Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ BÁN HÀNG MIỄN THUẾ CHO HÀNH KHÁCH TRÊN TÀU BAY

Thông tư số 207/2015/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành ngày 25/12/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 148/2013/TT-BTC ngày 25/10/2013 hướng dẫn thi hành Quy chế kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/02/2009 và Quyết định số 44/2013/QĐ-TTg ngày 19/07/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, từ ngày 10/02/2016 - ngày Thông tư có hiệu lực, thương nhân kinh doanh bán hàng miễn thuế cho khách hàng trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam phải căn cứ lịch trình các chuyến bay quốc tế, lập phiếu cấp hàng cho từng chuyến bay với các thông tin về tên hàng, đơn vị tính, số lượng, mã hàng hóa (nếu có). Ngay sau khi làm thủ tục nhập cảnh, thương nhân sẽ được nhận bàn giao từ tiếp viên trưởng 02 bảng kê lượng tiền mặt, ngoại tệ thu được từ bán hàng miễn thuế trên máy bay và lượng tiền mặt, ngoại tệ thu được từ việc bán hàng trên tàu bay nhập cảnh, xuất trình cho cơ quan hải quan để thực hiện kiểm tra, xác nhận.

Chậm nhất 24 giờ kể từ khi tàu bay đỗ tại vị trí chỉ định của Cảng vụ Hàng không sân bay quốc tế, thương nhân kinh doanh bán hàng miễn thuế trên chuyến bay quốc tế đến Việt Nam phải kê khai họ tên người mua hàng, số hiệu chuyến bay, ngày bay, tên hàng, số lượng, trị giá, tổng lượng, tổng trị giá trên chương trình phần mềm quản lý kinh doanh bán hàng miễn thuế.

Cũng từ ngày 10/02/2016, ngoài một số loại rượu, đồ uống có cồn, bia, thuốc lá, xì gà theo quy định, thuyền viên trên tàu biển vận tải quốc tế cũng được mua các hàng hóa khác tại cửa hàng miễn thuế để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân. 

Đầu tư:

  1. 2.      HƯỚNG DẪN VỀ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

Nghị định số 131/2015/NĐ-CP hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia, bao gồm: Tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định Nhà nước; Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định và nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia; Thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra dự án quan trọng quốc gia được Chính phủ ban hành ngày 25/12/2015.

Theo Nghị định, Hội đồng thẩm định Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo từng dự án, có nhiệm vụ tổ chức thẩm định các dự án quan trọng quốc gia để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Hội đồng thẩm định bao gồm: Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan do Thủ tướng quyết định theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hội đồng thẩm định Nhà nước làm việc theo chế độ tập thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% thành viên tham dự, các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số; sau khi hoàn thành công việc thẩm định, Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ tự giải thể.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2016.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 3.      THỜI HẠN HOẠT ĐỘNG TỔ CHỨC TÍN DỤNG PHI NGÂN HÀNG TỐI ĐA 50 NĂM

Ngày 25/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nhấn mạnh thời hạn hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng tối đa là 50 năm. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải tiến hành khai trương hoạt động trong 12 tháng kể từ ngày được cấp phép; quá thời hạn này mà không khai trương hoạt động sẽ bị thu hồi Giấy phép.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về điều kiện cấp Giấy phép đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần. Cụ thể, phải có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức, mang quốc tịch Việt Nam và kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép (nếu tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam) hoặc có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng (đối với ngân hàng thương mại Việt Nam)…

Với tổ chức tín dụng phi ngân hàng trách nhiệm hữu hạn có chủ sở hữu, thành viên sáng lập là tổ chức nước ngoài, Thông tư quy định, chủ sở hữu, thành viên sáng lập phải có tổng tài sản trên 10 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép; không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động ngân hàng và các quy định pháp luật khác của nước nguyên xứ trong 05 năm liền kề; đặc biệt, không phải là cổ đông chiến lược, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp tổ chức tín dụng nước ngoài là công ty cho thuê thì số dư cho thuê tài chính và cho vay phải chiếm tối thiểu 70% tổng tài sản của công ty.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/02/2016.

  1. CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHẢI TIẾT KIỆM CHI ĐỂ TẠO NGUỒN TĂNG LƯƠNG

Đây là yêu cầu được Bộ Tài chính đề ra tại Thông tư số 206/2015/TT-BTC ngày 24/12/2015 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016; có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 và áp dụng đối với năm ngân sách 2016.

Cụ thể, để tạo nguồn thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp trong năm 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2016 (không kể các khoản chi tiền lương, có tính chất lương) nhưng không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao. Ngoài ra, các địa phương còn phải thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, có tính chất lương) ngay từ khâu dự toán và giữ lại phần tiết kiệm ở các cấp ngân sách trước khi giao dự toán cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương để bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2016.

Ngoài các khoản tiết kiệm nêu trên, nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 của các địa phương còn bao gồm: 50% tăng thu ngân sách địa phương năm 2015 so với dự toán (không kể thu tiền sử dụng đất); 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) dự toán năm 2016 so với dự toán năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ giao; Nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2015 trở về trước chưa sử dụng chuyển sang…

UBND cấp tỉnh sau khi thực hiện các biện pháp tạo nguồn như trên mà không đủ nguồn thì ngân sách Trung ương hỗ trợ để đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương.

  1. 5.      CHI HỖ TRỢ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHĂN NUÔI NÔNG HỘ

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23/12/2015 quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.

Theo quy định tại Thông tư này, hộ gia đình sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của cấp có thẩm quyền, trực tiếp chăn nuôi gia súc để thực hiện phối giống dịch vụ được hỗ trợ một phần kinh phí mua giống lợn, trâu, bò. Tương tự, các chủ hộ chăn nuôi lợn đực giống, trâu đực giống, bò đực giống để phối giống dịch vụ; chăn nuôi gà giống, vịt giống bố mẹ hậu bị (gắn với ấp nở cung cấp con giống) đảm bảo các điều kiện theo quy định đã mua con giống và có hóa đơn tài chính cũng được hỗ trợ một phần kinh phí đã mua con giống.

Bên cạnh đó, cá nhân tham gia trực tiếp khóa học đào tạo, tập huấn về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc cũng được hỗ trợ với mức tiền ăn tối đa 70.000 đồng/người/ngày thực học; tiền đi lại tối đa 150.000 đồng/người/khóa học; trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/02/2016; các chính sách nêu trên được thực hiện từ ngày 01/01/2015.

Đấu thầu-Cạnh tranh:

  1. 6.      THỜI GIAN ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU TỐI ĐA LÀ 60 NGÀY

Nội dung này được nêu tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 21/12/2015 quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.

Cụ thể, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, nhưng không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.

Cũng theo Thông tư này, trong quy chế làm việc hoặc trong cách thức làm việc của tổ chuyên gia ở báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu phải nêu rõ cách xử lý nếu 01 thành viên trong tổ chuyên gia có ý kiến khác biệt so với đa số thành viên khác; thành viên của tổ chuyên gia có quyền bảo lưu ý kiến của mình. Trường hợp nhà thầu cùng lúc tham dự nhiều gói thầu và được đánh giá xếp hạng thứ nhất đối với gói thầu này, đồng thời trúng thầu ở 01 hoặc nhiều gói thầu khác thì chủ đầu tư, bên mời thầu phải làm rõ khả năng thực hiện gói thầu của nhà thầu này trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.

Chứng khoán:

  1. 7.      CÔNG TY CHỨNG KHOÁN CHỈ ĐƯỢC SỬ DỤNG MÃ TÀI KHOẢN ĐÃ ĐÓNG SAU 10 NĂM

Ngày 21/12/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, quy định nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán để thực hiện giao dịch chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán và chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin nhận biết khách hàng khi mở tài khoản giao dịch.

Theo đó, mỗi nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch tại 01 công ty chứng khoán; riêng với doanh nghiệp bảo hiểm là công ty chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch có sở hữu nước ngoài đạt từ 51% vốn điều lệ trở lên, được mở 02 tài khoản giao dịch chứng khoán tại mỗi công ty chứng khoán. Trong đó, 01 tài khoản để giao dịch từ nguồn vốn chủ sở hữu; 01 tài khoản để giao dịch từ nguồn thu phí bảo hiểm trong nước. Đặc biệt, công ty chứng khoán không được sử dụng lại các mã tài khoản đã đóng để mở tài khoản cho khách hàng mới hoặc chỉ được sử dụng các mã tài khoản đã đóng sau 10 năm để mở tài khoản cho khách hàng mới.

Về giao dịch và thanh toán giao dịch chứng khoán, Thông tư cho phép nhà đầu tư được đặt lệnh bán đối với số lượng chứng khoán đã có sẵn trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại ngày giao dịch và chứng khoán giao dịch chờ về. Nhà đầu tư không được đặt các lệnh giao dịch vừa mua, vừa bán đồng thời cùng 01 loại chứng khoán trong cùng 01 đợt khớp lệnh định kỳ, trừ các lệnh đã được nhập vào hệ thống tại phiên giao dịch liên tục trước đó, chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực.

Thông tư cũng nhấn mạnh, mọi hoạt động thanh toán, giao dịch chi trả tiền cho nhà đầu tư phải được thực hiện qua ngân hàng thương mại; công ty chứng khoán không được nhận chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của nhà đầu tư.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

  1. 8.      PHẢI ĐƯA CHỨNG KHOÁN VÀO GIAO DỊCH TRONG 90 NGÀY TỪ KHI ĐƯỢC CHẤP THUẬN

Theo Thông tư số 202/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 18/12/2015 hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 01/03/2016, tổ chức được chấp thuận niêm yết phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được Sở Giao dịch chứng khoán chấp thuận; sau thời hạn này, quyết định chấp thuận sẽ mặc nhiên hết hiệu lực.

Về đăng ký niêm yết lại, Thông tư quy định, tổ chức có chứng khoán bị hủy niêm yết (bắt buộc hay tự nguyện) chỉ được đăng ký niêm yết lại sau 12 tháng kể từ ngày bị hủy nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội do đã được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ngược lại.

Nội dung đáng chú ý khác là quy định về điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán của công ty niêm yết thực hiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu, phần vốn góp tại doanh nghiệp khác hoặc khoản nợ của tổ chức phát hành đối với chủ nợ. Cụ thể, công ty niêm yết được đăng ký niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành để hoán đổi khi có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) sau khi hoán đổi đạt tối thiểu là 5%. Trường hợp ROE không đạt 5% và phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng không quá 50% vốn điều lệ thực góp thì số cổ phiếu phát hành thêm chỉ được niêm yết bổ sung sau 01 năm kể từ thời điểm hoàn tất việc hoán đổi. Nếu phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng trên 50% vốn điều lệ thực góp, công ty niêm yết sau hoán đổi sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc và được các Sở Giao dịch chứng khoán phối hợp với Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam làm thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.

Thông tư này thay thế Thông tư số 73/2013/TT-BTC ngày 29/05/2013.

Giao thông:

  1. 9.      HÀNH KHÁCH QUA SÔNG KHÔNG MẶC ÁO PHAO BỊ PHẠT ĐẾN 200.000 ĐỒNG

Một loạt quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa được nêu tại Nghị định số 132/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 25/12/2015, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.

Nghị định chỉ rõ, hành khách không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Ngoài ra, bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng nếu không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện; hoặc bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện…

Nghị định cũng quy định, người lái phương tiện, thuyền viên, chủ phương tiện…khi đang làm việc trên phương tiện mà có nồng độ cồn vượt quá 500 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Thuyền viên được bố trí trông coi phương tiện khi phương tiện neo đậu mà không có mặt trên phương tiện hoặc không thực hiện trông coi sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng; thuyền trưởng, thuyền phó không có mặt trên phương tiện trong ca làm việc khi phương tiện đang trên hành trình hoặc không trực tiếp điều khiển phương tiện khi qua cầu, âu tàu, ra, vào cảng, bến thủy nội địa… bị phạt từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với thuyền viên không phải là thuyền trưởng mà trực tiếp điều khiển phương tiện khi qua cầu, âu tàu, ra, vào cảng, bến thủy nội địa…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

10. TỔ CHỨC GIẢI THƯỞNG “VĂN HÓA DOANH NGHIỆP” 5 NĂM/LẦN

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa trong gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…, ngày 30/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2478/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án truyền thông về phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại Quyết định, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phong trào mang tính xã hội rộng rãi; tổ chức 05 năm/lần Hội nghị toàn quốc biểu dương, khen thưởng các cá nhân, gia đình, tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu thực hiện phong trào và trao giải thưởng báo chí toàn quốc về phong trào; tổ chức 05 năm/lần giải thưởng “Văn hóa doanh nghiệp”.

Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương cùng tham gia và các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về phong trào trên các phương tiện thông tin báo chí; đưa tin, bài viết, ảnh thời sự, phóng sự phản ánh về thực hiện phong trào; thí điểm thông tin, tuyên truyền về phong trào trên các trang mạng xã hội; bổ sung nội dung thông tin, tuyên truyền về phong trào trên các trang tin điện tử của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các cấp…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

11. KHÔNG ĐỔI TIỀN HƯỞNG CHÊNH LỆCH GIÁ TRONG KHU DI TÍCH, LỄ HỘI

Đây là một trong những nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội tại Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội.

Cụ thể, trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo; tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu phải đặt đúng nơi quy định; không ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ, cài lên tay tượng, Phật. Đặc biệt, cá nhân, tổ chức không được đổi tiền hưởng chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội.

Về nội dung lễ hội, Thông tư khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống; không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác hay mê tín dị đoan như: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; Mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép; Lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ và các hình thức mê tín dị đoan khác…

Việc tổ chức hoạt động dịch vụ trong khu vực lễ hội phải đảm bảo: Niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá; Không bày bán các đồ chơi có tính bạo lực, thịt tươi sống, thịt động vật hoang dã theo quy định; Không bán vé, thu tiền lễ hội… Trường hợp trong khu vực di tích, lễ hội có tổ chức các trò chơi, trò diễn, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày thì được bán vé cho các hoạt động đó.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/02/2016. 

Chính sách kinh tế-xã hội:

12. CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM PHẢI CÓ BẰNG ĐẠI HỌC

Tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 31/12/2015 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2015, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục cải tiến phương thức, lề lối làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công…

Đồng thời, giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong đó, quy định điều kiện với chuyên gia là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo hướng có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho phép áp dụng Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2016 - 2019.

Dự thảo Nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời hạn công tác trước năm 1995 cũng sẽ được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để triển khai trong tháng 01/2016.

Hành chính:

13. CÔNG BỐ 27 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

Ngày 25/12/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2770/QĐ-BTC công bố thủ tục hành chính mới/thủ tục hành chính thay thế/thủ tục hành chính bãi bỏ/thủ tục hành chính giữ nguyên trong lĩnh vực hải quan thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính.

Theo đó, có 27 thủ tục hành chính mới thuộc lĩnh vực hải quan được công bố; trong đó, đáng chú ý là: Đăng ký tham gia thủ tục hải quan điện tử đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Thủ tục chấm dứt, tạm dừng hoạt động của địa điểm kiểm tra, giám sát hải quan đối với bưu gửi; Thủ tục đăng ký, xác nhận đại lý giám sát hải quan và hoạt động của đại lý giám sát hải quan; Thủ tục thành lập kho hàng không kéo dài; Thủ tục mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp chế xuất với doanh nghiệp nội địa; Thủ tục đối với phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp chế xuất được phép bán vào thị trường nội địa…

Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định về 127 thủ tục hành chính thay thế; 85 thủ tục hành chính được bãi bỏ và 13 thủ tục hành chính được giữ nguyên theo các Quyết định đã công bố. Trong số các thủ tục hành chính được bãi bỏ, đáng chú ý là thủ tục đánh giá lại, gia hạn doanh nghiệp ưu tiên (do cơ quan hải quan chủ động đánh giá lại và gia hạn, không yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hành chính); Thủ tục kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Tổng cục Hải quan và tại trụ sở doanh nghiệp (do đây là nghiệp vụ của cơ quan hải quan trong việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu)…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 2
Trong ngày: 260
Trong tuần: 838
Lượt truy cập: 1591998
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com