm ở đại lý đổi ngoại tệ phải có Giấy xác nhận do tổ chức tín dụng ủy quyền cấp, xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả…
Nghị định còn nhấn mạnh, một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép và tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận đặt đại lý đổi ngoại tệ ở một hoặc nhiều địa điểm trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.
Chứng khoán:
- 3. CÔNG TY CHỨNG KHOÁN NƯỚC NGOÀI CHỈ ĐƯỢC LẬP MỘT CHI NHÁNH TẠI VIỆT NAM
Cũng có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, Nghị định số 86/2016/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/07/2016 quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán mà tổ chức, cá nhân phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán bao gồm: Có trụ sở làm việc và cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị văn phòng…; Có danh sách dự kiến về nhân sự công ty, trong đó có tối thiểu 03 người hành nghề chứng khoán phù hợp cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh; riêng Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán; Có Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ…
Về việc thành lập và hoạt động chi nhánh của công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định quy định công ty chứng khoán nước ngoài chỉ được thành lập một chi nhánh tại Việt Nam và phải đáp ứng các điều kiện: Đang hoạt động hợp pháp, không đang trong tình trạng hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản; Thời hạn hoạt động của công ty chứng khoán nước ngoài trên giấy phép phải còn ít nhất 05 năm; Không phải là cổ đông, thành viên góp vốn hoặc cùng với người có liên quan sở hữu trên 5% vốn điều lệ của một công ty chứng khoán tại Việt Nam.
Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán như đối với công ty chứng khoán, ngoại trừ việc trực tiếp quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng và việc nhận mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư trong nước.
Thương mại:
- 4. ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH MŨ BẢO HIỂM
Tại Nghị định số 87/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016, Chính phủ đã có những quy định tương đối cụ thể về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.
Trước hết, Nghị định chỉ rõ, doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001; có tối thiểu 01 nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng chuyên ngành khoa học, kỹ thuật trở lên, được ký hợp đồng từ 12 tháng trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn; có nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất và trang thiết bị kiểm tra chất lượng đạt tiêu chuẩn…máy, được gắn hoặc treo tại vị trí mặt trước bên ngoài của đại lý hoặc cửa hàng ở vị trí dễ quan sát.
Cũng theo Nghị định này, mũ bảo hiểm giả là mũ có hình dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm nhưng không có giá trị sử dụng, công dụng theo quy định hiện hành; Mũ giả mạo về sở hữu trí tuệ; Mũ có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên doanh nghiệp, địa chỉ của doanh nghiệp khác; Mũ giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; Mũ có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất hàng hóa…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.
- ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÀO TẠO NGHỀ MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN
Ngày 01/07/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản.
Trong đó, đáng chú ý là quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản. Cụ thể, phải là tổ chức được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, có chức năng giáo dục nghề nghiệp hoặc đào tạo cao đẳng, đại học hoặc đào tạo sau đại học; Có cơ sở vật chất, phòng học bảo đảm đủ chỗ ngồi cho học viên và có địa điểm để học viên thực hành; Có tối thiểu 30% số giảng viên trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời điểm (có đóng bảo hiểm) trên tổng số giảng viên đăng ký tham gia giảng dạy…
Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, phải có tối thiểu 40% số giảng viên trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời hạn (có đóng bảo hiểm) trên tổng số giảng viên đăng ký tham gia giảng dạy; được Bộ Xây dựng hoặc các cơ quan được Bộ Xây dựng ủy quyền công nhận đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.
Đấu thầu-Cạnh tranh:
- 6. TỪ 2016 - 2018, TRIỂN KHAI BẢO LÃNH DỰ THẦU QUA MẠNG
Nhằm ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động đấu thầu mua sắm công trên cơ sở đảm bảo quản trị tốt, đem lại đúng giá trị sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, ngăn ngừa tham nhũng và nâng cao niềm tin của người dân vào hoạt động đấu thầu mua sắm công…, ngày 13/07/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1402/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025.
Kế hoạch được thực hiện trong 02 giai đoạn, giai đoạn 1 - từ năm 2016 - 2018: Nâng cấp, quản lý và vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại hoạt động an toàn, ổn định và thông suốt đáp ứng yêu cầu sử dụng; Triển khai thu chi phí lựa chọn nhà thầu qua mạng và bảo lãnh dự thầu qua mạng thông qua ngân hàng, cổng thanh toán trực tuyến, kết hợp sử dụng hóa đơn điện tử; Triển khai bảo lãnh dự thầu qua mạng; Triển khai các dịch vụ cung cấp thông tin đấu thầu thông qua thiết bị di động, thư điện tử…
Giai đoạn 2019 - 2025, thực hiện kết nối Hệ thống đấu thầu quốc gia tổng thể với các hệ thống Chính phủ điện tử khác; phát triển các tiện ích cung cấp thông tin đấu thầu, tham gia đấu thầu, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, quá trình thực hiện hợp đồng thông qua thiết bị di động; triển khai thanh toán trực tuyến giữa chủ đầu tư cho nhà thầu trúng thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng theo đúng tiến độ giải ngân… Dự kiến trong giai đoạn này, 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; tối thiểu 70% số lượng gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:
- 7. TĂNG CƯỜNG DẠY TIẾNG VIỆT TRỰC TUYẾN CHO NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1382/QĐ-TTg ngày 12/07/2016, nhằm mục tiêu giúp các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ có đủ vốn tiếng Việt để thường xuyên sử dụng, góp phần duy trì và phát huy ý thức hướng về cội nguồn, tình cảm hướng về quê hương, đất nước và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Theo đó, từ năm 2016 - 2018, tiến hành xây dựng các chương trình, giáo trình, bài giảng tiếng Việt trực tuyến từ bậc 1 đến bậc 6; biên soạn chương trình và một số tài liệu dạy tiếng Việt theo chuyên đề, chủ đề thông dụng; đào tạo đội ngũ giáo viên, kỹ thuật viên; xây dựng Cổng thông tin dạy và học tiếng Việt trực tuyến và tổ chức dạy tiếng Việt trực tuyến. Sau năm 2018, vận hành, quản lý, duy trì và phát triển Cổng thông tin dạy và học tiếng Việt trực tuyến.
Cũng theo Đề án, trường Đại học Quốc gia Hà Nội được giao trách nhiệm tập hợp đội ngũ chuyên gia tiếng Việt từ các trường đại học có uy tín, các viện nghiên cứu để biên soạn chương trình, giáo trình; Huy động đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin xây dựng phần mềm; Bố trí cơ sở vật chất, nhân lực trong việc tổ chức và điều hành lớp học trực tuyến. Đồng thời, Đề án cũng đặt ra yêu cầu đẩy mạnh sử dụng dịch vụ thuê thiết bị hệ thống máy chủ và đường truyền internet tốc độ cao; Xây dựng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên, kỹ thuật viên để giảng dạy và vận hành Cổng thông tin dạy và học tiếng Việt trực tuyến.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Khoa học-Công nghệ:
- 8. TIẾP TỤC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP KH&CN TỰ CHỦ ĐẾN HẾT 2020
Tại Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày 12/07/2016 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22/05/2012, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đến hết năm 2020, thay vì đến hết năm 2015 như trước.
Đồng thời, Thủ tướng cũng tăng một số chỉ tiêu thực hiện của Chương trình; cụ thể: Góp phần hình thành và phát triển 3.000 doanh nghiệp KH&CN, 30 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, trong đó ưu tiên tại các viện nghiên cứu, trường đại học, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; Hỗ trợ được 1.000 cá nhân, tổ chức, nhóm nghiên cứu ươm tạo doanh nghiệp KH&CN và tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở ươm tạo KH&CN.
Cũng theo Quyết định này, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ để tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường cũng sẽ được hỗ trợ. Các doanh nghiệp KH&CN cũng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn từ các tổ chức tín dụng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; ưu đãi về sử dụng đất…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Văn hóa-Thể thao-Du lịch:
- 9. ĐÀO TẠO TÀI NĂNG LĨNH VỰC VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT
Ngày 08/07/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1341/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với đối tượng là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong cả nước có tài năng, năng khiếu vượt trội.
Đề án này đặt ra mục tiêu hàng năm có từ 4 - 5 tài năng thuộc mỗi lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Xiếc và ngành Sáng tác văn học được cử tham dự và đoạt giải thưởng các cuộc thi, hội diễn, triển lãm nghệ thuật trong nước và quốc tế hoặc được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được công chúng đón nhận; hàng năm cử khoảng 5 tài năng thuộc mỗi lĩnh vực đi thực tập ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật uy tín ở nước ngoài…
Về chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, Đề án nêu rõ, từ năm 2017 sẽ có khoảng 185 chỉ tiêu trình độ đại học ở các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh và ngành Sáng tác văn học; khoảng 20 chỉ tiêu trình độ cao đẳng ở lĩnh vực Múa và khoảng 150 chỉ tiêu trình độ trung cấp ở lĩnh vực Âm nhạc, Múa, Xiếc. Tùy theo tình hình thực tế, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm có thể tăng hoặc giảm từ 10% - 15%.
Việc đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phải được thực hiện tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước; hàng năm có sự rà soát, đánh giá các cơ sở đào tạo tài năng để điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm, nâng cao chất lượng đào tạo.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Thông tin-Truyền thông:
10. THỜI GIAN CẤP PHÉP CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG GIẢM CÒN 15 NGÀY
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 81/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/04/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp; trong khi trước đây, thời gian này được quy định là 45 ngày làm việc.
Tương tự, Nghị định cũng giảm thời gian gia hạn Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông từ 40 ngày làm việc xuống còn 15 ngày làm việc. Theo đó, doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông muốn gia hạn Giấy phép tiến hành gửi 03 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn tới cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ít nhất 60 ngày trước ngày giấy phép hết hạn và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ. Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông sẽ xem xét, quyết định gia hạn giấy phép trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Cũng theo Nghị định, doanh nghiệp chỉ được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông nếu không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành; đồng thời, phải có tổ chức bộ máy và nhân lực đảm bảo thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch kỹ thuật và phương án bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.
Chính sách:
11. TĂNG TRỢ CẤP VỚI THANH NIÊN XUNG PHONG LÊN 540.000 ĐỒNG/THÁNG
Đây là nội dung tại Quyết định số 29/2016/QĐ-TTg ngày 05/07/2016 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2016, trợ cấp đối với thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/07/2011 sẽ tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng.
Trường hợp thanh niên xung phong từ trần kể từ ngày 01/01/2016 nhưng chưa được điều chỉnh trợ cấp như trên thì người tổ chức mai táng sẽ được truy lĩnh khoản tiền chênh lệch do điều chỉnh trợ cấp kể từ ngày 01/01/2016 đến tháng thanh niên xung phong từ trần (số tiền chênh lệch mỗi tháng là 180.000 đồng).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/08/2016.
12. MIỄN PHÍ SỬ DỤNG THUỐC THAY THẾ ĐỂ CAI NGHIỆN CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN
Theo Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện được sử dụng thuốc thay thế miễn phí do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cũng bảo đảm toàn bộ chi phí khám sức khỏe, chi phí điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho các đối tượng tham gia điều trị trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng… Đồng thời, bảo đảm một phần chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện cho các đối tượng: Thương binh; Người bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Người nghèo; Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; Trẻ em mồ côi; Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Cũng theo Nghị định, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp làm công việc xét nghiệm, khám và điều trị nghiện tại cơ sở điều trị công lập được hưởng mức phụ cấp bằng 70% mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); công chức, viên chức, người lao động làm công tác hành chính, tư vấn, dược, cấp phát thuốc được hưởng phụ cấp bằng 30% mức lương, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung (nếu có).
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |