Doanh nghiệp:
- 1. RÚT NGẮN THỜI GIAN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DN CÒN 3 NGÀY
Thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) được giảm từ 05 ngày xuống còn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ là một trong những nội dung nổi bật tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về đăng ký DN, có hiệu lực từ ngày 01/11/2015.
Đồng thời, Nghị định cũng cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức đăng ký DN qua mạng điện tử. Hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số công cộng hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh của người đại diện theo pháp luật của DN. Riêng với trường hợp đăng ký DN sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh, sau khi nhận được thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, người đại diện theo pháp luật của DN phải nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký DN bằng bản giấy kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử đến Phòng Đăng ký kinh doanh. Nếu quá 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ bằng bản giấy thì hồ sơ đăng ký điện tử của DN không còn hiệu lực.
Vẫn trên tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định này quy định DN có quyền quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu của DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, và đặc biệt DN còn có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, thay đổi, hủy mẫu và thay đổi số lượng con dấu, DN phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh.
Về mã số DN, Nghị định chỉ rõ, mỗi DN được cấp một mã số DN duy nhất, mã số này chỉ đồng thời là mã số thuế của DN, không còn đồng thời là mã số đăng ký kinh doanh như trước đây. Mã số DN tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của DN và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác; khi DN chấm dứt hoạt động thì mã số DN cũng sẽ chấm dứt hiệu lực.
Đầu tư:
- 2. NHÀ ĐẦU TƯ ĐẤU GIÁ CỔ PHẦN THEO LÔ KHÔNG PHẢI CHÀO MUA CÔNG KHAI
Có hiệu lực từ ngày ký, Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/09/2015 về việc bán cổ phần theo lô quy định một số nội dung về việc thoái vốn Nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết, được tổ chức trên Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ là đại diện chủ sở hữu.
Tại Quyết định, Thủ tướng khẳng định việc bán cổ phần theo lô phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán trên cơ sở phương án bán theo lô được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, phương án bán cổ phần theo lô phải có các nội dung cơ bản về số lô cổ phần bán đấu giá, số lượng cổ phần của mỗi lô, giá khởi điểm của lô cổ phần bán đấu giá, tiêu chí nhà đầu tư tham gia đấu giá, phương án xử lý trường hợp đấu giá không thành công. Bán cổ phần theo lô có thể chia thành nhiều lô khác nhau để bán đấu giá tùy theo số lượng cổ phần và tình hình thị trường, nhưng mỗi một phiên đấu giá chỉ bán 01 lô cổ phần, số lượng cổ phần của 01 lô không được thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty cổ phần. Đặc biệt, các nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần theo lô sẽ không phải thực hiện chào mua công khai theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cũng theo Quyết định này, số lượng cổ phần nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được mua không bị hạn chế. Tuy nhiên, để được tham gia mua cổ phần theo lô, nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp; có phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có; hỗ trợ doanh nghiệp để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới
Xuất nhập khẩu:
- 3. CHỈ ĐƯỢC NHẬP KHẨU 1 Ô TÔ, 1 XE MÁY LÀM QUÀ BIẾU MỖI NĂM
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC ngày 11/09/2015 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
Cụ thể, mỗi năm mỗi tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được nhập khẩu 01 xe ô tô và 01 xe máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng theo hình thức quà biếu, quà tặng.
Đối với xe máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu, xe phải mới 100%, chưa qua sử dụng; bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; xe phải thuộc loại được phép đăng ký, lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu, tạm nhập khẩu không đăng ký, lưu hành để làm mẫu, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, triển lãm, nghiên cứu, thử nghiệm.
Về chuyển nhượng, tặng, cho xe máy, ô tô đã tạm nhập khẩu miễn thuế, Thông tư quy định, người Việt Nam định cư tại nước ngoài là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề về nước làm việc trong thời gian từ 01 năm trở lên theo lời mời của cơ quan Nhà nước Việt Nam; chuyên gia nước ngoài tham gia quản lý, thực hiện các chương trình, dự án ODA tại Việt Nam và các cá nhân được nhập khẩu, tạm nhập khẩu ô tô, xe máy theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng trong thời hạn ít nhất 30 ngày trước khi kết thúc thời hạn công tác tại Việt Nam theo xác nhận của cơ quan chủ quản hoặc trước khi chuyển giao xe cho đối tượng nhận chuyển nhượng đối với chủ xe là tổ chức.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/10/2015.
Thương mại:
- 4. TP.HCM: ĐẠI LÝ INTERNET ĐƯỢC MỞ CỬA TỪ 8 GIỜ - 22 GIỜ
Ngày 14/09/2015, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND quy định về thời gian hoạt động của đại lý Internet và điểm truy nhập Internet công cộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Quyết định này chỉ rõ, đại lý Internet và điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet được phép hoạt động hàng ngày từ 08 giờ sáng đến 22 giờ đêm hàng ngày. Riêng thời gian hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và điểm công cộng khác không cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân theo giờ mở, đóng cửa của địa điểm kinh doanh.
Đồng thời, tất cả các đại lý Internet và điểm truy nhập Internet công cộng trên địa bàn Thành phố phải niêm yết công khai thời gian mở, đóng cửa hoạt động hàng ngày tại địa điểm kinh doanh.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/09/2015.
Giao thông:
- KHÔNG XẾP HÀNG CAO QUÁ 1,5M TRÊN XE MÁY
Ngày 07/09/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ, cấm xếp hàng hóa, hành lý trên xe máy vượt quá bề rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng 0,5m, cao quá 1,5m tính từ mặt đường xe chạy.
Đồng thời, cấm xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe chở khách hoặc vượt phía trước, phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe, quá 0,4m về mỗi bên bánh xe với trường hợp xe là xe thô sơ. Tương tự, chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được phê duyệt và không lớn hơn 20m. Khi chở hàng có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe, phải có báo hiệu; hàng hóa phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Cũng theo Thông tư này, xe tải có chiều dài lớn hơn 20m hoặc 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe; chiều rộng lớn hơn 2,5m và chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2m (trừ xe chở container) được coi là xe quá khổ giới hạn. Tổ chức, cá nhân là chủ xe hoặc điều khiển xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn trên đường bộ phải có Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2015.
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:
- 6. DẠY KHÔNG ĐỦ SỐ GIỜ HỌC, PHẠT ĐẾN 10 TRIỆU ĐỒNG
Tại Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ khẳng định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp lên tới 150 triệu đồng với tổ chức và 75 triệu đồng với cá nhân.
Cụ thể, mức phạt tiền đối với hành vi không dạy đủ số giờ học theo quy định của chương trình đào tạo của 01 môn học hoặc mô-đun dao động từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng tùy từng mức độ; trong đó, mức phạt thấp nhất từ 300.000 đồng - 500.000 đồng được áp dụng với hành vi vi phạm dưới 5% số giờ học, đối với các hành vi vi phạm từ 10% đến dưới 15% số giờ học, từ 15% đến dưới 20% số giờ học và từ 20% số giờ học trở lên, mức phạt tiền lần lượt là 01 - 03 triệu đồng, 03 - 05 triệu đồng và 05 - 10 triệu đồng; mức phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng được áp dụng với hành vi sử dụng giáo trình, tài liệu không đúng quy định.
Với hành vi sử dụng giáo viên, giảng viên dạy thêm giờ vượt quá 1/2 số giờ tiêu chuẩn của năm học hoặc quá 1/3 số giờ tiêu chuẩn của năm học đối với người làm công tác quản lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy, mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về xử phạt đối với hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định. Theo đó, mức phạt đối với hành vi buộc thôi học không đúng quy định dưới 03 người học dao động từ 01 - 03 triệu đồng; 03 - 05 triệu đồng đối với hành vi buộc thôi học không đúng quy định từ 03 đến dưới 05 người học và từ 05 - 10 triệu đồng trường hợp từ buộc thôi học không đúng quy định từ 05 người học trở lên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2015.
- GIÁO VIÊN MẦM NON ĐƯỢC HƯỞNG LƯƠNG THEO BẰNG CẤP
Ngày 14/09/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non. Theo đó, chức danh giáo viên mầm non trong các trường mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được phân thành 03 hạng: Hạng II, hạng III và hạng IV.
Hạng IV là những giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên; có trình độ ngoại ngữ bậc 1 và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng cơ bản; làm nhiệm vụ trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và chịu trách nhiệm về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở nhóm, lớp được phân công phụ trách… Giáo viên mầm non hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06).
Hạng III gồm những giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở lên; có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng cơ bản. Ngoài những nhiệm vụ như giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên mầm non hạng III còn phải làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa tại các lớp bồi dưỡng giáo viên mầm non cấp trường trở lên; đề xuất các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ (khối) chuyên môn; tham gia ban giám khảo các hội thi, đánh giá sáng kiến kinh nghiệm của cấp học mầm non cấp trường trở lên… Giáo viên mầm non hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89).
Hạng II là những giáo viên có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm mầm non trở lên; có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng cơ bản… Giáo viên mầm non hạng II thực hiện những nhiệm vụ như giáo viên hạng III và hạng IV, ngoài ra, phải tham gia biên tập hoặc biên soạn nội dung tài liệu bồi dưỡng giáo viên mầm non cấp huyện trở lên; tham gia bồi dưỡng cho giáo viên cấp trường trở lên; tham gia đoàn đánh giá ngoài, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp huyện trở lên… Giáo viên mầm non hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2015.
Bảo hiểm:
- 8. HỖ TRỢ 30% BHYT CHO NGƯỜI THUỘC HỘ CẬN NGHÈO
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/09/2015 về việc giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHYT được giao cho Thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM trong năm 2016 lần lượt là 79,7%, 91,9% và 76,4%; đến năm 2017, tỷ lệ này tăng lên 81,6%, 92,8% và 79,1%...
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân tham gia và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT; huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; vận động và hỗ trợ để học sinh, sinh viên, hộ gia đình có mức sống trung bình mua BHYT, góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHYT.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chính sách kinh tế-xã hội:
- 9. BỒI DƯỠNG ĐẾN 500.000 ĐỒNG/THÁNG VỚI CÁN BỘ QUẢN LÝ ĐỐI TƯỢNG HIV/AIDS
Đây là nội dung của Quyết định số 43/2015/QĐ-TTg quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, khám chữa bệnh với đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/09/2015.
Theo đó, cán bộ y tế, trinh sát, trực trại, trực cơ sở, khám xét, giáo dục, giáo vụ, quản giáo, cảnh sát bảo vệ - cơ động tại các trạm giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và nhà tạm giữ; giáo viên dạy văn hóa, giáo viên chủ nhiệm lớp trong các trường giáo dưỡng thuộc lực lượng công an nhân dân, tiếp xúc với những đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS sẽ được bồi dưỡng 500.000 đồng/người/tháng.
Đối với trưởng phân trại, phó trưởng phân trại, trưởng phân khu, phó trưởng phân khu, trưởng phân hiệu, phó trưởng phân hiệu; đội trưởng, phó đội trưởng và các chức danh tương đương; cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm các công việc còn lại tại các trạm giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và nhà tạm giữ, tiếp xúc với đối tượng nhiễm HIV/AIDS, mức bồi dưỡng là 400.000 đồng/người/tháng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2015; bãi bỏ Quyết định số 22/2003/QĐ-TTg ngày 30/01/2003.
Tư pháp-Hộ tịch:
10. THAY ĐỔI MỨC BỒI DƯỠNG VỚI LUẬT SƯ THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Từ ngày 10/11/2015, luật sư trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước bằng hình thức tham gia tố tụng sẽ được bồi dưỡng 500.000 đồng/buổi làm việc hoặc được khoán chi theo vụ việc với mức bồi dưỡng từ 03 - 10 tháng lương cơ sở tùy từng vụ việc là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 80/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 17/09/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý.
Cũng từ ngày này, chế độ bồi dưỡng vụ việc với người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng thay đổi đáng kể. Cụ thể, thay vì quy định mức bồi dưỡng chung bằng 20% mức bồi dưỡng áp dụng đối với cộng tác viên như quy định hiện hành, theo Nghị định mới này, mức bồi dưỡng đối với trợ giúp viên pháp lý được chia thành 02 mức khác nhau; trong đó mức bồi dưỡng bằng 40% mức bồi dưỡng đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước đi xác minh các tình tiết của vụ việc hoặc phục vụ cho yêu cầu của hoạt động trợ giúp pháp lý được áp dụng khi trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng; mức bồi dưỡng bằng 20% mức bồi dưỡng đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước được áp dụng khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định thay đổi về cơ quan cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Theo đó, Học viện Tư pháp sẽ thay cho Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người có bằng Cử nhân luật, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư và người đã từng là luật sư hoặc được miễn khóa đào tạo nghề luật sư, đang làm việc tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, được cử tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2015.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |