Thuế-Phí-Lệ phí:
- 1. GIẢM THUẾ NHẬP KHẨU NHIÊN LIỆU DIESEL CÒN 10%
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư số 78/2015/TT-BTC ngày 20/05/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, từ ngày 21/05/2015 sẽ chính thức giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nhiên liệu diesel, dầu diezel sinh học (B5, B10) từ 12% xuống còn 10%. Tương tự, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với dầu nhiên liệu là 10%, giảm 3% so với quy định hiện hành; với các kerosine khác là 13%, giảm 7% so với trước đây. Đây là lần thứ 4 trong năm, Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nhiên liệu diesel.
Trước đó, ngày 27/04/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 61/2015/TT-BTC, điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi từ 20% xuống còn 12% đối với nhiên liệu diesel, dầu diezel sinh học (B5, B10) và từ 25% xuống còn 13% đối với dầu nhiên liệu.
Thông tư này thay thế Thông tư số 61/2015/TT-BTC ngày 27/04/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/05/2015.
Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:
- 2. TĂNG MỨC BỒI DƯỠNG VỚI NGƯỜI BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20/05/2015 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong đó đáng chú ý là những điều chỉnh về chế độ bồi dưỡng dành cho đối tượng này.
Cụ thể, nếu như trước đây, mức bồi dưỡng luyện tập đối với người làm việc trong nghệ thuật biểu diễn chỉ dao động từ 10.000 đồng/ngày - 20.000 đồng/ngày thì theo Quyết định này, mức bồi dưỡng luyện tập đã tăng lên mức từ 35.000 đồng/buổi tập - 80.000 đồng/buổi tập, tuỳ từng vị trí công việc. Tương tự, mức bồi dưỡng biểu diễn cũng đã tăng đáng kể, từ mức 20.000 đồng/buổi diễn - 50.000 đồng/buổi diễn lên mức từ 80.000 đồng/buổi diễn - 200.000 đồng/buổi diễn.
Trong đó, diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu là 200.000 đồng/buổi diễn; diễn viên chính thứ, nhạc công chính thứ, kỹ thuật viên chính âm thanh, ánh sáng là 160.000 đồng/buổi diễn; diễn viên phụ, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc là 120.000 đồng/buổi diễn; nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, phục trang, đạo cụ và nhân viên phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng là 80.000 đồng/buổi diễn.
Về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, Quyết định chỉ rõ, mức phụ cấp 20% được áp dụng với người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng; diễn viên tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối nước, nhạc kịch, vũ kịch, kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể…; 15% áp dụng đối với người chỉ huy dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; diễn viên kịch câm, hát dân ca, múa rối cạn, múa rối đương đại, múa dân gian dân tộc, múa hát cung đình; người biểu diễn nhạc cụ dây, gõ; kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng… Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính bằng mức phụ cấp nêu trên nhân với mức lương cơ sở và nhân với hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng (bao gồm cả hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và % phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/07/2015.
Đất đai-Nhà ở:
- 3. ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020
Trước tình trạng quản lý sử dụng đất, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án thiếu cơ sở pháp lý, gặp nhiều khó khăn, làm mất nhiều cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước..., ngày 20/05/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tiến hành rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất và đề xuất các công trình, dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 của ngành, lĩnh vực theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/05/2015 để cân đối lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia.
Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cung cấp dự báo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2016 - 2020 làm cơ sở để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia; rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, sân golf; quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu đến năm 2020 và đề xuất danh mục các công trình, dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ quản lý theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm rà soát quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2020; quy hoạch phát triển các khu đô thị, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu chế xuất trên phạm vi cả nước đến năm 2020 và các chương trình, dự án khác có liên quan đến sử dụng đất; đề xuất danh mục các công trình, dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ quản lý theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh...
Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
- 4. HƯỚNG DẪN LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH NĂM 2015
Ngày 18/05/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 75/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 128 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
Theo hướng dẫn của Thông tư này, doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ (báo cáo tài chính quý và bán niên) được lựa chọn lập báo cáo tài chính giữa niên độ năm 2015 theo quy định tại Quyết định số 15/2016/QĐ-BTC ngày 20/3/2006. Riêng báo cáo tài chính của năm 2015 phải tuân theo theo quy định của Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014.
Tương tự như trước đây, Thông tư này cũng quy định trước khi Chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chuẩn mực kế toán công cụ tài chính được ban hành, khuyến khích đơn vị trình bày và thuyết minh về công cụ tài chính theo quy định của Thông tư số 210/2009/TT-BTC ngày 06/11/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/07/2015.
- 5. HƯỚNG DẪN CHI BỒI THƯỜNG, TÁI ĐỊNH CƯ KHI THU HỒI ĐẤT
Theo Thông tư số 74/2015/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài chính ban hành ngày 15/05/2015, nguồn kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án.
Riêng đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án, tiểu dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường được lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án theo khối lượng công việc thực tế và mức trích không khống chế tỷ lệ 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án...
Mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; đối với các nội dung chi chưa có tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, UBND cấp tỉnh có thể căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quy định cho phù hợp. Các chi phí này bao gồm: Chi kiểm kê, đánh giá đất đai, tài sản thực tế bị thiệt hại; chi cho công tác xác định giá đất; chi thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chi phí niêm phong, phá, tháo dỡ, vận chuyển tài sản; di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan ra khỏi khu đất cưỡng chế, chi thuê địa điểm, nhân công, phương tiện bảo quản tài sản và các chi phí thực tế hợp pháp khác...
Thông tư này thay thế Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16/04/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:
- 6. NGƯỜI ĐƯỢC CỬ TUYỂN PHẢI CÓ 3 NĂM HỌC THPT TẠI VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN
Theo Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/05/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế… của đơn vị sự nghiệp công lập cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học và cao đẳng.
Một nội dung đáng chú ý của Nghị định là quy định bổ sung điều kiện được hưởng chế độ cử tuyển. Cụ thể, ngoài việc phải đáp ứng điều kiện thường trú từ 05 năm liên tục trở lên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người được hưởng chế độ cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp còn phải có thời gian 03 năm học trung học phổ thông tại trường đóng tại địa phương đó; riêng người có thời gian 04 năm trung học cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng có thể được cử tuyển vào trung cấp.
Cũng theo Nghị định này, thời gian tối đa người học theo chế độ cử tuyển phải chờ thông báo xét tuyển tăng lên 12 tháng, thay vì 06 tháng như trước đây. Nếu quá thời hạn 12 tháng không nhận được thông báo xét tuyển thì người học không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo. Ngoài ra, nhằm đảm bảo công bằng, khách quan và minh bạch, UBND cấp tỉnh được giao trách nhiệm thông báo công khai kế hoạch cử tuyển trước 12 tháng tính đến thời gian nhận hồ sơ đăng ký cử tuyển trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/07/2015.
- 7. LẬP TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÓ VỐN ĐẦU TỪ NƯỚC NGOÀI PHẢI CÓ TỪ 100 TỶ ĐỒNG
Ngày 15/05/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong đó đáng chú ý là nội dung về các điều kiện cho phép đầu tư thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, dự án đầu tư thành lập trường trung cấp, cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư xin mở phân hiệu của trường trung cấp, cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 100 triệu đồng/người học (không bao gồm các chi phí sử dụng đất); tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính tại thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất nhưng không thấp hơn 100 tỷ đồng. Dự án đầu tư thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 60 triệu đồng/người học. Riêng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất đạt 70% các mức nêu trên. Đồng thời, cơ sở giáo dục phải có diện tích đất để xây dựng đạt bình quân ít nhất 25m2/người học đối với trường trung cấp, cao đẳng và 04m2/người học đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp; có ký túc xá, câu lạc bộ, nhà ăn và các công trình phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hóa…
Đặc biệt, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động từ 20 năm trở lên tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và được UBND cấp tỉnh đồng ý giao đất, cho thuê đất; các cơ sở đăng ký hoạt động dưới 20 năm không phải xây dựng cơ sở vật chất riêng, nhưng phải có hợp đồng thuê trường, lớp, nhà xưởng và ổn định trong thời gian tối thiểu 05 năm. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có số lượng nhà giáo cơ hữu để đảm nhận ít nhất 60% khối lượng chương trình của mỗi chuyên ngành, nghề đào tạo; tại trường cao đẳng, trung cấp phải có tỷ lệ nhà giáo có trình độ sau đại học không ít hơn 15% tổng số nhà giáo.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.
Thông tin-Truyền thông:
- 8. ƯU TIÊN TRIỂN KHAI CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/05/2015 ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm 06 cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đất đai quốc gia; đăng ký doanh nghiệp; thống kê tổng hợp về dân số; tài chính và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị chủ quản khác có trách nhiệm xác định đặc điểm, thuộc tính dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc không chồng lấn thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia đã hoạt động; cung cấp hồ sơ, tài liệu mô tả thiết kế, yêu cầu chức năng của cơ sở dữ liệu quốc gia và các giải pháp kỹ thuật áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho Bộ Thông tin và Truyền thông để theo dõi, tổng hợp.
Đồng thời, cần thường xuyên rà soát, hiệu chỉnh, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua quy trình, thủ tục hành chính, bảo đảm tính kịp thời, chính xác, phản ánh đầy đủ thông tin biến động và yếu tố thời gian của dữ liệu; có giải pháp đồng bộ về sao lưu, dự phòng, khắc phục sự cố, phục hồi dữ liệu, các giải pháp kỹ thuật khác về bảo đảm hiệu suất vận hành và sẵn sàng hệ thống ở mức độ cao...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; đối với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại, được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chính sách kinh tế-xã hội:
- 9. KHÔNG TĂNG BIÊN CHẾ GIÁO VIÊN MẦM NON Ở CÁC KCN
Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/05/2015 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo đó, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ ở độ tuổi mầm non tới trường, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh khi xây dựng quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn phải gắn liền với quy hoạch nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp; bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho người lao động, trong đó nhất thiết phải có một phần diện tích đất để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non. Đối với các khu công nghiệp có khó khăn về nhà ở cho người lao động, cần điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết để dành một phần diện tích đất cho việc xây dựng nhà ở cho người lao động theo quy định, trong đó có đủ diện tích để xây dựng trường, lớp mầm non.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với phí cho thuê hấp dẫn, đủ khuyến khích ở những nơi không thể phát triển cơ sở giáo dục mầm non công lập; ưu tiên ngân sách cho giáo dục mầm non trong tổng chi ngân sách địa phương được giao cho giáo dục hàng năm để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho thuê, cho mượn ở những nơi thực sự có nhu cầu cao về trường, lớp mầm non trong đó có các khu công nghiệp; đồng thời đảm bảo không tăng biên chế giáo viên mầm non..
10. ĐẾN 2020, THƯƠNG HIỆU GẠO VIỆT NAM ĐƯỢC BẢO HỘ TẠI ÍT NHẤT 50 QUỐC GIA
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/05/2015 phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch hợp tác chung giữa các cơ quan xúc tiến thương mại với doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, chất lượng gạo Việt Nam trên thị trường thế giới; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam trong nghiên cứu, đánh giá khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Thủ tướng khẳng định cần tăng cường quản lý, sử dụng và khai thác các thương hiệu gạo vùng, địa phương đã được bảo hộ; xây dựng và triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm gạo; phát triển kênh phân phối của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và ngoài nước; ưu tiên lựa chọn 03 giống đặc sản tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương hướng tới trở thành thương hiệu quốc gia, bao gồm: Giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản.
Dự kiến đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu thông qua 01 chương trình dài hạn, đồng bộ, kết hợp với quảng bá du lịch, ẩm thực, văn hóa nông nghiệp, đất nước và con người Việt Nam; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia. Phấn đấu đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; đến năm 2030, đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Cơ cấu tổ chức:
11. THÀNH LẬP VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM - HÀN QUỐC
Ngày 18/05/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2015/NĐ-CP về việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (sau đây gọi là Viện), trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc.
Viện được quy định là tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định; có trụ sở chính tại Hà Nội và được mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Viện thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghệ nguồn, nghiên cứu nâng cấp các công nghệ phục vụ các ngành công nghiệp chiến lược, then chốt; phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực; phát triển công nghệ tích hợp để thay thế công nghệ nhập khẩu và các nhiệm vụ khác theo Điều lệ tổ chức và hoạt động.
Cơ cấu của Viện gồm Hội đồng Viện - cơ quan có thẩm quyền quyết định chiến lược phát triển của Viện; Viện trưởng - người đại diện theo pháp luật của Viện; các Phó Viện trưởng; Hội đồng khoa học gồm một số nghiên cứu viên cao cấp của Viện và các nhà khoa học có uy tín. Nghị định cũng chỉ rõ, Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm và các khoản thuế phải nộp của Viện trong thời gian tối đa 10 năm.
Đồng thời, Viện được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù tương tự như đối với các trường đại học tiên tiến được thành lập trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và nước ngoài, bảo đảm khuyến khích các nhà khoa học trình độ cao là người nước ngoài, người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tiên tiến tại Viện.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2015.
Công nghiệp:
12. ĐẦU TƯ MỚI SẢN XUẤT SẢN PHẨM CAO SU PHẢI ĐƯỢC BỘ CÔNG THƯƠNG CHẤP THUẬN
Nhằm xây dựng và phát huy các nguồn lực để phát triển sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm tỷ trọng nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu, sao cho đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su đạt 750 triệu USD..., ngày 14/05/2015, Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 4665/QĐ-BCT phê duyệt “Quy hoạch phát triển sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Trên quan điểm áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các dây chuyền công nghệ đầu tư mới; sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, tận dụng các lợi thế cạnh tranh, chế tạo các sản phẩm có chất lượng cao và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số sản phẩm cao su có lợi thế cạnh tranh, đồng thời, từng bước phát triển các sản phẩm chất lượng cao, các sản phẩm ứng dụng trong các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ và thiết bị tại các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su hiện có trong nước; chú trọng nâng cao chất lượng lốp xe máy có săm và không săm; đẩy mạnh sản xuất săm ô tô, xe máy bằng cao su butyl...
Song song với khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kết hợp đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; ưu tiên đầu tư sản xuất nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm cao su dùng trong các lĩnh vực công nghệ cao, Bộ trưởng sẽ xem xét giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đối với van săm xe, màng lưu hóa và các mặt hàng trong nước sản xuất được nhưng chất lượng chưa cao và chỉ dùng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm cao su, không sử dụng được cho mục đích tiêu dùng khác. Đặc biệt, các dự án đầu tư mới, mở rộng nâng công suất cần phải có sự chấp thuận của Bộ Công Thương về chủ trương đầu tư, thị phần tiêu thụ trong nước.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |