Doanh nghiệp:

  1. BẮT BUỘC PHẢI BỔ SUNG SỐ ĐIỆN THOẠI TRONG HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DN

Ngày 01/12/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, quy định việc bổ sung thông tin số điện thoại của doanh nghiệp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là bắt buộc; doanh nghiệp không bổ sung thông tin về số điện thoại của mình thì hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp được coi là không hợp lệ.

Cũng theo Thông tư này, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày chính thức chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; thông báo phải được thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về khai thác thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (www.dangkykinhdoanh.gov.vn). Cụ thể, tổ chức, cá nhân được cung cấp công khai, miễn phí các thông tin về tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp; tên người đại diện theo pháp luật; mẫu dấu, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đối với các thông tin như nội dung đăng ký doanh nghiệp, báo cáo tài chính của các loại hình doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể đề nghị để được cung cấp và phải trả phí theo quy định.

Thông tư này thay thế Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT ngày 21/01/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2016.

Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. CƠ QUAN THUẾ MỘT CẤP CHỈ ĐƯỢC YÊU CẦU BỔ SUNG HỒ SƠ 1 LẦN

Nhằm bảo đảm việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế được thuận lợi nhất, đồng thời bảo đảm giám sát được công chức thuế trong việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế, ngày 11/12/2015, Tổng cục Thuế đã ra Quyết định số 2351/QĐ-TCT ban hành Quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế theo cơ chế một cửa tại cơ quan thuế.

Theo đó, khi thực hiện giải quyết hồ sơ theo chế độ một cửa, cơ quan thuế các cấp phải tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đúng thẩm quyền, phạm vi, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phải công khai đầy đủ thông tin, kịp thời các thủ tục hành chính thuế và tình trạng giải quyết hồ sơ của người nộp thuế; bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho người nộp thuế; bảo đảm hồ sơ của người nộp thuế được giải quyết đúng thời hạn, trình tự. Đặc biệt, chỉ được yêu cầu bổ sung hồ sơ 01 lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại cơ quan thuế một cấp, trừ trường hợp do lỗi của người nộp thuế.

Về trả kết quả giải quyết hồ sơ cho người nộp thuế, Thông tư yêu cầu phải gửi ngay kết quả trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo ngày nhận được kết quả từ bộ phận giải quyết hồ sơ chuyển đến; đối với hồ sơ gửi qua đường điện tử thì việc trả kết quả giải quyết hồ sơ cho người nộp thuế được thực hiện qua đường điện tử.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. NGƯỜI LAO ĐỘNG THỜI VỤ ĐƯỢC LÀM THÊM TỐI ĐA 300 GIỜ/NĂM

Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động thời vụ không quá 300 giờ là nội dung nổi bật tại Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 16/12/2015 hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng, có hiệu lực từ ngày 10/02/2016.

Cũng theo Thông tư này, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong 01 tuần của người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng tháng theo đơn đặt hàng không quá 64 giờ hoặc 48 giờ đối với các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; tổng số giờ làm thêm trong 01 tháng không quá 32 giờ, riêng với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tối đa là 24 giờ. Người sử dụng lao động được lựa chọn áp dụng giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần hoặc giới hạn giờ làm thêm theo tháng và phải ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm. Trường hợp áp dụng giới hạn giờ làm thêm theo tháng thì đồng thời tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn trong 01 tuần tối đa là 56 giờ hoặc 42 giờ đối với các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Về thời giờ nghỉ ngơi, Thông tư quy định, hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 01 ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hàng tuần thì phải bảo đảm hàng tháng có ít nhất 04 ngày nghỉ cho người lao động. Với lao động làm việc trong ngày từ 10 ngày trở lên phải được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường. Doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí để người lao động được nghỉ hoặc nghỉ bù đủ số ngày lễ, Tết, nghỉ hàng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.

Thông tư này thay thế Thông tư số 33/2011/TT-BLĐTBXH ngày 18/11/2011.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. CHỨNG THƯ SỐ CÓ THỜI HẠN KHÔNG QUÁ 5 NĂM

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư số 28/2015/TT-NHNN ngày 18/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, chứng thư số được cấp trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; có thời hạn hiệu lực theo đề nghị của tổ chức quản lý thuê bao nhưng không quá 05 năm kể từ ngày có hiệu lực.

Về gia hạn chứng thư số, Thông tư quy định, chứng thư số chỉ được gia hạn khi còn hiệu lực ít nhất 10 ngày. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị gia hạn chứng thư số hợp lệ, tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số thực hiện gia hạn chứng thư số cho thuê bao và thông báo kết quả qua mạng hoặc qua đường bưu điện; nếu từ chối phải nêu rõ lý do.

Cũng theo Thông tư này, tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số có trách nhiệm công bố, cập nhật và duy trì 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần trên Trang tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước về danh sách chứng thư số có hiệu lực, bị tạm dừng, bị thu hồi của thuê bao và các thông tin cần thiết khác.

Thông tư này thay thế Thông tư số 12/2011/TT-NHNN ngày 17/05/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2016.

  1. LÃI SUẤT TIỀN GỬI BẰNG USD CỦA CÁ NHÂN GIẢM VỀ 0%/NĂM

Thông tin này vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015 quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014.

Cụ thể, thay vì mức lãi suất 0,25%/năm vừa được công bố vào cuối tháng 09/2015 vừa qua, từ ngày 18/12/2015, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 0%/năm. Riêng mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) vẫn được giữ nguyên là 0%/năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/12/2015 và thay thế Quyết định số 1938/QĐ-NHNN ngày 25/09/2015.

  1. LÃI SUẤT VAY VỐN TRỒNG RỪNG, PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI LÀ 1,2%/NĂM

Ngày 15/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 27/2015/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/09/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.

Theo quy định tại Thông tư này, hộ gia đình chỉ được vay vốn không có tài sản bảo đảm để trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo khoản 1, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP tại Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và phải phù hợp với hướng dẫn của UBND cấp tỉnh về việc xác định các loài cây trồng, vật nuôi theo điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam, lãi suất vay vốn là 1,2%/năm.

Việc ký hợp đồng vay vốn giữa ngân hàng và hộ gia đình nêu trên được thực hiện đến hết ngày 31/12/2020, các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, các văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng vay vốn (nếu có) được tiếp tục thực hiện cho đến khi hết hiệu lực.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/12/2015.

Y tế-Sức khỏe:

  1. ĐẾN 2020, TRÊN 80% NGƯỜI DÂN HÀI LÒNG VỚI THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA BỘ Y TẾ

Đây là một trong những mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Y tế giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 5384/QĐ-BYT ngày 17/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tại Kế hoạch, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc nâng cao trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu trong triển khai công tác cải cách hành chính, nghiên cứu đề xuất sáng kiến cải cách hành chính, rà soát cắt giảm, cải tiến thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ hành chính và các dịch vụ sự nghiệp y tế công; từng bước hiện đại hóa công sở; chuẩn hóa chất lượng dịch vụ công dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công lập và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế.

Dự kiến đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ đạt trên 80%; 100% các cơ quan đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ có cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; trên 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế được thực hiện dưới dạng điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; tăng số lượng dịch vụ công về y tế được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4 đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp, yêu cầu hiện đại hóa hành chính, phát triển và hội nhập quốc tế…

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 Chứng khoán:

  1. TỔ CHỨC THI CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ CHỨNG KHOÁN ÍT NHẤT 2 LẦN/NĂM

Theo Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 03/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về hành nghề chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán định kỳ tối thiểu 02 lần trong 01 năm.

Nội dung sát hạch bao gồm 02 phần: Phần pháp luật về chứng khoán của Việt Nam và Phần chuyên môn; thí sinh chưa đạt một phần sẽ được thi lại phần chưa đạt trong 01 năm từ ngày thông báo kết quả thi lần đầu; quá 01 năm, phải thi lại cả 02 phần.

Chứng chỉ hành nghề chứng khoán có 03 loại: Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán; Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính; Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ. Chứng chỉ được cấp không thời hạn; chỉ có giá trị sử dụng khi người được cấp chứng chỉ làm việc tại 01 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán và được công ty đó thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ được làm việc tại 01 bộ phận nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trong 01 thời điểm. Đặc biệt, trong vòng 03 năm kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nộp lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, người được cấp không làm thủ tục nhận chứng chỉ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ ra quyết định hủy bỏ chứng chỉ hành nghề chứng khoán đã cấp.

Để được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, cá nhân phải có trình độ từ đại học trở lên; đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán đề nghị cấp và có các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán. Ngoài ra, cá nhân còn phải đáp ứng một số điều kiện khác như: Có chứng chỉ tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành chứng khoán, phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp đối với chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính; Có chứng chỉ chuyên môn quản lý quỹ và tài sản, có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng… đối với chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/01/2016.

Giao thông:

  1. CẤP PHÉP XÂY DỰNG TRONG PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG SẮT

Ngày 11/12/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 80/2015/TT-BGTVT quy định về việc cấp Giấy phép liên quan đến hoạt động xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

Theo quy định tại Thông tư này, Giấy phép chỉ được cấp đối với các hoạt động xây dựng công trình mới (như công trình phục vụ quốc phòng, an ninh; công trình cầu, cầu vượt, hầm, cống; công trình thủy lợi, viễn thông, điện lực; đường ống cấp nước, thoát nước; đường ống xăng, dầu, khí…);công trình tạm phục vụ thi công; công trình cải tạo, nâng cấp công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt bắt buộc phải xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt. Thời gian hiệu lực của Giấy phép theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo công trình nhưng không quá tiến độ thi công hạng mục công trình của dự án nằm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

Trường hợp công trình không hoàn thành theo đúng thời hạn ghi trong Giấy phép, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục đề nghị gia hạn Giấy phép; mỗi Giấy phép chỉ được gia hạn tối đa 02 lần, thời gian gia hạn mỗi lần không quá 12 tháng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2016.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẢI DỪNG ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG TRƯỚC 2020

Ngày 16/12/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.

Nội dung nổi bật của Thông tư này là quy định nguyên tắc các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo cao đẳng, trung cấp trừ các cơ sở thuộc khối ngành nghệ thuật và các cơ sở trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có cơ sở đào tạo cao đẳng, trung cấp khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên. Do đó, cơ sở giáo dục đào tạo đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020; các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.

Về chỉ tiêu tuyển sinh tối đa của cơ sở giáo dục đại học, Thông tư này quy định 03 tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, bao gồ 01 giảng viên quy đổi theo khối ngành; Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục đại học tính trên 01 sinh viên chính quy; Quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, số sinh viên chính quy tính trên 01 giảng viên quy đổi đối với khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, kinh doanh và quản lý, pháp luật, nhân văn, báo chí và thông tin, an ninh, quốc phòng là 25 sinh viên/01 giảng viên; với khối ngành nghệ thuật là 10 sinh viên/01 giảng viên và 20 sinh viên/01 giáo viên với khối ngành khoa học tự nhiên, máy tính và công nghệ thông tin… Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục đại học không thấp hơn 2,5m2/sinh viên. Quy mô sinh viên chính quy tối đa của trường đại học thuộc khối ngành kinh doanh và quản lý; pháp luật; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là 15.000 sinh viên; các trường thuộc khối ngành nghệ thuật là 5.000 sinh viên và với các trường thuộc khối ngành sức khỏe là 8.000 sinh viên…

Thông tin-Truyền thông:

  1. DANH MỤC 6 DỊCH VỤ VIỄN THÔNG BẮT BUỘC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BTTTT ngày 15/12/2015 quy định Danh mục dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng.

Theo quy định tại Thông tư này, từ ngày 15/02/2016, sẽ có 06 dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng. Cụ thể như: Dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông cố định mặt đất; Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ FTTH/xPON (dịch vụ truy nhập Internet cáp quang); Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ Modem cáp truyền hình (dịch vụ truy nhập Internet cáp truyền hình); Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ xDSL (dịch vụ truy nhập Internet xDSL); Dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất; Dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT-2000.

Trước đó, ngày 22/01/2013, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Danh mục 03 dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng, bao gồm: Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất - Dịch vụ điện thoại; Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất - Dịch vụ truy nhập Internet (ADSL); Dịch vụ thông tin di động mặt đất - Dịch vụ điện thoại.

Thông tư này thay thế Thông tư số 02/2013/TT-BTTTT ngày 22/01/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2016.

 Chính sách kinh tế-xã hội:

  1. ĐIỀU CHỈNH DANH MỤC CHI TIẾT HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA

Nghị định số 128/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/08/2013 đã được Chính phủ ban hành ngày 15/12/2015.

Theo Nghị định này, nhiên liệu dùng cho máy bay dân dụng được quy định tại Mục I Phần VII và do Bộ Giao thông Vận tải quản lý sẽ được chuyển sang Mục I Phần II, do Bộ Công Thương quản lý. Như vậy, mục Nhiên liệu tại Phần II của Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia sẽ bao gồm: Xăng ô tô; Dầu Diesel; Mazut; Dầu thô và Nhiên liệu dùng cho máy bay dân dụng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2016.


 

Đang truy cập: 3
Trong ngày: 262
Trong tuần: 840
Lượt truy cập: 1592000
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com