Theo dự thảo, việc bồi thường của Nhà nước chỉ được thực hiện theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nhà nước chỉ bồi thường sau khi hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ đã được xác định tại văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường. Nhà nước chỉ bồi thường cho người bị thiệt hại các thiệt hại được quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.
Dự thảo nêu rõ, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc do người bị thiệt hại không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Thời hiệu bồi thường 3 năm
Theo dự thảo, nguyên tắc giải quyết bồi thường như sau: Việc giải quyết bồi thường phải được thực hiện thông qua thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường với người yêu cầu bồi thường trước khi được thực hiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự; kịp thời, công khai, đúng pháp luật; được trả một lần bằng tiền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường có trách nhiệm tham gia vào quá trình giải quyết bồi thường.
Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 3 năm, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường được xác định theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, thanh tra, tố tụng, thi hành án và pháp luật khác có liên quan.
Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây: Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho người yêu cầu bồi thường không thể thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật; người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi đã có người đại diện nhưng người đại diện đã chết hoặc theo quy định của pháp luật thì họ không thể tiếp tục là người đại diện. Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu theo quy định này.
Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Theo dự thảo, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây: Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường theo quy định; có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây: Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; có thiệt hại thực tế do hành vi của người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |