Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      BỔ SUNG MỘT SỐ LỆ PHÍ HỘ TỊCH TỪ 2016

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 179/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 13/11/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, từ ngày 01/01/2016 - ngày Thông tư có hiệu lực, mức thu áp dụng đối với việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch và cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND cấp xã tối đa là 15.000 đồng; trường hợp ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mức thu tối đa là 8.000 đồng.

Tương tự, mức thu không quá 75.000 đồng được áp dụng với trường hợp cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND cấp huyện hoặc ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc tại UBND cấp huyện, mức thu tối đa là 28.000 đồng.

Với các trường hợp đăng ký hộ tịch còn lại, mức lệ phí vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành, ở mức tối đa 75.000 đồng đối với đăng ký khai sinh, khai tử tại UBND cấp huyện; 1,5 triệu đồng đối với đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện; 20.000 đồng/lần cấp đối với đăng ký lần đầu, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu cá nhân hoặc cấp lại, đổi sổ hộ khẩu gia đình, sổ tạm trú; 9.000 đồng/lần cấp lại, đổi Chứng minh nhân dân…

Cũng theo Thông tư này, người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật khi đăng ký hộ tịch sẽ được miễn lệ phí; tương tự với trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước.

  1. 2.      MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU LINH KIỆN XE BUÝT KHAI HẢI QUAN TỪ 1/7 - 20/12

Phụ tùng, linh kiện nhập khẩu để phục vụ Dự án sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đăng ký tờ khai hải quan từ ngày 01/07/2015 đến trước ngày 21/12/2015 sẽ được miễn thuế nhập khẩu là nội dung quy định tại Thông tư số 169/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 06/11/2015 hướng dẫn miễn thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thuộc loại trong nước chưa sản xuất được theo Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/05/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Để được miễn thuế nhập khẩu như trên, dự án sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phụ tùng, linh kiện nhập khẩu phục vụ dự án không được thuộc Danh mục phụ tùng, linh kiện để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong nước đã sản xuất được do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/12/2015.

 Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 3.      TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG LÊN 3,5 TRIỆU/THÁNG TỪ 2016

Theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng, từ ngày 01/01/2016, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 đồng/tháng - 400.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, bao gồm các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín, thị xã Sơn Tây thuộc Thành phố Hà Nội; các quận và huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo thuộc Thành phố Hải Phòng; các quận và các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh thuộc TP.HCM…, mức lương tối thiểu tăng thêm 400.000 đồng/tháng, từ 3,1 triệu đồng/tháng lên 3,5 triệu đồng/tháng. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II như: Thành phố Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương; Thành phố Hưng Yên và các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ (Hưng Yên); Thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái (Quảng Ninh); Thành phố Việt Trì (Phú Thọ); Thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai)…, áp dụng mức lương tối thiểu là 3,1 triệu đồng/tháng, tăng 350.000 đồng/tháng so với trước đây; đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III và IV, mức lương tối thiểu vùng lần lượt là 2,7 triệu đồng/tháng và 2,4 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương tối thiểu cũ là 2,4 triệu đồng/tháng và 2,15 triệu đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương; trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng với lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất và phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với lao động đã qua học nghề.

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau, áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

  1. 4.      HỒ SƠ VAY VỐN HỖ TRỢ TẠO VÀ DUY TRÌ VIỆC LÀM

Ngày 11/11/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, bao gồm các nội dung về hồ sơ vay vốn, xây dựng kế hoạch vốn vay và báo cáo kết quả thực hiện cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo đó, để được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, người lao động phải chuẩn bị hồ sơ gồm: Giấy đề nghị vay vốn; Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân đối với lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Bản sao xác nhận khuyết tật do UBND xã, phường, thị trấn cấp đối với người lao động là người khuyết tật.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, hồ sơ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm bao gồm: Dự án vay vốn; Bản sao quyết định công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật do Sở Lao động Thương binh và Xã hội cấp đối với cơ sở sử dụng từ 30% lao động là người khuyết tật trở lên; Danh sách lao động là người dân tộc thiểu số, bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân và bản sao hợp đồng hoặc quyết định tuyển dụng của những người lao động đó trong trường hợp cơ sở sử dụng từ 30% lao động là người dân tộc thiểu số trở lên…

Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm cho vay đúng đối tượng, bảo đảm mục tiêu giải quyết việc làm và bảo toàn vốn; đối với người lao động thực hiện cho vay trực tiếp hoặc thông qua hộ gia đình.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2015; các quy định về hồ sơ vay vốn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2015. 

 Đầu tư:

  1. 5.      MỨC KÝ QUỸ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ TỪ 1% - 3%

Nhà đầu tư phải ký quỹ khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trừ trường hợp trúng đấu thầu thực hiện dự án; được giao đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất… là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 27/12/2015.

Việc ký quỹ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư sau khi dự án được quyết định chủ trương đầu tư nhưng phải trước thời điểm giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, mức ký quỹ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án, bằng 3% đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng; 2% với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng và 1% đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng.

Riêng đối với những dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; dự án thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất và dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, tại địa bàn đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghệ cao, khu kinh tế, sẽ được giảm lần lượt 25% và 50% tiền ký quỹ.

Số tiền ký quỹ này được hoàn trả 50% tại thời điểm nhà đầu tư hoàn thành thủ tục giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và được cấp các giấy phép, chấp thuận khác theo quy định; số tiền ký quỹ còn lại và tiền lãi phát sinh sẽ được hoàn tại thời điểm nhà đầu tư hoàn thành việc nghiệm thu công trình xây dựng và lắp đặt máy móc, thiết bị để dự án đầu tư hoạt động không chậm hơn tiến độ quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng nhấn mạnh, mỗi dự án đầu tư sẽ được cấp 01 mã số duy nhất; mã số này bao gồm 10 chữ số, không thay đổi trong quá trình hoạt động của dự án, không được cấp cho dự án khác, được tạo tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và được ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Nghị định này thay thế Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 6.      THỜI HẠN THANH TOÁN SÉC LÀ 30 NGÀY

Theo Thông tư số 22/2015/TT-NHNN ngày 20/11/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định hoạt động cung ứng và sử dụng séc, thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán séc là 30 ngày kể từ ngày ký phát, không tính thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Trường hợp xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá 06 tháng kể từ ngày ký phát thì người bị ký phát vẫn có thể thanh toán nếu không nhận được thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ séc đó và người ký phát có đủ tiền trên tài khoản thanh toán để thanh toán. Đặc biệt, người thụ hưởng có thể xuất trình séc để thanh toán theo hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng; việc xác định thời điểm xuất trình séc để thanh toán được tính theo ngày trên dấu bưu điện nơi gửi.

Về lập và ký phát séc, Thông tư quy định tờ séc phải được lập trên mẫu séc trắng do người bị ký phát cung ứng; nếu séc được lập trên mẫu séc trắng không phải do người bị ký phát cung ứng thì người bị ký phát có quyền từ chối thanh toán tờ séc đó. Số tiền được ghi bằng số trên séc phải bằng với số tiền ghi bằng chữ trên séc; không được viết thêm chữ (khác dòng) vào giữa hai chữ viết liền nhau trên séc.

Người ký phát có quyền yêu cầu đình chỉ thanh toán séc mà mình đã ký phát bằng việc thông báo bằng yêu cầu đình chỉ thanh toán séc; thông báo đình chỉ này chỉ có hiệu lực sau thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán séc mà người thụ hưởng hoặc người được ủy quyền chưa xuất trình tờ séc để thanh toán tại người bị ký phát.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/01/2016.

Thương mại:

  1. BẮT ĐẶT CỌC KHI THAM GIA BÁN HÀNG ĐA CẤP, PHẠT TỪ 3 - 5 TRIỆU ĐỒNG

Người tham gia bán hàng đa cấp có hành vi yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng là nội dung nổi bật tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 05/01/2016.

Đối với hành vi tổ chức hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm hoặc đào tạo mà không được thương nhân bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của thương nhân khác tham gia vào mạng lưới của thương nhân bán hàng đa cấp mà mình đang tham gia; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với hành vi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp dao động từ 20 - 30 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng tăng mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu. Cụ thể, từ ngày 05/01/2016, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, trong khi mức phạt cũ là từ 03 - 05 triệu đồng; phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Mức phạt đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu cũng tăng đáng kể, từ 30 - 40 triệu lên 50 - 70 triệu đối với hành vi buôn bán, vận chuyển từ 400 đến dưới 500 bao thuốc lá điếu nhập lậu. Với hành vi buôn bán từ 500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên, sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng.

Đặc biệt, từ ngày 05/01/2016, doanh nghiệp hoạt động không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng, thay vì 05 - 10 triệu đồng như trước. Tương tự, mức phạt với doanh nghiệp hoạt động không đúng địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng giảm từ 01 - 05 triệu đồng xuống còn 01 - 02 triệu đồng.

Chứng khoán:

  1. HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TRÊN UPCOM

Ngày 13/11/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (Upcom), quy định tổ chức phát hành chưa niêm yết chứng khoán phải hoàn tất việc đăng ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng.

Với công ty đại chúng, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, phải hoàn tất việc đăng ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Đặc biệt, trong vòng 01 năm kể từ ngày 01/01/2016, công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước năm 2016 phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.

Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; chấm dứt sự tồn tại do bị sáp nhập, hợp nhất, chia, giải thể, phá sản; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán…, chứng khoán sẽ bị hủy đăng ký giao dịch.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

Bảo hiểm:

  1. CHẾ ĐỘ THAI SẢN VỚI NGƯỜI NHỜ VÀ NGƯỜI MANG THAI HỘ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; trong đó đáng chú ý là những nội dung về chế độ thai sản của lao động mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

Cụ thể, lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày hoặc mỗi lần 02 ngày với trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh; trường hợp lao động nữ đã đóng bảo hiểm từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở; được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ, tối đa là 06 tháng.

Tương tự, người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ ốm đau và thai sản từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con cũng sẽ được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở nếu người mẹ mang thai hộ không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi…

Ngoài ra, Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể về các trường hợp doanh nghiệp được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, doanh nghiệp được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ hưu trí và tử tuất trong 12 tháng nếu phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế; gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa…, không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó có từ 50% lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016; riêng quy định đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng áp dụng từ ngày 01/01/2018.

Chính sách kinh tế-xã hội:

10. ĐẦU TƯ HƠN 190.000 TỶ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Ngày 12/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt Chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tất cả các xã trên phạm vi cả nước; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ưu tiên thực hiện tại các huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn…

Kinh phí được đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 192.155,6 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 46.161 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hướng tới mục tiêu tới năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mục tiêu được đề ra là góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

11. NĂM 2016, ĐẠT MỤC TIÊU GDP TĂNG 6,7%

Một loạt các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong năm 2016 đã được Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 98/2015/QH13, thông qua ngày 10/11/2015 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Ngoài mục tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,7%, Quốc hội nhấn mạnh tới mục tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo là 21%; tỷ lệ số dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%...

Để đạt được những chỉ tiêu nêu trên, Quốc hội đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: Điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả; Xây dựng khung pháp lý bảo đảm thực hiện việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016, áp dụng đối với các tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị lớn và được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị…; Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt nhập khẩu, có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với một số thị trường có nhập siêu lớn; tiếp tục bán cổ phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường và sử dụng một phần số tiền thu này cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành bảo đảm chất lượng các chương trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các công trình giao thông, y tế cấp thiết…

Hành chính:

12. TIÊU CHUẨN MÁY MÓC, THIẾT BỊ TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, nhấn mạnh Nhà nước đảm bảo việc trang bị, kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu và điều kiện làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo chất lượng máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu từng bước hiện đại hóa công sở.

Theo đó, với máy móc, thiết bị chuyên dùng có giá mua dưới 500 triệu đồng/đơn vị tài sản, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh được tự ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng trang bị cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc của mình; đối với máy móc, thiết bị có giá mua từ 500 triệu đồng trở lên, chỉ được ban hành sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Cũng theo Quyết định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có máy móc, thiết bị hoặc thiếu so với tiêu chuẩn, định mức mà ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc máy móc, thiết bị hiện có đã hư hỏng, không sử dụng được, không đảm bảo an toàn khi sử dụng, phải thực hiện thuê đối với máy móc, thiết bị có nhu cầu sử dụng dưới 12 tháng, hoặc chỉ sử dụng tối đa 03 lần/năm. Trong đó, giá thuê phải phù hợp với giá thuê máy móc, thiết bị cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất xứ tại thị trường địa phương; việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị văn phòng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

Tư pháp-Hộ tịch:

13. THAY ĐỔI HỌ TÊN CON TỪ 9 TUỔI PHẢI ĐƯỢC CON ĐỒNG Ý

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch khẳng định việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong tờ khai; đối với người từ đủ 09 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng cho phép đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử đối với những trường hợp đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu còn sống vào thời điểm yêu cầu đăng ký lại.

Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.

Đặc biệt, từ năm 2016, người có thẩm quyền chỉ được bố trí, tuyển dụng mới người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch làm công tác hộ tịch; đồng thời yêu cầu UBND cấp tỉnh ưu tiên bố trí công chức tư pháp - hộ tịch làm công tác hộ tịch chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp xã loại 1, loại 2 có đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều.


 

Đang truy cập: 27
Trong ngày: 289
Trong tuần: 866
Lượt truy cập: 1592032
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com