Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất bổ sung trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân. Vấn đề này hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, cho đến thời điểm này, việc quy định TNHS của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự là cần thiết, bên cạnh đó, có luồng ý kiến cho rằng không nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại thời điểm này.

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, việc truy cứu TNHS chỉ đặt ra đối với cá nhân (con người cụ thể).

Dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này đề xuất bổ sung TNHS của pháp nhân (các điều 2, 3, 6, 8 và các điều thuộc Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân phạm tội).

Có nhiều ý kiến cho rằng, cho đến thời điểm này, việc quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS là cần thiết, vì những lý do sau:

Thứ nhất, tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, nhất là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống an lành của người dân và gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, mặc dù chúng ta đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính và có quy định trong pháp luật dân sự, kinh tế để người dân, cơ quan, tổ chức kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân có hành vi vi phạm, nhưng trên thực tế, các quy định này còn bất cập, kém hiệu quả. Điều này dẫn đến trên thực tế có tình trạng pháp nhân coi thường pháp luật, ngang nhiên vi phạm. Mặt khác, mức phạt tiền trong Luật Xử lý vi phạm hành chính còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Mức tối đa áp dụng đối với pháp nhân không vượt quá 2 tỷ đồng. Với mức phạt này, nhiều pháp nhân, nhất là các pháp nhân là các tập đoàn lớn hoặc các công ty đa quốc gia có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Hơn nữa, dưới khía cạnh bảo vệ người dân (đối tượng bị gây thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân gây ra), thủ tục kiện đòi bồi thường thiệt hại của người dân đối với pháp nhân phức tạp, nên người dân khó có điều kiện để bảo vệ quyền lợi của mình như: Quy định về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại (nguyên nhân, mức độ thiệt hại) thuộc về bản thân bị hại, hay quy định buộc người bị hại phải nộp một khoản tiền án phí dân sự. Khoản tiền này trong một số trường hợp cũng là không nhỏ đối với người dân.

Thứ ba, việc quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân là xu thế chung trên thế giới. Hiện nay trên thế giới có 119 nước quy định TNHS đối với pháp nhân. Hiệp hội các nước Đông Nam Á là 5 nước, một nước đang xem xét quy định. Trong xu thế đó, nếu ta không quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS thì  sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong việc xử lý pháp nhân vi phạm. Cụ thể: các pháp nhân Việt Nam ra nước ngoài làm ăn mà vi phạm có thể bị truy cứu TNHS, bị phạt rất nặng, trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, làm ăn tại Việt Nam dù vi phạm đến mức nào, theo quy định hiện này cũng chỉ bị phạt cao nhất là 2 tỷ đồng.

Thứ tư, theo truyền thống lập pháp của ta, đối với các vi phạm nhỏ, mức độ nguy hiểm thấp thì chúng ta xử phạt vi phạm hành chính. Đối với các vi phạm có mức độ nguy hiểm cao thì chúng ta coi là tội phạm và áp dụng chế tài hình sự để xử lý. Tuy nhiên, đối với hành vi luôn có mức độ nguy hiểm cao như: phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia, tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, tài trợ khủng bố là nghĩa vụ quốc tế bắt buộc của nước ta với tư cách là quốc gia thành viên Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, thành viên Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) thì luôn xác định là tội phạm mà không bị xử phạt hành chính. Do đó, nếu không quy định TNHS của pháp nhân, thì không thể xử lý được các pháp nhân khi thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

Thứ năm, để giảm thiểu tác động tiêu cực khi áp dụng hình phạt tước giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ vĩnh viễn hoạt động của pháp nhân, dự thảo BLHS quy định đối với pháp nhân phạm tội chủ yếu áp dụng hình phạt tiền. Việc áp dụng hình phạt tước giấy phép hoạt động của pháp nhân chỉ đặt ra trong hai trường hợp: 1- Pháp nhân phạm tội gây hậu quả hoặc đe dọa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng của nhiều người, đến môi trường và trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra không có khả năng khắc phục trên thực tế; 2- Pháp nhân sử dụng giấy phép hoặc đăng ký kinh doanh làm vỏ bọc để thực hiện một trong các tội phạm quy định tại Điều 76 của dự thảo Bộ luật này.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng không nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại thời điểm này vì: Hiện nay chúng ta đã có các chế tài xử phạt vi phạm hành chính, hoặc cơ chế kiện đòi bồi thường thiệt hại trong tố tụng dân sự, kinh tế để xử lý các pháp nhân vi phạm.

Thêm vào đó, theo quan niệm truyền thống lập pháp hình sự của ta thì Bộ luật hình sự chỉ truy cứu TNHS đối với cá nhân có hành vi phạm tội; việc quy định TNHS của pháp nhân trong Bộ luật hình sự sẽ không phù hợp với quan niệm truyền thống về khoa học luật hình sự Việt Nam của ta là chỉ truy cứu TNHS đối với cá nhân.

Ngoài hình phạt tiền, việc áp dụng hình phạt tước giấy phép hoạt động đối với pháp nhân trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và góp ý về vấn đề này tại đây.


 

Đang truy cập: 5
Trong ngày: 51
Trong tuần: 421
Lượt truy cập: 1590196
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com