Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 1.      QUY ĐỊNH VỀ VIỆC TỔ CHỨC TÍN DỤNG MUA TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Thông tư số 22/2016/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/06/2016 với nhiều nội dung đáng chú ý.

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp với các nội dung như: Quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp; Nguyên tắc, chỉ tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu; Các chính sách và giới hạn quản lý tín dụng… Đặc biệt, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác để mua trái phiếu doanh nghiệp.

Thông tư cũng quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn thanh toán. Đồng thời, khi đến hạn thanh toán mà doanh nghiệp không có khả năng thanh toán trái phiếu, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý tài sản bảo đảm đối với trái phiếu có bảo đảm bằng tài sản hoặc yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán trái phiếu thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đối với trái phiếu được bảo lãnh thanh toán…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2016; thay thế Thông tư số 28/2011/TT-NHNN ngày 01/09/2011.

  1. NÂNG HẠN MỨC RÚT TIỀN ATM TỐI THIỂU LÊN 3 TRIỆU ĐỒNG/LƯỢT

Nội dung quan trọng này được thể hiện tại Thông tư số 20/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động và Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Cụ thể, Thông tư quy định các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 05 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng và 03 triệu đồng đối với giao dịch liên ngân hàng; trong khi trước đây quy định các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 02 triệu đồng.

Thông tư này cũng quy định cụ thể hơn về các thông tin tại nơi đặt ATM. Theo đó, tại nơi đặt ATM phải niêm yết số điện thoại và địa chỉ liên hệ của đơn vị quản lý vận hành ATM để khách biết liên hệ khi gặp sự cố trong giao dịch; thủ tục, thời hạn tra soát, khiếu nại; đồng thời, phải có hướng dẫn hoặc biểu tượng để khách hàng nhận biết các loại thẻ được chấp nhận thanh toán; bản hướng dẫn khách hàng sử dụng ATM; tên hoặc số hiệu ATM; các dịch vụ cung cấp tại ATM và các loại phí liên quan - những nội dung này thể hiện dưới dạng bản in hoặc trên màn hình ATM.

Hệ thống ATM hoạt động 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần; riêng máy ATM lắp đặt tại những địa điểm khách hàng chỉ có thể tiếp cận ATM trong những thời gian nhất định thì thời gian phục vụ tùy thuộc vào địa điểm lắp đặt nhưng phải được niêm yết tại nơi đặt ATM cũng như trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

  1. 3.      TRẺ ĐỦ 6 TUỔI ĐƯỢC DÙNG THẺ NGÂN HÀNG

Đây là nội dung mới tại Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/06/2016 và có hiệu lực từ ngày 15/08/2016.

Theo Thông tư, chủ thẻ phụ được sử dụng thẻ theo chỉ định cụ thể của chủ thẻ chính bao gồm: Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ không được thấu chi, thẻ trả trước; Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước; Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

Như vậy, đối tượng được sử dụng thẻ ngân hàng trong vai trò là chủ thẻ phụ đã mở rộng tới người từ đủ 06 tuổi; trong khi trước đây, Ngân hàng Nhà nước quy định chỉ người từ đủ 15 tuổi trở lên mới được sử dụng thẻ ngân hàng.

Chủ thẻ chính được Thông tư này quy định gồm: Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước; Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, có tài sản riêng đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ không được thấu chi, thẻ trả trước; Tổ chức thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật được sử dụng các loại thẻ.

  1. 4.      LÃI SUẤT VAY CHẬM TRẢ GIỮA CÁC NGÂN HÀNG TỐI ĐA 10%/NĂM

Có hiệu lực từ ngày 22/08/2016, Thông tư số 18/2016/TT-NHNN ngày 30/06/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18/06/2012 quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, đáng chú ý là quy định về lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận. Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận trong hợp đồng, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn; lãi suất áp dụng đối với số tiền lãi vay chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 10%/năm.

Thông tư cũng quy định rõ các trường hợp được có khoản nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên khi thực hiện các giao dịch đi vay, gồm: Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được thực hiện giao dịch theo phương án củng cố tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt; tổ chức tín dụng đang trong quá trình tái cơ cấu được thực hiện giao dịch theo phương án tái cơ cấu tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Đồng thời, Thông tư còn bổ sung ngân hàng chính sách vào danh mục các đơn vị được mua, bán có kỳ hạn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu chính quyền địa phương; giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành và các loại tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu do tổ chức khác phát hành. Như vậy, từ ngày 22/08/2016, các đơn vị được mua, bán có kỳ hạn các loại giấy tờ có giá nêu trên sẽ bao gồm: Ngân hàng thương mại; Công ty tài chính; Ngân hàng chính sách; Ngân hàng hợp tác xã; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

  1. 5.      KHÔNG CÒN GIỚI HẠN PHÍ MÔI GIỚI TIỀN TỆ

Theo Thông tư số 17/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 30/06/2016 quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, môi giới tiền tệ được hiểu là việc làm trung gian có thu phí để thu xếp thực hiện các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính khác.

Đáng chú ý, Thông tư này đã bỏ giới hạn mức phí môi giới tiền tệ. Theo đó, bên môi giới và khách hàng được tự thỏa thuận về phí môi giới tiền tệ và các chi phi khác có liên quan; trong khi trước đây, phí môi giới tối đa không được vượt quá 0,02%/trị giá của từng món giao dịch.

Về phương thức thực hiện môi giới tiền tệ, Thông tư chỉ rõ, bên môi giới có thể thực hiện hoạt động môi giới tiền tệ thông qua giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp qua mạng vi tính và/hoặc điện thoại với khách hàng hoặc các phương thức khác do các bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện của các bên, tuân thủ quy định của pháp luật.

Hợp đồng môi giới tiền tệ bao gồm các nội dung chủ yếu như: Thông tin về bên môi giới, khách hàng; Phương thức thực hiện môi giới tiền tệ; Phí môi giới và các chi phí liên quan; Phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Hiệu lực của hợp đồng…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/08/2016

  1. CỔ ĐÔNG SÁNG LẬP TCTD PHI NGÂN HÀNG PHẢI CÓ VỐN TỪ 500 TỶ ĐỒNG

Ngày 30/06/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 15/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Theo quy định của Thông tư này, doanh nghiệp Việt Nam là cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép; trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tương tự, đối với cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng phi ngân hàng là ngân hàng thương mại phải đáp ứng các yêu cầu: Có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo  quy định; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

Riêng với thành viên sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng là tổ chức tín dụng nước ngoài, ngoài điều kiện phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, còn phải có tổng tài sản có trên 10 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép; không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động ngân hàng của nước nguyên xứ trong 05 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

  1. NGUYÊN TẮC MỞ TÀI KHOẢN ĐỂ ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

Ngày 29/06/2016, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 13/08/2016.

Thông tư này quy định, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 01 tài khoản vốn đầu tư bằng 01 loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại 01 tổ chức tín dụng được phép; trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam, nhà đầu tư được mở và sử dụng đồng thời 01 tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam và 01 tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ tại 01 tổ chức tín dụng được phép. Trường hợp có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài, nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt cho từng dự án. Trái lại, trường hợp dự án đầu tư có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt.

Về việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, Thông tư này quy định nhà đầu tư chỉ được thực hiện thông qua 01 tài khoản ngoại tệ trước đầu tư mở tại 01 tổ chức tín dụng được phép; mọi giao dịch thu, chi phải được thông qua tài khoản ngoại tệ trước đầu tư này. Sau khi dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, tài khoản ngoại tệ trước đầu tư phải được sử dụng là tài khoản vốn đầu tư và phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.

  1. 8.      ĐẠI LÝ ĐỔI NGOẠI TỆ KHÔNG ĐƯỢC BÁN NGOẠI TỆ LẤY NGOẠI TỆ KHÁC

Nếu như trước đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ quy định các đại lý đổi ngoại tệ không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy đồng Việt Nam; thì nay, các đại lý đổi ngoại tệ còn không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy ngoại tệ khác. Như vậy, các đại lý này chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng đồng Việt Nam mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân. Riêng đại lý đổi ngoại tệ đặt tại khu cách ly ở cửa khẩu quốc tế được phép bán ngoại tệ tiền mặt thu tiền đồng Việt Nam cho cá nhân mang hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp.

Nội dung này được thể hiện tại Thông tư số 11/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 29/06/2016, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và cho, trả ngoại tệ, hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, bàn đổi ngoại tệ của cá nhân; có hiệu lực từ ngày 13/08/2016.

Đáng chú ý, Thông tư này đã bỏ quy định một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được nêu trong Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN trước đây.

Cũng theo Thông tư, các đại lý đổi ngoại tệ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ trước ngày 13/08/2016 được tiếp tục thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng ủy quyền theo Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ đã được cấp, trừ trường hợp hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức kinh tế ký với tổ chức tín dụng ủy quyền hết hiệu lực hoặc bị chấm dứt trước thời hạn kể từ ngày 13/08/2016.

  1. TỶ LỆ ĐẦU TƯ AN TOÀN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI LÀ 7%

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-NHNN ngày 29/06/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Theo đó, tỷ lệ đầu tư an toàn của tổ chức tự doanh là ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp được quy định là 7% vốn tự có của chính tổ chức tự doanh đó, không bao gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh của chi nhánh ở nước ngoài. Như vậy, hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp không được vượt quá tỷ lệ đầu tư an toàn này. Trong trường hợp vượt quá tỷ lệ đầu tư an toàn do giảm vốn tự có, ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước; có các biện pháp cần thiết để tăng vốn tự có; dừng chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài theo hạn mức đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký trong năm.

Ngoài ra, Thông tư này còn quy định cụ thể về chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài; trong đó cho phép người lao động có quốc tịch Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài. Trong trường hợp này, người lao động Việt Nam được bán cổ phiếu thưởng ở nước ngoài; nhận cổ tức và các thu nhập hợp pháp khác thông qua tổ chức thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/08/2016.

Thương mại:

10. NGƯỜI BÁN THỰC PHẨM PHẢI CÓ XÁC NHẬN KIẾN THỨC ATTP

Chủ cơ sở, người trực tiếp buôn bán thực phẩm phải có Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) và đáp ứng yêu cầu về sức khỏe theo quy định là nội dung đáng chú ý về điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở buôn bán thực phẩm tại Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

Ngoài việc đáp ứng yêu cầu nêu trên, cơ sở buôn bán thực phẩm còn phải đáp ứng một số điều kiện khác như: Nơi buôn bán tách biệt với khu vực ô nhiễm môi trường đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố, các khu tập trung, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện; Tách biệt khu vực vệ sinh với khu vực bảo quản, khu vực kinh doanh thực phẩm; Cửa nhà vệ sinh không mở thông vào khu vực bảo quản thực phẩm; Có thiết bị, dụng cụ vận chuyển, bảo quản sản phẩm đáp ứng các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất...

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, chủ cơ sở, người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên về một trong các chuyên ngành về bảo vệ thực vật, trồng trọt, hóa học, lâm sinh hoặc có Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về thuốc bảo vệ thực vật; địa điểm cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải tách biệt với khu vực dịch vụ ăn uống, trường học, bệnh viện; khi xây dựng phải cách nguồn nước tối thiểu 20m. Đối với kho thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở bán lẻ, phải cách sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước ít nhất 20m; có kệ kê hàng cao tối thiểu 10cm so với mặt sàn, cách tường tối thiểu 20cm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

Giao thông:

11. YÊU CẦU ĐỐI VỚI CƠ SỞ ĐÀO TẠO LÁI XE Ô TÔ

Có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải đáp ứng một số điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật như hệ thống phòng học chuyên môn, xe tập lái và sân tập lái xe.

Cụ thể: Cơ sở đào tạo lái xe ô tô với lưu lượng 500 học viên trở lên phải có ít nhất 02 phòng học pháp luật giao thông đường bộ và 02 phòng học kỹ thuật lái xe; đối với lưu lượng từ 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 03 phòng học pháp luật giao thông đường bộ; 03 phòng học kỹ thuật lái xe… Sân tập lái xe phải thuộc quyền sử dụng của cơ sở hoặc thuê với thời hạn từ 05 năm trở lên và phải trong cùng mạng lưới quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe… Đồng thời, cơ sở đào tạo lái xe ô tô có dịch vụ sát hạch lái xe được sử dụng ô tô sát hạch để dạy lái với thời gian không quá 50% thời gian sử dụng xe vào mục đích sát hạch; ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo.

Giáo viên dạy lái xe ô tô phải có bằng trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên; có trình độ A về tin học trở lên (đối với giáo viên dạy lý thuyết). Giáo viên dạy thực hành phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp; có Giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo nhưng không thấp hơn hạng B2; đã qua tập huấn nghiệp vụ và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe… Trường hợp giáo viên dạy thực hành lái xe đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 01/07/2016 mà chưa đáp ứng các điều kiện nêu trên, phải hoàn thiện đáp ứng các quy định này trước ngày 01/07/2019.

12. KINH DOANH DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI KHÔNG ĐƯỢC KINH DOANH VẬN TẢI Ô TÔ

Ngày 01/07/2016, Chính phủ đã ra Nghị định số 63/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (ô tô, rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự). 

Nghị định này nhấn mạnh tới nguyên tắc chỉ những tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Đồng thời, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới không được đồng thời kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới hoặc có liên quan trực tiếp với tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sữa chữa xe cơ giới. Nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới là công ty cổ phần thì tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới chỉ được nắm giữ không quá 10% cổ phần của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể về một loạt điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, đơn vị đăng kiểm phải có diện tích mặt bằng tối thiểu là 1.250m2; có nhà văn phòng, phòng chờ cho lái xe và người đưa xe vào kiểm định; có hệ thống đường cho xe cơ giới ra vào xưởng kiểm định, đường giao thông nội bộ; bãi đỗ xe phải được phủ bê tông nhựa; xưởng kiểm định phải có kích thước thông xe tối thiểu 30x4x3,5m; đăng kiểm viên xe cơ giới phải có trình độ đại học chuyên ngành cơ khí ô tô…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

 Cán bộ-Công chức-Viên chức:

13. CHỨNG MINH QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP CÓ THỜI HẠN 12 NĂM

Nghị định số 59/2016/NĐ-CP quy định về Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng vừa được Chính phủ ban hành ngày 01/07/2016; trong đó quy định mỗi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được cấp một Chứng minh, có số hiệu Chứng minh riêng từ dữ liệu do Bộ Quốc phòng quản lý.

Thời hạn sử dụng Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là 12 năm; trường hợp thời gian phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng còn dưới 12 năm thì lấy thời hạn phục vụ còn lại để cấp.

Cũng theo Nghị định, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng bị thu hồi Chứng minh khi thôi phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; khi được cấp đổi và khi bị tước danh hiệu quân nhân hoặc buộc thôi việc. Trường hợp quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù thì bị tạm giữ Chứng minh.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

 An ninh trật tự:

14. VẪN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ VỚI NGƯỜI ĐANG CAI NGHIỆN

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/09/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Theo đó, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong 06 tháng đã 01 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà lại tiếp tục thực hiện một trong các hành vi nêu trên đến lần thứ ba nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm này thì thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm hành chính nêu trên.

Với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 03 tháng, kể từ ngày hành vi sử dụng ma túy bị phát hiện. Đặc biệt, người nghiện ma túy đang tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì cũng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Việc áp dụng biện pháp giáo dục đối với các đối tượng này được tiến hành đồng thời với việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2016.

Hình sự:

15. LÙI HIỆU LỰC THI HÀNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

Ngày 29/06/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016.

Theo đó, hiệu lực thi hành của 04 Bộ luật và Luật, bao gồm: Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 sẽ được lùi từ ngày 01/07/2016 cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.

Như vậy, tạm thời trong thời gian này, vẫn tiếp tục áp dụng các quy định tại Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12); Bộ luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11; Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12); Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 98/2002/NĐ-CP và Nghị định số 09/2011/NĐ-CP của Chính phủ).

Riêng với những quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự vẫn tiếp tục được áp dụng từ ngày 01/07/2016.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/06/2016.


 

Đang truy cập: 17
Trong ngày: 164
Trong tuần: 749
Lượt truy cập: 1591875
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com