Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      HƯỚNG DẪN NỘP THUẾ ĐIỆN TỬ

Ngày 17/06/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 84/2016/TT-BTC hướng dẫn thủ tục thu nộp ngân sách Nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa, cho phép người nộp thuế nộp thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua dịch vụ nộp thuế điện tử do ngân hàng cung cấp.

Để nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, người nộp thuế phải đăng nhập hệ thống nộp thuế điện tử bằng tài khoản giao dịch đã được cấp; chọn nộp tiền theo trường hợp “Lập giấy nộp tiền” hoặc “Lập giấy nộp tiền nộp thay” và kê khai các thông tin về loại tiền nộp thuế, người nộp thuế và người nộp thay, thông tin ngân hàng/Kho bạc Nhà nước và tài khoản trích tiền nộp thuế, thông tin nộp ngân sách Nhà nước…

Đối với nộp qua dịch vụ nộp thuế điện tử do ngân hàng cung cấp như ATM, Internet banking, mobile banking, POS hoặc hình thức thanh toán điện tử khác, người nộp thuế lập chứng từ theo hướng dẫn của từng hệ thống ngân hàng, nhưng phải đảm bảo các thông tin về khoản nộp ngân sách Nhà nước, tên cơ quan quản lý thu, thông tin tài khoản Kho bạc Nhà nước, thông tin nộp ngân sách Nhà nước…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016

 Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 2.      HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI NGHÈO ĐI LAO ĐỘNG Ở NƯỚC NGOÀI

Có hiệu lực từ ngày 01/08/2016, Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/06/2016 của Liên bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo đó, người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; thân nhân của người có công với cách mạng; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức; chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Trong đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo mức tại Điều 4 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg; mức hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo mức cụ thể và thời gian học thực tế, tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức cần thiết tối đa 530.000 đồng/người/khóa học; tiền ăn trong thời gian đào tạo là 40.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe không quá 750.000 đồng/người…

Cũng theo Thông tư này, người lao động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề theo yêu cầu của hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài sẽ được hỗ trợ một phần chi phí bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo ngoại ngữ, tối đa bằng 70% chi phí đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo nhưng không quá 03 triệu đồng/người/khóa học đối với đào tạo ngoại ngữ và mức quy định tại Điều 4 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg với đào tạo nghề. Trường hợp tham gia các chương trình đào tạo trình độ cao theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, mức hỗ trợ chi phí đào tạo theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 3.      THAY ĐỔI HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG HỢP TÁC XÃ

Ngày 17/06/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 09/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2012/TT-NHNN ngày 26/11/2012 quy định về Ngân hàng Hợp tác xã; trong đó đáng chú ý là quy định về hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã đối với các quỹ tín dụng nhân dân thành viên.

Cụ thể, ngoài việc được nhận tiền gửi điều hòa vốn, cho vay điều hòa vốn đối với các quỹ tín dụng nhân dân thành viên theo quy chế điều hòa vốn; xây dựng, phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ mới trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân thành viên đáp ứng nhu cầu của các thành viên quỹ tín dụng nhân dân và phục vụ phát triển lợi ích cộng đồng trên địa bàn như trước đây, Ngân hàng Hợp tác xã còn được mở tài khoản thanh toán, cung cấp các phương tiện thanh toán cho các quỹ tín dụng nhân dân thành viên và cho vay quỹ tín dụng nhân dân thành viên để xử lý khó khăn tạm thời về thanh khoản.

Về quyền hạn của Ngân hàng Hợp tác xã đối với quỹ tín dụng nhân dân, Thông tư bãi bỏ quyền được kiểm toán, hướng dẫn, hỗ trợ kiểm toán nội bộ các quỹ tín dụng nhân dân thành viên và quyền có ý kiến tham gia về phương án nhân sự của quỹ tín dụng nhân dân trước khi quỹ tín dụng nhân dân tiến hành bầu, bổ nhiệm các chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân. Như vậy, từ ngày 15/08/2016, Ngân hàng Hợp tác xã chỉ được tiếp cận hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; yêu cầu quỹ tín dụng nhân dân cung cấp báo cáo phục vụ cho mục đích điều hòa vốn, giám sát an toàn hệ thống và kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ, việc thực hiện các quy định về an toàn của quỹ tín dụng nhân dân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2016.

Thương mại:

  1. 4.      CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA ƯU ĐÃI QUA INTERNET

Ngày 15/06/2016, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 2412/QĐ-BCT về việc ban hành Quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi qua Internet.

Theo Quyết định này, thương nhân tham gia Quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua Internet khai báo bộ hồ sơ thương nhân điện tử trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn; trường hợp đã nộp hồ sơ thương nhân bản giấy, thương nhân cần cập nhật hồ sơ trên Hệ thống.

Thương nhân khai báo dữ liệu theo biểu mẫu sẵn có trên Hệ thống và đính kèm dưới dạng điện tử các chứng từ, văn bản; các văn bản, chứng từ này phải được thương nhân xác thực bằng chữ ký do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đặc biệt, không phải nộp bản giấy các văn bản, chứng từ đã đính kèm, trừ trường hợp được yêu cầu khi có nghi ngờ có tính xác thực của hồ sơ.

Trong thời hạn 06 giờ làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua Internet, tổ chức cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm thông báo trên Hệ thống kết quả xét duyệt hồ sơ cho thương nhân; trường hợp hồ sơ không phù hợp với quy định, tổ chức cấp Giấy chứng nhận cần nêu rõ lý do không chấp thuận và thông báo để thương nhân sửa đổi, bổ sung. Đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D, các tổ chức cấp Giấy chứng nhận tiếp nhận, xử lý hồ sơ hoàn toàn theo quy trình cấp Giấy chứng nhận qua Internet; thời gian chuyển đổi từ quy trình cấp theo hồ sơ giấy sang quy trình cấp theo Internet là 45 ngày, tính từ ngày 15/06/2016.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 5.      CẤP CHỨNG CHỈ ỨNG DỤNG CNTT THAY CHO CHỨNG CHỈ TIN HỌC A, B, C

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/06/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tổ chức thi và cấp Chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm xác nhận trình độ, năng lực sử dụng CNTT theo Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.

Chứng chỉ ứng dụng CNTT gồm 02 loại: Chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản và Chứng chỉ ứng dụng CNTT nâng cao. Để được cấp Chứng chỉ, cá nhân phải có hồ sơ đăng ký dự thi hợp lệ, đóng đầy đủ lệ phí thi theo quy định; riêng với thí sinh dự thi cấp Chứng chỉ ứng dụng CNTT nâng cao, phải có Chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản. Đề thi ứng dụng CNTT bao gồm 02 bài thi: Bài thi trắc nghiệm và Bài thi thực hành, được thực hiện trên máy tính có nối mạng LAN. Thí sinh dự thi chỉ được mang vào phòng thi giấy tờ tùy thân và các vật dụng phục vụ làm bài thi theo quy định; trường hợp đến muộn 10 phút kể từ thời điểm tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về điều kiện đối với các trung tâm tin học, ngoại ngữ - tin học, trung tâm CNTT thực hiện tổ chức thi, cấp Chứng chỉ ứng dụng CNTT. Cụ thể, phải có phòng thi và các phòng chức năng đủ để tổ chức cả 02 phần thi trắc nghiệm và thực hành cho 20 - 30 thí sinh/đợt thi trở lên; đảm bảo mỗi thí sinh một máy riêng biệt, số lượng máy dự phòng đạt tối thiểu 10% trên tổng số thí sinh dự thi; có máy ghi hình giám sát trực tuyến; có ít nhất 10 cán bộ ra đề thi và giám khảo có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT trở lên…

Đối với các khóa đào tạo, cấp Chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C đang triển khai trước ngày 10/08/2016 vẫn được tiếp tục thực hiện, cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc; các Chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C đã cấp có giá trị sử dụng tương đương với Chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/08/2016.

  1. 6.      ĐẾN 2020, ÍT NHẤT 50% TRƯỜNG PHỔ THÔNG DẠY BƠI CHO HỌC SINH

Đây là một trong những mục tiêu được nêu tại Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17/06/2016.

Cụ thể, đến năm 2020, phấn đấu 100% trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình môn học giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục của từng cấp học; 100% cơ sở giáo dục phổ thông duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng, giữa giờ, trong đó có ít nhất 50% cơ sở tổ chức dạy bơi cho học sinh; 50% trường mầm non, 70% cơ sở giáo dục phổ thông, 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam; có ít nhất 80% trường mầm mon có sân chơi, phòng học giáo dục thể chất được trang bị đủ thiết bị, đồ chơi vận động tối thiểu cho trẻ em…

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Đề án nhấn mạnh tới giải pháp đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục thể chất; trong đó, hoàn thiện chương trình giáo dục thể chất trong các trường đại học, cao đẳng, đảm bảo hài hòa giữa kiến thức cơ bản và nội dung tự chọn, khuyến khích các môn thể thao truyền thống; đưa việc tổ chức tập thể dục buổi sáng, giữa giờ thành hoạt động bắt buộc trong nội dung giáo dục thể chất, thể thao trong các trường phổ thông…

Bên cạnh đó, tổ chức phổ cập dạy và học bơi trong các trường phổ thông, đặc biệt là những địa phương ven biển, nhiều sông, hồ…; từng bước tổ chức việc dạy và học võ cổ truyền Việt Nam trong các nhà trường, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng cấp học và trình độ đào tạo…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. 7.      ĐIỀU KIỆN DỰ THI NÂNG NGẠCH CÔNG CHỨC NĂM 2016

Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1642/QĐ-BNV ngày 23/06/2016 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức năm 2016 trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước; trong đó quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi.

Cụ thể, cán bộ, công chức được đăng ký dự thi nâng ngạch khi có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn như: Được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục tính đến thời điểm đăng ký dự thi nâng ngạch; Có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt; Không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật; Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn; Đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ ngạch, văn bản, chứng chỉ, các văn bản, đề tài, chương trình, đề án theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi.

Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương, cán bộ, công chức phải thi môn kiến thức chung theo hình thức thi viết; môn chuyên môn, nghiệp vụ theo hình thức thi viết và thi trình bày, bảo vệ đề án; môn ngoại ngữ theo hình thức thi viết và thi phỏng vấn. Riêng với kỳ thi nâng ngạch lên cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính hoặc tương đương, môn chuyên môn, nghiệp vụ được thi theo hình thức trắc nghiệm; môn ngoại ngữ thi theo hình thức thi viết; ngoài ra, phải thi thêm môn tin học văn phòng theo hình thức trắc nghiệm hoặc thực hành trên máy vi tính.

Bài thi được chấm theo thang điểm 100; người trúng tuyển phải thi đủ bài thi của các môn thi theo quy định; có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên; kết quả thi nâng ngạch lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp, cho đến khi hết chỉ tiêu. Trường hợp nhiều người có kết quả thi bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng, người đứng đầu cơ quan tổ chức thi nâng ngạch có văn bản trao đổi đối với cơ quan quản lý công chức để quyết định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chính sách:

  1. 8.      KÉO DÀI THỜI GIAN HỖ TRỢ CHO NGƯ DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG DO HẢI SẢN CHẾT BẤT THƯỜNG

Ngày 25/06/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1138/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09/05/2016 về hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do hiện tưởng hải sản chết bất thường.

Theo đó, tăng thời gian hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng từ 1,5 tháng lên tối đa 06 tháng cho các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90CV, hộ gia đình làm nghề muối và hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp do hải sản chết bất thường

Tương tự, thời gian hỗ trợ cho vay thu mua, tạm trữ hải sản cũng được kéo dài thêm 01 tháng so với quy định hiện hành. Như vậy, các chủ doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 06 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 05/05/2016 - 05/07/2016, thay vì từ ngày 05/05/2016 - 05/06/2016 như trước.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 9.      ÍT NHẤT 100 DN ĐƯỢC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Chương trình bao gồm các nội dung về nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ; hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ ứng dụng các tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo cá nhân được hình thành từ thực tiễn. Cụ thể như: Biên soạn, phát hành tài liệu về tài sản trí tuệ; Áp dụng sáng chế của Việt Nam, sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam, áp dụng giống cây trồng mới; Định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ, tập trung vào các đối tượng là sáng chế, tên thương mại, nhãn hiệu của các doanh nghiệp…

Dự kiến đến năm 2020, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho khoảng 100 cá nhân, tập trung vào các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho ít nhất 50 sáng chế/giải pháp hữu ích của Việt Nam; hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho ít nhất 70 sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh; hỗ trợ ít nhất 100 doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Hành chính:

10. THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG

Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư liên tịch số 80/2016/TTLT-BTC-BTTTT ngày 13/06/2016 hướng dẫn thực hiện cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; áp dụng với các tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu lựa chọn phương thức thực hiện các thủ tục hành chính một cửa thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Để thực hiện thủ tục thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn, người khai phải có tài khoản truy cập do Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; trường hợp chưa có tài khoản, người khai truy cập vào địa chỉhttps://vnsw.gov.vn và thực hiện đăng ký thông tin hồ sơ theo quy định. Cổng thông tin một cửa quốc gia hoạt động theo nguyên tắc bảo vệ bí mật thương mại, bí mật kinh doanh đối với các giao dịch điện tử được thực hiện trên đó; đảm bảo tính chính xác, khách quan, đầy đủ và kịp thời của các giao dịch điện tử này.

Cũng theo Thông tư này, người khai hải quan và tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến nhập khẩu thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện; nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh có quyền được cung cấp thông tin về quá trình xử lý hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính một cửa; được đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ thông tin khai; được hỗ trợ đào tạo sử dụng, cung cấp thông tin cần thiết để truy cập, khai thông tin, sử dụng các tiện tích trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và phải nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/07/2016.


 

Đang truy cập: 57
Trong ngày: 222
Trong tuần: 804
Lượt truy cập: 1591946
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com