Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 1.      CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ KHÔNG ĐƯỢC VAY ĐỂ ĐẦU TƯ

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư số 15/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 183/2011/TT-BTC ngày 16/12/2011 hướng dẫn về việc thành lập và quản lý Quỹ mở, do Bộ Tài chính ban hành ngày 20/01/2016, có hiệu lực từ ngày 15/03/2016.

Cụ thể, công ty quản lý quỹ không được phép vay để đầu tư, trừ trường hợp vay ngắn hạn để trang trải các chi phí cần thiết cho quỹ hoặc thực hiện thanh toán các giao dịch chứng chỉ quỹ với nhà đầu tư. Trong đó, tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn của quỹ, không bao gồm các khoản tạm ứng, các khoản phải trả, không được quá 5% giá trị tài sản ròng của quỹ tại mọi thời điểm và thời hạn vay tối đa 30 ngày.

Về lệnh mua chứng chỉ quỹ, Thông tư quy định tiền mua chứng chỉ quỹ sau khi chuyển vào tài khoản tiền của quỹ tại ngân hàng giám sát thì được giải ngân để đầu tư ngay trong ngày giao dịch chứng chỉ quỹ; trong khi trước đây quy định tiền mua chứng chỉ quỹ được chuyển vào tài khoản tiền của quỹ đặt tại ngân hàng giám sát và chỉ được giải ngân để đầu tư sau ngày giao dịch chứng chỉ quỹ.

Trường hợp lệnh mua chứng chỉ quỹ và việc thanh toán cho lệnh mua được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức khác không phải là nhà đầu tư thì phiếu lệnh và tài liệu xác nhận việc thanh toán phải nêu rõ tên, số tài khoản và giá trị thanh toán của nhà đầu tư được hưởng lợi.

  1. 2.      THẾ CHẤP TÀI SẢN BẢO ĐẢM KHOẢN VAY ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH

Không dùng tài sản hình thành từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác; với các tài sản hình thành từ nguồn vốn được Chính phủ bảo lãnh và các nguồn vốn khác, bên thế chấp chỉ được thế chấp phần giá trị vượt quá dư nợ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho bên thứ ba, đồng thời vẫn phải đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ và phải có ý kiến của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

Trên đây những nguyên tắc chung về tài sản thế chấp quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 hướng dẫn thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định, hợp đồng thế chấp tài sản phải được bên thế chấp đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm hoặc tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trường hợp tài sản chưa có quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm, bên thế chấp báo cáo Bộ Tài chính ngay trong hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh để trình Thủ tướng Chính phủ việc áp dụng quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Mọi chi phí phát sinh trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ do bên thế chấp chịu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2016.

Thương mại:

  1. 3.      ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH TẠI VIỆT NAM

Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã được Chính phủ ban hành ngày 25/01/2016; trong đó quy định một thương nhận nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một văn phòng đại diện hoặc chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để được cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài phải được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…; nội dung hoạt động của văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Đặc biệt, thương nhân nước ngoài phải đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện hoặc đã hoạt động ít nhất 05 năm đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh (nếu Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ).

Cũng theo Nghị định này, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/03/2016.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 4.      TỪ 16/3/2017, MUỐI ĂN PHẢI ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG I-ỐT

Ngày 28/01/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, quy định, từ ngày 16/03/2017, muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt để phòng, chống bệnh bướu cổ, đần độn và các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra.

Đối với bột mỳ và dầu thực vật, Chính phủ yêu cầu từ ngày 16/03/2018, phải tăng cường sắt và kẽm trong bột mỳ dùng trong chế biến; tăng cường vitamin A trong dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc (trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp).

Mục đích của việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào bột mỳ và dầu thực vật nhằm phòng, chống thiếu máu, thiếu sắt, khắc phục các hậu quả do thiếu máu, thiếu sắt gây ra như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ; cải thiện tăng trưởng góp phần nâng cao tầm vóc con người, phòng, chống một số rối loạn chuyển hóa, biệt hóa tế bào, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương; phòng, chống khô mắt, mù lòa và khắc phục các hậu quả như còi cọc, suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A gây ra và góp phần tăng cường sức đề kháng cơ thể…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2016.

  1. 5.      ĐIỀU KIỆN CÔNG BỐ DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, chỉ cần có ít nhất 01 người bệnh được chẩn đoán xác định nhiễm bệnh, sẽ chính thức công bố dịch bệnh truyền nhiễm đối với các bệnh thuộc nhóm A, bao gồm: Bệnh bại liệt; Bệnh cúm A-H5N1; Bệnh cúm A-H7N9; Bệnh dịch hạch; Bệnh đậu mùa; Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la, Lát-sa hoặc Mác-bớc; Bệnh sốt vàng; Bệnh tả; Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV); Bệnh sốt Tây sông Nin.

Đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B, C như: Bệnh ho gà; Bệnh sởi; Bệnh sốt rét; Bệnh tay-chân-miệng; Bệnh than, Bệnh viêm gan vi rút; Bệnh viêm não vi rút…, một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 03 năm gần nhất; một quận, huyện, thị xã được coi là có dịch khi có từ 02 xã có dịch trở lên; một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 02 huyện có dịch trở lên.

Dịch bệnh sẽ được Bộ Y tế công bố trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh (đối với bệnh nhóm A); được Chủ tịch UBND tỉnh nơi xảy ra dịch xem xét quyết định công bố trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của Sở Y tế (với bệnh nhóm B, C).

Quyết định này thay thế Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2016.

Chứng khoán:

  1. 6.      NHÀ ĐẦU TƯ ĐƯỢC MỞ NHIỀU TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

Đây là một trong những nội dung về tài khoản giao dịch của nhà đầu tư quy định tại Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/05/2015 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Cụ thể, nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh theo nguyên tắc tại mỗi thành viên giao dịch chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch. Ứng với mỗi tài khoản giao dịch, nhà đầu tư được mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ được chỉ định theo quy định. Công ty quản lý quỹ được mở cho mỗi nhà đầu tư ủy thác 01 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh đứng tên công ty tại thành viên giao dịch.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng cho phép công ty chứng khoán có Giấy chứng nhận đủ điều kiện tự doanh chứng khoán phái sinh, không phải là thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh được mở tài khoản giao dịch và tài khoản ký quỹ để đầu tư chứng khoán phái sinh. Công ty chứng khoán thành lập ở nước ngoài được mở 01 tài khoản để thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh và 01 tài khoản để thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh cho các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Cũng theo Thông tư này, để được kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định, không có lỗ trong 02 năm gần nhất; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất trước tháng nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh; có báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; trong đó, ý kiến của kiểm toán tại các báo cáo tài chính này phải là chấp nhận toàn bộ, không có ngoại trừ hoặc lưu ý…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

Khoa học-Công nghệ:

  1. 7.      ĐẾN 2030, VIỆT NAM CÓ 30 TỔ CHỨC KH-CN CÔNG LẬP TRÌNH ĐỘ THẾ GIỚI

Nhằm mục tiêu sắp xếp, kiện toàn và đẩy mạnh tái cấu trúc để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ (KH-CN) công lập; đến năm 2030, có khoảng 30 tổ chức KH-CN công lập đạt trình độ khu vực và thế giới, khoảng 70% cán bộ nghiên cứu của tổ chức KH-CN công lập có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó, ít nhất 30% là tiến sĩ…, ngày 27/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 171/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH-CN công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch được thực hiện trong 02 giai đoạn; trong đó giai đoạn từ năm 2016 - 2020 sẽ tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp cơ cấu bên trong của từng tổ chức KH-CN công lập theo hướng thu gọn các đầu mối trực thuộc; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, từng bước chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ KH-CN có đủ điều kiện sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa; khuyến khích các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ KH-CN chuyển sang tự chủ hoàn toàn, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Giai đoạn từ năm 2021 - 2030 sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc mạng lưới tổ chức KH-CN công lập theo hướng giảm số lượng tổ chức, tăng quy mô, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức KH-CN công lập trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất các tổ chức trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; giải thể tổ chức hoạt động không hiệu quả hoặc không cần thiết phải duy trì hoạt động; cổ phần hóa các tổ chức đủ điều kiện hoặc không cần thiết phải duy trì dưới hình thức công lập…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. 8.      ĐẾN 2020, 100% CÁN BỘ XÃ CÓ TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP TRỞ LÊN

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, ngày 25/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 163/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025.

Đề án được thực hiện trong 02 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2016 - 2020, thực hiện phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và trách nhiệm của các bên liên quan; xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, khoa học; nâng cao năng lực hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng... Giai đoạn 2, từ năm 2021 - 2025, tạo lập cơ chế duy trì các mục tiêu đã đạt được, bảo đảm chất lượng và hiệu quả bền vững; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng tăng cường bồi dưỡng theo nhu cầu, yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện bồi dưỡng trước khi đề bạt, bổ nhiệm; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Dự kiến đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm; ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; ít nhất 70% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm… Hàng năm, ít nhất 60% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ; ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thông tin-Truyền thông:

  1. 9.      DN VIỄN THÔNG PHẢI GỬI BÁO CÁO DOANH THU NĂM, SAU KỲ KẾ TOÁN 30 NGÀY

Ngày 25/01/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 21/2013/TT-BTTTT ngày 18/12/2013 quy định doanh thu dịch vụ viễn thông.

Trong đó, đáng chú ý là quy định chi tiết về thời hạn thực hiện báo cáo doanh thu dịch vụ viễn thông. Cụ thể, công ty viễn thông phải gửi báo cáo doanh thu dịch vụ viễn thông quý về Cục Viễn thông chậm nhất 20 ngày từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý; với tổng công ty viễn thông thời hạn thực hiện báo cáo doanh thu quý chậm nhất là 45 ngày.

Đối với báo cáo doanh thu dịch vụ viễn thông năm, thời hạn thực hiện báo cáo chậm nhất là 30 ngày với các công ty và 90 ngày với các tổng công ty, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2016; áp dụng với các báo cáo doanh thu dịch vụ viễn thông từ năm 2016 trở đi.

Chính sách kinh tế-xã hội:

10. TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG

Trước tình trạng một số chính sách ưu đãi đối với người có công với Cách mạng còn hạn chế, vẫn có người hưởng sai chế độ ưu đãi…, ngày 25/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với Cách mạng.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu toàn diện các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng để đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện; hướng dẫn giải quyết những trường hợp đề nghị xác nhận là người có công với Cách mạng còn tồn đọng; xử lý nghiêm những việc làm sai trái, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; kiên quyết đình chỉ việc thụ hưởng chế độ và thu hồi khoản tiền hưởng sai chế độ.

Đồng thời, khẩn trương giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh do ngành quản lý còn tồn đọng; chủ trì phối hợp với các địa phương thanh tra, kết luận đối với những trường hợp có đơn thư tố cáo, phản ánh đối tượng do ngành xác nhận và lập hồ sơ hưởng sai chế độ, chính sách ưu đãi; tập trung giải quyết dứt điểm những trường hợp liên quan…

Hành chính:

11. HÀ NỘI, TP.HCM CÓ TỐI ĐA 5 PHÓ CHỦ TỊCH UBND

Ngày 25/01/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2016/NĐ-CP quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân.

Theo Nghị định này, ở đô thị, các thành phố trực thuộc Trung ương được có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND; riêng TP. Hà Nội và TP.HCM có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND. Tại các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND. Tại các phường, thị trấn loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

Ở nông thôn, tỉnh loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND, tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; xã loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thì Phó Chủ tịch UBND do luân chuyển, điều động nằm ngoài số lượng Phó Chủ tịch UBND nêu trên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tăng thêm Phó Chủ tịch UBND các cấp để thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ, nhưng bảo đảm số lượng Phó Chủ tịch UBND tăng thêm tại một đơn vị hành chính do luân chuyển hoặc điều động không quá 01 người.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.

12. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CỬ TRI LẤY Ý KIẾN NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HĐND

Theo Nghị quyết số 1134/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 18/01/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung, việc tổ chức hội nghị cử tri lấy ý kiến người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được tổ chức ở nơi người ứng cử công tác hoặc làm việc (nếu có).

Số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở những nơi có dưới 100 cử tri phải bảo đảm ít nhất bằng 2/3 tổng số cử tri. Đối với những nơi có từ 100 cử tri trở lên, có thể tổ chức hội nghị đại diện cử tri, nhưng phải đảm bảo ít nhất 70 cử tri tham dự.

Về việc tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú, số lượng cử tri tham dự phải trên 50% nếu địa phương có dưới 100 cử tri; trường hợp có từ 100 cử tri trở lên, phải đảm bảo ít nhất là 55 cử tri tham dự. Thành phần dự hội nghị do Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để mời cử tri đến dự.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

13. ÍT NHẤT 35% ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HĐND NHIỆM KỲ 2016 - 2021 LÀ NỮ

Theo Nghị quyết số 1132/NQ-UBTVQH13 ngày 16/01/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2011 ở mỗi đơn vị hành chính phải đảm bảo ít nhất 35% trong danh sách chính thức là phụ nữ.

Đồng thời, việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 phải bảo đảm số lượng hợp lý người được giới thiệu ứng cử là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương; phấn đấu số đại biểu được bầu là người dân tộc thiểu số không thấp hơn số đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016 là người dân tộc thiểu số ở đơn vị hành chính đó; phấn đấu không dưới 10% người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người ngoài Đảng; ít nhất 15% là người dưới 35 tuổi và tối thiểu 30% đại biểu HĐND nhiệm kỳ trước tái cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND để bố trí làm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, bảo đảm 02 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; mỗi ban của HĐND cấp tỉnh có ít nhất 02 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách…

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Cơ cấu tổ chức:

14. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP TÒA CHUYÊN TRÁCH TẠI TAND CẤP TỈNH, HUYỆN

Việc tổ chức các tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương đã được quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-CA do Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành ngày 21/01/2016.

Theo Thông tư này, việc tổ chức các tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện phải đáp ứng các điều kiện: Số lượng vụ việc mà tòa án thụ lý, giải quyết thuộc thẩm quyền của tòa chuyên trách phải từ 50 vụ/năm trở lên; có biên chế thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án đáp ứng các yêu cầu tổ chức của tòa chuyên trách. Trong trường hợp tòa án không đáp ứng đủ các điều kiện này thì không tổ chức tòa chuyên trách nhưng phải bố trí thẩm phán chuyên trách để giải quyết.

Về thẩm quyền của các tòa chuyên trách, Thông tư quy định, Tòa Hình sự xét xử các vụ án hình sự, trừ các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Gia đình và người chưa thành niên…; Tòa Dân sự giải quyết các vụ việc dân sự; vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản, lao động, hành chính trong trường hợp tại tòa án đó không tổ chức Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Hành chính; Tòa Kinh tế giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản; Tòa Hành chính giải quyết các vụ việc hành chính; Tòa Lao động giải quyết các vụ việc lao động…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/03/2016.


 

Đang truy cập: 8
Trong ngày: 152
Trong tuần: 738
Lượt truy cập: 1591863
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com