Theo dự thảo, việc xác định thiệt hại phải tuân theo các nguyên tắc sau: Thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thực tế đã phát sinh, được quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và khoản lãi (nếu có) theo quy định của pháp luật; trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; tính đúng, tính đủ giá trị các thiệt hại được bồi thường theo quy định; việc xác định giá trị các thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm cơ quan giải quyết bồi thường xác minh thiệt hại.
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Dự thảo nêu rõ, đối với thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn của tài sản trên thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường. Thời điểm để xác định hiện trạng tài sản làm căn cứ tính toán mức bồi thường là thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường hợp tài sản bị mất là vật đặc định theo quy định của Bộ luật Dân sự thì thiệt hại được xác định của tài sản đó là giá trị tính bằng vàng tại thời điểm người bị thiệt hại có quyền sở hữu tài sản đó. Việc bồi thường trong trường hợp này được thực hiện bằng tiền tính trên giá trị tính bằng vàng của tài sản bị mất tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Trường hợp tài sản bị hư hỏng thì thiệt hại được xác định là chi phí có liên quan theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để sửa chữa, khôi phục lại tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định theo quy định trên.
Trường hợp có thiệt hại phát sinh do việc không sử dụng, khai thác tài sản thì thiệt hại được xác định là thu nhập thực tế bị mất. Đối với những tài sản trên thị trường có cho thuê, thu nhập thực tế bị mất được xác định phù hợp với mức giá thuê của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm giải quyết bồi thường; đối với những tài sản trên thị trường không có cho thuê, thu nhập thực tế bị mất được xác định trên cơ sở thu nhập do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm thiệt hại xảy ra…
Bồi thường thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết, sức khỏe bị xâm phạm
Theo dự thảo, bồi thường thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết bao gồm: Chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí cho việc mai táng người bị thiệt hại chết; tiền cấp dưỡng hàng tháng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Bồi thường thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm gồm: Chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; chi phí chăm sóc cho người bị thiệt hại và khoản cấp dưỡng hàng tháng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và có người thường xuyên chăm sóc.
Bồi thường thiệt hại về tinh thần
Ngoài thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại còn được bồi thường các thiệt hại về tinh thần sau đây: 1- Thiệt hại về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc được xác định là 3 ngày lương cơ sở cho một ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc; 2- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 5 ngày lương cơ sở cho một ngày bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù; 3- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 600 tháng lương cơ sở; 4- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá 50 tháng lương cơ sở; 5- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị tạm giữ, tạm giam được xác định là 3 ngày lương cơ sở cho một ngày bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo; 6- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật được xác định là 2 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị buộc thôi việc trái pháp luật.
Theo dự thảo, người bị thiệt hại là cá nhân được khôi phục danh dự trong các trường hợp sau đây: Bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự; bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc; pháp nhân thương mại bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thì được khôi phục uy tín…
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |