Đây là đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông tại dự thảo Quyết định phương án ứng cứu khẩn cấp đảm bảo an toàn thông tin mạng quốc gia.
Theo dự thảo, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng (Ban chỉ đạo Quốc gia). Thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm gồm: Chủ tịch Ban chỉ đạo Quốc gia là Thủ tướng Chính phủ; thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia bao gồm: Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương.
Ban chỉ đạo Quốc gia tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. Ban chỉ đạo Quốc gia chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ ngành liên quan, các cơ quan nhà nước tại trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan trong công tác ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng.
Theo dự thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thành lập cơ quan thường trực, giúp việc cho Ban chỉ đạo Quốc gia và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách nhằm thực hiện các công tác cụ thể sau: Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền yêu cầu ứng cứu khẩn cấp an toàn thông tin mạng quốc gia; chỉ định đầu mối tiếp nhận, thu thập, xử lý thông báo phát hiện sự cố mất an toàn thông tin mạng quốc gia; chủ trì triển khai các hoạt động giám sát để phát hiện sớm khi có sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia; phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan nhà nước tại trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia để tiến hành phân tích, xử lý các thông tin, đưa ra các đánh giá, đề xuất; phản hồi với Chủ quản hệ thống thông tin về việc đã nhận được thông báo và đưa ra một số phương án xử lý tạm thời; lên phương án chi tiết ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin để trình Ban chỉ đạo Quốc gia về ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng phê duyệt triển khai; đầu mối chủ trì, điều phối, phân công nhiệm vụ cho các bộ phận chuyên trách về ứng cứu sự cố tại các Bộ ngành, cơ quan nhà nước tại trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp để triển khai phương án ứng cứu đã được phê duyệt; trong trường hợp cần thiết, sẽ là đầu mối quốc gia phối hợp với các đơn vị chức năng của các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế để xử lý các sự cố liên quốc gia; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành của các đơn vị liên quan để báo cáo lên Ban chỉ đạo Quốc gia về ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng.
Bộ phận tác chiến ứng cứu sự cố khẩn cấp
Theo dự thảo, sẽ thành lập bộ phận tác chiến triển khai ứng cứu sự cố (Bộ phận tác chiến) cụ thể như sau: Bộ phận tác chiến cấp 1 do Bộ Thông tin và truyền thông triệu tập từ các bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên phạm vi toàn quốc; bộ phận tác chiến cấp 2 do Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổ chức chính trị, xã hội triệu tập từ các bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phạm vi liên bộ, ngành; bộ phận tác chiến cấp 3 do Ban chỉ đạo nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triệu tập từ các bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phạm vi liên tỉnh, thành; bộ phận tác chiến cấp 4 triệu tập từ các bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phạm vi một hoặc một vài doanh nghiệp.
Bộ phận tác chiến có quyền sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, thiết bị khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động ứng cứu sự cố; yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp viễn thông có liên quan phối hợp thực hiện các công việc cần thiết cho hoạt động ứng cứu sự cố; kiểm tra hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động ứng cứu sự cố.
Bộ phận tác chiến cấp 1 ngoài nhiệm vụ quyền hạn trên có quyền trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Đồng thời, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hoặc các hoạt động khác từ hệ thống thông tin khi có căn cứ xác định các hoạt động này gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích công cộng hoặc tổn hại nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |