Doanh nghiệp:
- 1. ĐIỀU CHỈNH VỐN ĐIỀU LỆ CỦA TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM TẠI CÁC DOANH NGHIỆP
Đây là nội dung chính của Quyết định số 1011/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 03/07/2015 về việc điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2012 - 2015.
Cụ thể, Quyết định chỉ rõ, từ năm 2015 đến hết năm 2017, thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp của PVN và chuyển đổi Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn thành Công ty TNHH hai thành viên, PVN nắm giữ 51% vốn điều lệ hoặc cổ phẩn hóa Công ty, PVN nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ (trước đây là 75%). Cũng trong giai đoạn này, thực hiện thoái vốn của PVN tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam xuống còn 36% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, điều chỉnh tỷ lệ vốn của PVN nắm giữ tại Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí lên 51% thay cho mức 36% trước đây; tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn lên 29% thay cho mức 18% trước đây. Đồng thời, tiếp tục nắm giữ 25,34% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí. Cũng theo Quyết định này, từ năm 2015 đến hết năm 2016, PVN xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam; nghiên cứu việc tổ chức lại tất cả các đơn vị đóng mới, sửa chữa phương tiện nổi trong Tập đoàn để đề xuất mô hình tổ chức phù hợp, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và tránh cạnh tranh nội bộ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Thuế-Phí-Lệ phí:
- 2. THÍ ĐIỂM SỬ DỤNG HÓA ĐƠN XÁC THỰC TỪ THÁNG 6/2015
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/06/2015 về việc thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, khẳng định sẽ thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế (sau đây gọi là hóa đơn xác thực) cho một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội từ tháng 06/2015 đến hết năm 2016.
Để được đăng ký sử dụng hóa đơn xác thực, doanh nghiệp phải được cấp mã số thuế, đang hoạt động; có chứng thư số theo quy định của pháp luật và hoạt động ở địa bàn có khả năng truy cập, sử dụng mạng Internet. Trong thời hạn 03 ngày làm việc từ khi đăng ký, cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông báo tới địa chỉ thư điện tử của doanh nghiệp về việc chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn xác thực; đồng thời thông báo tin về tài khoản cấp 1 và mật khẩu của doanh nghiệp; trường hợp không chấp nhận phải thông báo lý do theo quy định của pháp luật.
Việc lựa chọn doanh nghiệp để cấp mã xác thực hóa đơn theo mô hình cấp mã xác thực phân tán căn cứ vào một số tiêu chí cụ thể như: Chấp hành tốt pháp luật thuế; tự nguyện đăng ký tham gia; có số lượng hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ từ 100.000 hóa đơn/tháng trở lên; có phần mềm lập hóa đơn riêng tích hợp được với thiết bị cấp mã xác thực hóa đơn đặt tại doanh nghiệp...
Cũng theo Quyết định này, trước khi sử dụng hóa đơn xác thực, doanh nghiệp phải truy cập phần mềm xử lý hóa đơn của Tổng cục Thuế để đăng ký phát hành hóa đơn xác thực; thông tin đăng ký phát hành bao gồm: Tên loại, ký hiệu, mẫu số hóa đơn; ngày bắt đầu sử dụng, số lượng hóa đơn thông báo phát hành và phần mềm sử dụng để lập hóa đơn xác thực.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:
- 3. ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỪ 15 - 60 TUỔI
Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Cụ thể, thay vì quy định chung chung đối tượng được ưu tiên đào tạo nghề như trước đây (bao gồm lao động nông thôn là người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo...), Quyết định đã quy định chi tiết hơn về đối tượng được đào tạo nghề theo Đề án, cụ thể chỉ đào tạo đối với lao động nông thôn từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi (hoặc 55 tuổi đối với nữ), có trình độ học vấn, sức khỏe phù hợp với nghề cần học, trong đó, người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại xã hoặc có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi.
Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (bao gồm cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp) chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất; thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học. Đồng thời, cần tổ chức lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án, chương trình, nhất là chương trình phổ biến, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho cộng đồng.
Dự kiến, giai đoạn 2016 - 2020, sẽ đào tạo được cho 06 triệu lao động nông thôn, trong đó khoảng 5,5 triệu lao động được đào tạo nghề; 500.000 cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
- 4. NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI PHẢI PHÂN LOẠI NỢ 1 NĂM/LẦN
Ngày 01/07/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 976/QĐ-TTg ban hành Quy chế phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội phải có giải pháp và thường xuyên thực hiện việc thu thập, khai thác thông tin, số liệu về khách hàng để theo dõi, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, có biện pháp quản lý rủi ro, quản lý chất lượng tín dụng phù hợp và thực hiện phân loại nợ theo quy định.
Theo đó, định kỳ 01 năm/lần vào ngày 31/12 hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện phân loại nợ theo chương trình cho vay; theo thời hạn cho vay; theo trạng thái nợ; theo hình thức bảo đảm tiền vay; theo nguồn vốn cho vay; theo hình thức cho vay và đơn vị nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội; phân loại nợ theo khu vực cho vay; theo dân tộc và theo ngành nghề kinh tế. Riêng đối với phân loại nợ theo khả năng trả nợ của khách hàng, chỉ phải thực hiện phân loại định kỳ 03 năm/lần hoặc theo nhu cầu thực tế của Ngân hàng.
Trong đó, phân loại nợ theo khả năng trả nợ của khách hàng được thực hiện dựa trên việc đánh giá khả năng trả nợ và phân tích nguyên nhân không có khả năng trả nợ của khách hàng đối với từng khoản vay trên nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng giữa các khách hàng vay vốn; tiêu chí phân loại nợ theo dân tộc được phân loại theo các dân tộc có số dân từ 01 triệu người trở lên, căn cứ kết quả điều tra dân số trong từng thời kỳ theo quy định...
Việc phân loại nợ được thực hiện theo dư nợ thực tế của từng khoản nợ; đối với những khoản nợ phải chuyển nợ quá hạn một phần theo phân kỳ trả nợ thì chỉ phần dư nợ bị chuyển nợ quá hạn được tính là nợ quá hạn, phần dư nợ còn lại vẫn được tính là nợ trong hạn.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
- 5. ĐƯỢC NỘP BẢN SAO GIẤY TỜ KHI XIN CẤP PHÉP THÀNH LẬP NGÂN HÀNG
Đây là một trong những nội dung mới được quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-NHNN ngày 30/06/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Theo quy định tại Thông tư này, thay vì phải nộp các bản sao giấy tờ, văn bằng được chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại; Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài..., từ ngày 13/08/2015, cá nhân, tổ chức có thể nộp các bản sao không được chứng thực hay được cấp từ sổ gốc, nhưng phải xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu; đồng thời, phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung quy định về cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại; Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài... Trong đó khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện cấp đổi đối với các nội dung hoạt động mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép thực hiện tại thời điểm cấp đổi.
Giấy phép được cấp đổi vòng 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và đầy đủ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thay thế tất cả các Giấy phép, chấp thuận mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó trước thời điểm cấp đổi. Sau khi được cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung hoạt động vào Giấy phép, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm công bố những thay đổi của Giấy phép trên phương tiện thông tin của Ngân hàng Nhà nước và 01 tờ báo viết hằng ngày trong 03 số liên tiếp hoặc báo điện tử Việt Nam trong 07 ngày làm việc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/08/2015.
- 6. NĂM 2016, DỰ TOÁN THU TỪ THUẾ, PHÍ CHIẾM 18 - 19% GDP
Đó là mục tiêu được Bộ Tài chính nêu tại Thông tư số 102/2015/TT-BTC ngày 30/06/2015 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Cụ thể, Bộ khẳng định dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2016 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2015, dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2016…; phấn đấu đạt mục tiêu huy động vào ngân sách Nhà nước năm 2016 từ thuế, phí khoảng 18 - 19% GDP; dự toán thu nội địa (không kể thu từ tiền sử dụng đất) tăng bình quân tối thiểu từ 15% trở lên; dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 6 - 8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2015…
Về xây dựng dự toán chi, Bộ yêu cầu ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); vốn đối ứng cho các dự án ODA; thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn ngân sách đã ứng trước; bố trí vốn cho những công trình hoàn thành trước 31/12/2015 nhưng còn thiếu vốn, các công trình chuyển tiếp cần rà soát phạm vi, quy mô đầu tư phù hợp với mục tiêu và khả năng đối vốn. Đặc biệt, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách đáp ứng đủ các điều kiện như: Nằm trong quy hoạch được duyệt; đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách; chậm nhất đến ngày 31/10/2015 được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/08/2015.
Văn hóa-Thể thao-Du lịch:
- 7. CÔNG KHAI GIÁ DỊCH VỤ TẠI CÁC KHU DU LỊCH
Theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, các ban quản lý, chủ các khu, điểm du lịch phải công khai điện thoại và bộ phận chức năng trực 24/24 giờ để tiếp nhận và giải quyết kịp thời những phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch và các vấn đề phát sinh.
Đồng thời, nhằm tạo bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, bán hàng tại các khu du lịch, điểm du lịch, điểm dừng chân trên các tuyến du lịch thực hiện niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; các doanh nghiệp lữ hành thực hiện đúng chương trình du lịch theo hợp đồng đã ký kết, đảm bảo chất lượng dịch vụ.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm rà soát, tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch khác kinh doanh không phép hoặc không đúng giấy phép, không niêm yết giá và thu cước không theo giá đã niêm yết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che để chủ taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch khác kinh doanh không phép trên địa bàn. Đặc biệt, không để người ăn xin lang thang ở các khu, điểm du lịch; xử lý triệt để tình trạng giả danh người ăn xin, gây phiền hà cho khách du lịch; đối với người có hoàn cảnh khó khăn, tập trung bố trí về nơi quy định và có biện pháp hỗ trợ phù hợp...
Chính sách kinh tế-xã hội:
- 8. ĐẾN 2020, TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG DỊCH VỤ LOGISTICS ĐẠT 24 - 25%
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/07/2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối thiểu hóa chi phí và bổ sung giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 24 - 25%, tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn nền kinh tế là 10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%, giảm thiểu chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 20%...
Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics phải dựa trên cơ sở dung lượng thị trường dịch vụ logistics phục vụ cho phát triển lưu thông hàng hóa, sản xuất, tiêu dùng và xuất, nhập khẩu của các khu vực, vùng miền trong cả nước; bảo đảm quy mô nhu cầu phải đủ lớn, mức độ tập trung cao, có khả năng phát triển ổn định, lâu dài; phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khác của vùng và địa phương.
Dự kiến, ở miền Bắc sẽ hình thành và phát triển 07 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 01 trung tâm logistics chuyên dụng gắn liền với cảng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế. Trong đó, có 01 trung tâm hạng I ở phía Bắc Hà Nội và 01 trung tâm hạng II ở phía Nam Hà Nội...
Để đạt được những mục tiêu trên, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục thuận lợi hóa các thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện cho các hàng hóa xuất, nhập khẩu và quá cảnh qua Việt Nam, từ đó phát triển các loại hình vận chuyển hàng hóa đa phương thức và hình thành các trung tâm trung chuyển hàng hóa mang tầm khu vực và quốc tế tại Việt Nam; đồng thời, sẽ bố trí quỹ đất phù hợp dành cho phát triển hệ thống trung tâm logistics; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án có vị trí kinh doanh thuận lợi.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
- 9. XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH HỌC PHÍ TRƯỚC NĂM HỌC MỚI
Trước tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp tác động trực tiếp tới tăng trưởng khu vực nông nghiệp; việc triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước..., ngày 02/07/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 06 năm 2015.
Tại Nghị quyết, Chính phủ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia bảo đảm mục đích, yêu cầu đặt ra, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh; bảo đảm chất lượng tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học 2015; đồng thời chỉ đạo các địa phương xem xét kỹ phương án điều chỉnh học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trước năm học mới, hạn chế tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá theo hướng ổn định; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài...
Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu rà soát, phân loại các điều kiện kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh trái pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh...
10. GIAI ĐOẠN 2015 - 2020, TỔNG MỨC BÁN LẺ HÀNG, DỊCH VỤ MIỀN NÚI ĐẠT 10 - 12%
Nhằm phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu đặc trưng, tiềm năng, lợi thế của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu; giai đoạn 2015 - 2020, mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt khoảng 10 - 12%; số lượng thương nhân, doanh nghiệp có năng lực tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo mỗi năm tăng trung bình 8 - 10%..., ngày 30/06/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo từ năm 2015 đến hết năm 2020, với các nội dung chính về khuyến khích phát triển thương nhân, các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; khuyến khích phát triển mặt hàng là lợi thế phát triển; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo...
Cụ thể, khuyến khích đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ đối với hàng hóa là lợi thế phát triển của vùng; xây dựng, thiết lập hệ thống dịch vụ kho bãi, gia công, chế biến, bao bì, đóng gói, nhãn mác, giao nhận, vận chuyển hàng hóa, tài chính, ngân hàng; xây dựng hệ thống kho hàng tại các hải đảo; khuyến khích địa phương kêu gọi hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ từ các nguồn kinh phí của các tổ chức, đơn vị hợp tác...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Cơ cấu tổ chức:
11. SỞ CÔNG THƯƠNG ĐƯỢC CÓ TỐI ĐA 3 PHÓ GIÁM ĐỐC
Đây là nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BCT-BNV do Liên bộ Công Thương, Nội vụ ban hành ngày 30/06/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo đó, từ ngày 14/08/2015, thay vì cho phép Sở Công Thương TP. Hà Nội và TP. HCM được có tối đa 04 Phó Giám đốc như trước, Thông tư quy định tất cả các Sở Công Thương chỉ được có tối đa 03 Phó Giám đốc; Phó Giám đốc Sở Công Thương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
Về tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ, ngoài Văn phòng, Thanh tra, Phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp, Phòng Quản lý thương mại..., Sở Công Thương có thể tổ chức thêm Phòng Quản lý năng lượng, Phòng Quản lý Đầu tư và Hợp tác quốc tế hoặc Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu. Các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp; Trung tâm Xúc tiến thương mại (chỉ thành lập khi không có Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Về biên chế công chức, Thông tư quy định, biên chế công chức, biên chế sự nghiệp của Sở được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.
Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 07/2008/TTLT-BCT-BNV ngày 28/05/2008 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/08/2015.
Nông nghiệp-Lâm nghiệp:
12. 16 GIỐNG VẬT NUÔI ĐƯỢC SẢN XUẤT, KINH DOANH TẠI VIỆT NAM
Ngày 01/07/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT về Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Thông tư này, có 16 giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, gồm: Ngựa, bò; trâu; lợn; dê; cừu; gà; vịt; ngan; ngỗng; thỏ; chim bồ câu; chim cút; đà điểu; ong; tằm. Trong đó có các giống nội như bò Vàng, bò H’Mông, bò U đầu rìu, bò Phú Yên; lợn Ỉ, lợn Móng Cái, lợn Mường Khương, lợn Mán, lợn Lang Hồng, lợn Thuộc Nhiêu, lợn Ba Xuyên; dê Cỏ, dê Bách Thảo; Gà Ri, gà Mía, gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Tàu vàng, gà Tre, gà Chọi (hoặc Đá hoặc Nòi), gà Tè, gà Ác, gà H’Mông, gà nhiều cựa Phú Thọ, gà Tiên Yên, gà Ri Ninh Hòa; ngan Dé, Trâu, Sen…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/08/2015.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |