Doanh nghiệp:

  1. 1.      DN NHÀ NƯỚC PHẢI CÔNG BỐ CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG, THƯỞNG TRÊN WEBSITE

Theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/09/2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp (DN) Nhà nước, DN Nhà nước phải xây dựng báo cáo về chế độ tiền lương, tiền thưởng và thực hiện công bố định kỳ trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của DN; đồng thời gửi báo cáo tới cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hai cơ quan này sẽ thực hiện công bố báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của DN trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của DN.

Bên cạnh việc công bố chế độ tiền lương, thưởng, DN Nhà nước còn phải định kỳ công bố các thông tin về: Chiến lược phát triển của DN; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm và hàng năm; báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 03 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN hàng năm; báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của DN; báo cáo tài chính 06 tháng và cả năm của DN.

Đặc biệt, DN phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước và công bố công khai thông tin về các sự kiện bất thường như: Tài khoản của DN bị phong tỏa; tạm ngừng hoạt động kinh doanh; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy phép thành lập; thay đổi người quản lý DN; có quyết định kỷ luật, khởi tố, có bản án, quyết định của tòa án đối với một trong số những người quản lý DN… Các sự kiện bất thường này phải được báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước trong vòng 24 giờ và được công bố trên cổng hoặc trang điện tử của DN, ấn phẩm (nếu có), niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của DN trong vòng 36 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự kiện.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2015; thay thế Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg ngày 18/06/2014.

  1. 2.      MOBIFONE CÓ HAI NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT

Tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Viễn thông MobiFone (sau đây gọi là MobiFone) ban hành kèm theo Quyết định số 1524/QĐ-BTTTT ngày 14/09/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định người đại diện theo pháp luật của MobiFone là Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone và Tổng Giám đốc MobiFone, thay vì chỉ có Tổng Giám đốc MobiFone như trước đây.

Chủ tịch Hội đồng thành viên sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của MobiFone theo quy định; đại diện cho MobiFone trong quan hệ với tổ chức Đảng, đoàn thể, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, Tổng Giám đốc thực hiện nhiệm vụ điều hành hoạt động hàng ngày của MobiFone; đại diện cho MobiFone với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án; đại diện cho MobiFone trong quan hệ lao động… Do nhiệm vụ, quyền hạn tách biệt, Chủ tịch Hội đồng thành viên không được kiêm Tổng Giám đốc. 

Một điều chỉnh khác của Điều lệ này là quy định danh sách các công ty liên kết của MobiFone chỉ bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong. Trước đây, ngoài 02 ngân hàng này, các công ty liên kết của MobiFone còn bao gồm Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công nghệ và Truyền thông; và Công ty cổ phần Quảng cáo, Truyền thông đa phương tiện.

Bên cạnh đó, vốn điều lệ của MobiFone vẫn được quy định như cũ, là 15.000 tỷ đồng. Khi tăng vốn điều lệ, MobiFone phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, công bố vốn điều lệ đã điều chỉnh và làm các thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 3.      GIẢM LÃI SUẤT TIỀN GỬI BẰNG USD CÒN TỐI ĐA 0,25%/NĂM

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định số 1938/QĐ-NHNN ngày 25/09/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014, thay thế Quyết định số 2172/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014.

Cụ thể, từ ngày 28/09/2015, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức giảm từ 0,25%/năm xuống còn 0%/năm; mức lãi suất này không áp dụng với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trường hợp cá nhân gửi tiền bằng đô la Mỹ, mức lãi suất tối đa được áp dụng là 0,25%/năm, giảm 0,5%/năm so với quy định trước đây.

Với lãi suất bằng tiền gửi đô la Mỹ có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân phát sinh trước ngày 28/09/2015, được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn; hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được áp dụng các mức lãi suất nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/09/2015.

  1. 4.      XÁC ĐỊNH CHI PHÍ LẬP QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC TỈNH

Ngày 16/09/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2015/TT-BCT quy định phương pháp xác định mức chi phí lập, thẩm định, công bố, điều chỉnh và quản lý quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ, có hiệu lực từ ngày 02/11/2015.

Trong đó, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm hợp phần quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV và hợp phần quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV; quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ gồm quy hoạch tại các tỉnh có quy mô công suất từ 50MW trở xuống.

Theo Thông tư, mức chi phí lập quy hoạch được xác định trên cơ sở định mức chi phí lập quy hoạch và quy mô công suất, khối lượng quy hoạch; chưa bao gồm các chi phí liên quan đến công tác phí, chi phí khảo sát, đo vẽ, mua bản đồ và tài liệu điều tra cơ bản, chi phí thỏa thuận địa điểm xây dựng quy hoạch và thuế giá trị gia tăng. Trường hợp mức lương cơ sở thay đổi, mức chi phí lập quy hoạch được xác định điều chỉnh tương ứng theo hệ số K = 0,7 x k1 + 0,3; k1là hệ số thay đổi mức lương cơ sở, bằng mức lương cơ sở thay đổi tương ứng tại thời điểm tính toán chia cho mức lương cơ sở tương ứng tại Thông tư này là 1,15 triệu đồng/tháng.

Thông tư này thay thế Quyết định số 3836/2005/QĐ-BCN ngày 22/11/2005.

Xuất nhập khẩu:

  1. 5.      KIỂM TRA HÀNG HÓA XUẤT, NHẬP KHẨU BẰNG MÁY SOI CONTAINER

Theo Quy định về kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng máy soi container được ban hành kèm theo Quyết định số 2760/QĐ-TCHQ ngày 22/09/2015 của Tổng cục Hải quan, soi chiếu hàng hóa qua máy soi container là biện pháp kiểm tra, đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan; nhằm xác định các nghi vấn về tính đồng nhất của hàng hóa, chủng loại hàng hóa so với khai báo, phát hiện hàng hóa buôn lậu, khai báo xuất khống và các mặt hàng cấm xuất, nhập khẩu làm cơ sở để thông quan hoặc đề xuất áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hải quan.

Hàng hóa được lựa chọn kiểm tra qua máy soi container để phát hiện các rủi ro về buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế bao gồm: Rủi ro về khai sai chủng loại, tính đồng nhất của hàng hóa xuất, nhập khẩu; rủi ro về hàng hóa buôn lậu, khai báo xuất khống hoặc một số hàng hóa gian lận về số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu; cất giấu hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất, nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Quy định cũng yêu cầu công chức bộ phận máy soi container phải được đào tạo và được cấp Giấy chứng nhận về an toàn bức xạ và chứng chỉ sử dụng vận hành máy soi của cơ quan có thẩm quyền hoặc của hãng máy soi.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 22/09/2015; thay thế Quyết định số 4288/QĐ-TCHQ ngày 26/12/2013.

 Thông tin-Truyền thông:

  1. 6.      CUNG ỨNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

Có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2015, Quyết định số 45/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/09/2015 về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí quy định dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ được cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, bao gồm dịch vụ bưu chính phổ cập; dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ đặc thù khác trong lĩnh vực bưu chính.

Trong đó, dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ cơ bản, có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 2kg, gồm dịch vụ thư cơ bản trong nước, dịch vụ thư cơ bản từ Việt Nam đi các nước và từ các nước đến Việt Nam.

Dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí bao gồm: Dịch vụ phát hành Báo Nhân dân; Báo Quân đội Nhân dân; Tạp chí Cộng sản và báo của các Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua mạng bưu chính công cộng.

Các dịch vụ này được cung ứng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và giá cước dịch vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí có trách nhiệm duy trì, quản lý, khai thác hệ thống các bưu cục, điểm bưu điện - văn hóa xã, thùng thư công cộng và các hình thức khác…, đáp ứng yêu cầu theo quy định.

 Chính sách kinh tế-xã hội:

  1. TĂNG THỜI LƯỢNG PHÁT SÓNG VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

Ngày 22/09/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1635/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/06/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Với mục tiêu nâng cao ý thức và nhận thức của toàn dân về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chương trình hành động này giao trách nhiệm cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong đó chú trọng vào các buổi tối (khung giờ từ 18 giờ đến 21 giờ 30 phút).

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy để lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường, cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học.

Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chương trình yêu cầu tập trung chỉ đạo xây dựng chiến lược phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp, thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao. Đặc biệt, phải xây dựng phương án chuyển các cơ sở sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất đã cũ, lạc hậu hoặc sử dụng nhiều năm gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như sản xuất, chế biến gỗ; sang chiết gas, xăng dầu, hóa chất… ra khỏi khu dân cư.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Cơ cấu tổ chức:

  1. 8.      CỤC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐƯỢC CÓ TỐI ĐA 3 PHÓ CỤC TRƯỞNG

Quyết định số 1689/QĐ-BTP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Cục) vừa được Bộ Tư pháp ban hành ngày 21/09/2015, thay thế Quyết định số 1989/QĐ-BTP ngày 17/08/2009.

Quyết định này nêu rõ, Cục là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý Nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về trợ giúp pháp lý theo quy định. Cục có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Với chức năng như trên, Cục có nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi tình hình pháp luật thuộc lĩnh vực trợ giúp pháp lý trong phạm vi cả nước, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý; ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý; kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý đối với tổ chức, cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định; xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý; quản lý, hướng dẫn việc huy động và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ cho công tác trợ giúp pháp lý…

Về cơ cấu tổ chức, Cục được lãnh đạo bởi Cục trưởng và tối đa 03 Phó Cục trưởng; trong đó, Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục; Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Cục. Cục có 05 đơn vị trực thuộc, gồm: Văn phòng Cục; Phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; Phòng Quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý; Phòng Tài chính - Kế toán; Trung tâm Thông tin, dữ liệu trợ giúp pháp lý.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Tư pháp-Hộ tịch:

  1. BỒI DƯỠNG CHO NGƯỜI ĐƯỢC MIỄN ĐÀO TẠO NGHỀ CÔNG CHỨNG

Chương trình bồi dưỡng nghề công chứng cho những người được miễn đào tạo nghề công chứng vừa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành tại Quyết định số 1697/QĐ-BTP ngày 23/09/2015 nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Chương trình kéo dài trong 03 tháng, tương đương 13 tuần với tổng thời lượng là 325 tiết, được chia làm 03 phần: Những vấn đề chung về công chứng và hành nghề công chứng; Kỹ năng công chứng; Thực tế, thực tập tại các phòng, văn phòng công chứng; trong đó, tập trung chủ yếu vào thực hành tình huống, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp; chú trọng công việc thực tế, thực tập tại các phòng, văn phòng công chứng, phù hợp với nội dung học tập để người học làm quen với môi trường làm việc.

Chương trình được tổ chức cho những người được miễn đào tạo nghề công chứng, bao gồm: Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật và các đối tượng khác có nhu cầu.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

10. MIỄN, GIẢM ÁN PHÍ CHO NGƯỜI LẬP CÔNG LỚN

Đây là nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/09/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, để được xét miễn, giảm thi hành án, người thi hành án phải thi hành được ít nhất một phần năm mươi khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết định của tòa án. Trường hợp đã được giảm một phần hình phạt tiền mà lại phạm tội mới thì chỉ được xét giảm tiếp khi đã thi hành được một phần hình phạt tiền chung theo quy định về giảm mức hình phạt tiền đã tuyên.

Tương tự, người đã tích cực thi hành được một phần án phí nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài, bị giảm sút, mất thu nhập, mất toàn bộ hoặc phần lớn tài sản do tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hay sự kiện bất khả kháng khác dẫn đến không đảm bảo hoặc chỉ đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cho bản thân và người họ có trách nhiệm nuôi dưỡng từ 12 tháng trở lên hoặc đã có hành động giúp cơ quan Nhà nước phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm, cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hay sự kiện bất khả kháng khác… cũng sẽ được miễn phần án phí, tiền phạt còn lại.

Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/05/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2015.


 

Đang truy cập: 30
Trong ngày: 193
Trong tuần: 777
Lượt truy cập: 1591907
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com