Doanh nghiệp:

  1. 1.      DN CỔ PHẦN HÓA PHẢI HOÀN THÀNH LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH TRONG 60 NGÀY

Ngày 11/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/07/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.

Tại Nghị định này, Chính phủ cho phép doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa hoàn thành việc lập báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký DN, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, đề nghị cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế, thực hiện quyết toán, xác định giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; trong khi trước đây, thời hạn này được quy định là 30 ngày làm việc.

Về việc tư vấn xác định giá trị DN, Nghị định chỉ rõ, đối với các gói thầu, tư vấn định giá có giá trị không quá 03 tỷ đồng thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu để lựa chọn tổ chức tư vấn định giá trong danh sách do Bộ Tài chính công bố; trường hợp xét thấy cần tổ chức đấu thầu thì thực hiện đấu thầu theo quy định. Đối với các gói thầu tư vấn còn lại, cơ quan có thẩm quyền lựa chọn đơn vị thực hiện tư vấn định giá theo quy định.

Đặc biệt, Nghị định cũng bổ sung quy định trong chính sách ưu đãi cho người lao động trong DN cổ phần hóa. Cụ thể, DN thực hiện cổ phần hóa đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt nhưng chưa phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong 90 ngày từ ngày có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong DN với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/11/2015.

Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 2.      BỔ SUNG MỘT SỐ LINH KIỆN CNTT ĐƯỢC ÁP THUẾ NHẬP KHẨU 0%

Nội dung này được thể hiện tại Thông tư số 164/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 05/11/2015 sửa đổi, bổ sung Danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ để sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) trọng điểm thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013.

Theo đó, ngoài một số linh kiện sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm theo quy định hiện hành, từ ngày 20/12/2015, chính thức áp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với biến áp nguồn, biến áp tín hiệu, biến áp cao áp, pin và bộ pin bằng liti, nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ để sản xuất các sản phẩm CNTT trọng điểm; bàn điều khiển camera; cáp nguồn đã gắn đấu nối cho mạch điện tử 220V, bọc plastic; micro; tai nghe có hoặc không nối với một bộ micro; các bộ gồm một micro và một hoặc nhiều loa; đèn flash và bộ micro, loa kết hợp, trừ của điện thoại di động hoặc điện thoại dùng cho mạng không dây khác…

Khi làm thủ tục hải quan với các mặt hàng này, người khai hải quan phải nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan hồ sơ hải quan; danh mục hàng hóa và phiếu theo dõi trừ lùi đã đăng ký với cơ quan hải quan. Đồng thời, định kỳ hàng năm, chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính, người khai hải quan có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ để sản xuất các sản phẩm CNTT trọng điểm trong năm tài chính cho cơ quan hải quan và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2015.

  1. 3.      TĂNG THUẾ NHẬP KHẨU MỘT SỐ LOẠI Ô TÔ VẬN TẢI HÀNG HÓA

Tại Thông tư số 163/2015/TT-BTC ngày 05/11/2015 sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa thuộc nhóm 87.04 và bộ linh kiện ô tô, khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính quyết định tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số loại xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa.

Cụ thể, từ ngày 20/12/2015, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe tự đổ được thiết kế để sử dụng trên các loại đường không phải đường quốc lộ, tổng trọng lượng có tải tối đa trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn và loại có tải tối đa trên 20 tấn nhưng không quá 24 tấn tăng lần lượt từ 30% và 20% lên 50%. Đối với xe có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng tia lửa điện, có tổng trọng lượng có tải tối đa không quá 05 tấn, bao gồm xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải; xe xi téc, xe chở xi măng kiểu bồn; xe chở bùn có thùng rời nâng hạ được…, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đồng loạt tăng thêm 5%, từ 15% lên 20%.

Cũng từ ngày này, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ để sản xuất, lắp ráp xe tự đổ được thiết kế để sử dụng trên các loại đường không phải đường quốc lộ, có tổng trọng lượng có tải tối đa trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn là 50%; với linh kiện của xe có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng tia lửa điện, có tổng trọng lượng có tải đối đa không quá 05 tấn; trên 05 tấn nhưng không quá không quá 10 tấn, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đều là 70%...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2015.

 Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 4.      MỨC PHỤ CẤP ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO TRONG TRƯỜNG NGHỀ CÔNG LẬP

Ngày 09/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Theo Nghị định này, nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 theo mức lương cơ sở; phụ cấp ưu đãi mức 70% lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Tương tự, nhà giáo vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Phụ cấp đặc thù được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm.

Nhà giáo dạy thực hành hoặc vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trong 01 bài học/học phần/mô đun/môn học tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng phụ cấp theo số giờ dạy thực hành thực tế của ngành, nghề học.

Trong đó, phụ cấp được tính theo mức lương cơ sở, bao gồm 04 mức: Mức 0,1 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc; Mức 0,2 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao, thiếu dưỡng khí; Mức 0,3 áp dụng với những ngành, nghề học phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn cho phép; Mức 0,4 áp dụng với môi trường học có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

  1. 5.      QUY ĐỊNH HỆ SỐ LƯƠNG CỦA GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC

Theo Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ ban hành ngày 06/11/2015 hướng dẫn thực hiện bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (trừ trường hợp viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư theo quy định).

Về xếp lương, chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00; chức danh nghề nghiệp giảng viên chính được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78 và hệ số lương từ 2,34 đến 4,98 được áp dụng với chức danh nghề nghiệp giảng viên.

Trường hợp viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập có hệ số bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bậc lương và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (bao gồm cả thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp mới được bổ nhiệm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2015.

Đất đai-Nhà ở:

  1. 6.      CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI NHÀ CHUNG CƯ PHẢI THỰC HIỆN THEO DỰ ÁN

Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải triển khai thực hiện theo dự án, không thực hiện xây dựng lại đơn lẻ từng nhà, trừ trường hợp chung cư độc lập là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Theo đó, mỗi khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại có thể triển khai một hoặc nhiều dự án phù hợp với quy hoạch đô thị do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã được ban hành. Trường hợp dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư không triển khai thực hiện sau 12 tháng từ ngày được phê duyệt hoặc đã triển khai nhưng bị chậm quá 24 tháng so với tiến độ mà nguyên nhân chủ quan được xác định do chủ đầu tư gây ra thì UBND cấp tỉnh ra quyết định thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư khác đảm nhận triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định này, chủ căn hộ chung cư cũ bị xây dựng lại có từ 02 hộ khẩu trở lên được mua thêm căn hộ tại cùng địa điểm tái định cư theo giá kinh doanh do hai bên thỏa thuận.

Về chính sách áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư, Nghị định quy định sẽ miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là chủ đầu tư. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án còn được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở; được chỉ định thầu đối với các gói thầu cần triển khai ngay…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2015.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 7.      TIẾP TỤC THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ TÀI CHÍNH VỚI THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM ĐẾN 2017

Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 55/2015/QĐ-TTg ngày 09/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2012/QĐ-TTg ngày 06/03/2012 về thực hiện thí điểm cơ chế tài chính đặc thù đối với Thông tấn xã Việt Nam giai đoạn 2012 - 2014.

Cụ thể, thời gian thực hiện thí điểm cơ chế tài chính đặc thù đối với Thông tấn xã Việt Nam sẽ được kéo dài thêm 03 năm, từ năm 2015 đến tối đa năm 2017 thay vì từ năm 2012 - 2014 như trước đây. Theo đó, Thông tấn xã Việt Nam được tính toán xác định Quỹ tiền lương và thu nhập tăng thêm tối đa được chi hàng năm theo tỷ lệ 34% trên dự toán nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của Thông tấn xã (bao gồm dự toán nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước đảm bảo chi hoạt động thường xuyên hàng năm và dự toán nguồn thu sự nghiệp của Thông tấn xã Việt Nam).

Việc thí điểm này nhằm mục đích khuyến khích Thông tấn xã Việt Nam từng bước tự chủ về tài chính, chủ động trong việc khai thác, sử dụng các nguồn lực được giao để đa dạng hóa các hoạt động, tăng thêm nguồn thu nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; tạo điều kiện, thúc đẩy Thông tấn xã Việt Nam đổi mới cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến theo hướng phát triển thành một Tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh với các loại hình thông tin đa dạng, phong phú…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2015; áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2015 đến tối đa năm ngân sách 2017.

Xuất nhập khẩu:

  1. 8.      ĐƯỢC NHẬP KHẨU THIẾT BỊ ĐÃ QUA SỬ DỤNG KHÔNG QUÁ 10 NĂM

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.

Ngoài việc có tuổi không quá 10 năm, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được nhập khẩu phải phù hợp với các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chỉ được nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng khi doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu sửa chữa, thay thế đối với thiết bị đang được vận hành tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất có thể tự nhập khẩu hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác thực hiện việc nhập khẩu.

Đối với thiết bị đã qua sử dụng có tuổi vượt quá 10 năm nhưng doanh nghiệp cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét, quyết định dựa trên hồ sơ và kiến nghị của doanh nghiệp. Trường hợp thiết bị đã qua sử dụng đã được thông quan và đưa về lắp đặt, sử dụng, nếu trong quá trình vận hành không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp sẽ phải chịu hình thức xử lý theo quy định hiện hành

Chứng khoán

  1. 9.      THỜI GIAN CHÀO BÁN CHỨNG KHOÁN RA CÔNG CHÚNG TỐI ĐA 90 NGÀY/ĐỢT

Theo Thông tư số 162/2015/TT-BTC ngày 26/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu, thời gian chào bán dự kiến của từng đợt chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng không được kéo dài quá 90 ngày.

Trước mỗi đợt phát hành, tổ chức phát hành phải bổ sung hồ sơ các tài liệu về tình hình công ty, tình hình sử dụng số tiền thu được từ các đợt phát hành trước được xác nhận bởi tổ chức kiểm toán nếu thời điểm của đợt phát hành sau cách đợt phát hành trước từ 06 tháng trở lên, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trước đó. Khoảng cách giữa đợt chào bán sau với đợt chào bán trước tối đa là 12 tháng.

Về công bố thông tin, Thông tư quy định, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực, tổ chức phát hành phải công bố bản thông báo phát hành trên 01 tờ báo điện tử hoặc báo viết có phạm vi phát hành toàn quốc trong 03 số liên tiếp; bản thông báo phát hành và bản cáo bạch chính thức cũng phải được đăng tải trên website của tổ chức phát hành và Sở Giao dịch chứng khoán nơi niêm yết/đăng ký giao dịch chứng khoán (nếu có).
Cũng theo Thông tư này, công ty đại chúng chỉ được thay đổi việc mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; thay đổi này phải được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 24 giờ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/12/2015.

Giao thông:

10. CHU KỲ KIỂM TRA PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt đã được Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 05/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2016.

Theo Thông tư này, phương tiện giao thông đường sắt sẽ được kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ theo phương thức kiểm tra từng phương tiện; riêng phương tiện đường sắt đô thị được kiểm tra từng phương tiện và khi được ghép thành đoàn tàu. Thời điểm kiểm tra được thực hiện theo chu kỳ.

Cụ thể, đối với hệ thống đường sắt quốc gia, phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng dưới 30 năm được kiểm tra theo chu kỳ 14 tháng với toa xe khách; 18 tháng với đầu máy, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng có động cơ và 20 tháng với toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không có động cơ, tương ứng với toa xe khách; với phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng từ 30 năm trở lên, chu kỳ kiểm tra định kỳ là 12 tháng; 15 tháng và 15 tháng tương ứng với toa xe khách; đầu máy, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng có động cơ và toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không có động cơ; riêng phương tiện đang khai thác ít sử dụng, chu kỳ kiểm tra 24 tháng áp dụng đối với đầu máy không dùng kéo tàu và toa xe công vụ, nhiệm sở.

Đối với đường sắt đô thị, phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng dưới 15 năm có chu kỳ kiểm tra là 12 tháng và phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng từ 15 năm trở lên thì chu kỳ kiểm tra là 09 tháng.

Tương tự, đối với đường sắt chuyên dùng, phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng dưới 30 năm, chu kỳ kiểm tra định kỳ là 18 tháng; phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng từ 30 năm trở lên chu kỳ kiểm tra là 15 tháng.

Ngoài việc kiểm tra định kỳ theo chu kỳ nêu trên, các phương tiện giao thông đường sắt còn có thể được kiểm tra bất thường theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi phương tiện bị tai nạn hoặc khi có khiếu nại về chất lượng, an toàn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải và khai thác phương tiện.

Khoa học-Công nghệ:

11. TỔ CHỨC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ KHÔNG CÔNG KHAI VIỆC GIẢI THỂ SẼ BỊ XỬ PHẠT

Ngày 05/11/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 20/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Theo hướng dẫn của Thông tư, tổ chức khoa học công nghệ sẽ bị xử phạt hành chính nếu có một trong các hành vi như: Không có quyết định giải thể hoặc quyết định giải thể không có đủ các nội dung chủ yếu; trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải thể không gửi quyết định giải thể tới cơ quan đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; không niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện; không đăng quyết định giải thể trên ít nhất một tờ báo in ở địa phương trong 03 số liên tiếp hoặc trên trang tin điện tử của  Bộ, ngành hoặc tỉnh nơi đặt trụ sở chính… Mức xử phạt đối với những hành vi nêu trên được quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 93/2014/NĐ-CP là từ 04 - 08 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức khoa học và công nghệ không gửi báo cáo định kỳ tình hình hoạt động trước ngày 15/12 hàng năm tới cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ; không báo cáo, cung cấp tài liệu, giải thích các vấn đề liên quan đến tình hình hoạt động khi được cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ yêu cầu… cũng được coi là hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt từ 01 - 02 triệu đồng (theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 93/2014/NĐ-CP).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2015.

Chính sách kinh tế-xã hội:

12. DN CHẾ XUẤT ĐƯỢC BÁN VÀO THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA TÀI SẢN THANH LÝ

Có hiệu lực từ ngày 25/12/2015, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, cho phép doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại.

Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa, không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; đối với hàng hóa quản lý bằng giấy phép, phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng cho phép doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam.

Đặc biệt, từ ngày 25/12/2015, không bắt buộc doanh nghiệp chế xuất được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp, khu chế xuất doanh nghiệp chế xuất. Khi đó, doanh nghiệp có thể bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của mình hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

13. ĐẾN NĂM 2020, CẢ NƯỚC CÓ 125 CẢNG CÁ

Nhằm hình thành những đầu mối giao lưu quan trọng với quốc tế làm động lực phát triển các khu công nghiệp thủy sản, khu kinh tế ven biển, các trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm; đáp ứng nhu cầu neo đậu và dịch vụ hậu cần cho tàu cá và từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…, ngày 12/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch này đề ra mục tiêu đến năm 2020, toàn quốc có 125 cảng cá, bao gồm: 35 cảng cá loại I, 90 cảng cá loại II, đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,25 triệu tấn/năm và 140 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 98.310 tàu cá.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, nhiệm vụ được nêu tại Quy hoạch là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; thực hiện thu phí tại cảng cá, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân quản lý cảng cá có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, sửa chữa, duy tu các công trình của cảng cá. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh của cảng cá; áp dụng cơ chế chuyển nhượng quyền sử dụng đất các cảng cá nằm trong khu đô thị nhưng phải chuyển đổi mục đích sử dụng, di dời theo quy hoạch.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là khoảng 36.400 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 là 16.800 tỷ đồng, dùng để đầu tư xây dựng các cảng cá trong các trung tâm nghề cá lớn, các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại các đảo, khu vực miền Trung, các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đang đầu tư xây dựng dở dang; giai đoạn 2021 - 2025 là 13.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 là 6.600 tỷ đồng, dùng để đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại quần đảo Hoàng Sa, các cảng cá còn lại và nâng cấp, mở rộng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hiện có.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 57
Trong ngày: 334
Trong tuần: 909
Lượt truy cập: 1592095
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com