Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 1.      XÁC ĐỊNH CHI PHÍ TIỀN LƯƠNG TRONG GIÁ SẢN PHẨM

Ngày 14/07/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Theo đó, tiền lương được xác định căn cứ vào định mức lao động và tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và lao động quản lý tham gia thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích (như: Chủ tịch Hội đồng quản trị; thành viên Hội đồng quản trị; Kiểm soát viên; Tổng giám đốc...). Trong đó, định mức lao động do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh ban hành và phải bảo đảm mức trung bình tiên tiến.

Đơn vị thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích có trách nhiệm xác định tiền lương được hưởng, tạm ứng tiền lương theo khối lượng, chất lượng và tiến độ thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích; thực hiện trả lương cho người lao động theo quy chế trả lương và đánh giá tình hình thực hiện tiền lương theo hợp đồng hoặc quyết định đặt hàng, giao kế hoạch năm trước liền kề, báo cáo đến Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trước ngày 31/01 hàng năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2015.

Đất đai-Nhà ở:

  1. 2.      THAY ĐỔI HỆ SỐ ĐIỀU CHỈNH GIÁ ĐẤT NĂM 2015 TẠI TP.HCM

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND ngày 14/07/2015 quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2015 trên địa bàn Thành phố.

Trong đó đáng chú ý là quy định ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng đối với từng khu vực và mục đích sử dụng đất thay vì chỉ theo vị trí, khu vực như trước đây. Cụ thể, từ ngày 24/07, hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng đối với đất kinh doanh dịch vụ, thương mại, tài chính, nhà hàng, khách sạn, nhà ở cho thuê và văn phòng làm việc tại quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận 11, quận Tân Bình và quận Phú Nhuận là 2,0. Đối với đất cùng mục đích sử dụng tại quận 6, quận 7, quận Gò Vấp; quận 2, quận 8, quận 9, quận Bình Tân; huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ lần lượt là 1,8; 1,6; 1,4 và 1,2...

Trường hợp khu đất, thửa đất thực hiện nghĩa vụ tài chính có vị trí tiếp giáp từ 02 mặt tiền đường trở lên, trong đó, đường có tên trong Bảng giá đất thì hệ số điều chỉnh giá đất được tính tăng thêm 10% với các hệ số nêu trên; với khu đất, thửa đất có hệ số sử dụng đất từ 6,0 đến dưới 8,0 lần thì tính tăng hệ số điều chỉnh giá đất thêm 5% so với hệ số giá đất theo quy định.

Riêng đối với hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với diện tích đất ở vượt hạn mức, hệ số điều chỉnh giá đất bằng 01 lần giá đất do UBND Thành phố quy định và công bố.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/07/2015.

  1. 3.      SẼ CÓ NHÀ CHUNG CƯ CÔNG VỤ DIỆN TÍCH SỬ DỤNG TỪ 25 - 45M2

Theo Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ, sẽ có nhà chung cư công vụ tại đô thị với diện tích sử dụng tối thiểu từ 25 - 45m2 thay vì từ 45 - 50m2 như trước.

Tương tự với căn hộ tại khu vực nông thôn, diện tích sử dụng tối thiểu theo quy định mới là từ 25 - 30m2, giảm 05m2 so với tiêu chuẩn trước đây (diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ công vụ tại nông thôn theo quy định cũ là 30 - 35m2).

Về tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ, Thủ tướng quy định, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được sử dụng biệt thự loại A với diện tích đất từ 450 - 500m2; biệt thự loại B, diện tích đất từ 350 - 400m2 được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên. Các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 đến dưới 0,7; chuyên viên chính; giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; Thiếu tá, Đại úy trong các lực lượng vũ trang được bố trí căn hộ chung cư loại 4 (diện tích sử dụng từ 60 - 70m2) ở đô thị hoặc căn nhà loại 2 (diện tích sử dụng từ 55 - 65m2) tại khu vực nông thôn...

Trường hợp không đủ loại nhà ở công vụ để bố trí theo tiêu chuẩn, cơ quan quản lý nhà ở công vụ xem xét bố trí cho thuê nhà; người thuê nhà ở công vụ phải trả tiền thuê kể cả khi diện tích sử dụng thực tế vượt hoặc thấp hơn tiêu chuẩn nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/08/2015.

  1. 4.      KHUNG GIÁ DỊCH VỤ NHÀ CHUNG CƯ TẠI HÀ NỘI TỐI ĐA LÀ 16.500 ĐỒNG/M2

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3206/QĐ-UBND ngày 09/07/2015 về việc công bố khung giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn Thành phố; có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và thay thế Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 16/06/2014.

Theo đó, khung giá dịch vụ nhà chung cư không có thang máy dao động từ 450 đồng/m2 đến 5.000 đồng/m2, với nhà chung cư có thang máy là từ 800 đồng/m2 đến 16.500 đồng/m2 (chưa bao gồm các dịch vụ cao cấp như tắm hơi, bể bơi, sân tennis hoặc các dịch vụ cao cấp khác). Có thể thấy, khung giá này vẫn không thay đổi so với khung giá được quy định tại Quyết định số 3185/QĐ-UBND năm 2014.

Căn cứ vào khung giá nêu trên của UBND Thành phố, Ban Quản trị nhà chung cư quyết định giá dịch vụ nhà chung cư; trong trường hợp chưa thành lập được Ban Quản trị, phải được sự chấp thuận bằng văn bản của trên 50% số hộ dân cư đang cư trú tại đây.

Cũng theo hướng dẫn của Quyết định này, trường hợp có nguồn thu từ kinh doanh các dịch vụ khác thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư phải được tính để bù đắp chi phí dịch vụ nhà chung cư nhằm mục đích giảm giá dịch vụ nhà chung cư.

Đầu tư:

  1. 5.      ĐẤU THẦU QUỐC TẾ VỚI DỰ ÁN NHIỆT ĐIỆN CÓ TỪ 2 NHÀ ĐẦU TƯ BOT

Ngày 13/07/2015, Bộ Công Thương đã ra Thông tư số 23/2015/TT-BCT ban hành Quy định trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), có hiệu lực từ ngày 01/09/2015.

Theo quy định tại Thông tư này, các dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện thuộc Danh mục Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia chưa xác định chủ đầu tư, có từ 02 nhà đầu tư BOT trở lên đăng ký tham gia và dự án thuộc Danh mục Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ chỉ định sẽ phải đấu thầu quốc tế.

Đối với các dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện khác như: Dự án do nhà đầu tư BOT đề xuất, không thuộc Danh mục Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, được Thủ tướng phê duyệt; dự án thuộc Danh mục Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia chỉ có 01 nhà đầu tư BOT đăng ký tham gia được Thủ tướng Chính phủ chỉ định hoặc chấp thuận sẽ được chỉ định chủ đầu tư BOT mà không phải tổ chức đấu thầu như trên.

Cũng theo Thông tư này, trong vòng 30 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận đầu tư, chủ đầu tư BOT phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư và thành lập doanh nghiệp BOT, hoàn chỉnh các nội dung cần bổ sung để ký chính thức các tài liệu dự án trong thời hạn 30 ngày từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Về chế độ báo cáo, Thông tư quy định, trong quá trình xây dựng nhà máy nhiệt điện, doanh nghiệp BOT phải lập báo cáo tháng gửi Tổng cục Năng lượng và các cơ quan có thẩm quyền vào ngày 05 hàng tháng; nội dung báo cáo bao gồm: Tiến độ công việc đã thực hiện; các vấn đề tồn tại, đề xuất, kiến nghị (nếu có) và kế hoạch dự kiến tháng tiếp theo...

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. NGÂN HÀNG ĐƯỢC MUA NỢ KHI CÓ TỶ LỆ NỢ XẤU DƯỚI 3%

Từ 01/09/2015, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận tại Giấy phép thành lập và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước. Đó là nội dung mới tại Thông tư số 09/2015/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 17/07/2015 quy định về hoạt động mua, bán nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tương tự, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của TCTD chỉ được mua nợ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, TCTD khác khi TCTD mẹ có tỷ nệ lợ xấu dưới 3%, trừ khi mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ trước khi thực hiện mua, bán nợ và không được bán nợ cho công ty con của mình, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của TCTD mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Đặc biệt, nghiêm cấm bên bán nợ mua lại các khoản nợ đã bán.

Về quản lý ngoại hối trong hoạt động mua, bán nợ, Thông tư yêu cầu các bên phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam khi thực hiện mua, bán nợ và thu hồi khoản nợ được mua. Theo đó, khi sử dụng đồng tiền mua nợ là ngoại tệ, bên mua nợ là người không cư trú phải sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam hoặc tài khoản ngoại tệ của bên mua nợ ở nước ngoài để thực hiện thanh toán tiền mua nợ và các chi phí liên quan.

Thông tư này thay thế Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN ngày 21/12/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2015.

Xuất nhập khẩu:

  1. 7.      ƯU TIÊN KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH VỚI MẶT HÀNG KHUYẾN KHÍCH XUẤT KHẨU

Trước tình trạng thời gian thông quan hàng hóa nước ta vẫn còn cao; một số thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK) còn nhiều bất cập và chậm cải cách; lực lượng kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn mỏng, phương tiện còn thiếu, hiệu quả chưa cao..., ngày 14/07/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tăng cường kiểm tra trọng tâm, trọng điểm đối với hàng hóa có nguy cơ cao ảnh hưởng đến dịch bệnh, sức khỏe người dân, an ninh xã hội và môi trường; ưu tiên và tạo thuận lợi về kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng Nhà nước khuyến khích xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất nhưng trong nước chưa sản xuất được. Bộ Tài chính được yêu cầu phối hợp, rà soát, trước ngày 30/09/2015, công bố Danh mục hàng hóa XNK theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành kèm theo mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam và Biểu thuế XNK hiện hành; công bố Danh mục hàng hóa rủi ro trong quản lý Nhà nước về hải quan; đồng thời phải công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của Bộ, ngành đối với hàng hóa XNK qua biên giới, thời gian giải quyết trên mạng Internet và niêm yết tại trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.

Đặc biệt, trong quý IV năm 2015, thực hiện công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa hoặc giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng nhập khẩu của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận và hàng từ những nước, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ, Nhật, Canada, Úc... 

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 8.      THAY ĐỔI ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP SƠ CẤP

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/07/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; thay thế các quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề trình độ sơ cấp quy định tại Thông tư số 29/2011/TT-BLĐTBXH ngày 24/10/2011.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Cụ thể, cơ sở đào tạo nghề phải có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với nghề, quy mô và trình độ đào tạo; trong đó, diện tích phòng học lý thuyết, phòng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy đều phải đảm bảo mức bình quân ít nhất là 04m2/người học; trong khi trước đây, diện tích này chỉ tối thiểu là 1,3m2/người học với phòng học lý thuyết và 2,5m2/người học với phòng học thực hành. Cơ sở đào tạo nghề cũng phải có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm; tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 20 học sinh/giáo viên; riêng với các nghề yêu cầu về năng khiếu, tỷ lệ này tối đa là 15 học sinh/giáo viên. Ngoài ra, cơ sở đào tạo nghề phải có đủ chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo theo quy định.

Thông tư này cũng yêu cầu cơ sở đào tạo nghề phải đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp khi tăng quy mô tuyển sinh của từng nghề vượt từ 10% trở lên so với quy mô tuyển sinh được cấp trong Giấy chứng nhận; mở nghề mới; thành lập phân hiệu/cơ sở đào tạo mới có tổ chức hoạt động đào tạo; chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu/cơ sở đào tạo đến nơi khác mà trụ sở chính, phân hiệu/cơ sở đào tạo này là nơi trực tiếp tổ chức đào tạo…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2015.

Bảo hiểm:

  1. 9.      HƯỚNG DẪN KHÁM, CHỮA BỆNH BHYT VÀO NGÀY NGHỈ, NGÀY LỄ

Ngày 02/07/2015, Liên bộ Y tế và Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC sửa đổi khoản 5 Điều 13 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT).

Cụ thể, nếu như trước đây, Liên bộ Y tế và Tài chính quy định chỉ trong trường hợp quá tải, cơ sở y tế phải tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ, người khám, chữa bệnh mới được Quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT, thì kể từ ngày 01/09/2015, người khám, chữa bệnh vẫn được hưởng quyền lợi này khi cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ không phải vì lý do quá tải.

Tuy nhiên, trước khi tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh, cơ sở y tế phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn và công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được Quỹ BHYT chi trả, thông báo trước cho người bệnh khi người bệnh phải tự chi trả phần chi phí ngoài phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2015.

Xuất nhập cảnh:

10. GIẢM THỜI GIAN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT NHẬP CẢNH CÒN 5 NGÀY

Từ ngày 20/08/2015, thời gian cấp Giấy phép xuất nhập cảnh sẽ được giảm từ 06 ngày xuống còn 05 ngày làm việc là nội dung quy định tại Thông tư số 31/2015/TT-BCA ngày 06/07/2015 của Bộ Công an hướng dẫn một số nội dung về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp Giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, Giấy phép xuất nhập cảnh có thời hạn 03 năm; trường hợp bị mất, hư hỏng sẽ được xem xét cấp lại. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép xuất nhập cảnh bao gồm: Tờ khai đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép xuất nhập cảnh; bản chụp thẻ thường trú kèm theo bản chính để đối chiếu; đơn giải trình có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về thời gian đã tạm trú tại Việt Nam (trường hợp chưa được giải quyết cho thường trú)...

Cũng theo Thông tư này, người nước ngoài thuộc diện được cấp thẻ tạm trú phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân đã mời, bảo lãnh trực tiếp làm thủ tục cấp thẻ tạm trú tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú. Thời gian cấp thẻ tạm trú là 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ; thẻ có thời hạn từ 01 - 05 năm và ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.

Thông tư này thay thế Thông tư số 45/2011/TT-BCA ngày 29/06/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/08/2015.


 

Đang truy cập: 57
Trong ngày: 234
Trong tuần: 816
Lượt truy cập: 1591960
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com