Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 1.      TĂNG 8% LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP HÀNG THÁNG CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Đây là nội dung được quy định tại Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/06/2016 của Chính phủ điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995.

Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, Nghị định số 09/1998/NĐ-CP và cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động, quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu có thời gian bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trong giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến trước ngày 01/05/2016 sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8%; thời điểm điều chỉnh tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Từ ngày 01/05/2016, vẫn giữ nguyên mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng của các đối tượng đã được điều chỉnh tăng 8% trước đó; với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nghỉ hưu từ ngày 01/05/2016 trở đi, lương hưu được tính trên mức lương cơ sở mới 1,21 triệu đồng/tháng theo cách tính quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội.

Trường hợp mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng sau điều chỉnh thấp hơn 2 triệu đồng/tháng thì mức hưởng lương hưu được tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng với người có lương hưu từ 1,75 triệu đồng/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2 triệu đồng/người/tháng với những người có mức lương hưu từ trên 1,75 triệu đồng/người/tháng đến dưới 2 triệu đồng/người/tháng… Mức hưởng được điều chỉnh từ ngày 01/01/2016 đối với người đang hưởng trước ngày 01/01/2016 và tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với người bắt đầu hưởng trong giai đoạn từ ngày 01/01/2016 - 31/12/2016.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.

  1. 2.      TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI NLĐ TẠI CÔNG TY CÓ VỐN GÓP NHÀ NƯỚC

Theo Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13/06/2016 của Chính phủ quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, đơn giá tiền lương để điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạm ứng lương cho người lao động trong công ty được xác định dựa theo quỹ tiền lương kế hoạch và điều kiện thực tế của công ty; quy chế trả lương và phân phối tiền lương được xây dựng gắn với mức độ đóng góp và hiệu quả thực hiện công việc của người lao động.

Đối với người quản lý công ty chuyên trách, quỹ tiền lương được căn cứ vào quỹ tiền lương kế hoạch, các chỉ tiêu theo quy định và mức độ hoàn thành lợi nhuận kế hoạch, trong đó nếu lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch, người quản lý được tính thêm 2% tiền lương tương ứng với 1% lợi nhuận vượt, nhưng tối đa không quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch. Với người quản lý công ty không chuyên trách, quỹ thù lao được xác định trên cơ sở số lượng người quản lý công ty, thời gian thực tế làm việc và mức thù lao tối đa bằng 20% mức tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách.

Về tiền thưởng, phúc lợi, Nghị định quy định, mức thưởng, phúc lợi được xác định dựa theo lợi nhuận hàng năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Trong đó, quỹ khen thưởng phúc lợi của người lao động tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện. Quỹ thưởng của người quản lý công ty tối đa không quá 1,5 tháng lương bình quân thực hiện nếu lợi nhuận thực hiện bằng hoặc cao hơn lợi nhuận kế hoạch; trường hợp thấp hơn, tiền thưởng tối đa không quá 1 tháng tiền lương bình quân thực hiện.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.

  1. QUY ĐỊNH TIỀN LƯƠNG CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ TRONG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Ngày 13/06/2016, Nghị định số 52/2016/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành, quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo đó, đối với tập đoàn kinh tế, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách dao động từ 8,80 - 9,10; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 8,50 - 8,80; Kế toán trưởng là 7,76 - 7,90…. Với tổng công ty đặc biệt, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách là 8,20 - 8,50; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 7,85 - 8,20; Kế toán trưởng là 7,00 - 7,33. Với tổng công ty và tương đương, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách là 7,78 - 8,12; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 7,45 - 7,78; Kế toán trưởng là 6,64 - 6,79…

Với những người quản lý công ty không chuyên trách, thù lao được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách; đối với người quản lý công ty được cử đại diện vốn góp ở nhiều công ty, doanh nghiệp khác thì khoản thù lao do công ty, doanh nghiệp khác trả được nộp về công ty để chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại công ty…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016; các chế độ được quy định tại Nghị định được áp dụng từ ngày 01/01/2016.

  1. 4.      QUẢN LÝ LAO ĐỘNG TRONG CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN NHÀ NƯỚC

Có hiệu lực từ ngày 01/08/2016, Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/06/2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải xây dựng kế hoạch lao động hàng năm làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động; đảm bảo tổng số lao động theo kế hoạch trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường không được vượt quá 5% so với số lao động thực tế đã sử dụng bình quân của năm trước liền kề.

Trường hợp tuyển dụng vượt quá kế hoạch hoặc không đúng kế hoạch dẫn đến người lao động không có việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động thì Tổng giám đốc, Giám đốc hoặc Chủ tịch công ty, Hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm và không được thưởng, không được tăng lương, kéo dài thời gian nâng lương, giảm mức tiền lương. Đây cũng là nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý.

Cũng theo Nghị định này, công ty được trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau, tối đa bằng 17% quỹ tiền lương thực hiện. Riêng với công ty sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ, quỹ dự phòng không được vượt quá 20% quỹ tiền lương thực hiện.

  1. 5.      HƯỚNG DẪN TÍNH LƯƠNG VỚI CÁN BỘ HƯỞNG LƯƠNG NHÀ NƯỚC

Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2016/TT-BNV ngày 10/06/2016 hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội.

Theo quy định tại Thông tư này, từ ngày 01/05/2016, mức lương đối với cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý và viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập… được tính bằng mức lương cơ sở 1,21 triệu đồng/tháng nhân với số lương hiện hưởng.

Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/05/2016 bằng 1,21 triệu đồng/tháng nhân với hệ số phụ cấp hiện hưởng; mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu bằng 1,21 triệu đồng/tháng nhân với hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có). Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hưởng hoạt động phí theo quy định hiện hành, mức hoạt động phí thực hiện từ ngày 01/05/2016 bằng 1,21 triệu đồng/tháng nhân với hệ số hoạt động phí theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 6.      2 TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ GIA HẠN TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT

Theo Thông tư số 08/2016/TT-NHNN ngày 16/06/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/09/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổ chức tín dụng được đề nghị gia hạn trái phiếu đặc biệt do VAMC đã phát hành nếu đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc đang gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC đã phát hành dẫn đến chênh lệch thu chi trước thuế dự kiến của năm đề nghị gia hạn bị âm.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng thay đổi điều kiện miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Cụ thể, khách hàng vay hợp tác tốt với VAMC, tổ chức tín dụng được ủy quyền trong việc cung cấp hồ sơ thông tin, giao nhận tài sản bảo đảm và các vấn đề khác liên quan đến khoản nợ và tài sản bảo đảm; khách hàng vay gặp khó khăn tạm thời về tài chính và việc miễn, giảm tiền lãi quá hạn này góp phần giúp giảm bớt khó khăn về tài chính, phục hồi sản xuất kinh doanh; khách hàng vay có phương án trả nợ hoặc phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thi để có nguồn vốn trả nợ sẽ được xem xét giảm một phần hoặc miễn toàn bộ tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ xấu.

Về việc bán nợ xấu được mua theo giá thị trường, VAMC được lựa chọn, quyết định và chịu trách nhiệm bán các khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ hoặc phương thức đấu giá hoặc phương thức chào giá cạnh tranh. Trường hợp bán theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ, giá bán khoản nợ không thấp hơn giá VAMC mua khoản nợ đó.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề

  1. 7.      CÔNG TÁC TỔ CHỨC KỲ THI THPT QUỐC GIA CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Ngày 17/06/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 2071/CT-BGDĐT về tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Với những trường đại học, cao đẳng được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải rà soát tổng thể kế hoạch triển khai kỳ thi, đảm bảo an ninh, trật tự, không để xảy ra ách tắc giao thông ở các điểm thi; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, điện, nước và làm tốt công tác huy động các tổ chức, cá nhân, các lực lượng xã hội tham gia hỗ trợ cho thí sinh và người nhà trong việc ăn, nghỉ, đi lại; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường xảy ra… Đồng thời, tổ chức cho thí sinh điều chỉnh sai sót các
thông tin cá nhân trong ngày làm thủ tục dự thi; làm thủ tục cho thí sinh bị thất lạc giấy báo dự thi…

Về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ yêu cầu các trường đại học, cao đẳng phải tổ chức tốt công tác tiếp nhận thông tin đăng ký xét tuyển của thi sinh, tuyệt đối không để xảy ra lộn xộn, mất trật tự, gây bức xúc dư luận tại những nơi tiếp nhận đăng ký xét tuyển; lựa chọn phần mềm xét tuyển phù hợp; kiểm tra độ tin cậy của phần mềm, nhất là phần mềm xét tuyển do trường tự viết, tuyệt đối không để xảy ra sai sót mang tính hệ thống. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố; nếu tuyển sinh đợt trước không đủ chỉ tiêu thì tuyển sinh tiếp các đợt sau, không được tuyển sinh vượt chỉ tiêu

  1. 8.      XÂY DỰNG CƠ SỞ 2 ĐH LUẬT HÀ NỘI TẠI BẮC NINH

Tại Quyết định số 1069/QĐ-TTg ngày 15/06/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cơ sở 2 trường Đại học Luật Hà Nội tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Cụ thể, cơ sở 2 của trường Đại học Luật Hà Nội được xây dựng tại phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; có diện tích khoảng 27ha, tổng diện tích sàn khoảng 93.176m2. Tổng mức đầu tư của dự án gần 1.800 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 70%; vốn tích lũy của trường 15%; vốn ODA và huy động chiếm 15%. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tiến hành xây dựng nhà hành chính, thư viện, hội trường, giảng đường và một phần hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí là 907.200 triệu đồng; giai đoạn 2021 - 2024, xây dựng các công trình còn lại với tổng kinh phí là 891.426 triệu đồng.

Cơ sở 2 của trường Đại học Luật Hà Nội được xây dựng nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, tạo tiền đề thuận lợi cho mô hình quản trị đại học tiên tiến góp phần phát triển thành trường đại học trọng điểm, phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực pháp luật…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Chính sách:

  1. SẼ NÂNG MỨC HỌC BỔNG HỌC SINH DÂN TỘC NỘI TRÚ

Ngày 15/06/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, nâng tuổi thọ bình quân của người dân tộc thiểu số lên 73 tuổi; ít nhất 25% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ, 75% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở mầm non; tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi bậc tiểu học là 97%, trung học cơ sở là 93% và 50% người trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương…, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp về giáo dục và đào tạo; y tế, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm.

Cụ thể: Nâng mức học bổng học sinh dân tộc nội trú và định mức hỗ trợ học sinh bán trú phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước; Mở rộng dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số, quản lý thai, khám thai định kỳ; nghiên cứu sửa đổi theo hướng nâng cao định mức hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số; Mở rộng công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ dinh dưỡng “uống sữa miễn phí” cho trẻ em từ 2 - 3 tuổi; Mở rộng các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện nghèo; Tổ chức liên thông trung học cơ sở và trung học phổ thông tại trường dân tộc nội trú cấp huyện…

10. TỔ CHỨC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CÔNG LẬP ĐƯỢC MIỄN THUẾ ĐẾN 4 NĂM

Chính sách ưu đãi đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/06/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công  lập.

Theo đó, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cụ thể, tổ chức khoa học công nghệ công lập được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm; được miễn thuế tối đa không quá 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 09 năm tiếp theo.

Bên cạnh ưu đãi về thuế, tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, trong đó: Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Được vay vốn từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở các Bộ, ngành, địa  phương và các quỹ khác… Đồng thời, tổ chức khoa học và công nghệ công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, huy động vốn của công chức, viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ…

Nghi định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.

11. TRỢ CẤP ĐẾN 1,815 TRIỆU CHO NGƯỜI CÓ THÀNH TÍCH TRONG KHÁNG CHIẾN

Ngày 14/06/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg về trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Theo đó, người có thành tích tham gia kháng chiến, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ sẽ được trợ cấp một lần với mức tiền 1,815 triệu đồng; nếu được nhận Bằng khen cấp Bộ, cấp tỉnh, mức trợ cấp một lần là 1,21 triệu đồng. Trường hợp người có bằng khen đã từ trần mà chưa được hưởng trợ cấp một lần thì đại diện nhân thân được hưởng thay. Đặc biệt, không giải quyết mức trợ cấp một lần với người tham gia kháng chiến được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến.

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bao gồm: Bản khai cá nhân của người được tặng Bằng khen; Bản khai cá nhân của đại diện thân nhân kèm biên bản ủy quyền (trường hợp người có Bằng khen đã từ trần); Bản sao Bằng khen hoặc quyết định khen thưởng…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.

12. SẼ CÓ ÍT NHẤT 100 DN ĐƯỢC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/06/2016, với muc tiêu nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Chương trình bao gồm các nội dung về nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ; hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ ứng dụng các tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo cá nhân được hình thành từ thực tiễn. Cụ thể như: Biên soạn, phát hành tài liệu về tài sản trí tuệ; Áp dụng sáng chế của Việt Nam, sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam, áp dụng giống cây trồng mới; Định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ, tập trung vào các đối tượng là sáng chế, tên thương mại, nhãn hiệu của các doanh nghiệp…

Dự kiến đến năm 2020, hỗ trợ ít nhất 100 doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho khoảng 100 cá nhân, tập trung vào các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho ít nhất 50 sáng chế/giải pháp hữu ích của Việt Nam; hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho ít nhất 70 sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 56
Trong ngày: 236
Trong tuần: 818
Lượt truy cập: 1591963
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com